Con đã lập gia đình. Chẳng bao lâu nữa, con sẽ có những đứa con, các con sẽ được làm cha, làm mẹ. Đó là luật sinh tồn của vũ trụ. Hạnh phúc ngập tràn khi có những đứa con. Sợi dây cột chặt vợ chồng chính là những đứa con. Cha – Mẹ – Con lập nên gia đình - tế bào chủ yếu và quan trọng của xã hội.
Làm cha, làm mẹ là một công việc không chỉ vất vả mà còn vô cùng khó. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Hoàn cảnh kinh tế, nền nếp văn hóa gia đình, tính cách riêng biệt của những đứa con… khi đó, cha - mẹ sẽ có cách thức nuôi dạy con thích hợp. Bởi vậy, bố không có tham vọng nói được với con đầy đủ chuyện “học làm cha, làm mẹ” mà chỉ nêu lên những điều mà bố mẹ đã trải nghiệm, những mong giúp ích cho hai con.
Vậy điều cốt yếu của gia đình là gì?
Việc đầu tiên chính là phải xây dựng gia đình hòa thuận. Ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Công trình “biển Đông” lớn nhất, nặng nề nhất, quan trọng nhất chính là việc nuôi dạy con. Không đồng lòng hiệp sức, vợ chồng nay ly thân mai ly dị sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến không dạy bảo được con cái. Đứa trẻ sẽ mặc cảm về cảnh ngộ của mình. Thiếu cha hoặc vắng bóng mẹ sẽ khiến lệch lạc trong giáo dục con cái.
Kinh nghiệm cho thấy, con trai thường yêu mẹ hơn, thích dựa vào sự hiền dịu của mẹ để lắng nghe và tìm sự chở che; con gái thường yêu bố hơn, tìm thấy bản lĩnh cứng rắn của cha để lấy lời khuyên bảo. Vì thế, nói học làm cha, học làm mẹ cũng có ý về tính đặc thù của trách nhiệm cha - mẹ.

Gia đình. Ảnh: Internet
Chuyện phổ biến là người cha chỉ lo việc “triều đình”, hoặc phó thác hết cho mẹ; có người còn ỷ có tiền, thuê gia sư, thuê người làm chăm con mình, kết quả sẽ dẫn tới lệch lạc khôn lường. Đổ thừa “con hư tại mẹ” thật oan uổng. Nhìn trong xã hội cũng như trong họ hàng nhà mình, con sẽ thấy rất rõ, đa số các gia đình bố mẹ không hòa thuận sẽ là tai họa cho con cái, kết cục dễ dẫn tới sự tan nát gia đình.
Giữ gia đình hòa thuận êm ấm là một việc vô cùng khó. Trước hết, vợ chồng phải thực sự yêu quý nhau, nhường nhịn nhau. Người phụ nữ cần tỏ ra “vừa khéo chiều chồng vừa giỏi nuôi con”; người đàn ông phải cao thượng, sẻ chia và biết thông cảm. Đừng tranh phần thắng. Phải tin tưởng ở nhau.
Có những cặp vợ chồng sống với nhau cả năm sáu chục năm mà hầu như không cãi nhau. Nhiều người bảo đó là chuyện không có thật, nhưng con thì đã thấy đó, trong họ nhà mình, đó là sự thật. Mâu thuẫn vợ chồng thì ai cũng có, nhưng thương yêu nhường nhịn nhau, vì trách nhiệm với con cái mà hướng tới hòa thuận, mọi sự bực bội sẽ qua đi, mà phần “được” thì rất nhiều…
Thứ đến, cha - mẹ phải làm gương cho con noi theo. Nhiều người nói vui: Khi kén vợ, tìm chồng, cứ việc nhìn xem bố mẹ họ mà suy ra tính cách đối tượng muốn tìm hiểu…
Điều đó cũng có phần đúng. Bố mẹ luôn luôn là tấm gương cho con cái soi vào. Vì thế, tính cách, đối nhân xử thế, ứng xử với họ hàng, bạn bè, quan hệ tình nghĩa vợ chồng của cha mẹ, hầu hết phản ánh trong hình ảnh con cái. Dạy bảo, giáo dục con không gì thuyết phục bằng việc gương mẫu trước con mình.
Nhất cử nhất động của bậc làm cha, làm mẹ phải không bao giờ quên trách nhiệm gương mẫu. Đó là việc rất khó, nhưng từ khi có con đến khi lìa đời, cha mẹ không được xa rời điều này... Hôm rồi, bố chứng kiến con chị A. lườm nguýt mẹ, chị mắng phạt con và tỏ ra rất đau buồn, có biết đâu, đôi mắt lườm nguýt đó chính là của mẹ nó khi nóng giận ứng xử với ông bà.
Cảnh nhiều gia đình, con cái hỗn láo với người trên, không biết chào hỏi, không biết cảm ơn, xin lỗi, vâng dạ, thưa gửi… chính vì bố mẹ chúng không làm gương tốt thói quen này. Không nói đến cao hơn nữa, nếu gian tham, độc ác, lừa đảo thì hậu quả thế hệ sau đó thật tai họa cho xã hội…
Cuối cùng, việc giáo dục dạy bảo con mình phải toàn diện, chú ý phát hiện sớm và nâng đỡ những năng khiếu của chúng, để hướng tới nghề nghiệp sau này. Một việc có tính đặc biệt của những gia đình sống chung nhiều thế hệ (ông bà, chú bác, cô dì… ) thì cha mẹ phải ý thức việc độc quyền và thống nhất cao trong nội dung và cách dạy con bảo cháu. Không thể người nghiêm khắc, người chiều chuộng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược sẽ hạn chế rất nhiều đến kết quả giáo dục, nhất là khi còn trẻ thơ.