Khi tôi viết những dòng này thì Paris và nước Pháp đang trong ngày thứ hai của quốc tang (cho đến hết ngày 17-11-2015). Các trường học, đại học và các cơ sở văn hóa tại Paris đã hoạt động lại.
Báo chí thông tin sáng sớm nay là 10 chiếc máy bay chiến đấu Pháp, cất cánh từ hai cơ sở quân sự tại hai nước Jordan và Saudi Arabia, đã thả 20 quả bom xuống căn cứ quân sự của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thành phố Rakka, Syria trong đêm rạng sáng ngày 16-11-2015.
Sau loạt vụ tấn công khủng bố của IS tại Paris ngày 13-11-2015, con số nạn nhân tử vong tăng thêm vì những người bị thương rất nặng đã không còn tỉnh dậy nữa trong các bệnh viện. Thông báo ngày 15-11-2015 cho biết có 132 người đã chết và 530 người bị thương, khoảng hơn 30 người đang nằm trong các phòng hồi sức. Trong số này có khoảng 103 nạn nhân đã được nhận dạng danh tính.
Ngày chủ nhật 15-11, dân chúng Paris đi đến những địa điểm bị khủng bố và đặt hoa tươi, nến… để tưởng niệm các nạn nhân. Đáng thương hơn là những gia đình còn đang tìm kiếm người thân hay đau khổ với tình trạng gần kề cái chết của thân nhân đang được điều trị trong các bệnh viện.
Tuy nhiên không khí vẫn căng thẳng vì còn tin báo động rằng các lực lượng an ninh đang ráo riết truy lùng một nhóm kẻ khủng bố đang lẩn trốn và còn có thể gây thêm những cuộc khủng bố khác.
Bọn khủng bố ngày thứ sáu vừa qua gồm có ba nhóm tấn công ba khu vực khác nhau: sân vận động Stade de France, nhà hát sân khấu Bataclan và một số quán ăn, quán cà phê - những mục tiêu đã được lựa chọn kỹ lưỡng.
Nhóm tấn công sân vận động Stade de France và nhà hát Bataclan thì có 6 tên tự sát bằng thuốc nổ đeo ở thắt lưng, 1 tên bị bắn chết. Nhưng nhóm thứ hai, tấn công các tiệm ăn hàng quán, không bị phản kích kịp thời, nên đã chạy thoát. Hai chiếc xe của bọn chúng sử dụng đã được tìm thấy, trong xe còn mấy khẩu súng liên thanh Kalashnikov, chất nổ, đạn dược.
Tổng thống Pháp François Hollande đã ban hành tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia và đóng cửa tất cả mọi biên giới của Pháp, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ông còn muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm ba tháng, có nghĩa là thêm thời gian để hành động nhanh, vì các lực lượng an ninh không cần có trát tòa án mà vẫn có quyền khám xét nhà cửa, tịch thu tang vật và bắt tạm giam những người tình nghi.
11 trạm metro tại Paris ngưng hoạt động trong cuối tuần qua, nên lượng lưu thông của người và xe giảm hẳn đi. Các đoàn xe lửa rời nước Pháp đi về các hướng châu Âu cũng bị kiểm soát từng người một, do sự hợp tác với các quốc gia thành viên ủng hộ Pháp.
Cuộc khủng bố này ghi một dấu ấn lịch sử chưa từng có trong thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp từ năm 1958 cho đến nay. Khối lượng thông tin trên mọi phương tiện truyền thông được cập nhật liên tục, đọc không hết.
Bên lề cuộc hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa những nhà lãnh đạo đã diễn ra. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hai cuộc hội kiến “bốn mắt” với Tổng thống Mỹ Obama và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel về chủ đề chống chiến tranh khủng bố do lực lượng IS tổ chức. Cũng là một phản ứng cho sự kiện tại Paris, Thủ tướng Anh David Cameron đã tăng nhân số của cơ quan tình báo Anh thêm 1.900 người mới.
Hậu quả về kinh tế cho Pháp cũng đã được ghi nhận trên thị trường chứng khoán, các công ty trong lãnh vực du lịch như khách sạn, máy bay, xe lửa đều bị mất điểm.
Qua hết ngày chủ nhật 15-11-2015 thì cảnh sát Pháp đã kiểm soát 168 nơi ở (nhà và căn hộ), 23 người bị bắt giam và 104 người bị quản thúc tại gia.
Con số nhân viên điều tra hình sự được đôn lên đến 2.200 người. Thủ tướng Pháp Manuel Valls điều động một con số rất ấn tượng là 10.000 quân đội cho đến hết tối thứ ba 17-11-2015 về Paris để bảo vệ thủ đô. Ông cho là, tình trạng bị đe dọa bởi khủng bố sẽ còn kéo dài thêm một thời gian, cả nước Pháp phải sẵn sàng đối phó. Đồng thời, ông cũng ra lệnh đóng cửa một số đền thờ Hồi giáo bị nghi vấn là quá khích.
Lần lượt những tên khủng bố được nhận dạng, và như để trấn an dân chúng, các kết quả điều tra được thông báo rất nhanh chóng. Theo đó, kẻ cầm đầu cuộc khủng bố này là một người sinh sống ở khu phố Molenbeek thuộc thủ đô Brussels (Bỉ) tên là Abdelhamid Abaaoud, 27 tuổi. Một tên khủng bố khác đang đào thoát được lùng kiếm sôi sục, đó là Addeslam Salah.
Trước vụ tấn công tại Paris, một loạt các hoạt động trộm cướp ban đêm đã xảy ra trong những khu vực có tiếng là bình an cách xa Paris về phía bắc khoảng 80km. Nơi những ngôi làng nhỏ, và cũng không phải là những địa điểm nằm trên các trục đường di chuyển lớn, đã xảy ra trong cùng một tuần lễ, một loạt vụ trộm cướp ban đêm. Tại một làng rất nhỏ, chỉ có 20 nóc nhà, không có hàng quán, chợ búa, trường học, đa số dân làng là người già, về hưu, cũng bị trộm cắp đột nhập hơn 10 nhà trong một đêm. Chúng chủ yếu ăn cướp xe hơi, máy điện thoại di động, tiền mặt và nữ trang. Một trong những cách làm của bọn trộm cướp là đầu độc chó canh nhà bằng bả thuốc độc, trước khi đột nhập vào nhà. Sự kiện trộm cướp nổi lên có hệ thống, có sửa soạn và xảy ra đồng loạt khiến cho dân chúng rất lo lắng. Ban đêm phải để đèn sáng, đi ngủ thì phải chặn thêm cửa ra vào, cột chó cách xa cửa vườn để nó không bị ăn bả thuốc độc... Các quan chức hành chính gửi công văn đến từng nhà kêu gọi dân chúng cảnh giác, ghi các số xe lạ, ngày giờ để báo cho cảnh sát.
Tất cả những biện pháp phòng ngừa và tâm trạng lo lắng nói lên một điều rất quan trọng tại Pháp là: bầu không khí thanh bình, vô tư, tin tưởng vào sự bảo vệ của chính quyền và của pháp luật đã chuyển sang một tình trạng bất ổn, mất an ninh, lo âu thường trực, một điều mà người dân Pháp bình thường không thể ngờ đến. Các đại sứ quán nước ngoài tại Paris đều lo lắng cho công dân của mình trong cuộc khủng bố đẫm máu này.
Có thể nói, nước Pháp toàn diện đang đặt trong một tình trạng “chiến tranh”, một loại chiến tranh du kích khủng bố, một điều rất mới đối với xã hội Pháp, kể từ khi thanh bình yên ổn trở về trên nước Pháp từ năm 1945, cách đây đúng 70 năm.
Những ngày này, người dân, nhất là phụ nữ ngoại quốc, khi ra ngoài, nếu có điều kiện, phải ăn mặc đẹp hẳn lên, mùa đông lạnh nhưng tránh trùm khăn che đầu tóc, thay vào đó là đội mũ, để không bị xem là người di tản mới đến. Trang phục trở thành một phương cách tự bảo vệ.
Nói chung, người Việt lớn tuổi, đã có những trải nghiệm, những kỷ niệm trong các cuộc chiến tranh Việt Nam trong quá khứ, đều bình tĩnh đối phó với tình hình mới, hạn chế bớt những nơi tụ tập đông người, đi đâu có công việc đều mau mau về nhà. Tầng lớp trẻ thì có thêm một trải nghiệm mới, chứng kiến một không khí “chiến tranh” tại ngay thủ đô Paris, bình thường rất đông đúc, rất nhộn nhịp vui chơi trên khắp thành phố.
Trên thực tế, mùa thương mại cho Giáng sinh đã được bắt đầu, nhiều người đã bắt đầu mua sắm quà cáp cho người thân, người thương, hay đi du lịch.
Nhưng những trải nghiệm về hoạt động khủng bố vừa xảy ra khiến cho dân chúng không khỏi băn khoăn lo lắng khi đi đến những nơi có đông người tụ tập, và ngay khi ở trong nhà cũng phải cửa đóng then gài cẩn thận. Một vết thương, mà muốn cho nó lành, thì cần phải có thời gian, và những người có trách nhiệm bảo vệ mạng sống của dân, sinh hoạt của xã hội phải có những biện pháp đúng đắn và thích hợp cho đúng lúc. Nước Pháp phải kiên quyết bảo vệ nền Hòa bình và nền Cộng hòa của mình, đó là ấn tượng sâu đậm trong dân chúng hôm nay tại Pháp.
Cuộc khủng bố này khiến cho báo chí Pháp đặt câu hỏi “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh hay không?”. Và Tổng thống Pháp François Hollande đã xác định: “Nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh, những hành động khủng bố đó là những hành động chiến tranh chống lại đất nước chúng ta, tuổi trẻ của chúng ta và phong cách sống của chúng ta” (La France est en guerre, les actes commis sont des actes de guerre contre notre pays, sa jeunesse et notre mode de vie).