Đại úy tù binh Mỹ hết sức ngạc nhiên về thầy giáo “Việt Cộng” Hồ An

Ước mơ của anh sinh viên cao đẳng thương mại Sài Gòn Hồ An, quê ở Phú Mỹ - huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam, khi còn ngồi trên ghế nhà trường là “trong tương lai sẽ làm báo, viết văn để đấu tranh cho độc lập, dân chủ và công bằng xã hội”.

Tham gia phong trào Việt Minh, Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Phú Yên, Hồ An được phân công là Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong, rồi Phó ty, Trưởng ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Phú Yên.

Tiếp sau là những việc hợp với năng khiếu và ước mơ của ông: viết báo. Trải qua các công việc: biên tập viên, thư ký tòa soạn, chủ bút, chủ nhiệm các tờ báo: Quyết Chiến, cơ quan ngôn luận của Sở Thông tin - Tuyên truyền Trung Bộ, báo Kháng Chiến Khu 4, Cứu Quốc Khu 4, Đoàn Kết Kháng chiến, Cứu Quốc Miền Nam Trung Bộ. Ông đã viết hàng trăm bài bút ký, tiểu phẩm, xã luận, phóng sự, truyện vui với các bút danh: Hồ An, Hồ Hiếu Dân, Ra Đa… thể hiện một cây bút “có nghề”. Bài tùy bút Hắn viết ở Khu 4 được người đọc rất hoan nghênh. Nhà viết kịch Bửu Tiến đã sáng tác một vở kịch ngắn tặng tác giả Hắn. Bút ký Leo Cà Ròn đăng trên Văn Nghệ Khu 5 có tiếng vang rộng rãi.

Sau Hiệp định Genève 1954, Đảng bố trí ông ở lại miền Nam, về hoạt động bí mật trong thành phố Đà Nẵng khiến ông “phải tạm biệt sự nghiệp báo chí văn chương”, tìm một nghề để sinh sống và hoạt động cách mạng.

Nhờ thông thạo tiếng Anh, ông tìm nơi tuyển giáo viên tiếng Anh. Việc này không dễ dàng vì các nhà sáng lập và hiệu trưởng các trường ở Đà Nẵng không tin một cán bộ kháng chiến có thể giỏi tiếng Anh. Dịp may, ông gặp được một người bạn cũ - cũng là cán bộ kháng chiến, mở trường trung học ở thị trấn Vĩnh Điện, mời ông dạy tiếng Anh. Chưa đầy một năm, thầy Hồ An đã rất nổi tiếng là người dạy giỏi. Hiệu trưởng trường Nguyễn Công Trứ mới thành lập ở Đà Nẵng là Lâm Mỹ Bạch Tuyết - một đảng viên của đảng Cần lao Nhân vị (đảng của Diệm - Nhu) - đã đích thân đưa xe vào Vĩnh Điện mời ông cộng tác. Ông cảnh giác nhưng cũng thấy có cơ hội tốt để hoạt động cách mạng. Theo hợp đồng ký kết với ông Lâm Mỹ Bạch Tuyết, ông được độc quyền giảng dạy môn tiếng Anh từ đệ lục (lớp 7 ngày nay) đến đệ tứ (lớp 9).

Để củng cố vị trí và uy tín của mình, đồng thời có vỏ bọc thân Mỹ, ông mở thêm lớp đêm cho công nhân viên chức, và thông qua Ban cố vấn Mỹ, mời 7 sĩ quan Mỹ từ trung úy đến thiếu tá, đã có kinh nghiệm giảng dạy, đến luyện phát âm cho học viên.

Tuy cũng nói tiếng Anh nhưng người Mỹ rất tôn trọng những người phát âm đúng giọng Anh của người Anh. Do đó khi nghe ông nói giọng Anh rất chuẩn mực thì các sĩ quan này rất khâm phục, họ luôn gọi ông là Dr An (tiến sĩ An), một tiếng gọi mà người Mỹ lúc bấy giờ thường dành cho những bậc trí thức họ quý mến. Một trung úy còn tự hào tự giới thiệu với ông là dân Boston, một vùng nói giọng của “Elizabeth đệ nhị”. Dù sao điều này cũng làm tăng tiếng vang của ông và hầu hết các trường tư thục ở Đà Nẵng, kể cả trường Bồ Đề được thành lập sau ngày đảo chính Diệm, cũng đều mời ông dạy. Sự thực thì sự tín nhiệm của học sinh và của nhà trường đối với ông là ở chỗ ông rất tận tụy với nghề nghiệp, rất yêu mến học sinh và có những thủ thuật làm cho học sinh thấy dễ học, dễ hiểu, dễ ghi nhớ và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Kết hợp với dạy tiếng Anh, ông chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh. Các em rất cảm phục, kính mến thầy. Các em đoán ông là người cách mạng, cho nên có em tâm sự với ông: “Em theo Quốc dân đảng chỉ để trốn bắt lính”. Nhiều em đi học trường sĩ quan ở Đà Lạt cũng than thở với ông: “Sở dĩ em vào trường này vì có cha mẹ và bà nội già phải nuôi chứ không phải muốn chống ai”. Đặc biệt có một em học lớp đêm, khi thấy ông đứng nghe số sinh viên học sinh nổi dậy chiếm rạp Trưng Vương ở Đà Nẵng và nói loa tuyên truyền chống chính phủ Khánh - Hương, thú thật với ông là người của CIA được lệnh ra đây dự rồi báo cáo lại với cấp trên: “Thầy thông cảm cho em, em vào CIA cũng là tạm thời để trốn lính mà thôi”.

Dù Hiệp định Genève quy định không được trả thù những người kháng chiến, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn luôn luôn theo dõi, bắt bớ, giam cầm những người kháng chiến, nhất là những người có uy tín lớn trong nhân dân mà không chịu hợp tác với chúng. Chúng bắt thầy Hồ An và em ông là nhà báo Hồ Vinh, sau kháng chiến chống Pháp đã trở về dạy học ở Huế. Hồ Vinh bị chúng thủ tiêu, gây phẫn uất trong giáo viên, học sinh và nhân dân. Hồ An bị đưa từ Đà Nẵng ra giam ở Huế. Đến năm 1961 ông mới được thả. Năm 1964, ông thoát ly lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ. Lúc đầu phụ trách báo Cờ Giải Phóng Trung Trung Bộ, sau được bầu làm ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Trung Trung Bộ.

Ngày 8-3-1965, Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ ác liệt ở miền Nam. Đầu năm 1966, Ban Thường vụ Khu ủy 5 chủ trương mở lớp dạy tiếng Anh cho cán bộ để tiếp xúc, đấu tranh, làm công tác địch vận với binh lính Mỹ. Thầy giáo Hồ An được mời dạy.

Ngoài công việc ở Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng, thầy giáo Hồ An hết sức chăm lo dạy tiếng Anh, đào tạo nhiều cán bộ nắm vững tiếng Anh.

Kháng chiến ngày càng thắng lợi, quân Mỹ bị bắt làm tù binh ngày càng nhiều. Phải có người giỏi tiếng Anh để giáo dục họ. Thầy giáo Hồ An đã đảm trách việc này rất xuất sắc, ghi nhiều dấu ấn sâu đậm trong tù binh Mỹ.

Cho đến nay, rất nhiều cán bộ, nhân viên, bộ đội ở căn cứ Kháng chiến Khu 5 đều còn nhớ một lính Mỹ tên là Bobby.

Đổ bộ lên Đà Nẵng vào mùa thu năm 1965, những tưởng Đà Nẵng, Hội An là vùng do quân Mỹ và quân Sài Gòn kiểm soát hoàn toàn, Bobby một mình lái xe Jeep đi Cửa Đại, Hội An. Anh ta không ngờ giữa đường bị du kích kháng chiến chặn xe bắt sống ở Cẩm Hải (nay thuộc xã Điện Dương và Cẩm An), đưa về vùng giải phóng.

Tài liệu của nhà văn Hồ Duy Lệ kể lại: Thầy giáo Hồ An đến gặp Bobby. Anh ta cúi gằm mặt không chào. Thầy An từ tốn nói: “Tôi không có cấp bậc chi, cũng chỉ là một du kích. Anh định gặp người có cấp bậc anh mới chào sao?”. Câu hỏi lạ, bằng tiếng Anh giọng lưu loát, làm cho Bobby bất ngờ nhìn lên. Vẫn không chào. Thầy nói: “Tôi là người chiến thắng. Anh phải đối xử với tôi như cấp trên”. Tức thì, Bobby đứng dậy gục đầu chào. Thầy nói: “Chừ thì tôi là người thắng, anh là người bại, nói chuyện với nhau. Trước khi đến đây, tôi được biết anh đang sốt, không nói chuyện, không chịu ăn uống, thậm chí không đánh răng. Lẽ nào anh lại chờ cái chết? Có lẽ anh bị đầu độc rằng lọt vào tay cộng sản thì chỉ có chết! Như vậy, do lo sợ, do ác cảm không chịu nói chuyện, không chịu ăn nên anh lên cơn sốt”. Thầy Hồ An chỉ cô gái bên cạnh, nói: “Tôi hẹn cô y tá đem thuốc cho anh đây. Anh uống thuốc, hết sốt, ăn cháo rồi ta sẽ nói chuyện”. Bobby đồng ý uống thuốc và ăn cháo.

Tối đó thầy Hồ An gặp Bobby. Sau một lúc hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, Bobby xúc động, hỏi thầy: “Ông làm chi mà nói tiếng Anh hay vậy?”. Thầy Hồ An nói: “Tôi cũng như anh, không có cấp bậc gì. Anh muốn nghe đời tư của tôi thì tôi sẽ kể: Cha tôi là một ông quan cấp tỉnh. Thời kỳ Pháp chiếm đóng, có một thời gian cha tôi, ông Hồ Ngận, làm tỉnh trưởng Quảng Nam. Khi Mỹ thay chân Pháp, thì đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam thay Bảo Đại. Tổng thống Ngô Đình Diệm mời cha tôi tham gia đại biểu Quốc hội. Tôi từng học trường do những người Pháp dạy, tôi tiếp xúc với nhiều giáo sư người Anh. Và tôi từng dạy cho học sinh người Việt phương pháp viết và nói tiếng Anh như người bản xứ. Khi Mỹ thay chân thực dân Pháp thì tôi tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi chia tay gia đình, học trò, rời thành phố Đà Nẵng - nơi các anh vừa đổ bộ lên chiếm - lên rừng núi này tham gia chống Mỹ xâm lược. Tôi biết anh cũng như bạn bè của anh sang Việt Nam là do nhà cầm quyền Mỹ nói với các anh sang Việt Nam để chống họa cộng sản xâm lăng…”.

Bobby được đưa về Ban Binh vận. Thầy Hồ An thường tiếp tục nói chuyện với Bobby, đưa cho Bobby xem những bài viết của nhà triết học Anh Bertrand Russell và của nhà báo Úc W. Burchett chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bobby dần dần nhận ra đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa. Anh mến phục thầy Hồ An, gọi thầy là cha.
Thấy Bobby học hành tiến bộ, tự nguyện xin được làm người phục vụ kháng chiến, Ban Binh vận khu chuyển anh sang làm nhân viên của ban. Anh sống và làm việc như cán bộ, nhân viên ban, đi gùi gạo, phát rẫy sản xuất sắn khoai, cùng cán bộ binh vận biên soạn truyền đơn, đến sát đồn địch đặt loa kêu gọi binh lính Mỹ-ngụy chống lại chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra. Bobby cố gắng học và nói được tiếng Việt. Khi bị địch đi càn quét, bao vây, anh cũng chui hầm bí mật, có lần chịu đói. Những khi nhận được tiền phụ cấp của Ban Binh vận phát, anh mua vải, bột ngọt, đem vào buôn làng tặng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Bobby lấy tên là Nguyễn Chiến Đấu. Anh nói anh muốn lấy họ của Nguyễn Ái Quốc và cũng là họ của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nguyễn Hữu Thọ.

Vào khoảng cuối năm 1965 đến 1966, trại tù binh Mỹ ở Liên khu 5 giam giữ hơn 20 tên, trong đó có một đại úy cố vấn Mỹ tên là Eishen Brown (bị ta bắt ở trận Ba Gia, Quảng Ngãi), một trung úy phi công, một bác sĩ, còn lại là lính thường, đa số là người da trắng, một vài người da đen và một người da đỏ.

Tên đại úy cố vấn đã ba lần rủ đồng bọn trốn trại. Nhưng mặc dù trại ở giữa núi đồi mênh mông, còn đồng bào dân tộc thiểu số của ta thì sống rải rác, thưa thớt, vậy mà lần nào đồng bào ở đây cũng bắt lại đầy đủ không sót một tên nào.

Nghe tình hình ở trại bất ổn, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy, nhờ thầy Hồ An lên trại mở khóa giáo dục chính trị cho tù binh Mỹ. Đến trại, thầy yêu cầu tháo cùm cho tù binh, phát thuốc men đem theo cho những tên đau ốm và tăng suất ăn hàng ngày lên gấp đôi. Nghe báo cáo tên đại úy vẫn rất ngoan cố, đêm đầu tiên ở trại, thầy yêu cầu gặp ngay tên này. Có hai điều làm tên đại úy rất bất ngờ và hết sức ngạc nhiên: Một là Việt Cộng mà sao có người nói sõi tiếng Anh như vậy. Hai là trong quân đội Mỹ có thông tin hễ bị Việt Cộng bắt làm tù binh thì sẽ bị “tẩy não” (brain wash), nhưng sao ông này nói chuyện y như kiểu tâm tình. Bởi vậy y cũng thú thật với ông tất cả. Ngay trước khi sang Việt Nam thì y tham gia cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Y không có lý tưởng gì cả. Y chiến đấu chỉ vì tiền, địa vị và tình dục. Khi bắt đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên, thì y mới chỉ là một thượng sĩ. Rời Triều Tiên y lên chức đại úy. Và trong thời gian nghỉ phép thì y được đi Okinawa và ở đó có thể thuê vợ Nhật.

Sau cuộc nói chuyện với thầy Hồ An, tên đại úy Mỹ cảm thấy rất thoải mái. Y xin trại cho mượn cây bút, một tờ giáy trắng và cây đèn cầy để viết. Sáng sớm y cầm chổi quét từ lều của y đến nhà của thầy Hồ An, trên một ngọn đồi, rồi cung kính đưa cho thầy tờ giấy, trong đó có mấy câu thú tội đã phạm sai lầm hướng dẫn tù binh đi trốn và lời hứa long trọng: “Từ nay trở đi nếu tôi có hành động hoặc ngay cả tư tưởng trốn trại mà các ngài biết được thì tôi xin chịu xử tử”.

Trong những ngày học tập chính trị sau đó, y rất ngoan ngoãn và tự nguyện viết thư kêu gọi lính Mỹ bỏ ngũ, phản chiến hay chạy sang hàng ngũ của ta. Lời kêu gọi viết rất súc tích, gọn gàng và đầy tình cảm.

Thời gian học tập chính trị kéo dài chỉ vài ngày, có tài liệu in sẵn để thảo luận dưới sự hướng dẫn của cán bộ do thầy An đào tạo làm địch vận và chia ra thành từng tổ. Khẩu hiệu chung cho cả lớp là “Tự do tư tưởng”. Trong những giờ giải lao thì được ăn mít ướt của đồng bào dân tộc thiểu số tặng, được hút thuốc thơm Ruby Queen và trò chuyện tự do.

Kết thúc cuộc học tập, tất cả đều tình nguyện chiến đấu vì chính nghĩa dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tuy nhiên, sau đó chúng đã được phóng thích dần dần.

Trong đợt phóng thích đầu tiên, ta báo cho địch đến nhận tù binh được thả. Tên đại úy Mỹ ở đồn địch đi xe Jeep đến điểm hẹn, thấy tù binh đều mặc đồ bà ba mới tinh thì y ra lệnh cởi bỏ tất cả áo quần ra và thay bằng những bộ quân phục mà chúng mang theo. Nhưng tất cả tù binh đều từ chối. Tức quá, tên đại úy ra lệnh cho lính lột dép cao su ném ra xa và đưa giày quân sự bảo phải mang vào. Nhưng tù binh giật lại dép và bảo rằng họ phải đem về gia đình để làm kỷ niệm.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trở về Đà Nẵng một thời gian, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng được thành lập, thầy Hồ An được mời mở lớp dạy tiếng Anh đầu tiên của trường, về sau là chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ của trường.

Vừa dạy học, lãnh đạo khoa, vừa viết sách dạy tiếng Anh, ông đã cho xuất bản hai tập sách về dạy và học tiếng Anh (bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh). Tập sách thứ ba viết hoàn toàn bằng tiếng Anh: An Approach to a Native-Like Command of English (Phương pháp nói tiếng Anh như người bản xứ), rất được giới sư phạm tiếng Anh hoan nghênh nhiệt liệt và được tái bản nhiều lần.

Qua 66 năm giảng dạy tiếng Anh, về chuyên môn, ông đã tìm ra một phương pháp độc đáo, khác thường với những thủ thuật phong phú giúp học sinh nắm vững bài học nhanh chóng, cảm thấy dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Hồ An là một cán bộ cách mạng, một nhà báo đa năng, nhà giáo mẫu mực có ảnh hưởng lớn trong học sinh, sinh viên. Ông đã đào tạo được hàng nghìn học sinh, sinh viên nắm vững tiếng Anh ở trình độ cao đã đi học ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài, kể cả ở nhiều nước nói tiếng Anh.

Ông sinh ngày 21-1-1921, đến nay ở tuổi 94, ông vẫn còn rất tỉnh táo, tiếp tục đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG