HV99 - Về bản Kiều tiếng Nga mới xuất bản

Không mất thời giờ chỉnh sửa, tôi bắt đầu đọc bản dịch thơ của Vasili Popov để góp ý theo yêu cầu của chính anh. Vasili ở tận Sibiri, cũng làm việc say mê. Đó là một nhà thơ trẻ có tài, đã đoạt nhiều giải thơ ca của Liên bang Nga. Nhưng rõ ràng là anh còn quá trẻ (mới 35-36 gì đó), còn thiếu cái phông văn hóa phương Đông, nên chưa thể hiểu sâu sắc Truyện Kiều, do đó bỏ qua khá nhiều tình tiết tư tưởng và nghệ thuật trong bản dịch của tôi, vốn bám sát theo từng câu thơ nguyên tác. Trước khi đưa đi in, anh Huyến, có gửi cho tôi chế bản với những nhận xét của anh về bản dịch thơ, còn nhiều hơn nữa những chỗ bôi đỏ, vàng, xanh và dấu chấm hỏi, vì Huyến vốn kỹ tính trong dịch thuật và nghiệp vụ xuất bản. Nhưng còn làm gì được nữa? Yêu cầu bổ sung, dịch lại thì phải làm từ đầu! Phải chấp nhận thôi. Với hy vọng đã có bản dịch văn xuôi tốt, sẽ còn xuất hiện trong tương lai những bản dịch thơ khác, tốt hơn, và mong rằng của chính Vasili tâm huyết với Kiều, hai-ba chục năm sau, khi anh đã già giặn hơn. Trong các e-mail góp ý, tôi chỉ nêu ra những câu quá xa hoặc phản ý nguyên tác, những nhầm lẫn về nhân vật và những chi tiết nhà thơ-dịch giả thêm thắt gây phản cảm do trái với văn hóa phương Đông, như: nam nữ bắt tay nhau khi gặp gỡ, quỳ xuống hôn chân người yêu để cầu hôn, vợ chồng chia ly ôm nhau trước mặt mọi người v.v…

(Trích Đoạn trường dịch Kiều sang tiếng Nga của Vũ Thế Khôi)

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội) vừa cho ra mắt cuốn Kiều do Vasili Popov (một nhà thơ trẻ) dịch thơ từ bản dịch văn xuôi ra tiếng Nga của Vũ Thế Khôi. Cuốn sách do một tập thể người Việt ở Nga tổ chức, TS Vũ Huy Hoàng tổ chức bản thảo và đề tựa.

Đây là một công việc đầy nhiệt tâm đối với văn hóa nước nhà, với đại thi hào Nguyễn Du của các dịch giả, tổ chức bản thảo, biên tập… Nhưng việc dịch Kiều qua một bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga là việc không hề dễ, mặc dù Vasili Popov có tài và có tâm.

Chúng tôi chưa thể có ý kiến gì nhiều vì cũng vừa mới nhận được bản dịch do một người bạn ở Hà Nội gởi vào. Sau đây chỉ xin dịch lại từ tiếng Nga ra tiếng Việt một đoạn để bạn đọc có hình dung ban đầu về bản dịch.

“Số mệnh với tài năng trong cuộc đời con người

Từ lâu đã có cuộc đấu tranh gay gắt

Ai bảo rằng thời gian là liều thuốc tốt nhất

Thì người đó chẳng hiểu gì về số phận.

Lấy tay mình chạm vào con tằm

Nó chẳng vội nhả ra thành quả

Mà lại thành biển vắng hoang sơ…

Ôi tâm hồn đau vì điều đó biết bao!

Lạ gì việc được cho thừa thãi cái này

Thì lại phải thiếu thốn cái khác.

Hơn nữa Trời thì lại vì ghen tuông

Mà hay thử thách những cô gái đẹp.

Tôi ngồi bên ngọn đèn mờ ảo

Lần giở những trang sách cổ bám bụi

Số phận đau khổ là phần thưởng

Cho tài năng sáng láng thiên phú.

Câu chuyện tình trải qua từ lâu

Câu chuyện tình tử tế…

Hàng trăm năm qua con người chẳng tốt lên

Tay chúng ta vẫn còn nhuốm máu.

Các dòng thơ kể rằng từng có thời

Khi khắp bốn phương của đất nước rộng lớn

Hòa bình ngự trị, và lúa gạo

Được gieo trồng từ mùa xuân này đến mùa xuân sau (quanh năm)

Là những tháng ngày của Gia Tĩnh

Triệu đại nhà Minh đang trị vì

Nhưng tiếc rằng đó không phải là tên tuổi

Giờ đây vang lên trong tên những thung lũng, triền sông (tức không phải những tên tuổi vinh quang)

Khi đó có một vị quan rất giàu có

Rất danh giá và sống đến bạc đầu

Con cái trong nhà lớn lên:

Hai đứa con gái xinh đẹp và một con trai

Vương Quan là con nối dõi

Theo nghiệp quan của cha

Người nghệ sĩ nào đã nặn từ đất sét

Những nét thanh thú của gương mặt thế kia?

Còn hai con gái như ngọn gió hè ấm áp

Các cô như được thiên phú

Mảnh mai, nhẹ nhõm như nhành mai

Tâm hồn tinh khiết như tuyết trên núi…”


Nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình có lục còn truyền sử xanh.

Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.

Một trai con thứ rốt lòng,

Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười...”

H.V.