HV99 - Lời nói đầu Nguyễn Du toàn tập

LTS: Sáng 24-10-2015, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đã tổ chức Hội thảo về Nguyễn Du tại 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Các tham luận được trình bày tại hội thảo: Lời nói đầu Nguyễn Du toàn tập (GS Mai Quốc Liên), Những bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh của Truyện Kiều (dịch giả Nguyễn Minh Hoàng), Dịch Truyện Kiều ở Nhật (PGS-TS Đoàn Lê Giang), Tôi viết "Đọc lại Truyện Kiều" (nhà văn Vũ Hạnh), Về một bản dịch Kiều ra tiếng Anh (nhà văn Trần Thanh Giao), Phật giáo Đại thừa Bát Nhã trong Nguyễn Du (PGS-TS Nguyễn Công Lý), Quan niệm văn học của Nguyễn Du và Đỗ Phủ (TS Hoàng Trọng Quyền), Tiếp nhận Truyện Kiều ở thế kỷ 19 (TS Hoàng Công Khanh)…

Truyện Kiều - kiệt tác lớn nhất của nền văn học Việt Nam, cuốn kinh của toàn dân tộc, tác phẩm có giá trị toàn nhân loại, được nhân loại nhất trí thừa nhận, và đã hai lần được vinh danh trước toàn thế giới (năm 1965 - Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh Nguyễn Du bên cạnh các thiên tài như Homère, Dante… và năm nay 2015 - UNESCO vinh danh nhân 250 năm ngày sinh Nguyễn Du)…

Trước hết, Truyện Kiều là đỉnh cao nhất của tiếng Việt văn học. Tiếng Việt văn học được hình thành và phát triển ngay sau khi nước ta giành lại độc lập, tự chủ (thế kỷ 10). Ghi nhận minh bạch nhất cho điều này là những sáng tác Nôm còn lưu lại của đại anh hùng dân tộc, đại danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông (1258-1308). Từ đó nó được hoàn thiện bởi Nguyễn Trãi (1380-1442), người đã viết 254 bài thơ Nôm, đánh dấu một thế kỷ thơ Nôm toàn thịnh… Nhưng phải đợi đến Nguyễn Du thì cái tiếng Việt nôm na, “lời quê” ấy mới được tôn vinh, được yêu mến, được khẳng định là ngôn ngữ văn chương, từ ngữ tuyệt diệu của ngàn thu (“thiên thu tuyệt diệu từ”).

Tiếng Việt trong Truyện Kiều, trong một nền văn hóa song ngữ (Hán và Nôm - tiếng Việt) được đúc kết từ bao nhiêu tác phẩm Nôm trước đó mà mỗi tác phẩm là một cố gắng đúc vàng luyện ngọc vốn lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhân dân, không chịu khuất phục, không chịu mất nước, mất văn hóa, đã kiên trì trong hơn 1.000 năm bị Bắc thuộc, để giữ vững và phát triển vốn từ vựng phong phú, đậm đà hồn cốt người bản xứ, tinh luyện trong tu từ nhờ ca dao - tục ngữ, lại được thể hiện qua những hình thức ngữ pháp - cú pháp uyển chuyển, độc đáo, những cách nói giản dị nhưng rất mực ấn tượng. Tất cả những điều đó thể hiện trong Truyện Kiều, trong những câu thơ Nôm thuần Việt, hoàn toàn không chịu một sức ép nào nữa của Hoa ngữ, những câu mà Nguyễn Du gọi là “lời quê”. Chẳng hạn:

Chút thân quằn quại vũng lầy

Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?

hay:

Phận sao phận bạc như vôi,

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng…

Như vậy, chính tiếng Việt, như “mật ong”, như “tiếng mẹ ru”…, có ý nghĩa lớn lao và sâu rộng về nhiều mặt, trong đó có ý thức dân tộc và chiều sâu văn hóa dân tộc…, đã làm Truyện Kiều bất tử.

Ngôn ngữ dân tộc, tâm hồn dân tộc và cả bản lĩnh dân tộc đã được khẳng định. Giống như ở nhiều nước châu Âu thời Phục Hưng (tiếng Pháp: Renaissance, tiếng Ý: Cinquecento (1500)), văn học vừa quay về cổ đại (Hy Lạp), đồng thời xây dựng ngôn ngữ dân tộc của mình thoát thai từ tiếng La tinh vậy.

Giá trị to lớn thứ hai của Truyện Kiều là những dấu hiệu rõ nét của một thời Phục Hưng trong văn học được thể hiện. Thời Phục Hưng của châu Âu là vào thế kỷ 15, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn do một giai cấp mới - giai cấp tư sản - dẫn dắt. Nó chống lại lãnh chúa phong kiến, chống lại thần quyền của giáo hội, khẳng định cá nhân - cái tôi, khuyến khích khám phá và chiếm lĩnh thế giới, tạo nên một cao trào tư tưởng kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Xuất hiện những thiên tài sáng tạo trong văn nghệ, những thiên tài-mẹ (génie-mère), tương ứng với “những người khổng lồ” trong các lĩnh vực khác. Một chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng mà con người, sự giải phóng con người thoát khỏi những trói buộc đã được khơi dậy trong những kiệt tác văn học lớn. Một chủ nghĩa nhân văn như thế, có thể đã được hình thành nên ở Trung Hoa vào thời Đường (618-907), theo nhận thức và lý giải của Konrad. Tất nhiên, đây là một Phục Hưng, một chủ nghĩa nhân văn chưa thật hoàn chỉnh theo nghĩa kinh điển của nó, mà là “quá trình tương đồng với Phục Hưng”(1) nhưng nó thực sự có trong Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ(2)… Phải lấy thực tế tác phẩm để minh chứng cho lý luận và giải thích lý luận, chứ không nên biến lý luận thành cái giường của Procuste, “gọt chân cho vừa giày”. Những điều kiện đặc thù của thời Đường, như sự phát triển đô thị (cổ) và kinh tế đô thị, giao lưu thế giới, sự tiếp nối truyền thống văn hóa - văn học cổ đại, sự phát triển của triết học - văn hóa đương thời… đã làm cho Phục Hưng Trung Hoa đến sớm như một trái cây chín bói, báo hiệu mùa sau.

Việt Nam ta phải đợi hơn 10 thế kỷ sau, vào thế kỷ 18-19 mới có những dấu hiệu của thời Phục Hưng đó của nhân loại. Và Nguyễn Du chính là đại diện cho trào lưu Phục Hưng theo cái nghĩa như vậy ở Việt Nam, với một chủ nghĩa nhân đạo đi trước cả thời đại mình.

Trung tâm của chủ nghĩa nhân văn đó là con người, là số phận con người, là thế giới bên trong của con người, “con người trong con người”, là con người với những hạnh phúc và khổ đau trần thế, luôn vươn lên từ những “quằn quại vũng lầy” của cuộc đời, luôn vươn lên từ “bụi trần” để trở nên cao thượng, thánh thiện, nó là một “cá tính tự do” đối nghịch với cả một thể chế, một hiện thực. Và như vậy, con người chiến thắng, chủ nghĩa nhân văn chiến thắng… Trong suốt 10 thế kỷ văn chương cổ điển, từ Lý, Trần, Lê…, chủ nghĩa nhân văn ấy được tích lũy, được nung nấu…, và cho tới Nguyễn Du, với khát vọng và suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, về con người, với tầm nhìn, vốn văn hóa cao nhất của một người Việt Nam thời ấy, ông đã biến Truyện Kiều thành một ngọn đuốc lớn, soi sáng cả cho chúng ta ngày nay đi tới.

Dĩ nhiên, sẽ không có Truyện Kiều, nếu không có Thanh Tâm tài nhân với Kim Vân Kiều truyện. Tuy không được nổi tiếng lắm ở Trung Hoa, nhưng Kim Vân Kiều truyện là một tác phẩm hiện thực có giá trị về nhiều mặt. Trước hết, đó là cách nhìn xã hội và con người rất phong phú với “chiến lược cốt truyện” độc đáo, tiêu biểu, hấp dẫn ít có… Nó là nguồn nguyên liệu quý cho Nguyễn Du thỏa sức sáng tạo lại. Nguyễn Du đã bỏ bớt 1/3 nguyên truyện, đi sâu vào nội tâm nhân vật, bỏ hết những cái tự nhiên chủ nghĩa tầm thường, soi rọi nhân vật - cuộc đời bằng nhiều cách tiếp cận… Nhưng nhất là, nói như A.X. Puskin (khi viết Evgheni Onegin): “Tôi không viết cuốn tiểu thuyết, mà viết cuốn tiểu thuyết bằng thơ - thật là một sự khác biệt quỷ quái”(3). Ở đây là vấn đề thể loại, “nhân vật chủ yếu của văn học” như nhà triết học, nhà nghiên cứu văn học M. Bakhtin quan niệm. Ở đây câu thơ cao nhã mà giản dị thâm trầm khiến người đọc kinh ngạc, khác với cái “tầm thường của văn xuôi”, không phải theo quan niệm đề cao tuyệt đối một thể loại, mà là theo sự thực tác phẩm.

Trong hàng trăm vấn đề cần nói, đáng nói về Truyện Kiều và đã được nói đến hằng trăm năm nay và sẽ còn được tiếp tục nói đến trong tương lai, chúng tôi chỉ xin gợi ra hai chủ đề (cũng là hai đặc tính xác định mọi giá trị văn học lớn): Làm giàu tiếng Việt Chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng của Nguyễn Du, để làm Lời nói đầu cho bản in lần này của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

Trung thu 2015

 

_____

(1) Lịch sử văn học thế giới, tr.18, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học, 2014.

(2) N.I. Konrad. Hàn Dũ và khởi nguồn của phong trào Phục Hưng Trung Quốc. N.I. Konrad: Phương Đông học, tr.509-544. Trịnh Bá Đĩnh (và những người khác) tuyển chọn - dịch, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học, 2007.

(3) Chuyển dẫn từ Nikulin: Lịch sử văn học Việt Nam (bản dịch), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học, 2007, tr.652.

MAI QUỐC LIÊN