Mỏ Nước không xa, chỉ cách thị trấn Chùa Hang 25 km, nghĩa là chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn ba chục cây số. Ấy vậy mà cuộc sống và việc học hành của người Mỏ Nước cứ như là ở thế giới khác. Xóm Mỏ Nước hiện có 24 hộ, nhà nào cũng đủ cơm ăn nhưng vẫn còn nghèo lắm. Trẻ con vẫn phải bỏ học để phụ giúp cha mẹ trồng ngô, chăn trâu bò. Các em gái thì vừa mới lớn đã phải đi làm dâu.
Ngay như hai cô con dâu nhà ông Hờ, cô dâu cả mới 18 tuổi đã có con hơn 1 tuổi, cô dâu thứ hai mới 16 tuổi. Hiện, nhà còn 2 đứa đang đi học là Lý Văn Minh, học lớp 6 và Lý Thị Hoa, lớp 3, nhưng không biết còn được theo học mấy năm nữa. Từ xưa đến nay, ở Mỏ Nước chưa từng có người học cao đến trung học phổ thông, mới có mấy cháu học trung học cơ sở rồi bỏ dở.
Chuyện điện, nước đối với người dân Mỏ Nước thì vẫn xa vời như mơ hái sao trên trời. Chỉ duy nhà ông Hờ có làm được thủy điện nhỏ nhưng công suất không đáng kể, các vật dụng vẫn mang tính trưng bày là chính. Việc học mới thật là chuyện không mấy vui ở Mỏ Nước.
Điểm trường tiểu học nằm ngay đầu xóm, trên đỉnh đồi. Ba nếp nhà sơ sài, vách thưng bằng mấy tấm ván, mái lợp prô-xi-măng đã bị bão liếm nham nhở. Các phòng học dù tốc mái, nền nhà đọng từng vũng lớn nước mưa nhưng vẫn tối om om. Học sinh phải kéo bàn đến sát gần bảng của cô mới nhìn thấy chữ. Trước sân trường, cột cờ cao vút với lá cờ đỏ sao vàng sáng lên như một ngọn hải đăng.
Ngôi trường có cả thảy 5 lớp, 5 cô giáo với vẻn vẹn 25 học sinh. Cô giáo Ngô Thị Hạnh, 28 tuổi, người có “thâm niên” nhất ở Mỏ Nước, chủ nhiệm lớp Một.

Trường học ở xóm Mỏ Nước, xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ.
Ảnh: L.T.B.L.
Dạy lớp Một ở vùng cao thật khó. Vì các em hoàn toàn không biết tiếng Việt, cô bảo đọc bài cũng cười, cô bảo viết bài cũng cười, cô giận quá phạt cũng cười nốt. Đã thế, các em lại quá nhút nhát và rụt rè, chỉ nội việc làm quen, uốn nắn đưa các em vào nề nếp cũng là cả một quá trình nan giải, càng khó khăn hơn vì các cô đều ở miền xuôi lên, không hề biết tiếng dân tộc.
Cô Hạnh bảo, năm nay lớp may mắn có “phiên dịch” là em Đào Thị Thơm, mẹ của em từng học hết cấp 2, là người học cao nhất xóm nên đã dạy em nói tiếng Việt trước khi đi học. Đến lớp, em hiểu các yêu cầu của cô giáo, nói lại bằng tiếng Mông với các bạn. Vì thế các em bắt nhịp nhanh hơn, tiếp thu kiến thức tốt hơn, chăm học và biết vâng lời cô hơn. Trong khi cô giáo bận tiếp chuyện chúng tôi, Đào Thị Thơm thay cô quản lớp, “cô giáo nhỏ” đang hướng dẫn các bạn tập đọc.
Nhà 5 cô giáo được dựng ngay chân dốc dưới cổng trường. Trước cửa nhà, dòng sông Cầu miệt mài chở phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho đồng bãi phía hạ lưu. Ngôi nhà nứa lá khá tươm tất vì được sắp xếp gọn gàng bởi bàn tay các cô gái trẻ.
5 cô giáo, 5 miền quê và 5 mảnh đời. Cô Ngô Thị Hạnh đã có chồng và con 4 tuổi, chồng bộ đội biền biệt đã đành, cô Hạnh cũng phải gửi con cho mẹ, cuối tuần mới về. Cô Đinh Thị Lan Anh quê ở tận Hà Nam, vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm đã xung phong lên miền núi dạy học. Các cô Trương Thị Hồng Nhung, Vũ Thị Nhã, Hoàng Thị Thanh Hiền cũng đã quen dần với cuộc sống hết sức thiếu thốn ở vùng cao.
Ngay dưới chân là sông Cầu, song do địa hình dốc, cả xóm không hề có một giếng nước. Hàng ngày, các cô giáo phải bơi mảng sang bên kia sông để xin nước ăn. Không điện, không sóng điện thoại. Các cô gái đang tuổi thanh xuân phải gác lại những thú vui nho nhỏ như xem phim truyện hoặc “nấu cháo điện thoại” với bạn bè, người thân.
Niềm vui duy nhất của các cô là lớp học và các em học sinh ngây thơ của mình. Những ngày trời mưa lạnh, phải cho học sinh nghỉ sớm, hoặc những hôm bão lũ học sinh không thể đến trường mới thấy ngày dài lê thê.

Giờ lên lớp. Ảnh: L.T.B.L.
Cô Lan Anh kể: “Buồn cười lắm cơ, tôi luôn dặn dò là khi gặp người lớn và các cô giáo thì phải lễ phép chào hỏi nhưng các em chỉ nhớ lúc ở trường, hễ cứ ra khỏi cổng trường là chẳng bao giờ biết chào cô. Có em gia đình bắt nghỉ học ở nhà chăn bò, tôi đến động viên cho đi học tiếp. Bỏ học sớm, kết hôn sớm vẫn xảy ra phổ biến ở Mỏ Nước”.
“Không có ăn thì phải bỏ học làm ngô thôi!” - chị Ngô Thị Sỹ, 39 tuổi, vừa cười vừa nói vậy. Con gái chị là Dương Thị Si, sinh năm 1997 đã phải bỏ học. Trong ngôi nhà, tài sản đáng giá nhất là 2 tấm huy chương, em Dương Thị Si, được Huy chương Bạc bơi lội tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc năm 2008.
Em gái là Dương Thị Chợ, đạt Huy chương Đồng. Người mẹ nói như phân bua: “Trước đây, nhà nhiều ngô, nhiều lợn, năm ngoái khô quá, ngô không được, lợn cũng không được. Bố lại bị sỏi bàng quang, về bệnh viện tỉnh, tiền ăn tiền thuốc cũng tốn hơn 2 triệu, giờ sức yếu, không có người làm. Con chị lớn hơn phải nghỉ học ở nhà chăn bò, làm cỏ ngô. Con em chắc năm tới cũng phải nghỉ thôi”.
Giọng chị Sỹ pha chút nuối tiếc, xót xa khi kể về các con gái giỏi giang của mình, năm trước các cháu được về tỉnh, lại được đi thi đấu tận Phú Thọ, được nhận huy chương lại được thưởng tiền, cả xóm cả xã đều vinh dự. Bố mẹ không biết chữ nhưng đứa nào cũng sáng dạ, năm học nào cũng được giấy khen học sinh tiên tiến. “Học nhiều rồi cũng chỉ lấy chồng thôi mà” - chị Sỹ kết luận.
Bây giờ mà được đi học lại, em chắc đi mà - Lý Văn Sinh, 17 tuổi bùi ngùi nói. Là con lớn trong nhà, ba năm trước, mới học xong lớp 5, Sinh phải nghỉ học để làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ. Gia đình em vừa được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, thêm tiền dành dụm nhiều năm đã làm xong ngôi nhà gỗ khá to, đẹp vào hàng nhất nhì của xóm.

Lý Văn Sinh, 17 tuổi, luôn mơ ước được học tiếp trung học cơ sở.
Ảnh: L.T.B.L.
Sinh tâm sự: Không được học lên cao, không biết cách làm ăn, rồi con cháu cũng nghèo khó như cha ông thôi. Phải học mới tiến bộ được. Tuy lớn tuổi rồi nhưng nếu có các lớp bổ túc ở xóm, em sẵn sàng theo học tiếp.
Đến trường, một việc tưởng chừng hiển nhiên đối với tất cả trẻ em, vậy mà đó lại là niềm ao ước lớn của trẻ em ở Mỏ Nước! Chúng tôi chỉ biết rưng rưng trước ước mơ quá đỗi giản dị này.