Đòi hỏi và chia sẻ

Những đôi lứa dù đang trong thời gian yêu đương hay đã cưới nhau, sống với nhau nhiều năm họ thường tự phong cho mình một quyền lực vô hạn. Đó là quyền đòi hỏi ở người đàn ông, đàn bà của họ những đặc điểm tốt đẹp, hoàn hảo, cho dù những phẩm chất ấy đối tượng có sẵn, tình nguyện đáp ứng hoặc… dị ứng hay không bao giờ có nổi....

Trong hồi ký của một nhà văn hóa nổi tiếng, nay đã ngoài 90, trong phần trả lời phỏng vấn báo chí ông có nêu một số tiêu chuẩn về người bạn đời lý tưởng của mình, đó là một người phụ nữ phải biết nấu ăn ngon, có trình độ văn hóa, có sự đồng điệu, tri kỷ để cùng ông liên ngâm, đối ẩm, biết bàn luận thơ văn, có đủ tầm tri âm để cùng ông đờn ca xướng họa…

Tiếp xúc với nhà nghiên cứu này ngoài đời, càng hiểu thêm rằng, người phụ nữ (mơ ước) của ông hẳn phải xinh đẹp, tao nhã, lịch lãm, luôn mới mẻ và… trẻ mãi không già! Với tầm vóc lẫn tài năng của mình, rõ ràng ông có quyền tìm kiếm một bậc nữ lưu toàn diện như thế… Nhưng thực tế thì hiếm có một phụ nữ nào đáp ứng cho đủ những đòi hỏi ấy, hoặc là phải cưới đến… sáu bà thì mới đủ, như cách nói đùa của bạn bè ông.

Thông thường ai cũng nghĩ rằng, một khi mình có nhiều ưu điểm, ưu thế thì cũng có quyền đòi hỏi những điều tương tự ở “đối tác”. Một cô dược sĩ xinh đẹp, giỏi giang, đang làm việc tại một đơn vị y tế tầm cỡ, cô lớn lên trong một gia đình khá giả, ba mẹ cô sống với nhau rất hạnh phúc, được mọi người chung quanh tin cậy…

Từ khi còn học phổ thông, không hiếm những chàng trai theo đuổi nhưng đến giờ đã ngoài 30, cô vẫn chưa có một mối tình vắt vai… Vì theo nhận định của cô, chàng A thành đạt, đẹp trai nhưng lại thực dụng, thiếu sâu sắc; chàng B. chân thành, tốt bụng nhưng lại nghèo; chàng C. đạt hết mọi điều cô yêu cầu nhưng chiều cao lại khiêm tốn, thấp hơn cô một cái đầu dù chỉ theo nghĩa đen.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đòi hỏi những điều tốt đẹp ở người bạn đời là nhu cầu chính đáng, là động lực và cũng là mục tiêu để người ta trở nên biết nỗ lực hoàn thiện mình hơn. Thế nhưng có rất nhiều người chỉ biết đòi hỏi những điều cao vời ở người kia trong khi bản thân họ lại thấp lè tè…

Chị K. một phụ nữ có học, hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng luôn sống khốn khổ, mặc cảm tự ti vì có một ông chồng làm ở ngành văn hóa nhưng hành xử với vợ rất… vô văn hóa, không ngại sỉ nhục, đánh đập chị. Vậy mà anh ta luôn đòi hỏi vợ phải “công dung ngôn hạnh”, phải nhã nhặn, biết “tỏa sáng”, kiếm được nhiều tiền như nhiều phụ nữ giỏi giang khác. Anh ta hoang tưởng đến nỗi không biết rằng một phụ nữ “chất lượng cao” như thế sẽ chẳng bao giờ chọn một người chồng ba hoa, kém đức, kiệm tài như anh, mà lỡ có chọn nhầm người ta cũng bỏ đi để… chọn lại.

Phía phụ nữ cũng vậy, nhiều chị luôn đòi hỏi chồng phải giỏi giang, kiếm ra nhiều tiền, mang lại cho mình một cuộc sống sung túc, phải biết quan tâm, chăm sóc, chung thủy, chia sẻ mọi điều… Nhưng bản thân họ lại lu mờ, vụng về, ích kỷ. Bà Hằng từ năm 18 tuổi cho đến khi về hưu non, suốt thời gian công tác bà chỉ làm một công việc duy nhất: kế toán.

Về vườn, dù chưa đến 50 tuổi bà cũng không biết tìm công việc gì khác kể cải thiện cuộc sống gia đình vốn chẳng mấy dư dả với tiền lương của một nhà khoa học là chồng bà. Bà vụng nấu nướng lẫn vá may, nhà cửa luôn bề bộn, con cái cũng chẳng được chăm sóc dạy dỗ chu đáo…

Thế nhưng gặp người thân quen bà đều kêu ca về ông chồng “bất tài vô dụng” của mình. Và ông chồng của bà thì cũng thế, luôn nhằm vào những nhược điểm của vợ để mà… đào bới. Kết quả là “vết nứt” giữa họ ngày càng nới rộng để họ dạt về hai phía bến bờ xa lắc, không còn cách nào “nối” lại. Cứ thế họ không ngừng trách móc nhau và cuộc sống gia đình ngày càng bị nhiễm độc, lan sang cả con cái.

Mà một khi cứ đòi hỏi lẫn nhau như vậy, cho dù được đáp ứng thì nhu cầu này ngày một “leo thang” cho tới lúc cái “thang” đó có thể… sụn vì quá tải! Bởi trong cuộc sống vợ chồng, càng về sau những nhu cầu vật chất, tinh thần không ngừng sinh sôi nảy nở.

Ngược lại, sự chia sẻ là cách “nối những bờ vui”, để những khoảng cách gần lại và yêu thương như mưa móc làm hồi sinh những cánh đồng khô hạn. Bạn bè, người thân đều sững sờ khi L.Trang, xuất thân trong một gia đình khoa bảng, cha mẹ cô đều người trí thức, mẫu mực. Trang từ chối nhiều người đàn ông có chức danh rất kêu, kể cả giàu có để kết hôn với người đàn ông mà tài chỉ đang ở dạng “tiềm năng”, anh ta không đẹp trai, cũng chẳng giàu có chưa kể một lần thất bại trong hôn nhân khiến anh ta sớm nhuốm vẻ khắc khổ, cay đắng dù chỉ ngoài 30 tuổi.

Cuộc sống khó khăn trước mắt không làm cô nản lòng vì luôn tin rằng chồng mình sẽ làm được điều gì đó; gặp gỡ bạn bè, cô luôn đem vẻ lịch thiệp, tinh tế của mình để che cho cái gốc gác nhà quê của chồng. Và trong tình cảm, sự ngọt ngào của cô đã đẩy lùi dư vị cay đắng của cuộc hôn nhân trước… Còn người chồng dù có phần thô vụng nhưng vẫn thấu hiểu tấm lòng của vợ, anh luôn biết ơn lẫn nâng niu, bao bọc một cô tiểu thư không quen va chạm với sự thô nhám của cuộc sống, họ luôn tìm cách bù đắp những khiếm khuyết của nhau chứ không trách móc, đòi hỏi, vạch lá tìm sâu...

Sự tương tác ấy đã làm nên điều kỳ diệu, họ ngày càng hạnh phúc, trái ngược với lời “tiên tri” rằng sớm muộn gì “đôi đũa lệch” này cũng rời bỏ nhau. Một “phần thưởng” nữa là họ gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp hơn cả mong đợi. Trong mắt mọi người, đó là một cặp vợ chồng “cá biệt”, họ không ngừng ngưỡng mộ nhau…

Thúy Ái