Mỗi con người có một số phận. Nhưng đã một thời, chúng tôi có một số phận chung. Số phận của những người lính vượt Trường Sơn, số phận của những người cùng đội bom B-52 giữa rừng già, số phận của sốt rét, đói ăn, số phận những đêm buồn ngồi bên nhau nhớ cha mẹ già, nhớ người yêu xa thẳm. Số phận của khát khao sáng tạo, của những đêm lọ mọ vùng ven, của những cung đường giao liên băng Đồng Tháp. Tôi với Lê Điệp đúng là đã từng có chung số phận như vậy. Tôi đi B2 trước Lê Điệp 3 tháng, rồi gặp lại nhau giữa rừng Campuchia, Đài phát thanh Giải phóng. Con suối hai thằng tôi hay ngồi câu cá, bây giờ đâu rồi? Chỉ còn những câu thơ, không ra buồn cũng chẳng ra vui. Còn chăng những căn hầm sụt lở, nơi chúng tôi từng mắc võng qua đêm? Nỗi nhớ bạn hiền là nỗi nhớ không bao giờ nguôi được, nhất là bạn hiền trong chiến tranh. Những sẻ chia của chúng tôi, từ hớp rượu nhạt tới bát cơm rang, nhưng cao nhất có lẽ là những sẻ chia số phận. Tháng tư, tôi ngồi đọc thơ bạn, lòng rưng rưng vì những kỷ niệm chúng tôi từng có bên nhau. Chúng tôi đã ngây thơ biết bao, trong trẻo biết bao! Đó là dòng suối mát tự tâm hồn mà bây giờ, dù trải qua biết mấy thăng trầm, không ai có thể làm cạn kiệt trong chúng tôi dòng suối nhỏ ấy. Nó là dòng suối của tình bạn, tình người, tình đồng đội. Không ngạc nhiên, khi tập thơ Ngày về thành phố của bạn tôi lại nhắc nhiều đến những đồng đội đã hy sinh:
Đại đội bây giờ còn sáu đứa
Bọn mình tìm thăm các cậu đây
Nghĩa trang mênh mông cồn cát trắng
Nắng gió miền Trung… hai mắt cay
(Đại đội ta)
Nhưng cuộc đời còn dài hơn chiến tranh. Mới đó đã 40 năm rồi. Tóc những thằng sống sót chúng tôi đều đã bạc. May mắn thay, chúng tôi đã có con, có cháu. Một người bạn thơ vừa khoe với tôi là chả bao lâu nữa, chị sẽ có… chắt. Thật hạnh phúc. Tôi đọc trong tập thơ này của Lê Điệp niềm hạnh phúc ấy, khi ông ngồi tâm sự với cháu:
Ông hỏi cháu thích gì
Cháu thích làm người lớn
Người lớn khỏi bị phạt
Đứng úp mặt vô tường
(Ông và cháu)
Niềm hạnh phúc chỉ đơn sơ thế thôi, đơn sơ như chính hạnh phúc:
Tôi tìm theo tiếng reo hò hồn nhiên
Như đi tìm những gì đã mất
Và, bắt gặp đám trẻ nô đùa
Cùng trái banh trong mưa
(Mùa hè của tôi)
Qua đau thương mất mát, tôi lại đọc thấy trong thơ bạn tôi niềm hạnh phúc vì được sống, vì những người thân đang sống quanh mình, vì những đứa trẻ, những cơn mưa, vì những bỗng dưng bất chợt nào đó:
Bỗng dưng trời trở heo may
Để thèm hơi ấm bàn tay thuở nào
Se se ngọn gió hanh hao
Mùa Đông ngoài đó tìm vào tới đây
Sài Gòn lất phất mưa bay
Mơ hồ sương sớm giăng đầy mắt ai…
(Bỗng dưng…)
Những “bỗng dưng” như thế chính là cuộc sống, nó làm thơ chợt nhẹ đi, chợt bay lên như cánh diều một chiều no gió. Nó cũng khiến thơ có một thoáng chông chênh, một thoáng mờ ảo:
Một dải nắng vàng rồi dải nữa
Mùa Thu để lại nắng sau lưng
Như em từ thuở xa xôi ấy
Bâng khuâng để lại nhớ khôn cùng
(Nhớ)
Thơ Lê Điệp cứ hồn nhiên, mộc mạc như thế, như một người bạn đến với ta ngỡ tình cờ rồi hóa ra thân thiết. Có lẽ Ngày về thành phố cũng chỉ là cái cớ, để Lê Điệp bày tỏ những bỗng dưng nhớ bất chợt thương tình cờ buồn vui của mình. Thơ ngẫu nhiên như thế, nhiều khi nhà thơ tính cái này lại ra cái khác. Mà có khi “cái khác” ấy lại hay hơn cái mình đã tính:
Cơn mưa rào con phố bỗng thành sông
Tôi lặng lẽ nép mình bên hè gió
Và, lũ trẻ chợ ùa theo dòng lũ
Bỗng thấy một thời thơ ấu trôi ngang…
(Cơn mưa)
Về Lê Điệp, có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được. Khi tôi chuẩn bị xong bản thảo tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ vào năm 1973, thì một hôm Lê Điệp tìm qua “cứ” Binh vận thăm tôi. Anh đã đọc tập bản thảo này, và lập tức viết ngay một bức thư tay gửi nhà thơ Chế Lan Viên mà anh đã thân quen từ khi còn ở ngoài Bắc. Bức thư kèm tập bản thảo thơ của tôi được một đồng đội của tôi mang ra Hà Nội, và sau bốn tháng đã tới tay nhà thơ Chế Lan Viên. Chính bức thư rất tình cảm của Lê Điệp đã khiến Chế Lan Viên nhớ ngay ra tôi là tác giả bài thơ Thử nói về hạnh phúc mà ông từng đọc qua bản thảo chép tay của bạn tôi - nhà phê bình Định Nguyễn, khi Định Nguyễn mang tới nhà cho ông. Nhờ “cầu nối” là bức thư Lê Điệp, mà thơ tôi đã được Chế Lan Viên ưu ái in tới 13 bài trên tạp chí Tác Phẩm Mới tháng 4-1974. Tôi và thơ tôi được biết tới từ đó. Lê Điệp là người Hải Phòng, hơn tôi 5 tuổi, đã viết văn và làm thơ, đã có tên tuổi từ khi tôi còn ngồi trên ghế trường đại học và mới tập tành làm thơ. Nhưng khi quen nhau ở trại viết văn Quảng Bá, rồi khi sống cùng nhau ở chiến trường Nam Bộ, chúng tôi đã thành thân thiết bạn bè, cứ “mày, tao” không phân biệt tuổi tác. Tôi quê Quảng Ngãi, nhưng bây giờ nhiều khi nỗi “nhớ Bắc” của Lê Điệp lại khiến tôi bồi hồi cứ như nỗi nhớ của chính mình:
Sài Gòn mù sương cho thêm nỗi nhớ Đông
Nhớ cánh đồng thơm mùi rơm rạ
Nhớ sắc vàng hoa cải bên sông
Nhớ đường làng trải hoa xoan tím
(Nhớ đông)
Cứ viết mãi thế này thì thành miên man, có lẽ tôi “chốt” bài viết này ở chữ “Nhớ”. Chúng tôi nhớ nhau. Thế cũng là vừa.
Quảng Ngãi, tháng 4-2015