Nguyễn Chí Trung là một ngòi bút triết luận. Ông có khả năng tổng hợp và phân tích sâu sắc những tình huống đặc thù của lịch sử. Tiếng khóc của Nàng Út, do đó, là một tiểu thuyết sử thi, một tiểu thuyết triết luận, một tiểu thuyết lịch sử.
Dĩ nhiên, trước hết nó phải là một tiểu thuyết. Câu chuyện kể của nhà văn với bao nhân vật, tình huống, đối thoại... là một vốn sống, một trải nghiệm của nhà văn trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cạnh đó là sự lý giải về một tình huống đặc biệt, bi kịch của lịch sử: ta thắng sau 9 năm kháng chiến, nhưng phải để địch trói tay và giết!
Nguyễn Chí Trung còn đi xa hơn: từ trong những suy nghĩ sâu thẳm và lịch sử Đàng Trong, lịch sử di dân, dựng làng, giữ nước của ông cha, Nguyễn Chí Trung lý giải tính cách con người miền Trung Trung Bộ. Đó là những đóng góp mới hết sức quan trọng của cuốn tiểu thuyết “đa thể loại”, đa giọng điệu này vào tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Văn triết luận Nguyễn Chí Trung nhiều đoạn hay, đọc lên cảm thấy tâm huyết, học vấn, trí tuệ... dồn cả vào câu văn, hào sảng mà trữ tình, chất thơ và chất triết giao thoa...
Đáng tiếc, một số đoạn về sử thi Tây Nguyên tác giả phân bố chưa hợp lý, khiến cho cấu trúc bị ảnh hưởng, làm chậm nhịp điệu của cuốn tiểu thuyết. Đã 80 tuổi, Chí Trung vẫn có khả năng viết tập tiếp theo của tiểu thuyết này?
Dưới đây là tâm sự của Nguyễn Chí Trung về cuốn tiểu thuyết của mình.
***
Những người Vệ Quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thường sống chung trong làng trong nóc, chan hoà với dân, yêu làng như yêu quê hương. Nhờ thế mà tôi có được Bức thư Làng Mực, Làng Quế, Làng hôm nay, Hương cau, Trận địa giữa vùng ven, Chuyện hai người đàn ông...
Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng: “Cái gốc của loạn là nông thôn”, nghĩa là ở làng. Chúng muốn đục khoét lương tâm ta tận gốc, cướp lấy làng để làm tan nát lương tâm của làng.
Còn ta, trong những năm 1954-1959 và sau này cho đến ngày 30/04/1975, hàng chục vạn cán bộ và chiến sĩ đã ngã xuống, trong đêm đen, khi về làng và ở trong làng, cái trận địa tử sinh mãi còn đó. Làng còn thì dân còn. Làng còn thì nước còn. Làng không còn liệu Cộng sản có còn không.

Đi chợ - dân tộc K'ho, năm 1963.
Trong những năm tháng sống ở Tây Nguyên, những người lính thường ngắm nhìn nhà rông.
Ôi, những mái nhà rông cao ngất, dẫu thế, cũng không sao cao bằng lòng người BaNa cao thượng... Hiên ngang như lưỡi rìu mài sắc – hồn xứ sở, như cánh buồm no gió nhấp nhô trên sóng bạc bọc quanh con đất cũ mờ ảo nay đã chìm xuống đáy biển sâu...
Tình yêu và đau đớn đã dựng nên làng. Làng có hồn, có nghĩa, có lương tâm, có thương có nhớ, có vui có buồn, ngày cưới xin, ngày giỗ chạp, ngày đưa nhau về cõi âm lạnh lẽo. Từ nhân cách của mỗi con người qua hàng trăm đời sinh ra và chết đi, xây thành nhân cách của làng.
Làng là nơi bảo tồn văn hiến Việt Nam. Tâm hồn làng đẹp lắm.
Bởi thế Đêm khóc trâu Toàn đã đến với làng. Người hiền của làng râu dài bạc trắng, đầu đội lông chim, mình khoác đồ mới dệt còn thơm mùi vải, đứng trước con trâu tơ buồn bã khóc: Trâu ơi, đêm nay tau làm lễ cúng cho mày để ngày mai mày lên gặp thần linh gặp ông trời xa cách nói với ông trời và các thần linh, dân tộc tau nghèo, phù hộ cho dân tộc tau hột lúa vàng to như trứng chim. Trên lưng đất, dưới cõi đời này, nào có ai hỏi ý nguyện của người đau khổ...
Toàn nói: Quê hương ta nghèo đất bạc mà dân chăm. Chuộng nghĩa khí ghét gian ngoa, biển lấn bên này, núi ép bên kia, teo gầy như mảnh khố không ai vá. Bọn giàu ghé tai nhau mặc cả đổi chác chiếc khố rách ấy, dụ dỗ con người.
Cái dễ nhất trên đời này là bán mình cho sự dối trá. Còn nước giàu và kẻ mạnh, còn nước nghèo và kẻ yếu, còn những lũ buôn người và buôn đạo đức, có hiệp định nào dành ơn huệ cho kẻ yếu?
Toàn nghĩ rằng: Thuở còn nô lệ, ta khao khát chính quyền. Khi sẩy tay rủi để chính quyền tuột mất, ta giày vò chua xót quyết tìm cách giành lại chính quyền. Giành được chính quyền, chính quyền cho ta chức tước. Không ai khước từ chức tước. Chức tước đem đến quyền hành và danh vọng. Danh vọng và quyền lực lại cho ta tiền tài. Nhưng danh vọng quyền lực lẫn tiền tài mảy may không cho ta lương tâm và đạo đức... Để lại lương tâm và đạo đức thì còn...
Khi Thu Bồn nói chuyện với già làng nơi Thu Bồn viết Trường ca chim Chơrao, ông già trố mắt: Mày làm được trường ca? Trường ca không phải ở dưới đất, trường ca không phải ở trên trời, trường ca ở lưng chừng giữa trời và đất, do giàng sai khiến.
Nguyên Ngọc, người từng trải và sống một đời với Tây Nguyên viết: Người Tây Nguyên kể sử thi về đêm, bởi về đêm con người Tây Nguyên sống một đời sống khác. Nói đúng ra, không phải là kể, kể sử thi, mà họ sống sử thi, khi bóng đêm tạo nên một không gian huyền thoại sống động lạ thường.
Kể sử thi cho con cháu, già làng nằm. Ông cụ nằm đấy, đầu gối lên chiếc gối cao, tay gác lên trán, nhắm mắt lại mà kể.

Nhà rông ở Tây Nguyên.
Ông cụ nhập thần vào câu chuyện, nói lại với mọi người những gì đang thực sự diễn ra trong cuộc. Mọi người cùng sống với sử thi ấy, mỗi lần kể, người kể lại sáng tạo thêm, hầu như lời người kể và lời nhân vật sử thi nhuyễn làm một.
Trong tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út, tôi kể lại số phận của những con người trong ba mảng đời: những người ở lại Khu 5 tại đồng bằng vốn là vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp, những người ở lại trên núi, những người ra đi tập kết.
Ở miền Trung, đứng ở góc nào cũng thấy núi. Người thương núi là người có nhân. Số phận của các con người ba mảng đời ấy, thắm đượm hồn làng, quyện vào nhau, cho nhau và vì nhau, sức mạnh của một thời.
Nếm trải thế nào, tôi kể lại thế ấy. Hiểu biết chừng nào, tôi viết chừng nấy. Từng sống với các số phận, các mảnh đời, kết nối, đan xen, xoắn xít vào nhau, gác tay lên trán và đau buồn ứa lệ, tôi viết cho chính mình. Như thể tiếng gọi của lòng và để thoả lòng, hồi hộp lội ngang Bến Tắt, âm thầm vượt qua Sông Tuyến, lại về Liên Khu 5. Đêm tối trời. Thế thôi. Cũng không dám gởi gắm điều gì. Bởi sự gởi gắm trong văn chương tuỳ thuộc vào lòng chân thực, vào đời, vốn không ngừng chuyển động, vào sự đồng cảm của người đọc.
(*) | Tiểu thuyết của Nguyễn Chí Trung, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2007. |