Cảm giác mất chủ quyền quốc gia ngày càng trở thành một luận cứ rõ nét vì người dân không thể hiểu, hay không chấp nhận những đạo luật do Liên minh này áp đặt lên từng người dân trong từng quốc gia thành viên. Những ai đã làm luật từ Bruxelles? Đó là những người không do dân bầu ra, trong khi công thức dân chủ hiện hữu mà mọi người dân đều hiểu là có Hiến pháp, có Quốc hội để có Tư pháp và Hành chánh, nói một cách đơn giản như thế. Hơn thế nữa, mỗi quốc gia thành viên đều có chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền dân tộc. Trong khi đó người dân châu Âu xây nhà, thậm chí khi đi mua cái bồn cầu, cũng ngạc nhiên vì bồn cầu phải đúng tiêu chuẩn luật lệ mới từ Bruxelles, và họ cảm thấy tự ái dân tộc bị động chạm vì một cái bồn cầu - đây cũng chỉ là một thí dụ rất đơn giản.
Tình hình tranh luận về vấn đề khối nợ khổng lồ của Hy Lạp đang còn tiếp diễn, vì một câu hỏi trung tâm là: Hy Lạp sẽ phải hay nên rút ra khỏi khu vực đồng euro? Trên nguyên tắc, mọi quốc gia thành viên đều có chủ quyền để tuyên bố rút ra khỏi khu vực đồng euro và ban hành, phát hành đơn vị tiền tệ của quốc gia đó như cũ.
Khả năng Hy Lạp sẽ rút ra khỏi khu vực đồng euro đang có tín hiệu từ nước Đức, theo tạp chí Der Spiegel, chính phủ Đức cho rằng sự rút lui của Hy Lạp không làm phương hại đến khối cộng đồng chung còn lại. Nhưng rút lui như thế nào, thì lại còn phải chờ lời giải đáp từ các nhà làm luật của khối Liên minh châu Âu, vì chưa có hiện tượng tiền lệ là chỉ rút ra khỏi khu vực đồng euro mà vẫn còn là thành viên của khối. Song, báo chí Đức ngày 24-4-2015 vừa qua đưa tin là Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, lại cương quyết ngăn cản việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng euro. Bà nói “Phải dùng tất cả mọi biện pháp để ngăn chặn việc ấy”(1).
Đằng sau mọi cuộc tranh luận ở bề mặt công khai, thì những tình huống, công việc sửa soạn ngầm cho khả năng “nếu” đã được bắt đầu từ lâu. Nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro thì việc gì sẽ xảy ra? Viễn cảnh này cũng đã có những câu trả lời của truyền thông Đức(2):
- Nước Đức sẽ bị mất ít nhất 240 tỉ euro không đòi lại được.
- Dân chúng Hy Lạp sẽ rút hết tiền euro ra khỏi tài khoản ngân hàng của họ, trước khi tất cả tài khoản bị chính phủ ra lệnh “đóng băng”, sẽ làm cho nhiều ngân hàng sụp đổ nhanh chóng. Sự kiện này sẽ gây ra một tâm lý hoảng sợ cho tất cả mọi người dân, nhất là cho các nước đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như Tây Ban Nha, Ý, và sẽ gây ra hai thái độ trong dân chúng: họ sẽ rút hết khối tiền để dành, và họ sẽ chuyển khối tiền này đi ký gửi ở những nước khác. Như thế, một cuộc khủng hoảng ngân hàng có tầm mức thế giới có thể sẽ xảy ra.
- Những khối tài sản kếch sù thu lượm được từ tham nhũng sẽ lộ ra, trễ nhất là khi đổi tiền từ đồng euro trở về đồng tiền Hy Lạp (drachma).
- Các ngân hàng trong khu vực sẽ phải giảm số nợ cho vay kéo theo sự xuống dốc của tình hình đầu tư của mọi công ty, hãng xưởng, luôn cả sự xuống dốc của tình hình thị trường tiêu thụ của dân chúng vì không ai có sức mua nữa. Các sự kiện này sẽ đưa đến sự sụp đổ của thị trường tiêu thụ quốc nội và đồng euro sẽ lâm vào giai đoạn suy thoái.
- Các công ty và hãng xưởng tư nhân Hy Lạp nếu vẫn phải trả nợ bằng đồng euro thì họ sẽ tuyên bố phá sản, không trả lại được nợ. Sự kiện này sẽ gây lỗ lã và thiếu hụt cho các ngân hàng chủ nợ trên các nước khác, khiến cho thị trường các nước này bị ảnh hưởng nặng thêm.
- Các tín hiệu hay quyết định, hay khủng hoảng chính trị đều có ảnh hưởng lên thị trường tài chính thế giới, khiến cho mọi sàn giao dịch trên thị trường chứng khoán thế giới sẽ bị kéo xuống, giao động mạnh vì những nhà đầu tư sẽ “thải ra”, bán đi những cổ phần “yếu” bị mất giá hầu lấy lại được vốn và mua những cổ phần “vững”. Sự kiện này sẽ làm tăng tỷ giá giao dịch của các đơn vị tiền tệ khác như đồng đô la Mỹ, đồng yen của Nhật và đồng franken của Thụy Sĩ, và làm tăng giá vàng. Đồng thời thị trường tài chính của các nước có nền kinh tế tương đối vững như Đức thì lại bị tình trạng là khối tiền đầu tư “chảy” vào quá lớn, lại cần có người vay tiền để thâu về lợi nhuận.
- Các quốc gia khác đang suy yếu kinh tế như Tây Ban Nha và Ý sẽ bị ảnh hưởng mạnh, vì các nhà đầu tư sẽ không cho vay nữa, trái phiếu/ngân phiếu quốc gia của các nước này sẽ không có người “mua”, các quốc gia này sẽ bị suy yếu thêm và cần gấp một sự trợ giúp tài chính của khối Liên minh châu Âu.
- Trên bình diện chính trị, nếu khối Liên minh châu Âu “bỏ rơi” Hy Lạp, thì các đảng phái từ hai phía cực hữu và cực tả sẽ có thời cơ nổi dậy, tinh thần kỳ thị chủng tộc, quốc gia sẽ lên cao, gây bất ổn chính trị và ngăn cản các chính phủ có đủ quyền lực để lãnh đạo.
Hiện nay, đống nợ của quốc gia Hy Lạp lên đến 321,7 tỉ euro, mà không có một biện pháp thâu thuế hay thắt lưng buộc bụng nào có thể trả nổi khối nợ này và tiền lời lãi ngày càng sinh sôi nẩy nở: năm 2015 Hy Lạp phải trả một số tiền lãi là 860 triệu euro. Một khối tiền lãi khác lên đến 142 tỉ euro thuộc “gói cứu trợ” lần hai đang được cho hoãn lại(3). Mọi nỗ lực thu hút du khách đến thăm Hy Lạp, giá thật rẻ so với những khu vực du lịch khác, cũng không có hiệu quả như mong đợi vì du khách sợ, không muốn đến những khu vực bất an. Chính quyền và dân chúng Hy Lạp không trả được nợ.
Đúng ngày cuối cùng của năm 2014, báo chí Pháp đưa tin kết quả một cuộc thăm dò dư luận trên 65 quốc gia trên thế giới là người dân Pháp có cái nhìn bi quan, yếm thế cho năm 2015 vào hạng nhì thế giới, chỉ đứng sau có người dân Ý. Người dân Việt đứng hạng thứ 10 trên thế giới về sự lạc quan, tin tưởng cho tương lai vận mệnh của mình (Việt Nam chỉ có 11%-12% người bi quan). Người Hy Lạp cũng nhìn năm 2015 qua một cặp kính đen, họ ở trong số những người bi quan nhất, vì những khủng hoảng toàn diện sâu đậm đang xảy ra. Chỉ trong vòng vài tuần lễ trước ngày cuối năm, người dân Hy Lạp và các công ty đã rút ra khoảng 2,5 tỉ euro từ các tài khoản ngân hàng của họ, và họ tiếp tục rút hết tiền trước khi cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp diễn ra vào ngày 25-1-2015(4).
Tuy thế, một tiếng nói phản biện khác của một giáo sư kinh tế của đại học München tại Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2013 được bình chọn là người có tiếng nói uy tín ảnh hưởng nhất trên bình diện kinh tế của nước Đức, ông Hans-Werner Sinn(5), đưa ra những suy nghĩ khác. Ông Sinn cho rằng, sự suy sụp kinh tế thị trường của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ kéo theo hai “nạn nhân” Ý và Pháp đang đứng trên bờ vực thẳm. Theo ông, biện pháp cấp bách nhất là thị trường các nước này, để tăng mức cạnh tranh quốc tế và thúc đẩy tiêu thụ thì phải giảm mọi giá xuống từ 20% đến 30%.
Ông Sinn nhấn mạnh là các viễn ảnh đen tối đã được vẽ ra vì những người lãnh đạo sợ bị gánh trách nhiệm, vì chưa có tiền lệ và trải nghiệm, nhưng vài quốc gia đang trong khủng hoảng nên rút ra khỏi khu vực đồng euro, ban hành lại đơn vị tiền tệ quốc gia cũ, để có thể tự độc lập điều chỉnh thị trường kinh tế. Và để giúp cho những quốc gia này vực lên được thì khối cộng đồng nên có biện pháp xóa (bớt) nợ cho họ.
Giải pháp in thêm tiền tung vào thị trường cũng là một giải pháp xấu, phá giá tiền tệ, giảm sức mua, lại gây ra phản ứng đòi tăng lương của thành phần công nhân viên, công đoàn vì họ không đủ sống với đồng lương của họ. Phía chủ nhân nhà đầu tư và chính phủ thì yêu sách ngược lại, tức là đòi giảm lương công nhân viên, hủy bỏ các đạo luật xã hội bảo đảm quyền lợi của người lao động, và giảm giá sinh hoạt thị trường. Tóm lại, sự cách biệt giữa sức mua trên thị trường và mức thu nhập của người lao động, người dân, là chủ đề chính để vực lại thị trường tiêu thụ nội địa thì chưa có một giải đáp thỏa đáng.
Hiện nay tại Pháp, tất cả các loại cước phí bưu điện tăng rất cao, kéo theo sự tăng giá của nhiều hàng hóa, là một quyết định phản tác dụng và phản nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, biện pháp tăng thuế thu nhập của chính phủ Pháp đối với tầng lớp trung lưu, không làm tăng mà làm giảm mức tiêu thụ thị trường. Thêm vào đó, một giọt nước sẽ làm trào ly, đó là một tin rất xấu về lương hưu của thành phần hưu trí, người già sẽ bị cắt giảm mạnh trong một thời gian rất gần, cũng đã có ảnh hưởng là sức tiêu thụ của thành phần này đang theo khuynh hướng giảm mạnh. Cho dù mức lời tại Pháp đang giảm xuống rất thấp, nợ công là 1,38%, nợ vay mua nhà trong thời hạn 14 năm là 2,12% - 2,5%, nợ vay tiêu thụ ngắn hạn 3 năm là 1,99%, trong khi đó tiền lời để dành trong sổ tiết kiệm xuống chỉ còn đúng 1%, nhưng người dân Pháp nào, người tiêu thụ Pháp nào sẽ được ngân hàng chọn mặt để cho vay nợ, nếu họ chỉ có thu nhập dưới 900 euro/tháng?! Viễn ảnh cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 sẽ đi về đâu?
_____
(1) Tạp chí Der Spiegel, 24-4-2015, bài Gespräch mit Tsipras - Merkel will Griechenland nicht bankrottgehen lassen.
(2) Tạp chí Der Spiegel, bài Was passiert, wenn Griechenland den Euro verlässt?
(3) Tạp chí Der Spiegel Online 5-1-2015, bài Griechenland und die Euro-Zone - Der fast unmögliche Rausschmiss, tác giả David Böcking và Nicolai Kwasniewski.
(4) Trích Enquête internationale menée dans 65 pays - Baromètre mondial de la confiance en l’avenir, WiN Worldwide Independent Network Of Market Research, Gallup International, 31-12-2014. Tạp chí Der Spiegel Online 31-12-2014, bài Angst vor Regierungswechsel - Griechenlands Sparer heben Milliarden ab.
(5) Tạp chí Le Point số 2197 ngày 23-10-2014, bài Le verdict de l’économiste le plus écouté d’Allemagne.