HV99 - Những bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh của Truyện Kiều

Theo “Thư mục Truyện Kiều ở nước ngoài” của GS Nguyễn Văn Hoàn thì Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng trên thế giới. Từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, đến những thứ tiếng khác mà chúng ta không ngờ đến như tiếng Hy Lạp, tiếng Mông Cổ, tiếng Ả Rập… Nếu điểm đủ mặt các bản dịch mà GS Nguyễn Văn Hoàn đã kể ra thì các bản dịch này lên đến con số 48 bản.

Thời gian qua, trong quá trình chuẩn bị một bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, ngoài khoảng một chục bản Truyện Kiều quốc ngữ (từ những bản của Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ, Tản Đà, Bùi Khánh Diễn, Vũ Văn Kính, Nguyễn Can Mộng, Đào Duy Anh, Vân Hạc Lê Văn Hòe đến những bản của Lê Hữu Mục, Đàm Duy Tạo, Nguyễn Bá Triệu, Trần Nho Thìn - Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Tài Cẩn…) chúng tôi đã đọc thêm 5 bản dịch tiếng Pháp (bản của Abel des Michels, của René Grayssac, của Nguyễn Văn Vĩnh, của Xuân Phúc - Xuân Việt, của Nguyễn Khắc Viện) và hai bản tiếng Anh (bản của Huỳnh Sanh Thông, của Michael Counsell) để tìm hiểu thêm về những câu, những từ ngữ trong Truyện Kiều mà nghĩa chưa được các bản Kiều quốc ngữ ra đời từ trước đến nay chú giải một cách đồng nhất hoặc đang còn là đề tài tranh cãi của một vài nhà nghiên cứu Truyện Kiều. Nhờ vậy, chúng tôi có dịp nhận thấy trong các bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh ấy có khá nhiều điểm đáng cho chúng ta bàn lại, đáng cho chúng ta so sánh chúng với nhau để tìm ra ưu - khuyết của từng dịch giả.

Trong 5 bản tiếng Pháp, nếu kể theo thứ tự thời gian thì bản của Abel des Michels có từ năm 1884 là bản dịch xưa nhất. Lần lượt tiếp theo là bản của René Grayssac (có từ 1926), bản của Nguyễn Văn Vĩnh (có từ 1942), bản của Xuân Phúc - Xuân Việt (có từ 1962) và bản của Nguyễn Khắc Viện (có từ 1965). Hai bản tiếng Anh thì có niên đại xuất hiện mới hơn. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông được Yale University Press xuất bản lần thứ nhất vào năm 1983 và in lại lần thứ hai sau khi đã bổ sung vào năm 1987. Bản dịch của Michael Counsell thì Nhà xuất bản Thế Giới ở Hà Nội mới in trong năm 2015 này.

Nói là đọc 5 bản tiếng Pháp nhưng chúng tôi chỉ sử dụng được có 3 bản: Xuân Phúc - Xuân Việt, Nguyễn Văn Vĩnh và Abel des Michels, còn 2 bản: René Grayssac và Nguyễn Khắc Viện thì phải bỏ ra, không dùng được. Bản của René Grayssac có người chê và chê đúng, chê là vers de mirliton - là thơ dở, là vè và người chê là một người Pháp chính hiệu đã viết lời tựa cho quyển Essai critique sur le Kim Vân Kiều của ông Trần Cửu Chấn trước kia. Hai bản dịch tiếng Anh thì chỉ dùng được mỗi bản Huỳnh Sanh Thông. Bản Michael Counsell (cũng dịch theo thể thơ như bản của René Grayssac) không dùng được vì giả dụ cụ Nguyễn Du có sống lại cũng khó mà nhận ra mấy câu “Trăm năm trong cõi người ta…” của mình khi đọc mấy câu dịch của Michael Counsell như sau:

It’s always been the same:

Good fortune seldom came the way

of those endowed, they say,

with genius and a dainty face.

What tragedies take place

within each circling space of years!

“Rich in good looks” appears

to mean poor luck and tears of woe.

(Bao giờ cũng thế

cái may mắn ít khi đến với những kẻ có tài có sắc

Trong mỗi vòng quay của năm tháng

có biết bao nhiêu bi kịch đã xảy ra!

Giàu về tài sắc thì nghèo về mệnh

và phải đổ nước mắt vì nỗi bất hạnh của mình)

* * *

Trở về với 3 bản tiếng Pháp. Trong ba bản này thì bản của Xuân Phúc - Xuân Việt là trội hơn cả, dịch bám sát từng câu thơ trong nguyên bản nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều chỗ dịch sai do không hiểu nghĩa của một vài từ tiếng Việt. Xin đơn cử một vài trường hợp:

- Câu 641 “Mặn nồng một vẻ một ưa” được dịch là “Sel et brûlure, ses charmes étaient pleins de savoureuses promesses” (Muối và vết bỏng, những nét đẹp duyên dáng của nàng đầy những hứa hẹn tuyệt vời). Có thể bỏ qua cái lỗi dịch “một vẻ một ưa” thành “những nét đẹp đầy những hứa hẹn tuyệt vời”, nhưng không thể dung được “mặn nồng” bị tách ra, bị dịch mặn muối nồng nóng, là vết bỏng! Còn trong 2 câu 689 và 690 “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” thì chữ lòng trong dầu lòng bị hiểu là lòng người, là quả tim nên cả câu mới bị dịch là: “Quand on a de l’argent en main, le coeur des hommes, on peut à volonté le rendre blanc ou noir” (Khi đã có sẵn tiền trong tay thì lòng người, mình có thể tùy ý đổi nó thành trắng hoặc đen). Đúng ra, ai cũng biết dầu lòng có nghĩa là mặc lòng, mặc tình.

- Hai câu 695 và 696 “Một mình nàng ngọn đèn khuya/ Áo dầm giọt tủi, tóc se mái sầu”, Xuân Phúc - Xuân Việt dịch là: “Ombre solitaire sous la lampe nocturne, la robe de Thúy Kiều est trempée de larmes, sa chevelure est tordue par la douleur” (Cái bóng cô độc dưới ngọn đèn đêm, áo của Thúy Kiều ướt đầm nước mắt, mái tóc nàng bị xoắn lại vì đau khổ). Câu tiếng Pháp mà viết như thế này thì cái chữ mà ngữ pháp tiếng Pháp gọi là “mot mis en apposition” (bổ nghĩa cho chữ trước và sau nó) lại chính là cái áo của Thúy Kiều chứ không phải là chính Thúy Kiều nữa rồi!

- Câu 863 “Nỗi mình âu cũng giãn dần” được dịch là: “Détendons les ressorts de notre douleur” (Hãy thả bớt sức căng của những lò xo của sự đau khổ của chúng ta). “Sức căng của những lò xo”! Dịch như thế có vẻ máy móc quá, có vẻ cơ khí quá, còn gì là thơ nữa! Tại sao không dịch là: “Ainsi sa colère contre elle-même et son dépit s’apaisaient peu à peu” (Sự nàng tự giận mình và sự phát phẫn của nàng cũng dịu xuống dần dần) nghe có được hơn không?

- Câu 712 “Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm/thắm khăn”, Xuân Phúc - Xuân Việt dịch là “L’huile se consumait dans la blanche soucoupe, les larmes débordaient dans le mouchoir trempé” (Dầu hao dần trong chiếc đĩa màu trắng, nước mắt tràn ra trên chiếc khăn ướt đẫm). Thấy dịch như thế này, chúng ta có thể biết ngay là các ông dịch giả đã dịch theo một bản Kiều quốc ngữ đã chép thấm khăn với chữ thấm (không phải chữ thắm). Hai ông đã quên rằng trong câu thơ này có hai đoạn tiểu đối: “dầu chong trắng đĩa” đối với “lệ tràn thắm khăn” - “trắng” đối với “thắm”. “Lệ tràn thắm khăn” lẽ ra phải dịch là “Les larmes débordaient sur le mouchoir jusqu’à le rendre tout rouge” (Lệ tràn trên khăn đến nỗi khăn hóa ra đỏ thắm). Đây là một cách tả cường điệu, nhưng là cường điệu có lợi cho câu thơ.

* * *

Vừa rồi là một vài nhận xét của chúng tôi về bản dịch tiếng Pháp của hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt. Bản dịch thứ hai là của Nguyễn Văn Vĩnh. Bản này thì có thể nói là được, hay thì cũng không hay lắm, mà dở thì cũng không dở lắm, rất có ích cho những “ông Tây” muốn hiểu nghĩa của từng chữ trong Truyện Kiều vì ngoài phần dịch những câu thơ Kiều ra những câu văn xuôi tiếng Pháp, ông Vĩnh còn dịch từng chữ một trong mỗi câu thơ. Chẳng hạn trăm dịch là cent, năm années, trong là dans, cõi là limite, người là humanité, ta là nôtre… Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng có một chỗ dịch sai mà chúng tôi biết là do vô ý, lơ đễnh:

- Câu 3056 “Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung”. Thầy trong câu này là sư bà Giác Duyên. Thế mà ông Vĩnh dịch là: “On installera un temple et on vous trouvera un maître pour vous instruire dans votre religion” (Sẽ lập một cái am và sẽ tìm cho con một ông thầy để dạy dỗ con trong công việc tu hành của con). Tìm một ông thầy để ở chung với Kiều, dạy dỗ Kiều! Đúng ra thì phải dịch là: “On installera un temple et on invitera la bonzesse à venir habiter avec vous” (Sẽ lập một cái am và sẽ mời sư bà về ở chung với con).

* * *

Bản dịch tiếng Pháp thứ ba trong bài viết của chúng tôi hôm nay là bản dịch của Abel des Michels, một bản dịch quý hiếm vì thời điểm ra đời là năm 1884, tính đến nay đã 131 tuổi! Trong bài Dẫn nhập ở đầu bản dịch, Abel des Michels cho biết ông đã dịch từ một bản phường của miền Bắc. Có lẽ ông cũng đã so sánh bản này với nhiều bản phường khác, vì ông viết “L’une des éditions d’après lesquelles j’en ai établi le texte m’est venue directement du Tonkin… La rédaction primitive du poème de Túy Kiều est donc évidemment tonkinoise. Il est facile, pour s’en assurer, de constater le grand nombre d’expressions spéciales au nord de l’empire annamite dont il est rempli, ainsi que la forme particulière des caractères démotiques ou chữ Nôm qui ont servi à sa rédaction; caractères dont une immense quantité diffère de ceux qui sont généralement adoptés dans la Basse Cochinchine” (một trong những bản Nôm mà tôi đã dựa theo để phiên ra quốc ngữ là một bản Phường(*) được gửi từ Bắc kỳ vào cho tôi… Văn bản đầu tiên của Truyện Túy Kiều hiển nhiên có nguồn gốc từ miền Bắc. Cũng dễ biết, vì trong đó có rất nhiều từ đặc biệt của phần phía Bắc vương quốc An Nam và lối viết những chữ gọi là chữ Nôm cũng khác với lối viết chữ Nôm thông dụng ở Đàng Trong).

Bản phường mà ông dùng để dịch ra tiếng Pháp được khắc và in bên Tàu. Thợ khắc chữ bên ấy không rành chữ Nôm nên nhiều chữ bị thiếu nét hoặc bị khắc sai. Cũng may là sau đấy một người bạn của ông là Trương Minh Ký đã mua được một bản Nôm có nhan đề là Kim Vân Kiều lục do một nhà Nho tên là Phước Bình Lê nhuận sắc và cho in ở Hà Nội năm Bính Tý, đời vua Tự Đức, tính theo dương lịch là năm 1876. Với bản Kim Vân Kiều lục này, Abel des Michels sửa lại những chữ thiếu nét và in sai của bản Nôm mà ông đã có từ trước. Nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã tưởng bản Nôm mà Abel des Michels dùng để thực hiện bản dịch tiếng Pháp của ông cũng là bản Nôm mà từ đấy Trương Vĩnh Ký đã phiên thành bản quốc ngữ Poème Kim Vân Kiều truyện do Nhà in nhà nước in năm 1875. Nhưng không phải vậy. Đem so bản quốc ngữ Trương Vĩnh Ký với bản quốc ngữ in sóng đôi trong bản dịch tiếng Pháp của Abel des Michels thì thấy giữa hai bản có nhiều từ, nhiều đoạn không giống nhau. Chẳng hạn, ngay từ câu 2, bản của Trương Vĩnh Ký chép là “Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau”, còn trong bản của Abel des Michels thì là “Chữ tài chữ sắc khéo là ghét nhau”. Sự khác nhau giữa hai bản của hai ông phỏng chừng 5%, nhưng cũng có nhiều đoạn, nhiều câu giống hệt nhau như rập khuôn, như câu 439 “Bâng khuâng đỉnh Hiệp non Thần” và câu 457 “Giọt sương chưa nặng cầu Lam”. Trong những bản Kiều hiện nay của chúng ta thì hai câu này là “Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần“Chày sương chưa nện cầu Lam”. Nhưng phải nói Abel des Michels là một nhà Trung Hoa học kiêm nhà Việt Nam học có tài. Bản dịch Kiều tiếng Pháp của ông cho đến bây giờ vẫn là một tư liệu quý cho những nhà Kiều học ở Việt Nam tham khảo, mặc dù trong đó cũng có nhiều chỗ hiểu sai và dịch sai. Như câu 680 “Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh”, ông đã dịch sai là: “Les beaux jours de ma jeunesse ne pouvaient durer toujours” (Những ngày tươi đẹp của tuổi niên thiếu của con không thể kéo dài mãi mãi), đúng ra phải dịch như Xuân Phúc - Xuân Việt là: “Considérez - moi comme une enfant que vous auriez perdue dès le bas âge” (Xin xem con như là một đứa con đã chết từ lúc còn là một hài nhi) hoặc như Huỳnh Sanh Thông “Think me a blossom nipped when budding green” (Xin nghĩ rằng con là một đóa hoa bị ngắt đi từ lúc còn là một búp non). Câu 682 “Tan nhà là một, thiệt mình là hai” dịch còn sai hơn nữa: “La ruine est un malheur, le suicide en vaut deux” (Tan nhà là một tai họa, quyên sinh còn là tai họa gấp hai). Tại sao không dịch là: “D’abord vous causeriez la ruine de notre foyer, ensuite vous perdriez inutilement votre vie” (Một là làm tan nhà nát cửa, hai là cha thiệt thân một cách vô ích mà thôi).

* * *

Bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông thì chúng ta không có gì để phàn nàn cả. Tiếng Anh của ông rất nhuần nhuyễn. Chính người Mỹ như giáo sư Alexander B. Woodside ở Yale University khi viết lời giới thiệu The Tale of Kiều đã khen không tiếc lời. Nhưng về bản Kiều tiếng Việt mà Huỳnh Sanh Thông cho in kèm với bản dịch tiếng Anh thì chúng tôi cho rằng ông hơi hấp tấp. Bốn chữ “Hồ cầm Ngãi Trương” mà ông chép là “Hồ cầm Ngại Trương” trong câu Kiều số 32, giới nghiên cứu Kiều ở Việt Nam còn đang bàn bạc, tranh cãi thì ông đã mau mắn đưa vào sách của ông rồi. Cũng như câu Kiều 439 “Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần” đã được ông thay bằng “Bâng khuâng đỉnh Hiệp non Thần” - hai chữ “đỉnh Hiệp” chỉ thấy có trong bản Kiều của Trương Vĩnh Ký và của Abel des Michels chứ chưa hề có trong những bản Kiều mà chúng ta đã quen đọc.

* * *

Những gì mà chúng tôi vừa trình bày ở trên là một cái nhìn tổng quát về những bản Kiều tiếng Pháp, tiếng Anh. Và làm vậy là để đưa ra một nhận xét: Tất cả các bản dịch trên chỉ dịch được cái cốt truyện của tác phẩm Kiều bất hủ chứ không dịch được, không diễn tả được cái chất thơ, cái phần nghệ thuật tuyệt vời trong tác phẩm được xem là “thiên thu tuyệt diệu từ” này. Chẳng hạn câu 1793, 1794 “Mày ai trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” trong tiếng Việt nghe hay như thế, nghe gợi lên một nỗi nhớ tiếc mênh mông như thế mà khi chuyển thành tiếng Pháp, tiếng Anh, dù đó là tiếng Pháp rất Descartes, rất Voltaire của Xuân Phúc - Xuân Việt, hay tiếng Anh rất chững chạc, rất hàn lâm của Huỳnh Sanh Thông “He saw her eyebrow in the crescent moon, breathed hints of old perfume and ached for her” (Chàng tưởng tượng nhìn thấy chân mày của Kiều trong hình ảnh của vành trăng lưỡi liềm, hít thở những cái nhắc đến mùi hương cũ và cảm thấy đau đớn cho Kiều) - một câu chữ chỉ có cái hình thức, cái bề ngoài, khô khan không gây được chút gì cảm xúc.

Thành thử, chúng tôi nghĩ, dịch Kiều là một nghệ thuật, đúng như ông Nguyễn Khắc Viện đã nói ở phần đầu bản dịch Kiều của ông. Nghệ thuật dịch Kiều là thứ nghệ thuật dễ nói, khó làm!

Muốn dịch Nguyễn Du, có lẽ người ta phải là một tài hoa như Phan Huy Thực dịch Tỳ bà hành, như Edward Fitzgerald dịch Rubayat của Omar Khayyam, hoặc như anh nhà báo (hình như tên là Charles Fouiswair) của tờ Humanité đã dịch sang tiếng Pháp bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Chúng tôi đã được đọc và nhớ mãi bốn câu thơ cuối:

Cet an refleurit le pêcher

On ne voit plus le vieux lettré

Âmes de mille années passées

Où s’en sont-elles envolées?

(Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?)

 

_____

(*) Bản Phường là các bản Truyện Kiều chữ Nôm khắc ván in ở phố Hàng Gai (Hà Nội).

MINH MINH