Đại tá hát Chèo

Tôi biết nhà soạn chèo, nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt từ những năm tám mươi, thời danh tánh của ông đang nổi như cồn. Chiều chiều, cánh nhà báo trẻ của báo Quân đội nhân dân ăn ở tập thể trên gác 3 nhà số 8 Lý Nam Đế ngồi quây quanh bàn trà, nói đủ thứ chuyện, rồi quanh quẩn thế nào cũng quay về những giai thoại về ông Tào Mạt. Mà nói có xa xôi gì. Ông ở nhà số 4 cùng phố cách nhau một số nhà, thi thoảng vẫn thấy ông thấp thoáng ở đầu hồi, nhìn thấy nhau mà vẫn cứ tạo ra huyền thoại về nhau, quả hiếm người được như thế.

Một tối, chúng tôi đang kháo chuyện bỗng nghe leng keng tiếng gõ bát có nhịp điệu hẳn hoi trong buồng nhà báo Khánh Vân. Quái lạ, bác đại tá lại đốc chứng gì mà khua bát đũa khiếp thế. Tôi kiễng chân ngó qua cửa sổ. Quang cảnh trong buồng ông Khánh Vân giống như lên đồng. Ông Tào Mạt ngồi xếp bằng, tay cầm đũa gõ lên ba chiếc bát trước mặt. Ông gõ rất dẻo, người nghiêng ngả, đầu lắc lư, như say. Bỗng ông vơ lấy chiếc bát và chai rượu bật dậy, bước hẳn lên giường, mặt phừng phừng như Trương Phi, mắt sắc lạnh. Ông giả đò rót rượu lên bát, giả đò uống, khà, rồi cất tiếng hát.


Chân dung Tào Mạt - Ký họa của Lương Xuân Đoàn.

Ta say, ta uống cả bầu trời… Rồi cười. Rồi ông hỏi vào bờ tường: Này các chú, các chú hãy uống cùng ta, vừa uống vừa đào huyệt chôn ta cho đỡ sợ… Ông nói, ông hát, ông vẩy chân tay làm tôi hoa cả mắt. Ông hát chèo, diễn chèo mà như bó đuốc đùng đùng cháy trong căn phòng hẹp nhà tập thể…

Cũng bởi cái lần đáng nhớ ấy mà ít lâu sau được nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắn đến nhà uống rượu vì có ông Tào Mạt lại chơi, tôi hí hửng đi luôn. Bấy giờ ông Phạm Tiến Duật ở ngõ Yên Thế, là cái lối đi, kê tạm để ở, chứ chưa hẳn ra cái nhà, của nả chỉ có bộ sa lông gỗ là đáng kể. Bộ ghế này là ông Tào Mạt cho. Ông đi dạy chèo ở tỉnh Thanh, được tặng, nhưng bấy giờ đang tá túc ở phòng làm việc cơ quan, ăn bếp tập thể, ngủ bàn, không biết kê ở đâu nên ông cho chở thẳng về nhà ông Duật, gọi bà Vân - vợ của nhà thơ ra bảo: “Cho bọn trẻ con ra khiêng bộ ghế vào nhà, để Tết khách đến chơi còn có chỗ ngồi, chứ bệt à?”.

Bữa đó ông Duật đi vắng. Bà Vân muốn đãi cơm khách nhưng ông từ chối, chỉ xin một mảnh giấy viết mấy dòng chữ Hán ngẫu hứng: Đông tàn, xuân vị đáo thi gia/ Lãnh táo, không bình, diệc nội ca/ Hốt kiến hủ tường tân lịch ảnh/ Biên thùy chiến sĩ ngoạn đào hoa. (Tôi mạo muội tạm dịch ý: Đông đã tàn, nhưng mùa xuân chưa đến nhà của nhà thơ. Bếp còn lạnh lẽo, rượu chưa có trong bình, người nội trợ (vợ) ca cẩm về cảnh nghèo khó. Bỗng nhiên nhìn vào tấm ảnh lịch mới treo ở trên bờ tường cũ. Nơi biên giới người chiến sĩ đang ngắm hoa đào).

Nhà ông Duật tối ấy điện như đom đóm, lại chật, cả bộ sa lông cũng ném bỏ đâu rồi nên chiếu bày mâm tiếp khách cũng là chiếu chèo. Giữa những bề bộn quần áo, giấy má, nồi niêu, mâm bát, ông Tào Mạt ngồi ôm cái hộp sắt vốn là hộp bích quy, chị Vân vợ anh Duật đựng kim chỉ. Ông Duật dựa lưng vào vách, tay cầm ống điếu cày. Chị Vân ngồi chầu rìa, kiểu ngồi đế.
Tôi bước vào đúng lúc ông Tào Mạt gõ ngón tay lên hộp sắt, hát:

Ngọn đèn… (phù, phù…) anh (i i…a) thổi tắt. Anh bế (i i) bóng em (i i) lên giường.

Ông dừng hát đứng dậy ở tư thế múa chèo, hét:

- Đưa tay lên gáy tôi mà xem…!

Tôi lúng túng đặt tay lên gáy ông.

Ông hỏi:

- Có thấy gì không?

- Dạ… không.

Ông bảo:

- Anh dốt… đặt tay vào sống gáy thì còn thấy cái gì… Đặt vào đây này - ông nhấc tay tôi - đấy, đặt vào cái ống dẫn âm thứ 5 chạy qua. Khi tôi hát tiếng giường, bụng tôi co lại; để làm gì? Để dâng hoành cách ngang lên, đẩy hơi từ bụng ra qua ống dẫn âm cho tiếng hát nó sâu. Phải hát hơi từ bụng, hơi ngực, chứ không phải như cánh trẻ bây giờ hát bằng hơi mũi, nghe chua lại giả, như mượn hơi ai…

Tôi nghe về giải phẫu hát chèo của ông như vịt nghe sấm. Nhưng từ đó tôi luôn bái phục ông về chèo. Rồi chúng tôi thành bạn vong niên, hay quấy rầy nhau. Tôi hay làm mất thì giờ của ông vì những tò mò về chèo. Còn ông coi tôi như đệ tử, thường bất chợt đến căn phòng tập thể của tôi ở báo Quân đội nhân dân. Ông ném chiếc cặp da bò cứng quèo lên giường tôi, bảo:

- Chú xem, trong cặp hình như có tiền…

Nghĩa là ông bảo tôi đi mua rượu. Và đương nhiên là mượn thêm điếu cày. Ông không phải là tửu đồ, nhưng gặp bạn thì rất thích nhấm nháp. Mua một be rượu trắng không khó, cái khó là kiếm đồ nhắm. Ông không ưa thịt cá, chỉ thích những món rau dưa xuềnh xoàng, kiểu vài quả cà nén, vài quả dưa chuột chấm muối ớt, hoặc sang hơn là đĩa su hào xào lòng gà. Ông đến thăm thường chẳng có chuyện gì cả đâu, thăm hỏi vài câu, rồi hát, có thể hát ngày này qua ngày khác đến rạc người, hát như ve sầu vậy. Sau này các nhà nghiên cứu về nhạc chèo của ông Tào Mạt, họ nói rất nhiều lời, toàn những lời nghe ghê gớm, nào tri thức bác học, nào cung bậc dân tộc. Tôi thấy ông sáng tác nhạc chèo bằng… hai đầu gối! Ông ngồi xếp bằng, hai bàn tay vỗ vỗ lên hai đầu gối rung rung ngoáy tít và thế là, một câu hát mới, một làn điệu mới ra đời…

Em trách anh chàng ăn ở chấp chênh
Em như thuyền thúng lênh đênh giữa dòng…

Ông hát điệu mới, nghe không có í à í i mà vẫn là chèo, ngọt lừ, say đắm.

Với ông Tào Mạt, đôi khi do chỗ quen biết, tôi cũng bông lơn vài câu tếu táo, nhưng vẫn giữ lễ nghĩa nghiêm ngắn, đúng ở thế bậc đệ tử. Vì thế, tuần này ông cất công đến thăm thì tuần sau, bận mấy tôi cũng tìm đến để đáp lễ.

Bấy giờ ông đang soạn tích, dựng trò đủ ba đêm hát cho đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Trong việc sân khấu tôi có quen biết ít nhiều các kịch sĩ tài danh làm nghề dựng trò, nhưng quả là, tôi không thấy thầy nào lại như ông Tào Mạt. Ông dựng vở ở đâu thì đào kép bận hơn con mọn. Ai đời ông bắt con người ta dậy tập hát từ bốn giờ sáng. Diễn viên nhăn nhó kêu ca cũng không được. Ông có lý thuyết của ông, rằng, cái giờ ấy, sau một đêm ngủ đầu óc quang quẻ, tinh thần thư thái thì hát mới được. Hát chèo đâu phải chỉ bằng miệng, mà hát từ ruột, gan, đầu óc, hát cả bằng đường gân, thớ thịt…

Tôi xuống thăm giữa lúc ông đang dạy cô Xuân Theo vào vai nữ chín. Đóng nữ lệch đôi khi múa hát quấy quá một chút cũng còn tạm được, nhưng nữ chín thì nhất thiết phong độ phải mực thước nhưng mềm mại. Cô Theo bước ra, chiếc quạt che nửa mặt, cười không hở răng, nói không hở miệng, bước đi hai mũi chân sít vào nhau, nhẹ nhàng mà không yểu điệu.

Ông Tào Mạt ngồi xếp bằng tròn, trước mặt trải tấm ni-lông trắng và cây bút dạ. Ông đặt lời, soạn nhạc đều viết tháu trên mặt tấm ni-lông ấy. Chỗ nào chưa được thì xóa, viết lại. Cả buổi, mắt nhìn diễn viên, miệng lẩm nhẩm lời, tay viết loang loáng trên tấm ni-lông. Có ngày ông viết kín cả mảnh ni-lông bằng chiếc chiếu đôi. Sau buổi tập thì cuộn ni-lông đem về tiếp tục gọt rũa rồi chép lại…

Bỗng ông đứng vụt dậy, hét:

- Chị Xuân Theo lại đây…

Cô Theo bước xuống, đến bên thầy lễ phép:

- Thưa thầy, em diễn chưa được ạ?

- Chị uốn người cho tôi xem nào?

Cô Theo chưa biết uốn như thế nào. Ông lại bảo:

- Vậy chị đứng thẳng cho tôi xem vậy.

Cô Theo đứng nghiêm, người cứng lại như động tác chào của lính. Ông bảo:

- Muốn hát chèo, diễn chèo thì khi đứng nghiêm nhưng chân tay vẫn phải thả lỏng để còn hát, chứ đứng lên gân thế kia thì lấy hơi ở đâu mà hát nữa…

Buổi tập hôm đó để cô Xuân Theo có thể lấy hơi từ bụng, ông cho trói chân, trói tay cô vào ghế, để cô chỉ còn một cách là cử động bụng mà hát…

Sau buổi tập ngồi nhâm nhi chén rượu gạo làng Xuân Đỉnh với rau muống xào, tôi bảo ông:

- Bác thánh thật, chén rượu uống chưa cạn mà bác đã chế ra được một điệu hát rõ hay.

Ông dằn chén xuống chiếu, mắt nhìn tôi gườm gườm:

- Tôi học mót của các cụ chứ thánh tướng gì. Vẫn điệu ấy, nhịp phách ấy, nhưng để hợp với nhân vật của tôi, tôi không hát thế, mà chỗ này tôi kéo dài nhịp ra, chỗ kia tôi co nhịp lại, rồi đặt lời buông vào thì thành chứ có gì đâu…

Rồi ông hát. Tay nâng chén rượu mà hát: Kìa mây bay… mây bay!… Là ông nhìn thấy áng mây bay trên đáy cốc… Đoạn ấy là ông Hề Hoạn sắp bị chôn trong bộ ba Bài ca giữ nước bất hủ của ông.


Hề Hoạn - Tranh của Bùi Xuân Phái.

Có đến nửa năm sau, vào một đêm cuối đông giá rét, ông Tào Mạt báo tôi xuống Xuân Đỉnh xem tổng duyệt vở. Buổi tổng duyệt mà phòng khán giả nghiêm trang như phòng tòa. Tôi ngồi ở hàng cuối, phía sau nhà văn Nguyễn Minh Châu. Không thấy ông Tào Mạt trong phòng khán giả. Chắc ông cũng như Nguyễn Khải ngày nào, đứng đâu đó ở cánh gà để nhìn mặt ban giám khảo.

Buổi diễn suôn sẻ qua nhanh. Diễn viên đôi khi vấp váp vì quá hồi hộp. Tôi nghe ông Nguyễn Minh Châu ngó sang vai nhà báo Đinh Khánh Vân thì thào:

- Tào Mạt tài quá! Cái mảnh chôn Hề Hoạn đạt tới cổ điển…

Đấy là lời khen của ông Châu. Còn Hội đồng duyệt thì ngồi im, nhìn nhau. Trưởng đoàn rót nước, giọng nhã nhặn: Xin ý kiến các thủ trưởng… Nhưng các thủ trưởng chưa ai lên tiếng, chỉ đưa mắt nhìn nhau. Trong khi đó các diễn viên vẫn tẩy hóa trang đương lấp ló chờ nghe. Không khí im phăng phắc, nghe rõ tiếng muỗi vo ve…

Đại tá, NSND Tào Mạt (1930- 1993), là nhà soạn chèo hàng đầu của sân khấu Việt Nam. Bắt đầu từ vở Đường về trận địa, ông bước vào sân khấu chèo với một loạt tác phẩm viết về cuộc kháng chiến như Đỉnh cao phía trước, Chị Tâm bến Cốc để lại ấn tượng sâu sắc trong khán giả yêu chèo. Nhưng phải đến bộ chèo Bài ca giữ nước, gồm ba tập liên hoàn: Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính, Lý Nhân Tông học làm vua mới thật sự đưa Tào Mạt lên vị trí hàng đầu về sáng tạo Chèo, kết nối một cách nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

- Xin thủ trưởng…

Đó là một cán bộ có quyền hạn cao nhất trong buổi tổng duyệt này. Nhiều buổi tổng duyệt đã diễn ra theo một nếp ấy. Hội đồng thì đông nhưng ông chưa có ý kiến thì chưa ai lên tiếng…

Được mời đích danh nhưng ông còn thong thả gạt tàn thuốc rồi đưa mắt nhìn lên, hỏi:

- Đồng chí Tào Mạt đâu nhỉ?

Ở phía sau, Tào Mạt thưa:

- Có tôi!

- Anh lên đây.

Ông Tào Mạt bước đến.

- Đảng ta đề cao văn hóa dân tộc phải không anh? - Ông cán bộ hỏi.

- Dạ… Đảng ta rất coi trọng văn hóa dân tộc.

- Vậy mà anh đem chôn nó thì có đúng tinh thần của Đảng lãnh đạo văn hóa không? - Giọng người cật vấn nhưng nghe vẫn ngọt ngào như thân tình bảo ban.

Tào Mạt ngớ người:

- Thưa anh… Tôi có đem chôn đâu ạ.

- Thì anh chôn Hề Hoạn còn gì nữa. Thôi nhé, khuya rồi, góp ý sau…

Tôi theo mọi người lục tục ra về. Không ai nói một lời. Chỉ còn ông Tào Mạt đứng lại giữa phòng khán giả. Ông đứng như cái cọc đã chôn chặt xuống đất rồi, không nhổ lên được nữa…

Gần ba năm sau, vào một chiều hè oi bức, trên con đường đất đỏ huyện Thạch Thất dẫn về xã Hữu Bàng có một người ăn mặc như hành khất, vừa đi vừa hát chèo… Người ấy dừng lại trước cổng làng. Bỗng các bác thợ mộc kêu lên:

- Bác Thục, bác Thục bà con ơi…

Người làng gọi tên cúng cơm của đại tá Tào Mạt. Rất nhiều người bỏ dở công việc đồng áng, bếp núc kéo ra đón người con của làng vinh quang sau Hội diễn chèo toàn quốc, với Huy chương Vàng dành cho vở diễn có cảnh chôn hề từng vấp váp…

HÀ ĐÌNH CẨN