Phần nói về văn hóa, văn học, nghệ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất cũng là điều dễ hiểu vì trước hết GS.TS Mai Quốc Liên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, người đã chủ trì nghiên cứu nhiều công trình khoa học về các nhà văn hóa lớn của dân tộc ta: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn An Ninh... Tác giả cũng dành nhiều bài viết về công tác lý luận phê bình văn nghệ vì đã và đang là ủy viên Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương nhiều năm.
Ngoài những lĩnh vực là sở trường của anh, cuốn sách đề cập khá nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, tất cả đều là những "cây đời tươi xanh"; là những điều quan tâm và bức xúc của đông đảo cán bộ, nhân dân; từ chuyện "bão giá", chuyện tam nông, chuyện bão lụt miền trung, chuyện lạm dụng từ thi hoa hậu, hoa khôi... đến chuyện quốc tế với mong muốn của tác giả là "nhìn người để ngẫm đến ta"...
Chọn cách nêu các vấn đề "sát sườn", tác giả đã tạo nên sự hấp dẫn của cuốn sách thông qua những gợi mở suy nghĩ, góp sức thôi thúc người đọc cùng "chung lưng đấu cật" để tìm cách "giải mã" có hiệu quả những vấn đề nổi cộm đặt ra từ thực tiễn cuộc sống hôm nay. Ðề cập chuyện "tam nông" ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng với việc khẳng định thế mạnh về xuất khẩu gạo (5 triệu tấn/năm), xuất khẩu cá tra vào 170 nước, đạt 1,4 tỷ USD/năm, tác giả nêu ba vấn đề bức bách: nạn thiếu nước sạch; nạn "nhậu xỉn" làm ảnh hưởng sức khỏe; nạn trẻ em bỏ học cao.
Từ đó, anh bày tỏ mong muốn Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, tập trung sức cho nông dân, vừa là việc cấp bách, vừa là việc lâu dài. Trong nhiều bài về giáo dục, anh băn khoăn trước thực trạng "cơm áo có đủ nhưng văn hóa - nhân tài suy sút"; "nguồn nhân lực, vật lực cho giáo dục thiếu chủ yếu là người, chứ không phải là tiền, là lợi". Anh kiến nghị, cần "làm nhanh việc sửa chương trình sách giáo khoa là cái trong tầm tay để học trò đỡ bị nhồi nhét"...
Bàn về chuyện y đức nước ta hiện nay, anh dành những dòng tâm huyết để ca ngợi tấm gương sáng của bác sĩ - Viện sĩ Tôn Thất Bách cùng nhiều "thầy thuốc như mẹ hiền". Nhưng anh cũng thắt lòng trước hiện tượng nhũng nhiễu, "hành hạ" người bệnh của một số thầy thuốc biến chất, vô lương tâm. Anh xót xa: "70% nông dân, công nhân, viên chức, người về hưu... lấy đâu ra tiền" để "bồi dưỡng" cho thầy thuốc?
Bình luận về những khó khăn của nền kinh tế nước ta trước tác động tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, tác giả không bi quan, mà nêu lên hy vọng "tình hình sẽ khá dần lên"; đưa ra lời khuyên có lý, có tình "nên bình tĩnh phân tích, đừng quá hốt, đừng quá tin vào các bình luận "xám" dễ làm phân tâm, nản lòng". "Ðiều quan trọng là định hướng XHCN trong tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội... Phải không ngừng khẳng định, không ngừng thể hiện định hướng này".
Ðề cập những vấn đề thời sự "nóng" là quan hệ Việt - Trung hiện tại, trong đó có vấn đề Biển Ðông, anh tỉnh táo phân tích ngọn ngành và khẳng định: "Quan hệ Việt - Trung trong 60 năm nay là rất nhiều trang tốt đẹp". Cần phát huy triệt để điểm "đồng", cố gắng thu hẹp điểm "dị biệt". Anh đưa ra nhận định có sức thuyết phục: Nhân dân Việt Nam "luôn luôn biết điều", tôn trọng hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng có lợi...
Những cái đầu lớn, những nguồn có tầm chiến lược và cả một nhân dân lương thiện ở Trung Hoa chắc chắn cũng sẽ hành động như vậy. Do đó ta không nên mắc mưu, kích động của bất cứ ai có động cơ, toan tính riêng". Từ sự phân tích ấy, anh truyền niềm tin cho mọi người: "đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta trên vấn đề biển - đảo, biên giới là hoàn toàn đúng".

Bìa quyển sách Thời sự và suy ngẫm
Về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật - như đã nói ở phần đầu - là thế mạnh của anh, do vậy có nhiều bài viết sắc sảo, tinh tế, thể hiện rõ nét trách nhiệm nhà văn - chiến sĩ. Sau khi phân tích những chuyển biến về kinh tế trong những năm đổi mới, hội nhập, anh cảnh báo: "còn coi nhẹ văn hóa, văn nghệ ngày nào, ta còn nguy cơ". Ðể ngăn chặn nguy cơ "phải hết sức kiên định định hướng XHCN, lấy cái bất biến là Tổ quốc, là Nhân dân, là lẽ phải...để tồn tại, ứng phó và phát triển".
Là người "trong cuộc", hơn ai hết, anh hiểu rõ vai trò cực kỳ quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn nghệ trong việc đồng hành, định hướng sáng tác, tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao. Nhưng đây "là một công tác cực kỳ khó. Ðó là một lĩnh vực hết sức đặc thù. Ðó là lĩnh vực của tâm hồn, lòng người, của cá tính tự do sáng tạo". Ðể "giữ vững định hướng XHCN cả trong kinh tế, văn hóa, tư tưởng là chuyện không phải dễ". Ðối với công tác phê bình, "cần phát hiện cái mới, chứng minh, bảo vệ sự tồn tại hợp quy luật của cái mới". Song anh cũng lưu ý: "ranh giới giữa cái mới và cái có vẻ mới nhưng thực ra thì cũ và già cỗi là rất tinh vi".
Viết về Chế Lan Viên, anh đưa ra điều rất đáng suy ngẫm mà nhà thơ tài hoa đã đúc kết "Ðổi mới đời, đổi mới thơ nhưng chớ dựng những cặp đùi lên thành Khải Hoàn môn", chớ "lộn trái", chớ "phản thùng, quay quắt...". Có thể dẫn thêm nhiều phân tích thú vị, thiết thực từ hơn 100 bài viết trong cuốn sách này. Có điều cần nói thêm là "sức nặng" của những vấn đề nêu lên được trình bày ngắn gọn, súc tích; giọng văn mang chất tùy bút chính luận (mặc dù tác giả chỉ ghi một bài là Tùy bút). Có lẽ với cương vị là Tổng Biên tập báo Hồn Việt đã cho anh thế mạnh sử dụng có hiệu quả thể loại Tùy bút báo chí - văn học.
Ðọc xong cuốn sách tôi tâm đắc với nghĩ suy bao trùm trong các vấn đề mà anh đã nêu lên: Suy cho cùng "là phải có tấm lòng. Có những điều không ai quy định, không ai chế tài nổi, chỉ có lòng tự nguyện và lương tâm, lương tri...".
Xin chia sẻ cùng anh điều tâm huyết này và mong được cùng anh hành động quyết liệt theo phương châm hợp tình người, hợp thời cuộc đó!