HV99 - Về một bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du

Gần đây, có rất nhiều người dịch và in Thơ chữ Hán Nguyễn Du (cả trong nước và ngoài nước). Ấy là vì quyền xuất bản có được tự do hơn, nhiều người bỏ công, bỏ sức… và có người tự bỏ tiền ra in bản dịch. Trong số đó có bản dịch của nhà thơ Vương Trọng (Hà Tĩnh, 2008).

Nhà thơ Vương Trọng là tác giả bài thơ về Nguyễn Du được nhiều người biết, nhất là hai câu: “Ngỡ rằng đây mộ Đạm Tiên,/ Hay đâu mộ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”.

Ấy là vào năm chưa xây mộ, xây khu lưu niệm - bảo tàng Nguyễn Du. Nhưng bên cạnh những câu thơ xót xa, động lòng… thì cũng có những câu trung bình. Chẳng hạn: “Bao giờ cây súng rời vai,/ Nung vôi đổ đá tượng đài dựng lên…”.

Kể cũng khó mà có một bài thơ toàn bích. Dù sao, đó cũng là bài thơ được biết đến nhiều và có thể nói, làm nên tên tuổi “nhà Kiều học” Vương Trọng.

Dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du, Vương Trọng có hai quan niệm đáng để ý: một là nên dịch ra thơ lục bát, vì “không cần quan tâm đến niêm luật, nó giải phóng người dịch như vừa trải qua một cuộc cách mạng lớn” (sđd, tr.9). Hai là, chỉ có các nhà thơ [như Vương Trọng?] mới dịch thành công, còn những nhà Hán học, nhà Nho thì “khi họ diễn đạt ý của họ thành một bài thơ đã không thành bài thơ hay, thì làm sao họ diễn đạt ý của người khác lại có thể thành một bài thơ hay được” (sđd, tr.6).

Trước hết, xin thảo luận với nhà thơ Vương Trọng ngắn gọn thế này: M. Bakhtin, một lý thuyết gia lớn của thời chúng ta, nói rằng: Thể loại là nhân vật chính của văn học. Thể loại là các hình thức nắm bắt đời sống, hình thái ở dạng ổn định, vĩnh cửu… Thơ Đường là một thể loại đặc hiệu, nó có cái “mã” riêng của nó. Thơ lục bát lại là một thể loại khác, có “mã” khác. Dịch thể loại này ra thể loại kia thì bài thơ không còn là bài thơ nguyên thể, nó biến dạng và mất mát rất nhiều. Chỉ khi bí lắm, không dịch ra được theo nguyên thể Đường luật, thì người dịch mới chịu chọn lục bát.

Thứ hai, cả quyết rằng chỉ các nhà thơ mới có thể dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du là sai. Nói như thế là tuyệt đối hóa vấn đề. Muốn dịch hay, thì cần rất nhiều điều kiện, ở đây không cần nêu ra. Nhưng những nhà Hán học như Phan Huy Thực, Nhượng Tống… họ có mang danh nhà thơ đâu mà họ vẫn là dịch giả bậc nhất, khó có ai sánh về dịch thơ Đường?

Thôi, nói về quan niệm thì dài dòng. Xin đi vào cụ thể bản dịch của Vương Trọng. Vương Trọng dựa vào bản dịch nghĩa của PGS Trương Chính và PGS Nguyễn Thạch Giang, dịch toàn bộ thơ chữ Hán Nguyễn Du. Cũng có chỗ anh không “chịu” bản dịch nghĩa của hai cụ, có bàn luận thêm, nhưng có bản là dựa vào đó.

Nói chung, bản dịch của Vương Trọng vì được dịch ra lục bát, nên nó cách rất xa nguyên tác thơ Đường. Từ súc tích, từ có những nghịch - đối rất đặc trưng của Đường thi, nó chuyển sang lôi thôi, dài, loãng của bản dịch. Xin lấy thí dụ bài U cư (bài 1):

“Đào hoa, đào diệp lạc phân phân,/ Môn yểm tà phi nhất viện bần./ Trú cửu đốn vong thân thị khách,/ Niên thâm cánh giác lão tùy thân./ Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,/ Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân./ Lưu lạc bạch đầu thành để sự,/ Tây phong xuy đảo tiểu ô cân”.

Bản dịch nghĩa của Trương Chính - Nguyễn Thạch Giang:

“Hoa đào, lá đào rụng tơi tả,/Cánh cổng xiêu vẹo, mái nhà bần bạc. / Trú ngụ ở đây lâu ngày, quên bẵng mình là khách,/ Trải nhiều năm tháng, biết tuổi già đến rồi!/ Ở đất khách quê người, đành giả vụng, đề phòng động đến kẻ tục,/ Sống buổi loạn lạc, muốn giữ toàn tính mệnh, thấy ai cũng sợ./ Xiêu giạt đến bạc đầu mà nào có được việc gì đâu,/ Ngọn gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ!”.

Bản dịch của Vương Trọng:

“Cành đào, lá đào tiêu điều,/ Mái nghèo bọt bạt, cổng xiêu vẹo cài./ Ở lâu quên phận khách rồi,/ Tuổi già theo đến tận nơi còn gì./ Tha hương, lo vạ, giả ngây,/ Giữ mình, thời loạn, tính hay sợ người./ Bạc đầu lưu lạc, than ôi,/ Gió tây quăng quật, rơi rồi khăn đen”.

Bạn thấy đấy, văn chương bản dịch và văn chương nguyên tác khác nhau trời vực:

Câu 1: “Đào hoa, đào diệp lạc phân phân”. Đây là câu thơ tả cảnh hiện tiền, ở thì hiện tại. Hoa đào, lá đào rụng tơi tả. Không phải tiêu điều. Tiêu điều buồn tênh (nói về phong cảnh, xem Từ điển Thiều Chửu, tr.514), ở đây là đang rụng. Phân phân chữ Hán có nhiều nghĩa: rối bời, dồn dập, tới tấp, lả tả… (xem Hán ngữ đại từ điển, q.9, tr.765; và Từ điển Hán Việt - Hán ngữ cổ đại và hiện đại, tr.1555).

Câu 2: bọt bạt là gì, chữ không thông dụng.

Câu 3: “Trú cửu đốn vong…”, chữ đốn rất hay. Đây là chữ hay dùng trong thơ Đường, xuất phát từ từ ngữ Thiền tông “đốn ngộ” - dịch là: “Ở lâu quên phận khách rồi…”, vừa không diễn đạt được các tứ triết học của câu thơ: “bỗng quên”, “chợt quên”… lại có chữ rồi cho ăn vần (thực ra cũng là ép vận với chữ cài ở trên), nên câu thơ đâm ra vụng. Rồi tiếp: “Tuổi già theo đến tận nơi còn gì”. Thế nào là theo đến tận nơi? Và nguyên tác đâu có nói còn gì? (Thì ra đó là theo bản dịch nghĩa: Trải nhiều năm tháng biết tuổi già đến nơi rồi! nhưng bản dịch nghĩa dịch thoát, chứ còn “Niên thâm cánh giác lão tùy thân” nghĩa đen là: Tuổi cao, mới biết là mình già rồi; thế thôi.

Sai nhất là câu này: “Tha hương, lo vạ, giả ngây” (Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục) bản dịch nghĩa: “Ở đất khách quê người, đành giả vụng về đề phòng động đến kẻ tục”. Dịch nghĩa như thế là sai nghĩa “dưỡng chuyết”. Người xưa trọng cái “chuyết”, cái “vụng về”. Lão Tử nói: “Chuyết giả thiên chi đạo 拙者天之道” (Chuyết là đạo của trời).

Khổng Tử nói: “Mộc, nột cận nhân 木訥近仁”, mộc mạc, vụng về thì gần đức nhân. (Kẻ xảo ngôn thì ít điều nhân)… Cho nên dưỡng chuyết, nuôi dưỡng cái vụng về. Đây là thực, chứ không phải giả. Tất nhiên là vụng về như thế thì “tục nhân” cũng không chú ý đến mà gây họa.

Theo bản dịch nghĩa, Vương Trọng dịch: giả ngây là sai lắm!

Câu 7: Việc gì phải thêm than ôi không có trong nguyên tác. Câu thơ nguyên tác không “sướt mướt” như thế. Cụ viết rất tĩnh: Lưu lạc bạch đầu thành để sự. Nhưng đến cái quăng quật trong câu “Gió tây quăng quật, rơi rồi khăn đen” thì cả câu với những “rơi rồi” nhất là “quăng quật” nó không nói được gì ở câu thơ nguyên tác cả: “Tây phong xuy đảo tiểu ô cân” (Gió tây thổi bật chiếc khăn đen nhỏ [đội đầu]), cũng viết rất tự nhiên, gợi ra mà không bình, thán. Gần như tất cả các bài thơ dịch của Vương Trọng đều thêm thắt như thế (để tiện bẻ vần) và nhiều câu dịch là xa rời nguyên tác.

Kể ra cho hết thì vô cùng, mà cũng không cần. Chỉ xin nói thêm một câu ở bài bản dịch bài Khất thực (Ăn xin) của Vương Trọng: “Kiếm dài ngạo nghễ trời xanh,/ Ba mươi năm vũng bùn tanh lần hồi./ Văn chương giúp được gì đời?/ Bất ngờ đói rét để người ta thương”.

Bài này chỉ có bốn câu, câu 3: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng”: Văn tự nào đã giúp ích gì (đã chu cấp được gì) cho ta. Thế tại sao Vương Trọng lại dịch giúp được gì đời, sai hẳn ý nguyên tác? Xin xem tham khảo bản dịch sau của nhà thơ - nhà Hán học Dũng Hiệp: “Tựa kiếm nhìn lên thăm thẳm xanh,/ Ba mươi năm lội giữa bùn tanh./ Văn chương phù phiếm không no được,/ Đói rét người thương tủi phận mình”.

Tóm lại là, không biết chữ Hán, dựa vào bản dịch nghĩa của người khác thì thấu hiểu nghĩa chữ của nguyên tác cũng còn khó, còn cái nghĩa thơ, hồn thơ, chất thơ, chất triết học (thơ Nguyễn Du là thơ trữ tình - triết học) và nhiều những nhân tố vi lượng khác của thơ, khó mà chuyển sang thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ thơ của Vương Trọng cũng khá vụng về, nghèo nàn; dịch cứ bắt vần, nôm na, lê thê vậy thôi thì rất dễ trở thành một “thảm họa dịch thuật”.

Nhiều nhà thơ lớn đã “van lạy” người ta đừng dịch thơ mình, đừng biến phượng hoàng thành gà nhà!

Việc dịch chẳng phải là việc rất nên cân nhắc, thận trọng đó sao? Lỗ Tấn nói: Dịch khó hơn sáng tác, thật đúng quá.

VŨ HỒNG NGỰ