HV99 - Tình Việt nghĩa Hàn

Ngày 23-5-2015, ông Ban Ki-moon (đọc theo âm Hán-Việt là Phan Cơ Văn 潘基文) đến viếng nhà thờ họ Phan Huy ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Mãi năm tháng sau, tin trên mới được tiết lộ. Ngay sau đó, sự kiện này đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, vì ông Ban đang giữ chức Tổng thư ký Tổ chức Liên hiệp quốc.

Thật ra, vấn đề quan hệ dòng họ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc(1) đã được đề cập từ nhiều năm trước. Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp một số thông tin đã công bố ở hai nước. Đặc biệt, xin cảm ơn TS Ku Su Jeong đã cung cấp nhiều tài liệu quý báu về quan hệ Việt-Hàn.

Việt Nam và Hàn Quốc nằm ở hai hướng của vùng Viễn Đông: một nước thuộc Đông Nam Á, nước kia ở Đông Bắc Á.

Ngày xưa, phương tiện giao thông trên bộ cũng như trên biển còn thô sơ, nên nhân dân nước này ít có cơ hội đặt chân lên nước kia, trừ những trường hợp ngoài ý định. Chẳng hạn, tháng 10-1687, 24 người dân đảo Tế Châu (Jeju) ở phía nam Hàn Quốc gặp bão, lênh đênh trên biển 31 ngày, cuối cùng trôi dạt đến Hội An (tỉnh Quảng Nam). Họ được chính quyền và nhân dân địa phương giúp nơi ăn chốn ở. Một thời gian sau, họ cử 5 người đại diện ra Huế xin triều đình giúp họ hồi hương. Chúa Nguyễn Phúc Tần cấp cho họ 600 lượng và thuê tàu buôn Trung Hoa chở họ về quê, gửi quốc thư cho vua Túc Tông của Hàn Quốc (tháng 8-1688).

Có lẽ lúc đó chúa Nguyễn không biết chuyện hai hoàng tử họ Lý hơn 5 thế kỷ trước được triều đình và nhân dân Hàn Quốc cưu mang. Các bộ sử chính thức của Việt Nam không ghi chép chuyện đó, nhưng gia phả các dòng họ Lý ở Hàn Quốc (như Tinh Thiện Lý thị tộc phổ, Hoa Sơn Lý thị thế bộ…) xác nhận các sự kiện này có thật.

Vua Lý Nhân Tông không có con trai. Năm 1117, vua nhận các cháu (như Lý Dương Hoán, Lý Dương Côn…) làm con nuôi. Năm 1128, vua qua đời, Lý Dương Hoán nối ngôi, tức Lý Thần Tông. Phải chăng có sự tranh chấp trong việc thừa kế ngai vàng khiến Lý Dương Côn phải rời nước ra đi? Chúng ta chưa tìm ra tài liệu để trả lời dứt khoát câu hỏi đó, song có nhiều hậu duệ của Lý Dương Côn ở Hàn Quốc đã lưu danh sử sách, như Lý Nghĩa Mẫn (Yi Ui-man) từng làm Tể tướng trong 14 năm (1183-1196) dưới triều vua Minh Tông (Myeongjong), Lý Ngộ Nguyên làm Thượng thư tả bộc xạ… Ông này di cư đến Tinh Thiện (trên đảo Giang Nguyên) nên dòng họ Lý của Lý Dương Côn được gọi là dòng họ Lý Tinh Thiện.

Dòng họ Lý thứ hai - Lý Hoa Sơn - do hoàng tử Lý Long Tường khai sáng. Ông sinh năm 1174, con thứ bảy của vua Lý Anh Tông.