Tình đầu
Đa số thiếu nữ vào tuổi mười tám đôi mươi, dầu đẹp sắc sảo hay đẹp thùy mị, dầu có xấu đi nữa thì ít nhất cũng có người đem lòng thương trộm nhớ thầm.
Tôi may mắn (hay rủi ro!) được trời ban cho một sắc đẹp thùy mị với khuôn mặt trái soan, hai má trắng trẻo luôn luôn ửng hồng, đôi môi thắm tươi, nhất là đôi mắt “dịu hiền đen lay láy và sâu thăm thẳm. Loại cặp mắt hồi đó bọn con trai hay bình phẩm, cặp mắt rất lôi cuốn hoặc cặp mắt mà mình nhìn vào thì thấy lạnh toát người”. Và sau này, chị Lê Thị Khoách, chị của Lê Thị Kinh bạn học cùng hai lớp A, B với tôi và là bạn đồng nghiệp với tôi tại trường trung học Phan Thanh Giản (1955–1975) đã nhiều lần nhắc lại “Phụng đã một thời là hoa khôi trường Đồng Khánh. Hồi ấy bọn Đồng Khánh mình gọi Phụng có “beauté angélique: sắc đẹp thiên thần”.

Cô Hà Phụng năm 18 tuổi (1944) khi Tế Hanh bắt đầu yêu cô
Như vậy thì có người để ý đến tôi hoặc thương trộm nhớ thầm hoặc mạnh dạn gửi thư tỏ tình cũng không có gì lạ…
- Nhớ lại Aème Année(1), vào giờ đổi tiết, Xuân Thọ đến bên tôi và bảo nhỏ “Thọ có việc này muốn kể cho Hà Phụng nghe”. Tôi nhìn Thọ hơi ngạc nhiên về thái độ vừa quan trọng, vừa bí mật. “Việc gì thế Xuân Thọ?”. Thọ nhỏ giọng: “Phụng biết không, có người yêu mi ghê gớm, hễ mình sortie(2) là chạy đến hỏi về Hà Phụng, khen Phụng đẹp dễ sợ. Tuần nào cũng vậy đó”. Tôi bèn gạt ngang “Ôi Thọ ơi, bọn mình lo học, đừng nghĩ đến chuyện ấy mất thì giờ lắm”.
Ba tháng sau Xuân Thọ lại rỉ bên tai tôi “Anh ấy lì quá, mình đã nói Phụng nó không để ý ai hết, chỉ lo học thôi. Thế mà anh ấy cứ nài nỉ Thọ kể về Phụng. Anh ấy làm thơ hay lắm được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn”. Nghe tên Tự Lực Văn Đoàn tôi nhớ đến các văn sĩ nổi tiếng Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam với những truyện như Nửa chừng xuân, Gió lạnh đầu mùa, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Thoát ly mà tôi đã xem say sưa, tôi bèn hỏi, có lẽ vì tò mò: “Anh ấy người ở đâu mà quen Thọ?”. Thọ bèn trả lời “Anh ấy là bạn của anh họ Thọ, là thi sĩ Tế Hanh đó”. Thật tình tên đó không gợi cho tôi một ý niệm gì. Là người ham sách, tôi lại thích các bài thơ Pháp của Lamartine, của Victor Hugo, còn về thơ ca Việt Nam thì chỉ đọc thơ Thế Lữ, thơ Bà Huyện Thanh Quan. Nghe Thọ thao thao bất tuyệt tôi cũng ờ ờ cho qua chuyện. Là một người sống ngăn nắp, có quy củ, có thời dụng biểu cho từng công việc, nghỉ ngơi, học hành đều có giờ giấc thì việc lãng mạn yêu đương cũng được tôi xếp với thời gian biểu: học xong, đỗ đạt như đã khao khát, ước vọng rồi mới nghĩ đến yêu, đến việc lập đời…
Tôi sẽ dùng con số đầu dòng để đánh dấu mốc thời điểm mà sợi dây tình ái, cứ vòng nọ đến vòng kia quấn vào tôi lỏng rồi chặt dần đến độ tôi bị trói và cũng không còn muốn vùng vẫy nữa để cho định mệnh an bài!
- Rồi một chủ nhật, mẹ tôi ra thăm chúng tôi. Bấy giờ anh Phan tôi cùng anh Hoàng, anh Kỹ thuê một nhà vườn nhỏ rất thơ mộng ở trên dốc Bến Ngự. Lẽ dĩ nhiên tôi “sortie” ra đó. Không biết ngày đó có gì vui mà anh Phan tôi mời độ gần 20 anh bạn đến dự cơm trưa. Tôi và mẹ tôi ngồi ở đầu bàn to nhỏ trò chuyện còn các anh thì vừa ăn vừa chọc nhau cười đùa vui vẻ. Bỗng tôi nghe: “Tế Hanh đưa dùm tau chén nước mắm”. Tế Hanh! Tế Hanh sao nghe quen thế? À Xuân Thọ…
Tò mò tôi ngẩng lên nhìn thì ở đầu bàn kia một anh đứng dậy trao chén mắm cho anh khác. Một cặp mắt đen to lồ lộ trên một khuôn mặt nước da ngăm ngăm. Tôi tự nhủ thầm “À anh chàng này đây, trông cũng được”.
Thế rồi, chiều lại trở về trường với bài vở, bạn bè, tôi không nghĩ tới nữa.
- Biết mẹ còn ở lại chơi, chủ nhật sau tôi lại ra hủ hỉ với mẹ. Chiều lại, nóng bức hai mẹ con rủ nhau đi dạo mát, rồi dừng lại ở chân dốc Bến Ngự vừa hóng mát vừa nhìn quang cảnh ở dưới ngang mặt đường. Bỗng tôi nghe tiếng “Thưa bác”, xây lại thì trước mặt tôi, anh Tế Hanh đang đứng ngượng nghịu chào mẹ tôi và cúi đầu chào tôi. Tôi cúi đầu chào lại. Rồi anh ta ngập ngừng bước lên các bậc cấp của dốc Bến Ngự. Không hiểu sao tôi quay nhìn lên thì cũng đúng lúc anh ta dừng lại nhìn về phía tôi. Trong khoảng khắc bốn mắt gặp nhau, trông anh có vẻ bối rối trong khi tôi cố thản nhiên xây lại tiếp tục câu chuyện bị bỏ dở với mẹ. Chiều, 5 giờ tôi trở về trường. Tiếp tục học, học và vui với bạn không nghĩ gì đến cặp mắt to đen nhìn mình hơi khác lạ. Vì sao? Vì tôi đã có một tình yêu lớn mà tôi vô cùng trân trọng: sách đèn, gia đình và bè bạn.
- Ngày tôi ra Huế dự kỳ thi tuyển vào lớp Première Secondaire ở Lycée(3) Khải Định, ba tôi giao cho tôi một nhiệm vụ: trao cho anh Hà Thúc Kỹ một bức thư dặn dò anh Kỹ làm một việc gì đó. Ba tôi rất mến anh Kỹ và anh Hoàng vì hai anh là bạn thân của anh Phan tôi. Sau này tôi cứ tự hỏi ba tôi có dụng ý gì không khi bảo tôi trao thư cho anh ta tuy ông cụ biết rõ tôi rụt rè, đi đâu cũng sợ.
Thi xong, tôi và thím Đáng đến Bến Ngự để tìm anh Kỹ mà không thấy. Tôi đang băn khoăn chưa biết tính sao thì thím tôi gợi ý “Mai con đến trường Khải Định xem họ yết bảng chưa. Con mang thư ba theo, gặp bạn nào của Phan thì nhờ nó trao lại”. Tôi nghe thím tôi nói có lý. Sáng ấy, tôi vội đến trường Khải Định thì được biết độ một tuần nữa mới có kết quả. Tôi sang Collège(4) Đồng Khánh, đứng trước cổng, lòng buồn buồn vì biết mình sẽ không còn sống và học dưới mái trường thân yêu này nữa… Bức thư của ba cầm trên tay tôi chưa biết tính sao, định bỏ về thì chẳng thấy ai quen, chẳng thấy ai là bạn anh Phan. Nhưng! Đúng là định mệnh an bài, anh Tế Hanh từ xa đi lại. Nhớ lời thím dặn, tôi vội bước lại thận trọng: “Xin lỗi, anh có phải là bạn anh Phan tôi không?”. Anh nhanh nhẩu: “Vâng, chị cần gì tôi có thể giúp”. Thế là tôi nhờ anh trao lại giùm tôi bức thư ba tôi gửi cho anh Kỹ và cho anh biết tôi và thím tôi ở nhà cô Đội Hoằng số 102 Gia Hội để anh báo kết quả.
Chiều mai anh trở lại gặp tôi và thím tôi để cho biết anh Kỹ đã về La Chữ và anh đã thay anh Kỹ làm những điều ba tôi nhờ anh Kỹ là đến tiệm… bảo họ sửa chữ gì trong mề đay ba tôi đã đặt làm. Thím tôi, quen việc xử thế lịch sự nên cám ơn rối rít.
Thế rồi, chúng tôi định hai ngày nữa là về Đà Nẵng nhưng nhờ ai mua vé cũng không được vì quân đội Nhật trưng dụng tàu hỏa để chở lính. Trong cơn bối rối thì anh Tế Hanh đến, nói đi ngang qua xe bị hư nhân tiện ghé vào xem thím tôi và tôi đã về chưa. Thím tôi mừng quá, nhờ anh ta mua vé giùm để thím cháu về sớm kẻo ba mẹ tôi trông. Anh hẹn chúng tôi sáng mai đến nhà anh (anh cho địa chỉ) lấy vé, anh tin tưởng mua được vì có người quen làm ở Hỏa xa. Sáng mai, hai thím cháu cùng đến tìm anh lấy vé. Nhưng thím tôi bảo xe dừng lại đầu đường để thím nhân cơ hội này vào thăm bà bạn và bảo tôi đến lấy vé rồi đến nhà bà bạn thím, hai thím cháu cùng về. Chần chừ mãi tôi không muốn đến một mình vì tính rụt rè xưa nay. Thím tôi bảo mãi tôi mới mạnh dạn đi. Thật ra chỉ một đoạn đường ngắn thôi. Trước đó anh Tế Hanh có cho tôi biết anh ở chung với anh Phan Ngô (bà con Lục Hà) và anh Nguyễn Văn Bổng. Vì vậy, vừa đến cổng gặp anh Phan Ngô đi ra, tôi chào và không ngạc nhiên. Tôi vào chỉ đứng ở ngoài hiên thôi. Sau khi trao tôi hai vé tàu, anh có ý muốn đưa tôi một đoạn đường đến tìm thím tôi. Không thể từ chối, tôi cám ơn. Nhưng đến nơi thì người nhà bạn thím tôi chạy ra nói thím tôi và bà bạn rủ nhau đi phố rồi bảo tôi về trước. Nghe vậy, anh đề nghị đưa tôi về nhà cô Đội Hoằng. Tôi từ chối vì từ đó về Gia Hội rất xa nhưng anh bảo: “Trời mát, đi bộ cho tốt”.
- Thế là lần đầu tiên tôi đi cạnh một thanh niên, tuy là bạn của anh Phan nhưng còn xa lạ với tôi… Anh tỏ ra rất đứng đắn, hỏi về học hành, về bạn bè, về các giáo sư, về ý định của tôi. Tôi cũng vui vẻ thẳng thắn trả lời. Sau cùng anh nói “Phụng nhìn xem những cây phượng đầy hoa đẹp quá!”. Rồi anh tiếp “Phụng sinh ngày nào năm nào?” Tôi trả lời tôi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1926” thì anh tiếp theo “Thế là sinh sau anh một tuần vì anh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921”.
Nói chuyện bâng quơ thì vừa đến nhà. Chiều mai khi thím tôi và tôi lên ga anh đã có mặt ở đó rồi. Thật tình tôi cũng cảm động về sự chu đáo của anh. Mà cũng nhờ có anh giúp nếu không, thím tôi và tôi cũng đành bỏ vé thôi. Nhà ga đông nghẹt người nhất là binh lính Nhật, vì vậy khi tàu đến, người ta chen lấn, người ta gọi nhau ơi ới, không cách gì bước lên toa tàu. Từ Huế về Đà Nẵng, hai thím cháu vịn vào nhau đứng suốt buổi, nghĩ lại mà còn thấy ghê ghê rợn người…
- Thế rồi một buổi sáng nọ, đi phố về tôi bỗng nghe tiếng cười nói của anh Phan, anh Đà xen lẫn với một giọng nói là lạ mà sao quen quen. Bước vào thì cũng cặp mắt to đen lồ lộ chăm chăm nhìn tôi, vẫn cái nhìn khác lạ. Tôi vội chào, bước ra, lòng bỗng bồi hồi xao xuyến… Lòng dặn lòng, tôi tự bảo “Đừng nghĩ đến nữa”. Anh ta ở lại chơi với anh Phan tôi hai ngày. Còn tôi cố tình tránh mặt, nhưng vào bữa ăn thì tình cờ sao tôi ngồi đầu bàn này còn anh ta lại ngồi đầu bàn kia và dù muốn dù không khi nhìn lên thì bốn mắt lại gặp nhau…
Trước khi về, thấy tôi đứng cạnh bàn nước anh ta bước lại và hỏi “Phụng không vào Khải Định, dự định sẽ làm gì?”. Tôi bèn trả lời “Ba tôi cho tôi nghỉ ở nhà một năm để làm học hàm thụ hai môn Toán, Pháp văn rồi sang năm tôi sẽ ra thi lại”. Anh tiếp “Tôi về thăm anh Phan, Đà và Phụng, tôi sẽ về Quảng Ngãi thăm cha mẹ tôi”. Tôi chỉ biết dạ.
Từ tháng 9 năm 1944 đến Tết năm ấy tôi học Toán với thầy Đức ở Đà Nẵng, còn Pháp văn thì lấy sách ra học, cứ hai tuần làm một bài luận rồi gửi ra anh Phan hoặc anh Đà tôi chấm, phê bình rồi gửi trả lại tôi.
…Thế rồi sáng nọ một xe du lịch nhà sang trọng dừng trước cổng nhà tôi. Trên xe bước xuống một mệnh phụ áo nhung, vòng vàng cùng hai cô gái bước vào nhà. Tôi ngồi trong phòng làm bài văn để kịp ngày mai gửi ra Huế cho anh Phan tôi chấm. Ba mẹ tôi ngồi nói chuyện với khách. Một lúc tôi thấy ba tôi bước vào và gọi tôi: “Phụng đến ba nói chuyện này”. Khi tôi bỏ bút lại gần thì ba tiếp: “Con biết bà nào đó không? Bà ấy là bà Phủ, chị ruột Hà Thúc Kỹ. Vì hai ông bà cha mẹ Kỹ đã già yếu nên bà ta đại diện gia đình đến xin con cho Kỹ. Ba nói là con đi học và tuổi cũng còn ít nhưng bà ta nói chỉ xin một lời ưng thuận, gia đình Kỹ sẽ chọn ngày tốt đến thăm nhà bỏ trầu cau. Còn việc cưới xin có kéo dài bao lâu Kỹ cũng xin chờ đợi và chìu ý. Ý con thế nào? Ba mẹ thấy gia đình Kỹ đạo đức, gia thế cũng xứng với nhà mình”. Nghe vậy tôi giãy nảy: “Ba nói là con còn muốn đi học, học cao thời gian lâu lắm. Với lại con chưa hề có một ý định cỏn con nào về việc lập gia đình. Con luôn luôn xem anh Kỹ như anh Phan, anh Đà và rất quý mến anh. Còn hứa hẹn thì không nên ba ạ. Ngày mai biết thế nào mà hứa với hẹn!”. Ba tôi nghe có lý và ra từ chối khéo với bà Phủ.
Thật y như câu nói của tôi ngày ấy. Đúng là ngày mai biết thế nào mà hứa với hẹn. Câu chuyện bà Phủ đến dạm hỏi tôi cho anh Kỹ tiếp theo đó là thư anh Kỹ gửi cho tôi. Tôi đọc cũng cảm động vì tấm tình chân thật của anh nhưng ý tôi đã quyết là chỉ nghĩ đến yêu đương, đến lập đời sau khi đã đạt ước nguyện. Tôi có trả lời ý như trên: anh là bạn thân của anh Phan, vì vậy tôi rất quý mến anh như anh Phan, anh Đà. Thật vậy cái hình ảnh mà tôi còn cố xua đuổi để chỉ chuyên tâm với việc học đạt ước mơ của mình… thì làm sao tôi có thể nghĩ đến hôn nhân trong lúc này.
- Một hôm tiếp được thư anh Phan cùng bài Pháp văn mà anh đã chấm, sửa và phê gửi về, tôi rất sung sướng vì được anh Phan phê “Bon devoir”(5). Lược qua các chỗ sai được sửa tôi thấy một nét chữ lạ ghi bằng tiếng Việt bên đoạn văn tôi làm “Hay lắm”. Thế là cũng làm tôi suy nghĩ vì tôi biết năm nay anh Phan tôi dạy ở Lycée Việt Anh, anh Hoàng về Quảng Ngãi, anh Kỹ vào học ở Đà Lạt. Vì vậy anh Phan và anh Đà tôi thuê nhà ở chung với anh Tế Hanh. Thế thì chữ của người ấy?
- Vòng này là vòng thứ tám quấn vào người tôi đây. Trung tuần tháng 12 năm 1944, tôi tiếp được một thư không ghi tên người gửi, còn tên tôi là người nhận lại đánh máy trên bì thư. Mở thư ra chỉ thấy vỏn vẹn một tấm lịch bỏ túi, không thư, không chữ. Tôi liền nghĩ đến Khánh Trang con bạn nghịch ngợm, thường gửi các bài toán ở lớp cho tôi giải. Tôi cất tấm lịch vào bóp nhỏ, định bụng tìm cách chơi lại cho nó một vố nhưng chưa nghĩ ra. Bỗng một hôm, mẹ tôi hỏi “Mùng một tết mình là mấy tây con? Có lịch mới chưa?”. Nhớ có tấm lịch ở trong bóp tôi lật tìm ngày cho mẹ tôi, bỗng tôi sững sờ khi lật sang tháng 6 thì trước ngày 20/6 và ngày 27/6 có một chấm tròn mực đỏ. Liền nghĩ đến những ngày ở Huế chờ mua vé tàu, liền nghĩ đến câu “Thế Phụng sanh sau anh một tuần…”. À, té ra tấm lịch này là của anh ta rồi!
Thế là tôi thẫn thờ không hiểu mình nữa… Sau cùng tự nhủ “Quên đi, phải cố quên đi. Phải lo học trước đã”.
Và cứ vậy tôi tự tranh đấu với chính mình mỗi khi hình ảnh ấy lại hiện về mỗi trưa và mỗi tối.
- Vòng này là vòng thứ 9 của sợi dây tình ái quấn vào tôi chặt hơn làm tôi gần như ngạt thở, nhưng vẫn còn đủ sức vùng vẫy mong được thoát ra.
Tết đến… Kiệm hẹn với tôi đến chiều mồng 3 tết sẽ cùng đi chơi. Mới hơn 2 giờ trưa mà tôi đã áo đẹp đứng chờ. Sốt ruột, tôi ra cổng đón Kiệm. Bỗng chị Đề, hình như là vị hôn thê của anh Nguyễn Văn Bổng, từ xa đi lại gần tôi và nói “Chị Phụng ơi, chị đứng chờ đó nghe, tôi có cái này trao cho chị”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì tôi chỉ biết chớ không hề quen chị. Chị đã vội vàng đi về nhà, nhà chị là nhà bà Ba Liễu ở đường Ngô Gia Tự rất gần nhà tôi. Độ 10 phút, chị trở lại, trao cho tôi một bức thư dày. Tôi hỏi “Thưa chị thư của ai?” – “Xem đi sẽ rõ”. Tôi vào nhà định xé thư xem thì Kiệm vừa đến. Tôi đi chơi với Kiệm, về nhà vừa kịp ăn chiều. Đến tối tôi mới xé thư ra. Thư ai đây? À… Thế là việc sẽ đến đã đến… Tôi còn thuộc lòng câu mở đầu: “Đến Tết này tôi vừa đúng 25 tuổi và nếu tôi không nhầm Phụng đã hai mươi. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói chuyện đứng đắn với nhau…”. Mở đầu trang nghiêm thật hợp với quan niệm tôi thời ấy, thời mà chị Diệu Hồng gõ nhẹ vào đầu tôi và bảo: “Em Phụng của chị chứa một hũ luân lý phong kiến trong đầu”. Những trang tiếp anh ta kể về gia đình anh, về suy nghĩ của anh về đời, về người, thật là đứng đắn. Một thư trân trọng tỏ tình và xin được làm một người bạn đời. Tôi tự hỏi “Có nên trả lời không? Mình còn nặng nợ học hành mà!”. Chưa biết tính sao thì thật tình tôi cũng cảm thấy có điều gì khác lạ trong lòng mình. Nhưng qua 2 ngày vẩn vơ suy nghĩ, tôi lại cắm cúi làm Toán, học đàn, để tìm một lối thoát chăng? Rồi cái gì sẽ đến đây?
Ngày 9/3/1945, ngày lịch sử: Nhật làm đảo chính giam tất cả người Pháp và gia đình lại. Chính phủ Nhật vừa lập xong đến mời ba tôi hợp tác lên làm Chánh án thay thế ông Chánh án người Pháp đã bị giam cầm. Không am hiểu nhiều về chính trị, không biết thủ đoạn chính trị, đầu óc đầy tư tưởng Khổng Mạnh đặt Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín lên hàng đầu, ba tôi từ chối viện cớ sức khỏe sa sút trong thời gian gần đây. Vị quan Nhật mời ba tôi uống trà, cúi đầu sát đất rất là thi lễ và tiễn ba tôi ra cổng. Thế mà đúng 6 giờ sáng ngày sau, Hiến binh Nhật ập vào nhà còng tay ba tôi về giam cùng với trên 10 vị thân hào nhân sĩ giàu có ở Đà Nẵng hồi ấy…
Như một cây cổ thụ che nắng che mưa cho gia đình, cho bà con gãy đổ quá bất ngờ, chúng tôi như hụt hẫng, không biết làm gì, không biết xoay xở ra sao… nhìn nhau mà khóc thôi. Anh Phan tôi học Luật ở Hà Nội, anh Đà tôi học Tú tài 2 ở Huế, bỏ học về, đau đớn nhìn mẹ tôi khóc than. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng như trời đất sụp đổ, một bóng đen trùm lên gia đình tôi… Sau, anh Phan đưa ý kiến: “Phụng đưa Nhạn, Đoán, Loan và Bana về Lakham, quê ngoại. Bà Bảy già sẽ đi với Phụng để lo cho mấy em, còn mẹ, anh Phan, chị Oanh, anh Đà sẽ ở lại hỏi tin tức về ba và tìm cách nào đó chạy cho ba ra”. Thế là tôi lại là con chim đầu đàn của bốn em nhỏ. Nhạn, lớn nhất 12 tuổi và Bana nhỏ nhất mới lên 4. Với tinh thần trách nhiệm cao và tình cảm dạt dào do gia đình hun đúc, tôi vừa lo cho ba mẹ vừa tận tình chăm sóc các em…
- Thế rồi (vòng này là vòng thứ 10 của sợi dây tình ái chăng) một sáng nọ, một người thanh niên mang ba lô đi vào nhà. Tôi vội bước ra. Té ra là anh Tế Hanh, mặt đỏ gay vì nắng, nóng. Vẫn cặp mắt ấy, vẫn nụ cười ấy… tim tôi rộn ràng xao xuyến. Anh bảo “Anh vừa được tin bác trai bị nạn, anh bỏ sở về thăm em đây; anh đã ghé thăm bác gái, anh Phan rồi. Tội nghiệp bác gái gầy hẳn. Nhưng anh Phan nhờ anh nói Phụng là có hy vọng ba Phụng sẽ được ra sớm”. Tôi ứa nước mắt thương cha mẹ, tủi cho hoàn cảnh lận đận của gia đình. Anh xuống chào cậu mợ tôi, cho cậu mợ tôi biết tin về ba tôi rồi lên ngồi bên xem Nhạn, Đoán làm bài. Anh an ủi tôi rất nhiều và hẹn về Quảng Ngãi trở ra sẽ ghé lại thăm tôi.
Khi anh từ giã tôi ra về thì trăng đã ló dạng. Lần này thật là bịn rịn nhưng tuyệt nhiên không có những lời yêu đương lãng mạn như trong tiểu thuyết, chỉ những cái nhìn đầy ý nghĩa.
Thong thả về nhà, tôi tự hỏi anh Kỹ ở đâu mà trong lúc gia đình mình điêu đứng không hề thấy mặt, một thư thăm hỏi cũng không? Trong thư anh Kỹ nói đã để ý ngay từ ngày mình mới ra Đồng Khánh, thế là hơn 4 năm rồi. Còn anh Tế Hanh thì chỉ mới đây thôi mà sao anh này lo lắng, quan tâm đến mình, đến gia đình mình thế.
Thế rồi lâu lâu tôi lại tiếp được thư và thơ anh Tế Hanh, lời lẽ chân tình pha trộn lãng mạn yêu đương… mỗi lần đọc xong lòng lại xao xuyến bồi hồi và cảm thấy gần anh hơn.
Một sáng nọ, anh trở lại. Trong khi các em tôi làm bài thì anh ngồi nói chuyện với tôi ở phòng tiếp khách. Lần này anh nghiêm chỉnh kể tôi nghe mối tình đầu của anh mà hình ảnh người anh yêu lởn vởn trong tập Hoa niên. Anh nói “Anh thấy Phụng ngây thơ, trong sáng quá anh sợ không xứng đáng với em”. Tôi vội hỏi “Hai anh chị yêu nhau nhiều đến thế mà sao lại rời nhau được?”. Anh bèn trả lời “Người ấy cũng có cảm tình với anh, nhưng thực tế quá, muốn anh phải có địa vị trong xã hội. Anh đã cố gắng đi làm tham tá được 3 tháng rồi nhưng đời sống công chức làm anh chán quá và anh đã xin thôi. Thế là hết, hết hẳn rồi”. Và anh trịnh trọng nói tiếp “Phụng à, anh nghĩ thà người ta phụ mình hơn là mình phụ người ta”. Câu này qua thử thách, cứ vang lên trong đầu tôi… Chua chát mà nói, đúng là gậy ông đập lưng ông! Nhưng thôi ta trở về thời gian đẹp đẽ của một người con gái 19, 20 chớm yêu với mộng đẹp, với ước mơ, với niềm tin, với hy vọng…
Hai tháng lao tù được thả về nhà, mặc dầu có anh Nguyễn Văn Tui giúp đỡ tận tình miếng ăn giấc ngủ nhưng ba tôi trông gầy hẳn, đôi mắt không còn tinh anh như xưa. Sự đau về vật chất không là gì so với nỗi đau về tinh thần. Một số bạn bè quen biết thường đến nhà chúng tôi trò chuyện hoặc chơi bài với ba tôi bỗng biến đâu mất, không hề hỏi han, an ủi. Ngẫm nghĩ về thế sự đổi thay… nhân tình thế thái… ba tôi không còn vui tươi mà nét mặt trông luôn luôn nghiêm nghị. Nhìn ba mà thương ba quá!
Tình hình sục sôi khắp nơi báo hiệu một đại sự, một sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam đó là cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc Cách mạng mùa Thu và tiếp theo là sự hình thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Minh lên nắm chính quyền và ngày 2/9/1945 cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước, long trọng tuyên bố cùng toàn dân bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Như trên tôi có nói là hầu hết các thế hệ vùng dậy đứng lên góp phần mình vào việc nước. Chị Oanh tôi và tôi vào Phụ nữ cứu quốc. Kiệm và tôi từ thu 1945 đến đông 1946 là chánh, phó văn phòng của chị Phi Phi - bí thư Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đặt tại tiệm sách Thái Thị Bôi, góc đường Hùng Vương và Phan Châu Trinh bây giờ. Anh Phan tôi là hiệu trưởng trường trung học Thái Phiên tại Đà Nẵng. Anh Đà tôi là giáo sư Anh văn trường Thái Phiên. Còn anh Tế Hanh tuy được phân công công tác ở Huế lại xin về Đà Nẵng công tác với chức ủy viên giáo dục. Phần tôi vừa là phó văn phòng chị Phi Phi vừa phụ trách Bình dân học vụ của thành phố. Vì vậy trong những lần đi họp bên giáo dục tôi đều gặp anh Tế Hanh.
Từ đầu năm 1946, anh Tế Hanh có trình bày với ba mẹ tôi về tình cảm giữa chúng tôi. Ba mẹ tôi đều nghĩ như tôi là trong lúc gia đình mình gặp tai nạn mà họ lăn xả vào lo lắng an ủi, giúp đỡ: đó là chân tình. Hơn nữa, ba tôi quý trọng những người có học thức nên được biết anh đã đỗ tú tài như anh Phan tôi thì ba mẹ tôi cũng vui lòng.
Ba tôi nói “Hai bác thấy cháu thiệt thà, thật lòng yêu thương Phụng, cha mẹ ở quê cho họ thuê ruộng cày thì người cũng chơn chất. Hai bác mời hai ông bà ra chơi cho biết nhà. Còn thì tùy Phụng thôi, hai bác để con quyết định đời nó, hai bác chỉ góp ý thôi”.
Tôi suy nghĩ mãi, “nếu mình xin đi học thì ba mẹ có đủ sức nuôi mình nữa không? Chắc là không thể vì ba mẹ đã bán nữ trang, bán đồn điền ở Đồng Nghệ, bán cái nhà ở chợ Mới để có tiền lo lót bọn Nhật cho ba về sớm. Bây giờ ba lại không đi làm, có lương hằng tháng đâu. Thôi hãy bỏ ý định học thêm, thong thả sẽ tính”. Như vậy là lòng tôi còn vấn vương việc học, chưa có ý định lập gia đình vì còn chờ một cơ may nào đến.

Cô Hà Phụng và con gái Ý Nhi, năm 1953
- Nhưng (vòng này là vòng thứ 11 và vòng cuối cùng của sợi dây tình ái trói buộc đời tôi vào người tôi yêu) đến tháng 12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ sau những đổ vỡ của các hội nghị ở Đà Lạt, ở Paris… Thế là tản cư… Thế là tiêu thổ kháng chiến… Tất cả cơ quan, ủy ban đều rút về hoạt động bí mật. Gia đình tôi cũng như đa số gia đình khác ở thành phố gồng gánh lên đường về quê tránh bom đạn. Chị Oanh tôi, sau khi làm lễ cưới với anh Võ Trọng Côn, cùng chồng ra Thuận Lý nhận công tác, rồi vì đứt đường phải chạy về Liên khu Bốn và lên Việt Bắc. Chỉ còn tôi là gái lớn đành theo gia đình giúp mẹ. Trong nhà tôi có 9 người giúp việc bây giờ chỉ giữ lại 2 người là bà Bảy già và chú Nồm, một chú bé bằng tuổi Loan. Khi xuống ghe thì anh Tế Hanh có đến chào ba mẹ tôi, bắt tay anh Phan, anh Đà và nhìn tôi rớm lệ.
Không biết số phận tôi như thế nào mà tình yêu lại nẩy nở trong thời kỳ ly loạn như thế này!
“Sóng gió bùng lên bao sụp đổ
Tâm hồn thơ mộng cũng điêu linh”
Gia đình tôi tản cư về nhà cậu Chánh Tảo. Thôi hết học rồi, ước nguyện to lớn của tôi như bọt xà phòng tan trong nước… Thật tình tôi buồn lắm nhưng tự an ủi là mất điều này thì được điều khác. Điều khác ở đây là tôi có người thương tôi chân thật, tôi sẽ dựa vào họ cũng như trong 20 năm tôi đã dựa vào tình thương yêu của gia đình, của bạn bè vậy.
(Còn tiếp phần 2- kỳ sau)
BÙI ĐẶNG HÀ PHỤNG