Đời sống nghệ thuật - những xu hướng lệch chuẩn

Nghị quyết đại hội VI tháng 12/1986 của Đảng đã đưa đất nước vào một cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện. Nền kinh tế quan liêu bao cấp phụ thuộc vào kế hoạch hóa tiến dần sang kinh tế thị trường, từng bước hội nhập vào kinh tế thế giới đã làm thay đổi hẳn diện mạo đất nước. Tăng trưởng kinh tế đã có bước tiến vượt bậc. Cơ sở hạ tầng được cải thiện. Đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng cao.

Cùng với bước phát triển vượt bậc kinh tế, những chuyển động xã hội quan trọng đã làm thay đổi bộ mặt văn hóa tinh thần của cả nước. Đời sống tinh thần xã hội phong phú hơn cùng với sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế. Dân chủ hóa xã hội được nâng lên. Nhận thức thẩm mỹ và thị hiếu của công chúng cũng đa dạng và phong phú hơn khiến cho nghệ thuật đa chiều hơn về nhu cầu, đa thanh hơn trong nội dung sáng tác, đa diện hơn trong hình thức sáng tạo và thể loại.

Nhưng quy luật thị trường, một mặt tác động tích cực đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, mặt khác không tránh khỏi mang lại những hệ lụy ngoài ý muốn. Quy luật thị trường với mục đích lợi nhuận tối đa và khuynh hướng thương mại hóa đơn thuần đã tác động mạnh mẽ lên văn hóa nghệ thuật thời đổi mới. Đi cùng hội nhập và mở cửa, bên cạnh việc tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa nhân loại, những khuynh hướng sáng tác mang các nhãn mác hiện đại, các sản phẩm văn hóa tiêu dùng đầy màu sắc hoa mỹ tràn vào với tốc độ chưa từng có khiến cho nhiều chủ thể thẩm mỹ và công chúng nghệ thuật choáng ngợp và bối rối. Cái cũ vỡ ra chưa mất hết giá trị nhưng bị phủ định. Cái mới ra đời chưa được khẳng định.

Tâm lý này, được tiếp sức bởi cơn bão sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, tạo ra một tâm trạng hoài nghi lý tưởng, xét lại thần tượng, nghi ngờ những sản phẩm văn hóa đã có đã khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta, bên cạnh thành tựu, đã bộc lộ những xu hướng sáng tác không bình thường.

1.Bối rối và mất phương hướng

Làn gió đổi mới, dân chủ hóa xã hội thổi một sinh khí mới vào nền nghệ thuật có thời bị gò bó trong những công thức giáo điều theo những định hướng máy móc khô cứng và thô sơ. Lời kêu gọi cởi trói cho nghệ thuật đã đem lại một không khí sáng tác cởi mở hơn cho nền nghệ thuật những năm đầu đổi mới. Tác phẩm nghệ thuật ra đời phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung phản ánh, sinh động trong phong cách thể hiện, trong đó có nhiều tác phẩm  có giá trị đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử phát triển nghệ thuật.

Nhưng sự hưng phấn không kéo dài. Những tiến bộ về kinh tế, tiếc thay đã không song hành với thành tựu phát triển văn hóa nghệ thuật. Một nghịch lý xảy ra: tăng trưởng kinh tế đất nước tỏ ra rất ấn tượng nhưng hoạt động văn hóa nghệ thuật lại  rất ảm đạm. Bầu sữa bao cấp bị cắt bỏ, sự rút lui không kèn không trống của hệ thống lý luận nghệ thuật cũ, sự xuất hiện của các dịch vụ nghệ thuật kinh doanh, các sản phẩm văn hóa nước ngoài tràn ngập thị trường, các phương tiện nghe nhìn với vô số sản phẩm giải trí hiện đại hấp dẫn, trong khi các cơ sở xuất bản trong nước ngắc ngoải… khiến nghệ thuật tỏ ra bối rối, mất phương hướng. Có vẻ như hoạt động nghệ thuật đã nhảy từ cực đoan này sang cực đoan kia. Trốn chạy khỏi những định hướng có tính quan phương, khuôn mẫu, cao đạo… bị coi là nghệ thuật tuyên truyền, phục vụ chính trị, một bộ phận nghệ thuật có xu hướng chuyển sáng tác sang phía những giá trị khác được coi là đời sống thường ngày, đáp ứng nhu cầu giải trí mua vui, nhân danh cái tôi của con người, coi trọng khai thác tâm trạng cá nhân, rất cần nhưng không phải là tất cả.

pic
Thị trường sách hiện nay

Văn học nghệ thuật dường như đang bỏ qua các lý tưởng xã hội, những chuẩn mực nhân văn, những quy chuẩn đạo đức và thiên chức mà nó vốn có: hướng con người tới các giá trị chân thiện mỹ của nhân loại. Sáng tác nghệ thuật thiếu vắng hẳn cảm hứng về cái anh hùng, cái tích cực, cái cao cả. Nghệ thuật cũng thiếu những tác phẩm dũng cảm mổ xẻ, phân tích những nguy cơ xã hội, những dự báo phát triển tương lai. Và vì vậy nó lãng quên luôn chức năng “là mắt là tai của cơ thể xã hội” (Đobroliubop - nhà mỹ học Nga thế kỷ XIX) như nhân loại đã từng kỳ vọng ở các nền nghệ thuật tiến bộ.

2. Xa cách đời sống, con người

Quanh quẩn với những đề tài phục vụ các nhu cầu tối thiểu, hạn hẹp, có vẻ không ngoa khi có người nói rằng: nghệ thuật đang có xu hướng thoát ly cuộc sống của đông đảo nhân dân mình. Những thành tựu kinh tế của đất nước với những nỗ lực vượt qua khó khăn, hội nhập với thế giới ít được ghi nhận. Hình tượng các nhân vật thời đại như trí thức, doanh nhân, công nhân, nông dân, chiến sĩ… những người tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước vắng bóng trong các tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật cũng tỏ ra thờ ơ với những vấn đề nóng bỏng của kinh tế xã hội đất nước.

Hàng loạt hiện thực gay cấn của xã hội dường như xa lạ với sáng tác nghệ thuật. Rất khó tìm thấy trong sáng tác bóng dáng đời sống hiện đại của người dân đô thị thời hội nhập, vai trò người công nhân hiện đại, người nông dân trong cơn lốc đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo trong kinh tế thị trường, tệ quan liêu tham nhũng đe dọa tồn vong của đất nước… Trong khi báo chí hăng hái đối diện trực tiếp với những vấn đề hóc búa này thì nghệ thuật lại tỏ ra thiếu tính nhạy cảm, và vì vậy, vắng bóng hẳn những tác phẩm có sức mạnh phê phán với tinh thần nồng nhiệt công dân. Nghệ thuật dường như đã mất đi cái máu lửa một thời trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc…

Xa rời hiện thực đời sống, có lẽ chưa bao giờ, đời sống nghệ thuật lại xa cách với con người như hiện nay. Nghệ thuật vẫn là ánh hồi quang của đời sống nhưng là ánh hồi quang yếu ớt, nhợt nhạt và thiếu bản sắc, không chuyên chở được những tâm trạng bức xúc, những băn khoăn trăn trở của con người trong vai trò những người lao động sáng tạo xây dựng đất nước. Không có những hoài bão, ước mơ và khát vọng của con người trên con đường chinh phục xã hội, chinh phục thiên nhiên, đã đành. Nghệ thuật thiếu cả niềm vui, nỗi đau, những mảnh đời bất hạnh, những bi kịch cá nhân trong công cuộc đổi mới đất nước đầy gian khó. Văn học nghệ thuật thật sự ngày càng trở lên xa lạ với con người, thiếu sự gắn bó máu thịt với đời sống và vì vậy nó rất dễ bị chối bỏ.

3. Thị trường hóa hoạt động sáng tạo

Vượt qua những gò bó, khuôn mẫu của nghệ thuật thời bao cấp, thị trường nghệ thuật, về hình thức có vẻ nhiều màu sắc phong phú và đa dạng hơn. Đội ngũ những người tham gia sáng tạo nghệ thuật đông đảo hơn. Tác phẩm nghệ thuật đa chiều đa nghĩa hơn. Cách thể hiện cũng sinh động hơn.

pic
Thị trường âm nhạc Việt

Nhưng đằng sau những gam màu xanh xanh đỏ đỏ đó, một bộ phận nghệ thuật thị trường đang thiên về xu hướng biến mình thành một tiệm chạp phô, một gánh hàng xén với những mặt hàng thư giãn đơn thuần… Nghệ thuật tự bó hẹp mình trong những nhu cầu tối thiểu và chật hẹp. Người ta ngụy biện rằng nghệ thuật phải bán những thứ con người cần và lầm tưởng đó là cái đích của đổi mới.

Không ai có thể thể phủ nhận chức năng giải trí của nghệ thuật. Nhu cầu giả trí là nhu cầu có thật của con người và đã có thời nó không được coi trọng đúng mức vốn có. Nhưng nghệ thuật đâu chỉ có vậy. Nghệ thuật không chỉ có chức năng giải trí mà ý nghĩa tồn tại của nó là ở vai trò tác động mạnh mẽ vào sự phát triển xã hội và hướng dẫn tích cực đối với đời sống.

Và, với con người, giải trí mua vui chỉ là nhu cầu tối thiểu, cần nhưng chưa đủ. Nghệ thuật còn hiện diện với tư cách là khát khao ngàn đời của con người nhằm di dưỡng tinh thần, bồi bổ tâm hồn và nhân cách. Đáng tiếc, nghệ thuật hiện thiếu những tác phẩm như vậy. Nghệ thuật dường như đã quên mình có vai trò đặc biệt quan trọng: là món ăn tinh thần để bồi bổ tư duy, hoàn thiện phẩm chất người trên con đường trở thành nhân loại - thành con người viết hoa theo cách nói của Gorki.

4. Sao chép và nhai lại

Không dám dấn thân vào đời sống, nghệ thuật mất đi cái mỏ vàng đề tài mà nó vốn có. Cạn kiệt nguồn cảm hứng sáng tác, một bộ phận chủ thể thẩm mỹ lựa chọn cách sáng tạo dễ dàng nhất là sao chép các sản phẩm sáng tạo của người khác. Đó là lý do trong nghệ thuật xuất hiện hàng loạt những bản nhạc, bộ phim… nhái  sáng tác của Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Xuất hiện một xu hướng nghệ thuật cóp pi, nhai lại của nước ngoài được Việt hóa một cách sống sít, trở thành nỗi xấu hổ của nghệ thuật dân tộc.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc khác để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc là một quy luật tất yếu. Nhưng tiếp thu phải có chọn lọc, sáng tạo và nâng cao. Tiếp thu không phải là bệ nguyên xi sản phẩm văn hóa của nước ngoài bất chấp hoàn cảnh lịch sử và đặc trưng dân tộc. Cũng không có nghĩa là ăn tươi nuốt sống nó. Tiếp thu càng không thể là sự sao chép đơn giản, nhai lại các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài một cách thô thiển. Những tác phẩm như vậy, không thể có cách gọi nào khác hơn là ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ - sản xuất lưu hành hàng giả và là sự lừa đảo công chúng nghệ thuật một cách trắng trợn…

Mỗi xã hội muốn phát triển đòi hỏi phải đầu tư đúng đắn nguồn lực con người. Con người là lực lượng sản xuất quan trọng bảo đảm thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển xã hội. Nhưng năng lực sáng tạo của con người không chỉ phụ thuộc vào tri thức, kỹ năng nghề nghiệp. Năng lực sáng tạo của con người phụ thuộc rất lớn vào năng lực tư duy, vào giá trị đạo đức, lối sống, nhân cách, mà những phẩm chất này có được nhờ sự góp sức to lớn của văn học nghệ thuật. Đó là lý do kinh tế khiến văn hóa nghệ thuật được coi là thứ hàng hóa đặc biệt, khiến “văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” (Nghị quyết Trung ương V khóa 8). Chấn chỉnh những xu hướng sáng tác không bình thường trong văn học nghệ thuật là hành động thiết thực để hướng nghệ thuật đến mục tiêu hoàn thành sứ mạng trọng đại của nó với cuộc sống: nghệ thuật vì con người và cho con người.

Dương Trọng Dật