HV98 - Bản thảo của CHATEAUBRIAND thuộc về ai?

François-René de Chateaubriand(1768- 1848) là nhà văn nổi tiếng của nước Pháp, người đặt nền móng cho trường phái Lãng mạn của nền văn chương Pháp. Bản thảo tác phẩm đồ sộ nhất của ông -Mémoires d’outre-tombe (tạm dịch Hồi ký từ bên kia nấm mồ) - được cất giữ đã từ hơn 160 năm nay trong két sắt của một văn phòng chưởng khế ở Paris…

François-René de Chateaubriand bắt tay viết Mémoires d’outre-tombe từ năm 1809, hoàn thành năm 1841. Tập hồi ký được xuất bản thành sách lần đầu tiên vào năm 1849-1850 gồm 42 tập. Về nội dung, sách có thể chia thành những phần chủ yếu sau: Từ tập 1 tới tập 12 kể về dòng họ, thời thơ ấu, những năm đi học, quá trình hình thành tín ngưỡng, thời gian phục vụ trong quân ngũ và những chuyến du lịch xa tới Bắc Mỹ; Từ tập 13 tới tập 18 viết về sự nghiệp văn chương; Từ tập 19 tới 34, về sự nghiệp chính trị; Từ tập 35 tới 42, về quãng đời cuối cùng và những suy nghĩ, nhận định về tương lai của nước Pháp.

Chateaubriand xuất thân dòng dõi quý tộc, từng chứng kiến những ngày diễn ra cuộc cách mạng Công xã Paris, từng tham gia quân đội, nhiều lần giữ chức vụ bộ trưởng, đại sứ ngoại giao của chính phủ… Cuốn hồi ký đồ sộ của ông không chỉ kể lại những gì ông đã sống đã trải qua, đã cảm nhận, mà còn ghi chép rất nhiều về tình hình chính trị, xã hội cũng như những lề thói của xã hội nước Pháp lúc bấy giờ, với một khả năng sử dụng ngôn ngữ kỳ tài, trở thành kho tư liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu lịch sử thế hệ sau. Chateaubriand được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa Lãng mạn của văn học Pháp, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp khi còn trẻ…

Pascal Dufour làm nghề chưởng khế ở đây, giống như cha của ông là Léon, ông nội của ông là Jean, cụ của ông là Napoléon (người cũng lại là một chưởng khế giống bố mình là Jean). Ngày 10 tháng 9 vừa qua, Pascal Dufour bị kiện ra trước tòa án vì tội “lạm dụng lòng tin” khi tìm cách đưa bộ bản thảo của Chateaubriand ra bán.

Mọi chuyện bắt đầu từ cách đây hơn một thế kỷ rưỡi. Ngày 22-3-1836, Bá tước François-René de Chateaubriand - nhà văn, cũng là một chính trị gia - cùng với đại diện Nhà xuất bản Delloye và Sala tới văn phòng chưởng khế Cahouet ở Paris (Pháp). Nhà văn đang cần tiền. Nhà xuất bản hối thúc ông viết nốt bản hồi ký mà ông đã khai bút từ vài năm trước. Nhưng nhà văn lại không muốn cuốn sách được xuất bản khi mình đang còn trên dương thế: “Tôi muốn cất lời từ trong quan tài của mình; câu chuyện của tôi như thế sẽ được phụ họa bởi cái gì đó có phần thần thánh thiêng liêng, vì nó được phát ra từ một nấm mồ”.

Cuối cùng ba bên đã tìm được một thỏa thuận chung: Nhà văn được ứng ngay khoản nhuận bút 156.000 franc cùng với món lợi tức được chia hàng năm sau đó; đổi lại, bản quyền Mémoires d’outre-tombe sẽ thuộc về Nhà xuất bản Delloye và Sala; nhà xuất bản chỉ được phát hành cuốn sách sau khi ông mất. Để đảm bảo hợp đồng được tôn trọng, Chateaubriand đồng ý giao cho ngài chưởng khế giữ một bản sao cuốn bản thảo do thư ký riêng của ông chép lại, tự tay ông ký tên ở dòng cuối cùng. Tất cả được bỏ chung vào một phong bì lớn, gắn xi niêm phong cẩn thận, cất trong két sắt có 3 ổ khóa, mỗi bên giữ chìa khóa một ổ. Nhà văn mất năm 1848, cuốn hồi ký của ông ra mắt năm 1850.

Jean Dufour, người chịu trách nhiệm theo dõi bản hợp đồng ký kết từ năm 1836 ấy, chính là cụ nội 5 đời của Pascal Dufour. Bộ bản thảo được truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau, nằm yên trong két sắt của văn phòng chưởng khế hơn 160 năm. Năm 2012, Pascal Dufour quyết định mang bộ bản thảo đi bán đấu giá. Bộ bản thảo dày 3.514 trang, đóng thành 10 tập, ước tính có thể bán được với giá từ 400.000 tới 500.000 euro. Nhà đấu giá Drouot (Paris) ấn định phiên đấu giá diễn ra vào ngày 26-11-2013. Thư viện quốc gia Pháp giành được quyền mua bộ bản thảo nhưng cuộc mua bán cuối cùng không thành do có sự tranh chấp về quyền sở hữu và kế thừa. Theo đó, nhà Dufour không có quyền sở hữu mà chỉ được giao giữ dùm bộ bản thảo mà thôi (nên chú ýđây là quyền sở hữu bộ bản thảo chép tay của tác phẩm chứ không phải là tác quyền của tác giả).

Vì việc này mà cơ quan công tố Pháp phải tiến hành một cuộc điều tra. Quyền sở hữu bản thảo tác phẩm nổi tiếng nhất của một trong những đại văn hào của nền văn chương Pháp thuộc về ai: nhà xuất bản? viên chưởng khế? hay hậu duệ của tác giả? Nhà xuất bản giải thể đã lâu (vì thế luật sư của Dufour cãi rằng họ đã từ bỏ quyền sở hữu của mình). Khi ngài bá tước mất ở tuổi 80, ông đã là người góa vợ và không có con. Cơ quan pháp lý phải đi tìm người thừa kế của ông trong số các hậu duệ của anh chị em ruột (cha mẹ ông có 6 người con) hay của vợ ông, cuối cùng cũng tìm thấy một người cháu 5 đời của bà Chateaubriand. Nhưng di chúc của ông lại cũng ghi rõ một điều: Tất cả mọi bản thảo nào khác của cuốn hồi ký nếu có tồn tại thì cũng phải đốt đi hết mà không được đọc. Có nghĩa là ông không muốn bản thảo cuốn sách rơi vào tay con cháu mình. Cuộc điều tra còn cho thấy vợ của chưởng khế Pascal Dufour cũng có họ hàng xa với nhà văn, khiến mọi chuyện càng thêm rối rắm…

Thế nên sự việc tới giờ vẫn chưa ngã ngũ. Tòa án còn tiếp tục tranh biện. Cơ quan văn hóa của chính phủ Pháp thì hy vọng sẽ mua lại được quyền sở hữu bộ bản thảo để toàn dân được cùng thừa hưởng di bút của một nhà văn xuất chúng…

NINH-HÀ NGUYỄN-QUỐC (Canada)