Điện ảnh Việt Nam có đủ lực để thực hiện phân loại phim?

Vừa qua, khi phim Bụi đời Chợ Lớn bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia ách ngày phát hành lại để chỉnh sửa, đã có làn sóng dư luận báo chí không đồng tình và cho đó là gọng kềm ngăn trở bước tiến của điện ảnh Việt Nam… Ai cũng biết việc phân loại phim đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một hình thức để các nghệ sĩ có thể hoàn toàn tự do sáng tác… Nhưng với hiện trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay, liệu chúng ta có đủ lực để thực hiện?

Các nước phân loại phim như thế nào?

Thực ra, không có nền điện ảnh nào không bị ràng buộc bởi Hội đồng kiểm duyệt và phân loại phim. Tại Pháp, tất cả các phim truyện, cả phim quảng cáo đều có giấy phép khai thác (Visa d’exploitation) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa cấp và chia làm hai loại: Loại được phổ biến không hạn chế (tous publics) và loại hạn chế đóng dấu X thì cấm trẻ dưới 12, 16, 18 tuổi. Đó là những phim có cảnh tình dục và bạo lực nghiêm trọng. Những phim này không bị cấm, nhưng phải đóng thuế rất nặng, và khi chiếu ở rạp phải ghi thêm dòng cảnh báo ngoài phòng chiếu và phải áp dụng triệt để đối với những khán giả chưa đủ tuổi. Căn cứ phân loại phim dựa vào một Ủy ban gồm 28 thành viên chính thức và 55 thành viên dự bị, và người chủ trì phải do Thủ tướng chỉ định. Tât cả những thành viên này bao gồm những người thuộc giới điện ảnh, các chuyên gia tư vấn của nhiều lãnh vực y tế, tư pháp, Hội bảo vệ trẻ em và cả những thanh niên tuổi từ 18 đến 24. Ở Mỹ, Ban xếp loại phim gồm 10-13 người và Trưởng ban sẽ do Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh (MAA) chọn, kinh phí do chính các nhà sản xuất phim trả. Và hệ thống ký hiệu xét duyệt này được Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đăng ký sở hữu trí tuệ. Hội cũng thăm dò cả ý kiến phụ huynh trên toàn nước Mỹ, điều đó cho thấy công việc này là hoàn toàn cần thiết và vô tư. Những ký hiệu phân loại phim rất rõ ràng, ví như G là phim hoàn toàn có thể yên tâm cho mọi lứa tuổi; PG: có vài cảnh không phù hợp với thiếu nhi, cha mẹ nên xem trước; PG-13: cha mẹ phải thận trọng nếu con cái dưới 13 tuổi; R: phim không dành cho trẻ dưới 17 tuổi vì có nhiều cảnh tình dục, bạo lực; cuối cùng là NC-17: phim có những hình ảnh tục tĩu thô thiển. Ở Hàn Quốc có một Hội đồng đánh giá truyền thông là MRB (Media ratings board) và cũng giống như cách phân loại phim ở Mỹ, các ký hiệu phim bao gồm: phổ thông, 12+, 15+, 18+ tức là hạn chế độ tuổi được xem phim. Tất nhiên vấn đề chính để phân loại phim là yếu tố tình dục, bạo lực và kinh dị. MRB không có quyền cắt hay cấm phim phát hành, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến các hãng phim, buộc họ phải sửa lại những cảnh quá đáng. Có nghĩa là khi MRB từ chối không đánh giá một phim nghĩa là phim này không đủ tiêu chuẩn để phát hành. Tuy nhiên, điều đó chỉ hết sức tương đối, bởi vì nếu xem phim điện ảnh Hàn Quốc, ta sẽ thấy có nhiều cảnh sex hết sức kinh dị, khác hẳn với phim truyền hình tràn ngập những mối tình lãng mạn nhưng lại có tiêu chí giáo dục rất rõ ràng, vì những người làm phim truyền hình Hàn Quốc ý thức rất rõ đây là phim dành cho đại chúng.

Quản lý điện ảnh Việt Nam có đủ lực để phân loại phim?

Nói dài lời về người để từ đó nhìn lại mình. Vì trước nay, rõ ràng cơ quan quản lý điện ảnh Việt Nam đã quá cởi mở và không hề phân loại phim từ nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam. Xem qua cách phân loại phim ở Mỹ, ta càng thấy họ có kỷ cương rất chặt và tính giáo dục hết sức gắt gao chứ không hề buông lỏng như ta lầm tưởng. Nhiều phim mang ký hiệu R ở Mỹ vẫn ngang nhiên vào Việt Nam mà không hề được cảnh báo mức tuổi nào mới được vào rạp. Vì thế dù công văn 308-ĐA/PBP của Cục Điện ảnh đã ra đời từ năm 2007 với mục đích ngăn chặn những yếu tố bạo lực, kinh dị quá đáng, và dù Hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) đã làm việc tích cực từ nhiều năm nay nhưng vẫn để lọt lưới khá nhiều phim bạo lực đến với lứa tuổi vị thành niên. Dường như HĐDPQG chỉ quan tâm đến phim trong nước hơn là phim nước ngoài, một số phim trong nước đã bị thổi còi và phải chỉnh sửa do quá nhiều cảnh bạo lực như Bụi đời Chợ Lớn (Hãng phim Chánh Phương) và Đường đua, cấm chiếu vĩnh viễn phim Bẫy cấp 3. Cùng bị thổi còi như Bụi đời Chợ Lớn nhưng không gây ồn ào trên dư luận báo chí, phim Đường đua của Hãng phim Xanh (Blue Productions) đã âm thầm chỉnh sửa và hiện nay đã được cấp phép phát hành vào mùa hè năm nay.

Rất nhiều ý kiến cho rằng đến nay Điện ảnh Việt Nam vẫn giữ chế độ duyệt phim là đã lạc hậu, lỗi thời so với các nước trên thế giới, vì vậy phải mau chóng chuyển sang chế độ phân loại phim để phim có thể đến được từng lứa tuổi khán giả. Rất đúng, việc phân loại phim là điều vô cùng cần thiết, và điều khẩn thiết trước tiên là phải phân loại ngay làn sóng vũ bão của phim nước ngoài hiện nay. Bởi đó mới chính là nguồn phim lớn nhất đang ngự trị 90% tại các rạp chiếu hiện nay. Chúng ta thổi còi những phim có tính bạo lực trong nước vì sợ gây ảnh hưởng độc hại đến giới trẻ, nhưng chúng ta lại quên rằng con số phim Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn thủ phạm chính là những bộ phim nước ngoài đã từng bị gắn ký hiệu R từ Mỹ tràn vào thì lại được ngang nhiên chiếu tràn lan cho mọi lứa tuổi. Đó là vấn đề phải suy nghĩ, bởi máu ở đâu cũng đều là máu và bạo lực dù diễn ra ở đất nước nào cũng đều là chất kích thích cho tội ác trỗi dậy. Cơ quan kiểm duyệt phim của Trung Quốc đã từng cắt bộ phim Mây Atlas (Cloud Atlas) dài 172 phút tới gần 40 phút, gồm các cảnh yêu đương đồng tính lẫn dị tính. Phim Django Unchained (Hành trình Django), bộ phim sử thi về cuộc phục thù đầy bạo lực của nô lệ của đạo diễn Quentin Tarantino, đã đột ngột bị rút khỏi các rạp chiếu phim của Trung Quốc. Sau đó, đạo diễn Tarantino đã cắt và sửa đổi các cảnh quay bạo lực đúng theo yêu cầu của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, phim mới được công chiếu. Tất nhiên, tùy theo tập quán và văn hóa của mỗi nước mà mỗi quốc gia có cái nhìn và cách ngăn chặn riêng. Điều đó cho thấy vấn đề kiểm duyệt phim nước ngoài là cần thiết, nếu như anh không đủ lực để phân loại phim, đủ kiên quyết để áp dụng luật pháp nghiêm minh ở các phòng chiếu. Muốn thế, phải phạt nặng những phòng chiếu lơi lỏng không kiểm tra chặt chẽ lứa tuổi của khán giả. Bởi trước nay, người ta đã quá quen với những dòng chữ cấm trẻ dưới 18 tuổi, và mặc nhiên xem đó như là cách câu khách ở các rạp vì nó chưa hề được thực thi nghiêm túc.

Phân loại phim nhằm mục đích để cho những bộ phim hay, đầy nhân bản tuy có nhiều yếu tố bạo lực được đến với đông đảo người xem. Đó là những người đã trưởng thành, chín chắn và không dễ bị kích động bởi bạo lực. Ví như phim Hành trình Django, dù đầy rẫy những cảnh tàn khốc, nhưng đó là phim hay, giành 2 giải Oscar. Vấn đề ở chỗ bộ phim đã để lại dư âm gì trong lòng người xem, nếu cảnh bạo lực chỉ là cái nền để đạo diễn chuyển tải ý tưởng mang giá trị nhân văn thì cảnh bạo lực ấy là cần thiết. Còn nếu phim chỉ dùng máu và bạo lực để câu khách và kích động cảm giác mạnh của giới trẻ thì không thể gọi đó là phim giải trí đơn thuần. Xã hội đòi hỏi trách nhiệm của người làm phim chính là ở đó. Phim Bẫy cấp 3 không được công chiếu chính là đã phạm vào điều này. Một cậu học trò vị thành niên đã giết hàng loạt bạn bè mình bằng nhiều hình thức đẫm máu trong một chuyến đi dã ngoại với lời trần tình là cậu ta cô đơn và bị sự coi thường của bạn bè. Đó có phải là một cách “đồng cảm” với những vụ nã súng giết người hàng loạt đã xảy ra ở Mỹ gần đây chăng?

Làm nghệ thuật không có nghĩa là bê nguyên xi hiện thực lên màn ảnh một cách vô tư, mà từ hiện thực ấy tác giả phải chuyển tải ý tưởng nhân sinh, làm lay động trái tim khán giả. Cảnh chém giết có thể đẩy lên đến cực độ cùng tay nghề điêu luyện của đạo diễn nhưng khi rời rạp, những giọt máu ấy có làm ray rứt lòng người? Những bộ phim bạo lực được đánh giá cao trên thế giới đều có thông điệp đầy nhân bản. Đó mới chính là giá trị nghệ thuật của tác phẩm…

Ngô Ngọc Ngũ Long