Đi tìm Trường ca “Tiếng hát Dã Tràng” của Trịnh Công Sơn

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Sau ngày Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm (1/4/2001), họa sĩ Đinh Cường từ Virginia (Hoa Kỳ) gởi cho tôi bài hồi ức hết sức cảm động về “Tình bạn hồi sinh cơn hôn mê” (*) – tình bạn suốt đời giữa họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong bài hồi ức ấy Đinh Cường cho biết: “Thời Quy Nhơn này của Sơn phải kể đến Trường ca Tiếng hát Dã Tràng, mùa hè năm 1964, trong lễ ra trường. Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi mấy trang bản trường ca này. Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được”.

Khi hỏi về chuyện thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học Sư phạm Quy Nhơn nhiều bạn học cùng lớp, cùng khóa hoặc cùng trường với anh như Trương Văn Thanh, La Quang Thanh, Lê Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Văn Xa, Nguyễn Thị Sâm… cũng nhắc đến Trường ca Tiếng hát Dã Tràng và ai cũng tiếc bài ca ấy đã thất lạc.


Trịnh Công Sơn chỉ huy bản hợp xướng

Cho đến lúc Trịnh Công Sơn qua đời, tôi chỉ biết chứ chưa hề được nghe hoặc được thấy Trường ca Tiếng hát Dã Tràng lần nào. Nhưng các bạn của Trịnh Công Sơn cả quyết với tôi rằng: “Trường ca Tiếng hát Dã Tràng là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của anh sau này”.

Có đúng như thế không?

• Đi tìm Trường ca Tiếng hát Dã Tràng

Tôi không thể hiểu được vì sao một tác phẩm quan trọng đến thế mà Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến và trong di cảo của anh cũng không thấy lưu! Phải chăng đây là một bí ẩn? Điều khó hiểu ấy đã kích thích óc thích khám phá của tôi. Tôi quyết tâm đi tìm Trường ca Tiếng hát Dã Tràng.

Tôi vào Quy Nhơn hỏi chuyện. Quy Nhơn không còn ai biết Trường ca Tiếng hát Dã Tràng. Một vài người kể những chuyện cũ vặt vãnh từng làm cho Trịnh Công Sơn bực mình. Tôi vào Nha Trang qua Trần Thanh Vệ (con trai của nhà thơ Thanh Tịnh) và Bảo Chân (PV đại diện Báo Lao Động tại Khánh Hòa), tôi gặp được nhạc sĩ Văn Bình (Phan) ở Phước Tân. Văn Bình học một lớp (1962–1964), ở nhà trọ, cùng hoạt động âm nhạc với Trịnh Công Sơn tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Văn Bình và Trịnh Công Sơn có nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Được Trịnh Công Sơn hướng dẫn, Văn Bình hát Trường ca Tiếng hát Dã Tràng rất đạt. Nhờ thế đến năm 1973, Văn Bình chỉ huy sinh viên dàn dựng lại Trường ca Tiếng hát Dã Tràng nhân lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Đại học Cộng Đồng Duyên Hải (Nha Trang). Tác giả Trịnh Công Sơn được mời làm khách danh dự của buổi trình diễn ấy. Và, không những Trịnh Công Sơn mà còn có các bạn của anh là nhà dịch thuật Pháp ngữ Bửu Ý, họa sĩ Đinh Cường, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Điều đáng tiếc là… cho đến nay Văn Bình cũng không có bản Trường ca Tiếng hát Dã Tràng nào trong tay.

Sau khi gặp tôi ở Nha Trang, Văn Bình đã lao vào việc giúp tôi tìm Trường ca Tiếng hát Dã Tràng. Văn Bình không tìm được bài hát mà chúng tôi đang tìm, nhưng may sao, anh lại tìm được tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mặc veston đứng trên bục điều khiển ban Đại hợp xướng của trường Sư Phạm Quy Nhơn trình diễn Trường ca Tiếng hát Dã Tràng trong Đại nhạc hội do giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn tổ chức vào cuối năm 1964.


Nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm xem lại solfège Tiếng hát Dã Tràng trước khi công bố

Từ khi có tấm ảnh Trịnh Công Sơn chỉ huy ban Đại hợp xướng, ý muốn tìm cho được bản Trường ca Tiếng hát Dã Tràng trở nên gay gắt trong tôi. Tôi gặp người anh bà con là nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm(**) (thầy giáo dạy nhạc tại Trung Tâm văn thể mỹ Huế) – nguyên là giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn khóa 3, nhờ anh mời những người còn thuộc Trường ca Tiếng hát Dã Tràng họp mặt, hát, thu cassette rồi ghi lại (solfège).

Những cựu giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn đang sống ở Huế còn thuộc Trường ca Tiếng hát Dã Tràng là các thầy cô giáo Trương Văn Thanh (trong ban nhạc Thanh Sơn Hải), Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Văn Xa, Lê Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Sâm… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết, hằng năm các cựu giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn đều có họp mặt và luôn nhớ đến Trường ca Tiếng hát Dã Tràng, nhưng vì thấy tác giả không còn muốn nhắc đến giai đoạn anh học Sư phạm Quy Nhơn và nhắc đến trong hoàn cảnh nào anh đã sáng tác nên những bài Biển nhớ, Lời buồn thánh, Trường ca Tiếng hát Dã Tràng… tại Quy Nhơn nên dù họ rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, tự hào đất Huế đã sản sinh ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng họ vẫn không muốn bị hiểu lầm là “thấy sang bắt quàng làm họ” nên họ cũng không nhắc đến làm gì nữa.


Nhạc sĩ Trương Văn Thanh chơi lại bài Tiếng hát Dã Tràng

Bây giờ Trịnh Công Sơn đã qua đời, các bạn ấy sẵn sàng giúp tôi ghi lại Trường ca Tiếng hát Dã Tràng. Không ngờ, gặp nhau trong một tiệc cưới, khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết đang chuẩn bị mời những người còn thuộc Trường ca Tiếng hát Dã Tràng hát để ghi lại cho tôi, anh Nguyễn Hồ – từng học cùng lớp cùng khóa với Trịnh Công Sơn tại Quy Nhơn rất vui vẻ báo tin.
“Cần gì ghi, hồi tập hát Trường ca Tiếng hát Dã Tràng ở Quy Nhơn các bạn có ghi cho mình một bản, hiện nay bà xã mình vẫn còn giữ”…. Ôi thú làm sao! Chuyện tưởng phải đi một ngàn bước, không ngờ mới khởi hành đã đến đích.

Bài hát thơ về thân phận dã tràng, sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu

Như chúng ta đã biết, Trịnh Công Sơn xuất thân trong một gia đình khá giả. Không may, cụ thân sinh mất sớm, thân mẫu không đủ sức chống đỡ sự suy sụp tình cảm và kinh tế của gia đình. Đến đầu những năm sáu mươi, gia đình anh rơi vào hoàn cảnh rất bi đát. Chuyện học hành của các em anh bị nghẽn tắc, gian phố lớn ở Ngã Giữa (đường Phan Bội Châu) – nơi buôn bán làm ăn, phải đổi chủ, cả gia đình qua thuê một căn hộ nhỏ hẹp ở trước nhà thờ Phú Cam để ở. Lúc này Trịnh Công Sơn đã bắt đầu yêu, yêu những người con gái khuê các ở Huế như Ph, Th, B.D.. Hoàn cảnh của gia đình anh sa sút đến như thế làm sao anh có thể đạt được tình yêu. Bản thân Sơn lại còn bị đe dọa bị “động viên” nữa. Anh rời Huế vào Quy Nhơn học Sư phạm như một giải pháp vừa để tránh chuyện đi lính vừa kiếm sống cho bản thân. Tất cả những thứ ấy tác động mạnh lên tình cảm của chàng trai 23 tuổi.

Để tìm nguồn vui, tìm một lối thoát cho tinh thần, nằm ở nhà trọ trong tiếng sóng biển Quy Nhơn rì rào, Trịnh Công Sơn đọc Albert Camus (1913–1960) – một triết gia hiện sinh được giải Nobel (1957). Anh thích nhất là tập Le Mythe de Sisyphe – cuốn khảo luận nói về sự phi lý (l’absurde) của cuộc đời. Tất cả những gì con người nổ lực xây dựng nên rồi cũng chẳng đi đến đâu, giống như chàng Sisyphe bị khổ sai hằng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho tảng đá lăn xuống vực rồi sau đó lại cố sức đẩy lên rồi lại thả tay. Tất cả sự nổ lực ấy không có nghĩa gì hết, giống như công dã tràng xe cát.

Trong hoàn cảnh gia đình anh cũng thế. Cụ thân sinh nổ lực xây dựng một gia đình khá giả rồi ông bị tai nạn chết một cách phi lý kéo theo sự sụp đổ của gia đình… cũng hết sức phi lý. Anh vào Sư phạm Quy Nhơn như một dấn thân có tính tình thế. Thanh niên Quy Nhơn lúc ấy chưa hiểu anh và những người bạn từ Huế vào, họ đã vô tình có nhiều hành vi thô bạo đối với anh. Anh bị xô đẩy vào một nỗi bi thảm vô vọng đến rã rời.

Cũng trong thời gian này, Trịnh Công Sơn hay giải sầu bằng cách chơi các loại dân ca, thánh ca, các bài nhạc theo điệu Blues của người da đen ở châu Mỹ như bài Sometimes, Ave Maria… Phong cách các bài nhạc này có một ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Giữa lúc ấy, trường Sư phạm yêu cầu anh soạn một trường ca để biểu diễn trong một Đại nhạc hội do trường Sư phạm Quy Nhơn tổ chức. Anh không thể từ chối nên Trường ca Tiếng hát Dã Tràng đã ra đời.

Trường ca Tiếng hát Dã Tràng dự báo thiên tài âm nhạc họ Trịnh

Trường ca Tiếng hát Dã Tràng về hình thức là một bài hát thơ dài, thể hiện đầy đủ nhất phong cách ca nhạc Trịnh Công Sơn. Về ý tưởng, do hoàn cảnh thực tế của gia đình, do ảnh hưởng của Phật giáo mà anh đã hấp thụ từ nhỏ, và do sách báo, âm nhạc ngoại quốc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam lúc ấy, tư tưởng của Trịnh Công Sơn trong Trường ca Tiếng hát Dã Tràng nhuốm màu triết lý về thân phận làm người.


Trịnh Công Sơn (năm 1962)

Kiếp người là vô nghĩa, con người là khổ đau, chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau. Về sau anh phát triển thêm, con người muốn bớt khổ đau phải có nhau, phải biết thương nhau “sỏi đá cũng cần có nhau”. Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: “Trường ca Tiếng hát Dã Tràng là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đoá hoa vô thường”.

Trịnh Công Sơn viết Trường ca Tiếng hát Dã Tràng trong giai đoạn sa sút nhất về tinh thần và vật chất. Những người hiểu hoàn cảnh bi đát, vô vọng của Trịnh Công Sơn lúc đó thì mới hiểu được Trường ca Tiếng hát Dã Tràng. Còn những người không hiểu sẽ không thích, mà còn có thể cho rằng Trịnh Công Sơn bi quan, yếu đuối. Có lẽ vì thế mà Trịnh Công Sơn không muốn nhắc đến giai đoạn Quy Nhơn với Trường ca Tiếng hát Dã Tràng để tránh sự hiểu lầm. Trịnh Công Sơn đã cố quên nhưng bạn bè anh, những người muốn hiểu đích thực cuộc đời của anh vẫn cố tìm cho được để nhớ và nhớ mãi.


*

Sau này in trong sách Trịnh Công Sơn (1939–2001). Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001, tr.52–68. Nhân đây xin đính chính một niên đại chưa chính xác: Sau khi bài viết của tôi đăng trên Kiến thức ngày nay, nhiều người đã từng ở trong Ban hợp xướng Dã Tràng ca thuở ấy cho biết trường ca này được sáng tác và biểu diễn trong Đại nhạc hội lần thứ nhất vào năm 1962 chứ không phải trong buổi lễ Mãn khóa vào năm 1964 như Đinh Cường đã nhớ nhầm. NĐX

**

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm là con trai cụ Nguyễn Đình Thị – người được vua Khải Định cho đi học đàn Violon đầu tiên ở Huế và cụ Nguyễn Đình Thị đã trở thành Violoniste số 1 của Huế vào nửa đầu Thế kỷ XX.

Bài liên quan: