HV99 - Về lại với nước Nga của Esenin

Đầu tháng 10 năm 2014, chị Đào Tuấn Ảnh - một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về văn học Nga hiện đại - gọi điện cho tôi, nói chị vừa đi Nga dự hội thảo thường niên về Sergei Esenin, và rủ tôi tháng 10 năm sau đi cùng với chị, vì 2015 là năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh, 90 năm ngày mất của nhà thơ Nga nổi tiếng này, lại đồng thời sẽ là Năm Văn học của Nga, nên sẽ rất vui, rất “hoành tráng”.

 Với tôi, cũng như với các anh chị em trong đoàn, trừ chú Thúy Toàn và chị Tuấn Ảnh, chuyến đi này là cuộc trở về với nước Nga đầu tiên sau trên dưới một phần tư thế kỷ xa cách. Cảm xúc trở về đó bắt đầu từ chiếc máy bay của hãng hàng không Aeroflot. Vẫn những tiếp viên Nga xinh đẹp với phù hiệu của hãng còn nguyên hình đôi cánh cách điệu và biểu tượng búa liềm có từ thời Xô viết, và giọng nói Nga nhanh nhanh, giòn giòn nhiều âm tiết đã lâu không được nghe nhiều như thế gợi cho tôi cảm giác ngỡ ngàng như lần được lên máy bay đầu tiên trong đời để đi du học đúng 31 năm trước.

Chuyến khám phá lại nước Nga, nhất là nước Nga văn hóa, văn học của chúng tôi bắt đầu ngay sáng sớm ngày hôm sau, khi cả nhóm bắt xe buýt đi Tula cách Moskva hơn 190km về phía nam, để đến thăm điền trang Yasnaya Polyana của đại văn hào Lev Tolstoy. Vừa đi vừa hỏi đường, từ bà bán vé tàu điện ngầm, các bác tài xế, đến một bà giáo dạy nhạc ngồi cạnh trên xe buýt… người nào cũng hết sức nhiệt tình giúp đỡ. Sau 3 giờ đồng hồ rời Moskva, chúng tôi đã đến được chốn thiêng liêng của văn học Nga, xúc động đi qua hai cột tháp màu trắng và con đường bạch dương đã thành huyền thoại trong các tác phẩm vĩ đại của Tolstoy, thăm tòa nhà nơi còn lưu giữ các kỷ vật những năm cuối đời văn hào, và cuối cùng đến khu rừng Stary Zakaz, nơi thuở ấu thơ Tolstoy từng cùng những người anh em của mình đi tìm “cây gậy xanh hạnh phúc” và là nơi ông an nghỉ sau chặng đường đời 82 năm của mình. Tấm biển đề “Khu vực tĩnh lặng” chỉ đường đến một nấm đất chữ nhật phủ cỏ xanh, trên không dựng bia hay tượng, hơn một thế kỷ qua vẫn đơn sơ thế đúng như di nguyện của văn hào, khi chúng tôi đến thấy đặt đầy hoa tươi và dù đã chiều muộn, ngoài chúng tôi vẫn còn nhiều người đến viếng. Chặng đường về lại Moskva, cũng vẫn những sự cố đi lạc, hỏi đường, chạy toát mồ hôi cho kịp chuyến xe cuối với một vài rắc rối về hộ chiếu ở bến xe, rồi hỏng xe giữa đường, nhưng lần nữa lại được những người Nga tốt bụng giúp đỡ tận tình, cuối cùng gần 12 giờ đêm chúng tôi về đến khách sạn với những đôi chân đau nhừ, những cái bụng đói meo, nhưng tâm trạng thì vô cùng phấn khích vì những trải nghiệm tuyệt vời tưởng như vừa qua một giấc mơ.

Hội thảo “Sergei Esenin: Con người. Sáng tác. Thời đại” diễn ra trong bốn ngày sau đó tại ba địa điểm: Moskva, Ryazan và làng Konstantinovo quê hương nhà thơ. Hai ngày đầu chúng tôi dự hội thảo ở IMLI - trong tòa nhà trên phố Povarnaya với bức tượng Gorky đứng hiên ngang, phong trần trước sân. Ba ngày trước hội thảo về Esenin là hội thảo về văn học thế tục và tôn giáo Nga thế kỷ 18-19, ngay sau đó là hội thảo về Vyacheslav Ivanov, tọa đàm bàn tròn về thơ ca Thời đại Bạc, rồi cuối tháng 10 là hội thảo kỷ niệm Andrei Bely… Tuy các hội thảo diễn ra với mật độ dày đặc như vậy, nhưng số lượng và chất lượng khoa học của các báo cáo thì rất đáng nể. Ba báo cáo đọc tại IMLI của dịch giả Thúy Toàn, của PGS Đào Tuấn Ảnh và của TS Nguyễn Thị Thu Thủy đã tạo không khí sôi nổi cho khán phòng của Viện.

Sau bốn phiên làm việc ở IMLI, chiều tối ngày hội thảo thứ hai các đại biểu được xe của Trường đại học Ryazan đón về Ryazan. So với sự sầm uất, nhộn nhịp của thủ đô, thành phố Ryazan thật thanh bình, yên ả, khung cảnh không khác biệt thời Xô viết bao nhiêu. Không khí hội thảo ở trường đại học tươi tắn, trẻ trung hơn, bắt đầu từ những em sinh viên đứng đón chào đại biểu ở sảnh chính bên bức tượng nhà thơ Esenin mà trường được mang tên. Đây là thời điểm hết sức đặc biệt, vì vừa là dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Esenin, vừa kỷ niệm 100 năm thành lập đại học Ryazan, vừa kỷ niệm 920 năm thành lập thành phố Ryazan. Tham dự hội thảo về Esenin tại đây có người đứng đầu tỉnh Ryazan và các đại diện của chính quyền tỉnh, thành phố, mà hầu hết họ là cựu sinh viên của trường. Trong lời phát biểu chào mừng, ông tỉnh trưởng bày tỏ niềm tự hào vì Ryazan là quê hương của nhà thơ Nga vĩ đại, tôn vinh nhà thơ cũng đồng thời là tôn vinh tinh thần dân tộc Nga, bởi vậy chính quyền tỉnh đã, đang và sẽ ủng hộ cả về tinh thần lẫn tài chính cho các hoạt động văn hóa, giáo dục gắn với tên tuổi của nhà thơ. Chủ trì hội thảo tại Ryazan, giáo sư O.E. Voronova, Trưởng Trung tâm nghiên cứu Esenin tại đại học Ryazan, một lần nữa lại chào mừng các đại diện Việt Nam, trân trọng mời PGS Phạm Gia Lâm, người đọc báo cáo tại phiên hội thảo tại đây, lên ghế chủ tọa đoàn. Bà bày tỏ sự khâm phục đối với nước Việt Nam nhỏ bé đã anh dũng chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước. Chương trình hội thảo ở đại học Ryazan cũng dày đặc báo cáo như các buổi ở Moskva, tuy nhiên ban tổ chức rất ưu ái với đoàn Việt Nam, bố trí cho chúng tôi nghe báo cáo phiên buổi sáng, còn buổi chiều tổ chức một chuyến tham quan thành cổ Kremlin của Ryazan. Mùa thu Ryazan đang vàng rộm, chúng tôi đến thăm những bức tường thành, những ngọn tháp dát vàng, những tu viện và nhà thờ cổ, nghe cô bé hướng dẫn viên đầy nhiệt tình, vốn là cựu sinh viên sử học đại học Ryazan, kể về những trang sử hơn 900 năm của thành phố.