Đi lễ hội cần văn hóa tu thân

Thượng tọa THÍCH THÀNH ĐẠT
Phó hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam

Tôi thấy việc bảo vệ, duy trì truyền thống văn hóa bằng cách tổ chức các lễ hội là một chủ trương tốt. Nhưng tổ chức lễ hội nào thì phải hiểu được nguồn gốc, sự tích, nội dung của lễ hội đó: lễ hội Phật khác lễ hội Thánh, khác lễ hội văn hóa dân gian…, không thể tổ chức ào ào tràn lan được.

Lễ hội ở các chùa là để giáo dục những tư tưởng giáo lý từ bi của Phật; lễ hội Thánh là để tôn vinh những người anh hùng có công dựng nước và giữ nước, những người có công khai sáng, lập ra các làng, các ấp…


Đi hội chùa. Ảnh: Văn Sắc.

Nhiều người đi chùa, tham gia lễ hội nhưng không hiểu được lễ hội đó mang ý nghĩa như thế nào? Để làm gì? Nhiều nơi mở hội chỉ để kinh doanh, để kiếm tiền… đưa buôn bán, thương mại vào tận cửa chùa. Khi đã đụng chạm đến lợi nhuận, đến lợi ích kinh tế thì có thể dẫn đến nhiều hành vi thiếu văn hóa như: đánh nhau, văng tục, chửi bậy… làm mất hết ý nghĩa và sự tôn nghiêm của các lễ hội.

Thật ra, theo tôi nghĩ, những hành vi thiếu văn hóa ấy, không chỉ xuất hiện trong các lễ hội mà đây là lỗi trong hệ thống giáo dục từ gia đình, nhà trường tới xã hội: những người hay chửi bậy thì họ không chỉ chửi bậy ở chùa mà có thể chửi bậy ở nhà, ở ngoài đường, hay ở bất cứ đâu…

Lỗi trong sự quản lý của những nhà hoạt động văn hóa. Một ví dụ rất cụ thể là ở nơi linh thiêng như chùa Hương (được nhiều người coi là đất Phật…) người dân ngang nhiên mang trâu, bò ra giết mổ la liệt… để bán hàng cho du khách (Bên trên là nơi Phật ngự, bên dưới là nơi giết mổ trâu bò? Vậy thì tôn nghiêm ở đâu?). Tại sao những nhà quản lý văn hóa không quan tâm tới điều đó? Thực tế là những nơi lễ hội được tổ chức nghiêm túc, nghiêm cấm những hành vi kinh doanh trục lợi… sẽ hạn chế được rất nhiều những hành vi thiếu văn hóa này.


Ảnh minh họa.

Cũng có nhiều người truyền tai nhau là chịu khó đi chùa, đi lễ, rồi đốt thật nhiều vàng mã, mua thật nhiều lễ vật, cúng thật nhiều tiền thì sẽ gặp được nhiều may mắn, cầu gì được nấy…

Đó là suy nghĩ của những người không hiểu đến nơi đến chốn, không hiểu gì về Phật cả. Điều căn bản trong phúc đức của con người chính là Thiện Tâm. Chữ Thiện ở đây không hẳn là chữ Thiện như người đời vẫn nghĩ, không chỉ là những việc làm từ thiện (đóng góp cho người nghèo đồng tiền, bát gạo hay thỉnh thoảng giúp đỡ người gặp khó khăn…), mà Thiện ở đây là phải chú tâm cảnh giác Thân, Tâm, Khẩu… Tức là phải ý thức được ngay trong nội tâm: suy nghĩ thiện, nói năng thiện và hành động thiện.

Phật cũng đã dạy, muốn có Phúc thì phải Tu, phải Hành (hành động). Tu có nghĩa là phải tạo ra những điều tốt lành cho mọi người trong gia đình, ở nơi làm việc và trong xã hội. Thiện Tâm Phúc Đức là do chính mình tạo ra chứ không phải cứ đi chùa thật nhiều, đi lễ thật nhiều mà có được.

Nhìn lại quá khứ, dân ta ngày xưa nghèo nhưng chỉ nghèo về vật chất còn tâm hồn thì giàu có hơn bây giờ, sống thuần phác, đôn hậu hơn bây giờ. Bây giờ, con người đua tranh nhau về vật chất, biến những lễ hội truyền thống văn hóa tâm linh phục vụ cho mục đích vật chất, kinh tế (nhiều người đi lễ không phải vì nhớ tới nguồn cội, nhớ tới giá trị truyền thống văn hóa mà đi lễ chỉ để cầu xin tiền tài danh vọng).

Một bộ phận không nhỏ người dân luôn cho rằng “chết là hết!” nên sống gấp, ăn chơi hưởng thụ gấp… Họ không nghĩ được rằng, sống tốt, sống thiện thì khi chết sẽ để lại phúc đức cho con cháu đời sau. Chúng ta đang phá vỡ nền tu nhân tích đức hàng nghìn năm nay để lại mà những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi cổng chùa, nơi chốn linh thiêng chỉ là những biểu hiện rất nhỏ của việc ấy.

Vì vậy, theo tôi, để trở về với truyền thống văn hóa tu thân, giữ được ý nghĩa của các lễ hội thì ngành văn hóa, ngành giáo dục phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu được nội dung, mục đích, ý nghĩa chính của các lễ hội.

Muốn vậy, những người làm công tác văn hóa phải có văn hóa, phải hiểu được, hiểu đúng những kết tinh tư tưởng đặc sắc của dân tộc qua những lễ hội ấy. Đồng thời phải giáo dục con người có đạo đức, có văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Việc giáo dục này không được hời hợt, không thể làm trong một sớm một chiều mà phải có thời gian “trăm năm trồng người”; phải bài bản theo hệ thống giáo lý từ trên xuống dưới, bằng cách tạo ra không gian văn hóa lành mạnh, xây dựng tâm thức lành mạnh, để con người được sống trong tình người với cái tâm thương yêu và vui vẻ.

THU HIỀN ghi


Bài liên quan: