Tôi vừa mới giật mình khi nghe một người trẻ, trí thức thành đạt, hỏi tôi một câu rằng đời sống bên châu Âu chắc là sướng như thiên đàng cô nhỉ, các sân vận động đá banh đều đông nghẹt người xem. Người khác thì hỏi, bên ấy tha hồ mà đẻ con, có chính phủ nuôi hết? Hay bảo hiểm sức khỏe bên ấy tốt quá, đau ốm được trăm phần trăm. Hay, đem lương xã hội bên ấy về bên này thì sống sướng nhỉ. Hay, người dân châu Âu hưởng phúc lợi xã hội quá nhiều, đã đến lúc họ phải thay đổi phong cách sống và tiêu tiền… Có luôn cả những bài viết “kích thích” người Việt đi xin đủ mọi trợ cấp xã hội của Pháp hay của Đức, của những nước khác. Trên mạng còn có nhiều thông tin sai lạc về đời sống, quy chế xã hội ở châu Âu trong chiều hướng quảng cáo một cách thô thiển như thời “chiến tranh lạnh” rằng ở châu Âu tất cả mọi chuyện đều tốt, không có gì sai, sung sướng, dân chủ và tự do tuyệt đối, người ở châu Âu ai cũng giàu có như thể cứ đi ra đường lượm tiền về tiêu xài.
Ngân quỹ trợ cấp xã hội tại Pháp hay Đức đều là một phần của ngân quỹ thuế do dân chúng đóng, cộng thêm một phần nợ quốc gia. Ít ai có lòng tự trọng lại thích đứng xếp hàng nộp đơn xin trợ cấp xã hội. Có “quyền lợi” thì cũng phải có bổn phận, người sống bằng trợ cấp xã hội phải thường xuyên chứng minh thu nhập, trương mục ngân hàng bị kiểm soát từng dòng ra dòng vô, phải chứng minh luôn luôn có cố gắng đi tìm công ăn việc làm, hay phải nhận làm những công việc do cơ quan quản lý xã hội đề nghị, phải chấp nhận nhân viên quản lý đến tận nhà xem xét. Thậm chí có nhân viên ở Sở Lao động có trách nhiệm giúp đỡ người tìm việc làm ở Đức đề nghị phụ nữ bị quản lý thất nghiệp vào những nhà chứa làm đĩ, làm điếm, vì cái “nghề” xưa như trái đất này đã được nước Đức công nhận là một nghề nghiệp thực sự, phụ nữ hành nghề bán dâm được theo dõi sức khỏe, có bảo hiểm sức khỏe, lương hưu và phải kê khai thu nhập đóng thuế như mọi người khác. (Luật quy định quan hệ pháp lý của những người làm điếm – Gesetz zur Regelung der Rechtsverhältnisse der Prostituierten - ProstG. có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2002 tại CHLB Đức).
Theo bản báo cáo về “Chỉ số tham nhũng thế giới 2012 trong lãnh vực công cộng của 176 nước và lãnh thổ trên thế giới” của cơ quan Transparency International thuộc Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 5-12-2012 thì khu vực đồng euro đang có dấu hiệu tham nhũng rõ rệt. Đứng đầu bảng ít tham nhũng nhất là ba nước Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand. Đức đứng thứ 13, Anh đứng thứ 17, Hoa Kỳ đứng thứ 19, Pháp đứng thứ 22, Trung Quốc đứng thứ 80, Nga đứng thứ 133, Việt Nam xếp thứ 123, đội sổ tham nhũng là ba nước Afghanistan, CHDCND Triều Tiên và Somalia trong tổng số 176 nước trên thế giới.
Nhân viên hành chánh ở Đức có người chỉ vì nhận 25 euro cho quỹ uống cà phê của cơ quan mà bị đuổi việc thẳng tay, trong khi cấp trên “ăn” chùi mép sạch thì không sao. Các mánh mung “tặng quà” như thẻ đổ xăng miễn phí suốt năm, cả nhà đi nghỉ hè, đi chơi trượt tuyết mùa đông không tốn tiền, thợ thuyền kéo đến tận nhà xây cho một “vườn mùa đông” (Wintergarten) mà không phải trả một cắc, thằng con sáng ra ngủ dậy thấy có một cái xe hơi mới tinh cột ruy băng quà tặng đỏ chói đậu ngay trước cửa, con gái mới ra trường thì có ngay một chỗ làm lương cao, vợ không cần đi làm cũng có lương, hay những khoản tiền “thù lao trở lại”, tính phần trăm theo giá trị hợp đồng, gọi là “rétro-commission” ở Pháp… là quen thuộc. Các nhân vật chính trị cũng chỉ chờ những sơ hở như thế để hạ nhau.
Trong một lần về từ Việt Nam tôi ngồi bên cạnh một chị trạc 60 tuổi trên máy bay, chị than thở phải để dành ky cóp 3 năm mới có được 3.000 USD và tiền mua một vé máy bay, về cho người này một ít tiền trả nợ, người kia một ít tiền sửa nhà, người nọ một ít tiền chữa bệnh… không đủ đâu vào đâu, ít ỏi, mà chị thì đi làm công cho nhà hàng ở Marseille quanh năm suốt tháng, phải lo chồng lo con. Người khác thì vay mượn tiền – dù nợ mua nhà, nợ mua xe đã lên đến tận cổ – rồi về nước tiêu xài lung tung, gây ấn tượng mình là người ung dung tiêu tiền không tiếc tay.
Thực tế là tiền lương ở nước ngoài cũng là một khoản tiền cố định, lương hưu cũng cố định, tháng nào cũng chỉ có bấy nhiêu đó, phải tính đầu này đầu kia cho vừa đủ để không mang công mắc nợ thêm. Mua nhà thì trả góp từ 15 đến 25 năm tùy theo tuổi, mua xe thì trả góp từ 4 đến 7 năm. Đại gia “Việt kiều” ở châu Âu cũng chỉ là số ít. Gọi là lương xã hội như ở Đức, ở Pháp chỉ có khoảng 400 euro một người. Với số tiền ấy, với mức giá sinh hoạt hiện tại, thí dụ như giá xăng đã lên hơn 1,60 euro/lít, thì con người sống khá chật vật, dù có thêm trợ cấp tiền thuê nhà, trợ cấp quần áo mùa đông, trợ cấp con cái… gộp chung tất cả mọi trợ cấp lại cũng không phải là sống “sướng”. Nhưng đồng tiền trợ cấp không thể lớn bằng cái mặc cảm thất nghiệp, không có chỗ đứng trong xã hội.
Một người bạn nói với tôi rằng, dân mình lầm than quá, phải ra đường kiếm sống. Tôi lại không nghĩ như vậy. Đặc tính làm kinh tế của dân mình là cứ bám đường mà sống, ở đâu có đường sá là dọc theo hai bên đường nhà cửa chen chúc và có đường tức là có chợ, trong một cái hẻm nhỏ xíu của một xóm nghèo cũng có chợ họp ven hẻm, buôn bán tự do. Nói như thế không phải muốn nền kinh tế quốc dân chỉ dừng lại ở “vỉa hè”! Một sự phát triển và tăng trưởng nhằm mục đích cuối cùng là tăng mức thu nhập cho mỗi người dân, thì ngoài việc chỉ định và thúc đẩy những ngành nghề, cơ sở mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia, cũng phải bảo đảm cho người dân có tự do hành nghề, tự do kiếm sống.

|
Gánh chuối chiên vỉa hè |
Có vẻ ai biết làm gì thì làm, kiếm sống, và đời sống sinh hoạt kề cận nhau trên vỉa hè tạo một mối tình cảm tương thân tương trợ… Sự sinh hoạt vỉa hè tôi đã thấy và đã sống trong đó từ khi lớn lên. Chị bán báo trên vỉa hè, chị bán nước đầu con ngõ chật hẹp, anh tài xe ôm đầu đường… đối với tôi thật thân thương, tình cảm, lần nào cũng hỏi thăm: em khỏe không? mới về hả? cháu nội cháu ngoại gì chưa? Dù đã hơn 40 năm, từ một cô nữ sinh tóc thề ốm nhom nhỏ nhắn nay đã lên chức “lão bà”, họ vẫn gọi tôi bằng em! Những người du khách ngoại quốc đến nước mình đều rất ấn tượng về những cảnh sinh hoạt và lao động trên vỉa hè.
“Ở Việt Nam đời sống tràn lan trên vỉa hè” cũng là nhận định của một cô bạn Pháp sau khi tự tổ chức đi thăm Việt Nam từ Bắc xuống Nam trong hai tuần. Ở Pháp, Đức thì vỉa hè là vỉa hè, cấm bán buôn, cấm họp chợ, cấm tụ họp không xin phép, cấm ăn xin, cấm việc “sống” lê la của những người không nhà không cửa trên vỉa hè, chứ đừng nói chi đến “lao động” thực sự để kiếm sống trên vỉa hè. Chỉ có mỗi một hình thức sinh hoạt kinh tế vỉa hè được chính quyền Pháp cho phép, đó là “chợ rận, chợ trời” (brocantes) ở nhà quê, thị trấn, thành phố nhỏ mỗi năm một lần sau mùa hè, đầu thu. Người dân được thuê 2-3m2 trên lề đường, mặt đường, giá từ 3 đến 5 euro/m2, rồi bày bán đủ mọi đồ vật cũ, mới, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều trong ngày là phải dẹp.
Người thất nghiệp ở châu Âu thì đóng cửa nằm nhà, năm này qua năm khác. Vấn đề nằm ở chỗ xã hội và nền kinh tế nội địa không tạo ra việc làm cho họ, số lượng công việc thì ít, số lượng người tìm việc thì nhiều hơn, lại quá gay gắt trong mọi luật lệ lao động, luật lệ bảo hiểm và luật lệ thuế má.
Chúng tôi đi từ Bắc xuống Nam, những cảnh sinh hoạt vỉa hè, trong ngõ, đầu ngõ, chợ họp ven đường, chợ quê… là những tấm hình được chúng tôi ưa thích nhất và thường cho bạn bè xem. Từ vùng núi sâu thẳm Hà Giang Lũng Cú, phố núi Điện Biên, phố cổ Hà Nội, xuống đến Huế, Quy Nhơn, vào Nam trong TP.Hồ Chí Minh, đến tận Cà Mau đâu đâu cũng có người lao động trên lề đường, từ người thợ may, thợ máy, thợ sửa xe, thợ hàn, thợ tiện, họa sĩ vẽ tranh… cho đến nghề buôn, phụ nữ mở hàng cơm, hàng phở, bún, chuối chiên, khoai chiên, thịt nướng, bán hoa, bán cá, bán thịt, bán tôm, bán củi, bán mật ong rừng… tất cả đều tràn lan trên vỉa hè.
Một người bạn nói với tôi, ở Việt Nam chị bán xôi cũng có điện thoại di động. Mà thật thế, điện thoại đi động có loại rất rẻ, có bán ở nhiều nơi, cái mới giá chỉ 400 hay 500 ngàn đồng, mua cũ thì chỉ 100 hay 200 ngàn, một cái thẻ sim cà chỉ có từ 50 đến 100 ngàn đồng vừa được số điện thoại vừa có tài khoản gọi ngay, có khi được cộng 50% tài khoản gọi thêm khuyến mãi, ai mua ai xài cũng được, hoàn toàn không có kiểm soát.
Trong khi ở Pháp hay ở Đức, mạng lưới điện thoại di động bị kiểm soát gắt gao vừa về kinh tế lẫn về hộ tịch; muốn mua một cái điện thoại di động phải xuất trình thẻ căn cước, chứng minh thu nhập của ngân hàng, chứng minh chỗ ở, phải ký hợp đồng ít nhất là hai năm, điện thoại bị “chận” không được xài thẻ khác, mạng khác... Nhiều người không có đủ những điều kiện đó, như thành phần trẻ, sinh viên, học sinh, thất nghiệp, ăn trợ cấp xã hội... phải nhờ người khác có đủ giấy tờ chứng minh đứng tên để mua giùm một cái điện thoại di động.
Sự phổ biến điện thoại di động ở Việt Nam làm cho những hoạt động kinh tế quay nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thiếu hàng ư? chỉ cần “phôn” một cú, họ sẽ chạy xe máy đem hàng tới cho khách đang đứng chờ. Trẻ em vài tuổi đầu đã được cha mẹ tập cho bấm điện thoại di động, bấm iPad...