Jean Lacouture và duyên nợ với Việt Nam

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng. Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương kết thúc. Trong 10 ngày sau đó, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh - đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, độc lập và thống nhất, chấm dứt gần một thế kỷ bị ngoại bang thống trị và bóc lột.

Cùng lúc đó, chính phủ Pháp ráo riết tìm cách chiếm lại Đông Dương. Một lời kêu gọi được tung ra: Nhật, kẻ đã cướp đoạt Đông Dương từ tay Pháp trong cuộc đảo chính 9-3-1945, vẫn còn ở đó, thanh niên Pháp hãy gia nhập quân đội để sang “giải phóng Đông Dương”.

Jean Lacouture - lúc đó mới 24 tuổi - hăng hái ghi tên.

Rời cảng Marseille ngày đầu tháng 10-1945, sau 23 ngày lênh đênh trên đại dương, con tàu Orontes chở toán quân của Jean cập bến Sài Gòn. Cùng với Philippe Devillers và hai người nữa, Jean được phiên chế vào Ban thông tin thuộc Bộ tham mưu của Đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương với chức danh “tùy viên báo chí của tướng tổng chỉ huy Leclerc”, có nhiệm vụ xuất bản báo Caravelle nhằm động viên tinh thần binh sĩ.

Đặt chân lên Sài Gòn, Jean thấy tình hình Việt Nam không giống như lời kêu gọi ở Paris. Hàng quân Nhật đã bị giải giới, đang chờ hồi hương. Một tháng trước đó, ngày 23-9, với sự tiếp tay của tướng Anh Douglas Gracey, quân Pháp đã nổ súng chiếm nội thành Sài Gòn, sau đó đánh lấn ra một số thị xã, thị trấn ở Nam Bộ. Chính quyền và bộ đội Việt Minh rút ra vùng ven và nông thôn, tiếp tục kháng chiến.

Jean làm quen với Vital Saulnier, một nhà báo cộng sản đang làm việc cho hãng thông tấn Mỹ Associated Press, một thành viên chủ chốt của Nhóm Văn hóa Mácxít (Groupe Culturel Marxiste, G.C.M.) ở Sài Gòn. G.C.M. quy tụ những người Pháp cánh tả (cộng sản, xã hội) và một số người không đảng phái nhưng có tư tưởng tiến bộ, thiện cảm với nền độc lập của người Việt Nam. Một số nhà yêu nước Việt Nam thường lui tới trụ sở của G.C.M. ở số 106 đường Léon Combes (nay là đường Sương Nguyệt Anh) vốn là nhà của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (lúc đó đã ra chiến khu). Qua nói chuyện với người Pháp và người Việt ở đây, Jean biết mình sang Việt Nam không phải để đánh nhau với quân Nhật mà “chúng tôi đang tham gia vào việc đàn áp một phong trào giải phóng nghiêm túc, hợp lý, được tổ chức và chỉ đạo bởi những người có trách nhiệm, đặc biệt bởi Hồ Chí Minh, người đại diện cho đa số dân tộc Việt Nam” (tr.57)(1). Ông nhận ra rằng “mục đích của những người này và của dân tộc này ở nhiều điểm có thể so sánh với mục đích của cuộc kháng chiến của người Pháp [chống Đức quốc xã]” (tr.57).

Từ đó, “cuộc xung đột ở Việt Nam đã mở mắt cho tôi” (tr.279). Ông bắt đầu phê phán chủ trương tái chiếm Đông Dương của chính phủ Pháp: “Các cơ sở chính trị của Pháp trong việc này là xấu xa” (tr.57).

Tháng 1-1946, ông cùng một số bạn bè như Philippe Devillers, Pierre About, Marc Planchon, Bernard Kroutchtein… xuất bản tờ tuần báo Paris-Saigon với chủ trương “tranh đấu cho hòa giải, hòa thuận, thương thuyết và giải phóng Việt Nam” (tr.64). Từ đó, Jean tham gia viết cùng lúc cho hai tờ báo: buổi sáng viết cho tờ Caravelle ủng hộ chiến tranh, buổi chiều viết cho tờ Paris-Saigon cổ vũ hòa bình! Tòa soạn hai tờ báo nằm ở hai đầu đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi): một ở gần khách sạn Majestic, một ở gần nhà thờ Đức Bà.

Ngày 15-2-1946, Jean ra Hà Nội để phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam. Câu khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” treo trên các đường phố thủ đô đập vào mắt ông.

Cuộc gặp Võ Nguyên Giáp để lại ấn tượng tốt: vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có “một khuôn mặt khá đẹp trai, tỏa sáng bởi trí thông minh và tính nhạy cảm đáng kinh ngạc” (tr.69). Sau khi trò chuyện, Jean nhận xét: Võ Nguyên Giáp là “một nhà cách mạng, một người có thể tỏ ra cương quyết trong những chuyện lâu dài, đồng thời mềm dẻo trong thực thi, trong sách lược” (tr.69).

Hôm sau, ông đến phòng khách của Bắc Bộ Phủ (tức Dinh thống sứ Bắc Kỳ cũ) để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: “Tôi thấy một người gầy gò đi vào, bước nhẹ trên đôi dép mỏng… Tôi chưa từng gặp người nào giản dị đến thế, một người thánh thiện, tỏa ánh hào quang từ một nhân cách rất toàn diện… Ông có sức thiện cảm kỳ lạ. Đứng trước ông, người ta tan chảy. Ông có một kiểu dịu dàng, mong manh, có óc hài hước mà tôi không bao giờ tìm thấy lại ở một nơi nào khác” (tr.70).

Vừa nghe Jean tự giới thiệu, ông đã vui vẻ nói: “A, cậu từ Paris đến hả? Những ai từ Paris đến đều là bạn của tôi! Chúng ta hãy nói về Paris, về văn chương, về lịch sử nước Pháp, về cuộc kháng chiến của Pháp [chống phát xít Đức] …” (tr.71).

- Jean Lacouture sinh ngày 9-6-1921 tại Bordeaux (Pháp).

- Cử nhân Văn khoa (Đại học Bordeaux), cử nhân Luật khoa (Đại học Paris), tốt nghiệp Trường khoa học chính trị Paris (tiền thân của Viện nghiên cứu chính trị Paris) nổi tiếng với tên gọi tắt Sciences Po.

- Nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard (Mỹ, 1966).

- Giảng dạy tại Viện nghiên cứu chính trị Paris (1966-1972), Đại học Vincennes (nay là Đại học Paris VIII, 1969-1971).

- Nhà báo chuyên nghiệp (viết cho các báo Combat, Le Monde, France Soir, Nouvel Observateur…).

- Tác giả của 71 cuốn sách và hàng nghìn bài báo.

- Qua đời ngày 16-7-2015 tại Roussillon (Pháp).

Jean thấy ông nói tiếng Pháp khá tốt, nhưng với một giọng rất lạ, giọng của một người từng sống ở nhiều nước, đôi khi pha một chút giọng Anh(2). Jean cảm thấy ngạc nhiên: ông là “người từng bị cảnh sát Pháp truy nã trong suốt 20 năm bằng mọi phương tiện”, thế nhưng “ngày hôm ấy, ông nói về nước Pháp với lòng nhiệt thành, tôi có thể nói là với một tình yêu thấm đượm” (tr.71).

Các cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm trí Jean. Gần 30 năm sau, ông viết về họ: “Hồ và Giáp quả thật là những người có tầm vóc lịch sử” (tr.85), “quả thật, trong con mắt nhân dân Việt Nam, những người sáng lập [nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa] đại diện cho lòng yêu nước đích thực và nhiệt tình giải phóng” (tr.215). “Những người ấy, những người phát minh ra một cuộc cách mạng chống lại quyền lực của nước tôi, đã tiếp tôi - một đối thủ của họ - một cách thoải mái, lịch sự và cởi mở. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi về những người đã làm ra tôi như ngày nay” (tr.296). Ông thừa nhận: “Từ thời điểm đó, tôi xét đoán tất cả những người đối thoại với tôi theo chuẩn của người Việt Nam” (tr.297), “những người Việt Nam đã sắp đặt cái nhìn của tôi trong phần còn lại của đời tôi và đã khiến tôi mãi mãi kính trọng những người đứng lên chống sự sỉ nhục, giải phóng khỏi sự bóc lột” (tr.297-298).

Trước khi về lại Sài Gòn, Jean gặp Bảo Đại, lúc đó được cử làm cố vấn tối cao của Chính phủ. Tuy viên cựu hoàng này từng trải qua 10 năm thời niên thiếu tại Pháp, sau đó làm vua bù nhìn cho Pháp trong hai thập niên, nhưng theo Jean, buổi trò chuyện với Bảo Đại chỉ để lại “một ấn tượng rất xấu” (tr.72).

Được biết lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đàm phán với Jean Sainteny, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Bộ, Jean rất vui: “Tổ chức cách mạng lớn hàng đầu mà tôi biết là Việt Minh đang thương thuyết với Pháp… Tôi thán phục Việt Minh cầm vũ khí trong tay, nhưng tôi càng thán phục Việt Minh nhiều hơn nữa khi họ thảo luận với Pháp, để ý tới thực tế và như vậy tiết kiệm được mạng người” (tr.322). Theo Jean, “Việt Minh biểu hiện nguyện vọng giải phóng của dân tộc. Phải thương thuyết với những người của Việt Minh để xây dựng một hình thái hợp tác nào đó… Chúng ta có thể nói chuyện với những nhà lãnh đạo Việt Minh [vì] đó là những người nghiêm túc, tính cách đại diện của họ được khẳng định bằng nhiều dấu hiệu” (tr.73).

Trong năm 1946, Việt Nam lần lượt đàm phán với Pháp tại Hà Nội, Đà Lạt và Fontainebleau (Pháp). Nhưng khi chữ ký trên các hiệp ước chưa ráo mực thì Pháp đã vi phạm.

Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 ghi rõ: “Về việc tái thống nhất 3 kỳ(3), Chính phủ Pháp hứa sẽ chuẩn nhận quyết định của dân chúng được tham khảo bằng một cuộc trưng cầu dân ý”(4). Tuy nhiên, Cao ủy Pháp tại Đông Dương d’Argenlieu không chịu tổ chức trưng cầu ý dân; ngược lại, ngày 26-3-1946 (tức 20 ngày sau khi ký Hiệp ước), thành lập “Cộng hòa tự trị Nam Kỳ”, tách Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhà nghiên cứu André Teulières nhận định: “Việc dựng lên một nước Cộng hòa Nam Kỳ… đã phá hoại triển vọng thống nhất của Việt Nam”(5). “Mặt khác - theo ghi nhận của tiến sĩ Bernard Fall -, ở Nam Bộ, quân đội Pháp tiếp tục các cuộc hành quân càn quét bất chấp các hiệp định công bố ngừng bắn trong cả nước”(6).

Những hành động nói trên nằm trong chủ trương của Pháp đối với Đông Dương (trong đó có Việt Nam) sau khi chiến tranh thế giới kết thúc.

Ngày 15-8-1945, tướng de Gaulle, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Pháp, chỉ thị đô đốc d’Argenlieu rằng “Sứ mệnh hàng đầu của cao ủy Pháp ở Đông Dương là lập lại chủ quyền nước Pháp trên những lãnh thổ của Liên bang Đông Dương” (Le Haut-commissaire de France pour l’Indochine… a pour première mission de rétablir la souveraineté française dans les territoires de l’Union indochinoise)(7). D’Argenlieu không quên điều đó khi nhắc tướng Valluy: “Mục đích số 1 của sứ mệnh chúng ta… là lập lại uy quyền nước Pháp [ở Đông Dương] không chỉ về mặt luật pháp mà cả trong thực tế” (Le but premier de notre mission… est d’y rétablir l’autorité de la France, non seulement en droit mais en fait)(8).

Chỉ một tuần lễ sau khi đến Sài Gòn, tướng Leclerc đề nghị với Chính phủ Pháp: “Tôi tin rằng chỉ có một phương kế duy nhất, đó là đổ bộ lên Bắc Bộ với quân số đông. Sẽ là một sai lầm tuyệt đối nếu thương thuyết một cách nghiêm túc với các đại biểu của Việt Minh trước khi phô trương sức mạnh”(9).

Tướng Raoul Salan, phụ tá của Leclerc, tán thành ý kiến đó với điều kiện phải có ít nhất 5 vạn quân tham gia cuộc đổ bộ.

Trong 9 tháng đầu năm 1946, Pháp kéo dài các cuộc đàm phán với Việt Nam, ký kết rồi vi phạm (như đã nói ở phần trên), chờ có đủ hai điều kiện (quân Tàu rút về nước(10) và viện quân từ Pháp sang) mới chuyển sang hành động.

Ngày 22-11-1946, tướng Valluy(11) ra lệnh cho tướng Morlière (chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ) và đại tá Dèbes (chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng): “Đã đến lúc dạy [cho Việt Nam] một bài học cứng rắn”(12). Ngày hôm sau, từ chiến hạm Suffren, Pháp nã đại bác vào Hải Phòng. Ít nhất 6.000 người Việt Nam chết, hầu hết là dân thường. Jean Sainteny, người ký Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, nhận định: “Quả thật, việc ấy đã cắt đứt mối quan hệ Việt - Pháp”(13). Để cứu vãn tình hình, “phía Việt Nam yêu cầu trước hết quân Pháp trở về những vị trí mà họ chiếm đóng trước ngày 20-11”(14), nhưng phía Pháp từ chối.

Ngày 17-12, tướng Valluy bay ra Hải Phòng. Ông nói với tướng Morlière và Sainteny: “Bọn nhà quê [từ có ý xấu, chỉ người Việt Nam] muốn đánh nhau hả? Chúng sẽ được đánh nhau”(15).

Hai ngày sau, chiến tranh Việt - Pháp nổ ra. Theo Jean Lacouture, phía Pháp chịu trách nhiệm về vụ Hải Phòng, nhưng “chính Việt Minh và đích danh Võ Nguyên Giáp phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ” (tr.90) của mối quan hệ giữa hai nước trong sự kiện 19-12-1946. Đó là nhận định của một người mong muốn hai bên “hòa giải và hòa thuận” nhưng chưa hiểu hết tâm địa thực dân của các cấp trên của mình(16).

Trong lần đầu tiên gặp Jean hồi tháng 2-1946, Võ Nguyên Giáp đã tóm tắt lập trường của Chính phủ Việt Nam trong hai từ: Độc lập và Liên minh với Pháp (indépendance et alliance) và cảnh báo: nếu Pháp từ chối lập trường ấy, phát động chiến tranh, thì Việt Nam sẽ chiến đấu tới cùng. Jean đã ghi lại phát biểu đó trên tờ Paris-Saigon số 6 ra ngày 27-2-1946.

Với chủ trương đặt lại ách thống trị thuộc địa ở Đông Dương, Pháp đã đẩy Việt Nam vào thế phải lựa chọn: hoặc trở lại kiếp nô lệ ngoại bang như trước Cách mạng tháng Tám, hoặc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ Độc lập và Thống nhất. Do đó, toàn quốc kháng chiến là quyết tâm chung của mọi người Việt Nam, chứ không phải là quyết định của riêng ai.

Thất vọng khi thấy chiến tranh nổ ra, Jean xin về Pháp sau 14 tháng ở Việt Nam.

Đầu năm 1953, Jean Lacouture trở lại Việt Nam. Jean nhận định: “Việt Minh vẫn là đảng của nhân dân trong những vùng họ đứng chân. Không ai có thể nghi ngờ rằng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và những đồng đội của họ vẫn là những thủ lãnh được nhân dân ủng hộ, họ luôn luôn là những người chỉ đạo cuộc kháng chiến” (tr.119). “Dù họ là cộng sản hay không, tôi vẫn thấy họ là những đại biểu của dân tộc Việt Nam, họ đã giương cao ngọn cờ, tổ chức khởi nghĩa, phá tan hệ thống thuộc địa. Tôi đã thấy và vẫn còn thấy họ có tính chính thống lịch sử” (tr.116). Ông kết luận: “Và tôi vẫn tin rằng về lâu dài, Việt Minh sẽ là người nắm lấy tương lai của Việt Nam” (tr.123).

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thành công 9 năm kháng chiến. Theo Jean, Hồ Chí Minh không chỉ giải phóng Việt Nam mà còn “mở đột phá khẩu” cho phong trào xóa bỏ chế độ thực dân trên thế giới. Các nhà yêu nước ở các thuộc địa của Pháp tại Bắc Phi đều “thán phục Việt Nam” (tr.126).

Jean cho rằng: “Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và Việt Minh định hợp nhất hai phép tính của lịch sử: giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội. Họ muốn kết nối cả hai và tiến hành cùng một lúc việc đánh đuổi thực dân và phá bỏ chế độ phong kiến hay đại tư sản” (tr.127), “Tôi tin rằng ở Hồ Chí Minh, hai yếu tố đó [chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội] dung hợp với nhau một cách hoàn toàn” (tr.131).

Không bao lâu sau Hiệp định Genève, một cuộc chiến tranh khác lại bắt đầu. Trong cuốn Việt Nam, từ chiến tranh của Pháp đến chiến tranh của Mỹ, Jean giải thích: “Nếu không tôn trọng Hiệp định thì sẽ không có hòa bình vững chắc”(17). Chỉnh phủ Ngô Đình Diệm - được Mỹ ủng hộ và viện trợ - không chịu tổ chức tổng tuyển cử như Hiệp định Genève đã quy định, ngược lại tiến hành chiến dịch “tố Cộng” khốc liệt: “Đáng lẽ lợi dụng thời gian ngưng bắn để tái thống nhất Việt Nam một cách hòa bình, phù hợp với văn bản Hiệp định Genève, [chính quyền] Nam Việt Nam và đồng minh Mỹ của họ lại muốn tiến hành trở lại cuộc thập tự chinh chống Cộng”(18). “Cuộc đàn áp [của Diệm] khiến nhiều [người dân] bất bình và muốn báo thù. Và sự lệ thuộc của chế độ [Diệm] vào Mỹ làm [cho họ] tức giận” (tr.208). Theo Jean, đó là căn nguyên chủ yếu dẫn đến cuộc nổi dậy của dân chúng miền Nam trong nửa sau của thập niên 1950.

Jean bác bỏ luận điểm “miền Bắc xâm lược miền Nam” của Mỹ(19). Ông viết: “Tôi ở trong số những người nghĩ rằng có một cuộc nổi dậy từ bên trong (révolte interne) chống lại Diệm” (tr.209). “Nói một cách chính xác hơn, miền Bắc ủng hộ một cuộc nổi dậy từ bên trong (rébellion interne) được phát động tại miền Nam chống lại chế độ độc tài của Diệm. Tất cả xuất phát từ làn sóng cách mạng ở miền Nam, kể cả từ trào lưu chống Mỹ rõ ràng không phải của cánh tả (…). Và từ năm 1960, các nhà lãnh đạo miền Bắc mới quyết định giúp đỡ các đồng chí của họ ở miền Nam cũng như những đồng minh của họ bị chế độ Diệm truy nã” (tr.190). “Sự chi viện mà cuộc nổi dậy [ở miền Nam] tiếp nhận không phải từ “bên ngoài” (l’extérieur), mà từ phía bắc của một đất nước luôn còn tính thống nhất của nó cả về pháp lý lẫn về tinh thần” (tr.209).
Từ nhận định bản chất của cuộc nổi dậy từ bên trong, tại chỗ, Jean lên án hành động của Mỹ: “Đối với tôi cũng như đối với những nhà quan sát không tham gia chiến đấu khác, sự can thiệp của Mỹ là một cuộc xâm lược Việt Nam, một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam và sau đó là của cả nước [Việt Nam]” (tr.209).

Năm 1966, ông được cấp học bổng để làm nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard (Mỹ). Nhưng thay vì biên soạn luận án, ông dùng thì giờ để đi phỏng vấn hay tham gia các cuộc hội thảo chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Về các lãnh tụ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ông viết: “Tôi tin rằng những nhà cách mạng ấy, có đạo đức, hoạt động liên tục, sống khổ hạnh, có thể theo đuổi mục đích, có thể chịu đựng gian khổ, về lâu về dài sẽ chiến thắng “phía bên kia” (tôi dùng lại từ ngữ trong Hiệp định [Paris] ngày 27-1-1973). Tôi tin rằng các chiến sĩ bưng biền ấy sẽ chiến thắng các con chuột thành phố” (tr.216).

Năm 1972, ông đi Hà Nội. Miền Bắc vừa trải qua những đợt dội bom khủng khiếp của Nixon. Khắp nơi, ông thấy câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Đó là một chế độ tiến hành chiến tranh một cách đáng khâm phục, đã bảo vệ nền độc lập của Việt Nam chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” (tr.216). “Đứng đầu đất nước là những người mà tôi rất khâm phục”. Ngoài Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, còn có Phạm Văn Đồng, “người mà tôi yêu mến, một chiến sĩ cách mạng điển hình” (tr.216). “Tôi thấy một dân tộc tuy chịu nhiều đau khổ, nhưng họ cảm thấy tự hào và trung thành với những nhà lãnh đạo của họ” (tr.215).

Ngày 30-4-1975, ông hân hoan chào mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

Ngày 4-10-2013, chỉ vài giờ sau khi hay tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông viết trên báo Le Monde bài Giáp: núi lửa dưới tuyết để tưởng niệm một vị tướng luôn sục sôi lòng yêu nước và ý chí cách mạng nhưng bề ngoài vẫn điềm tĩnh. Ông nhắc lại câu nói của đại tướng trong lần đầu gặp ông (đã trích ở đoạn trước).

Jean Lacouture dường như có duyên nợ với Việt Nam: “Trong một phần tư thế kỷ của lịch sử Việt Nam, từ 1945 đến 1973, không có năm nào mà tôi không đi thăm tại chỗ hay không viết nhiều bài báo sau khi thử tìm lại chính mình trong cái mê lộ ấy với những người bạn có sở trường hơn tôi, nhất là với những người Việt Nam” (tr.214-215). “Dù dở dù hay, tôi đã viết và phát biểu chống lại cuộc chiến tranh [của Mỹ ở Việt Nam] nhiều hơn bất cứ người nào mà tôi biết. Tôi không hối tiếc điều đó và tôi sẽ làm điều đó nếu cần phải làm, với tư cách là bạn của người Mỹ cũng như là bạn của người Việt Nam” (tr.212).

Ngoài hàng trăm bài báo, Jean viết 7 cuốn sách về Việt Nam:

- La Fin d’une guerre - Indochine 1945 (Kết thúc một cuộc chiến - Đông Dương 1945) (1960)(20)

- Le Vietnam entre deux paix (Việt Nam giữa hai nền hòa bình) (1965)

- Vietnam, de la guerre française à la guerre américaine (Việt Nam, từ chiến tranh của Pháp đến chiến tranh của Mỹ) (1969)(21)

- Hồ Chí Minh (1969)

- Tradition et révolution au Vietnam (Truyền thống và cách mạng ở Việt Nam) (1971)(22)

- Un sang d’encre (1974)

- Vietnam - voyage à travers une victoire (Việt Nam - du hành trải qua một chiến thắng) (1976).

Tuy biên soạn nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, Jean khiêm tốn, chỉ nhận mình là một “sử gia tập sự” (un apprenti historien) (tr.133) “đóng một vài trò gần với sử học” (un rôle parahistorique) (tr.125). Ông đặt ra một khái niệm mới: “sử học của thời mới vừa qua” (histoire immédiate) (tr.7). Năm 2003, Viện Hàn lâm Pháp tặng ông Giải thưởng lớn về sử học (Grand prix d’histoire). Như vậy, những đóng góp của ông cho sử học đã được đánh giá đúng.

 

_____

(1) Các trích dẫn có ghi số trang được rút ra từ cuốn Un sang d’encre của Jean Lacouture, NXB Stock/Seuil, Paris, 1974.

(2) Nhận xét của Jean khá chính xác: Hồ Chí Minh rời nước Pháp đã hơn 20 năm, sau đó sống ở nhiều nước. Trong năm 1945, ngoại ngữ mà Hồ Chí Minh sử dụng là tiếng Anh để tiếp xúc với người Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc) cũng như ở chiến khu Việt Bắc.

(3) Sau khi chiếm Nam Bộ, Pháp chủ trương tách Nam Bộ khỏi Bắc Bộ và Trung Bộ. Lúc đó, Bắc - Trung - Nam được xem là 3 kỳ của một nước Việt Nam thống nhất.

(4) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952, tr.225.

(5) André Teulières, La guerre du Vietnam 1945-1975, NXB Lavauzelle, Paris, tr.44.

(6) Bernard Fall, Les deux Vietnam, NXB Payot, Paris, 1967, tr.95.

(7), (8) Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine 1945-1947, NXB Albin Michel, Paris, 1985, tr.30, 283.

(9) Alain Rusio, Les communistes français et la guerre d’Indochine 1944-1954, NXB L’Harmattan, Paris,1985, tr.97.

(10) Theo Hiệp ước ký với Pháp ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh, Trung Hoa Dân quốc cam kết triệt thoái quân ở bắc Đông Dương. Nhưng mãi đến 9-10-1946 quân Tàu mới rút hết về nước.

(11) Tháng 7-1946, tướng Valluy thay tướng Leclerc làm tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương.

(12), (15) Philippe Devillers, sđd, tr.336, 352.

(13), (14) Jean Sainteny, Histoire d’une paix manquée, NXB Amiot Dumont, Paris, 1953, tr.216, 218.

(16) Sở dĩ chúng tôi trình bày cặn kẽ vì 67 năm sau, trên báo Le Monde ngày 4-10-2013, một lần nữa Jean quy trách nhiệm sự kiện 19-12-1946 cho Võ Nguyên Giáp.

(17), (18) Jean Lacouture và Philippe Devillers, Vietnam, de la guerre française à la guerre américaine, NXB Seuil, Paris, 1969, tr.11, 8.

(19) Luận điểm của Mỹ thể hiện trong hai sách trắng của Bộ Ngoại giao Mỹ: Một mối đe dọa cho hòa bình: Nỗ lực của miền Bắc xâm chiếm miền Nam (A Threat to the Peace: North Vietnam’s Effort to Conquer South Vietnam, tháng 12-1961) và Xâm lược từ miền Bắc (Aggression from the North, tháng 2-1965).

(20), (21) Viết chung với Philippe Devillers.

(22) Viết chung với nhiều tác giả.

TS PHAN VĂN HOÀNG