JURI BONDAREV: “Nếu không có văn học thì chẳng có gì hết”

Mới đây, nhà văn Nga Juri Bondarev (sinh năm 1924), Anh hùng Lao động XHCN, Giải thưởng Lenin và hai giải thưởng Nhà nước Liên Xô, tác giả Tuyết bỏng, Các tiểu đoàn xin chi viện, Bến bờ, Lựa chọn…, lại vừa được trao giải thưởng của đức Đại giáo chủ đạo Chính thống, Liên bang Nga. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên báo Văn Hóa (Kul’tura) của Nga với nhà văn trưởng lão đã bước sang tuổi 91, qua đó thấy được những suy nghĩ trăn trở của Bondarev về đất nước, về công việc sáng tạo và trách nhiệm của người cầm bút trước vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

* Mới đây ông vừa được trao giải thưởng của đức Đại giáo chủ vì sự đóng góp quan trọng vào việc khẳng định những giá trị tinh thần và đạo đức trong cuộc sống của con người đương thời. Liệu sự tri ân của Giáo hội có phải là bất ngờ?

- Tôi rất vui vì nhận được phần thưởng này, nhưng cái chính, tất nhiên không phải là giải thưởng mà là Đức tin. Và Giáo hội là nơi quy tụ được nhân dân. Thật là vui mừng khi ghé thăm thánh đường và thấy được sự hứng thú thực sự của mọi người, cảm nhận được nguyện vọng của họ muốn tìm hiểu và nhận thức một điều gì đó. Có người sẽ nói đó là thói thời thượng. Tuy nhiên, tôi còn nhớ vào những năm dưới thời Xô viết tôi đã sống ở Moskva, ở đầu con hẻm Klimentoski, tại đó cũng như bây giờ, có một ngôi thánh đường rất đẹp. Nó đã kinh qua những thời kỳ khác nhau, nhưng không bao giờ vắng bóng người. Vào những dịp lễ hội, dân chúng thường tụ tập ở đây. Hai vợ chồng chúng tôi đã quan sát thấy điều đó trong nhiều năm.

* Trong một cuộc phỏng vấn ông có nói rằng thực chất của văn học là nhận thức. Vậy ông có thái độ như thế nào đối với ý kiến cho rằng cuốn sách cần phải dạy ta một điều gì đó? Dạy luân thường đạo lý chẳng hạn…

- Ở ta nếu không có văn học thì chẳng có gì hết - chẳng có dân tộc, chẳng có nhà nước, chẳng có chiến thắng vĩ đại nhất trên thế giới. Chính chúng ta đã chiến thắng không phải một đội quân mà là cái ác tâm linh. Tôi đã nói về điều này nhưng dầu sao tôi vẫn sẽ nhắc lại: một nhà văn thực thụ không cố ý dạy bảo một điều gì. Nhà văn khảo sát thực tại, có điều chỉ bằng những phương tiện riêng của mình mà thôi. Nhà văn xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân chứ không vay mượn những ý tưởng của người khác, thậm chí từ những tác phẩm thiên tài nhất. Tôi cảm thấy rằng vai trò của văn học là ở chỗ khác. Nó trau dồi nhân cách, nó đặt nền móng cho những khái niệm cơ bản. Trong những năm chiến tranh, tôi đặc biệt gần gũi với những chàng trai nông thôn bởi lẽ họ đã phục vụ trong khẩu đội của tôi.

Và điều gì hồi đó đã khiến tôi ngạc nhiên: trình độ văn hóa chung của những người dân quê không hề thấp kém hơn. Tôi không nói về sức đọc và về trình độ học vấn mà về lòng tự trọng, về thái độ đối với đồng đội, đối với phụ nữ, đối với trẻ em, đối với thiên nhiên. Lẽ cố nhiên, tôi không nảy ra ý định tra hỏi họ về Descartes hay về Platon - họ không đọc những thứ ấy. Song những kiến thức về tác phẩm văn học cổ điển Nga, thậm chí chỉ một phần nào đó trong chương trình của nhà trường cũng đủ để không cho phép mình trở thành kẻ dốt nát. Một thành tựu của chính sách của nhà nước Liên Xô là giáo dục phổ thông, nhưng cũng không ai bác bỏ đời sống tâm linh của Nga. Các bạn có biết ai là những người kể chuyện tài ba nhất, nổi trội nhất và sinh động nhất không? Không phải các nhà văn và các nghệ sĩ đâu nhé mà là bà con cô bác ở nông thôn. Hồi còn nhỏ, mùa hè nào tôi cũng được đưa tới Ural là nơi tôi đã sinh ra, ở đó có một ngôi làng với phong cảnh đẹp vô cùng. Khách khứa thường tụ tập ở nhà chúng tôi, trong số đó có bác Fedya và đám bạn bè của bác. Trong bữa nhậu, họ kể các câu chuyện cổ tích và chuyện ngụ ngôn. Một pho bách khoa toàn thư thực thụ về cuộc sống Nga.

* Hiện nay có điều gì đã thay đổi không? Nhiều người nói tới sự khủng hoảng của đời sống tinh thần, tới việc nước Nga thôi không còn là một xứ sở đọc sách nhiều nhất nữa: ai cũng bảo không có thì giờ vì còn phải bận đi kiếm tiền.

- Không hẳn là mọi người đã thay đổi mà là đã xuất hiện cái mốt siêu tiêu dùng. Song, như lịch sử nền văn minh đã cho thấy, tình trạng quá no đủ, thừa mứa không làm cho chúng ta trở thành những người hạnh phúc. Hiện nay, sự sung túc giàu có vốn đạt được bằng những tổn thất ghê gớm, mang tính chất thảm họa nên rất bệnh hoạn và nguy hiểm đối với trái đất và loài người đến nỗi nếu như chuyện này sẽ tiếp diễn thì đại dương sẽ biến thành hố rác của thế giới, đồng ruộng sẽ biến thành hoang mạc, còn con người, nếu như họ vẫn còn là người, sẽ buộc phải mặc những bộ áo giáp đặc biệt giữa một thế giới chất dẻo ngột ngạt. Chúng ta không nên hướng tới việc chỉ nhăm nhăm mong đạt được những phúc lợi vật chất thuần túy - khái niệm phúc lợi cũng có một ý nghĩa cao quý hơn, nó phải giữ lại ở nơi con người tất cả tính người không phải bằng cách tách khỏi thiên nhiên vốn tạo ra nó mà bằng cách kết hợp với thiên nhiên trong một mối liên minh hài hòa bền vững.

Còn đối với một xứ sở đọc sách nhiều nhất thì thật đáng tiếc là vào những năm gần đây ta thấy bộc lộ rõ sự suy giảm đối với các tác phẩm văn học cổ điển Xô viết cũng như của Nga. Khá nhiều tên tuổi mới đã xuất hiện, nhưng những nhà văn lớn như Bunin, Paustovski, Sholokhov, Tvandovski thì bị lãng quên. Khi tiếp xúc với những nhân vật “tầm cỡ”, tôi bao giờ cũng nêu vấn đề về tình hình văn học. Nhưng điều đó không làm thay đổi được gì. Ở đây sự nỗ lực của một vài cá nhân rõ ràng là chưa đủ. Mặc dầu cũng có một vài việc đã tiến hành. Tôi đã được nghe nhiều ý kiến phản hồi tốt đẹp về những buổi dạ hội văn học được tổ chức bởi Phòng tuyên truyền văn học của Hội Nhà văn nước Nga mà tôi đã từng tham gia vào việc sáng lập và điều hành.

* Có phải hiện nay không có các nhà văn lớn?

- Tôi cảm thấy lúng túng khi có người nói: hãy nêu tên một nhà văn cần thiết cho thời buổi ngày nay như Tolstoi, Dostoevski hoặc Sholokhov. Mỗi một văn hào trong số đó là cả một thời đại. Trong văn học của chúng ta hiện nay không có cái gì giống như vậy. Song sẽ không thể tiếp diễn mãi như thế. Mặt khác, cũng không thể nói rằng chỉ nay mai sẽ xuất hiện một pho tiểu thuyết ngang tầm với Chiến tranh và hòa bình hay Sông Đông êm đềm.

* Trong thiên tiểu luận Khảo cứu cuộc sống ông đã viết rằng cái chủ yếu ở Tolstoi và ở Dostoevski là sự thật của hiện thực, mặc dầu cũng không thể “bằng một công thức” xác định thực chất của các nhà văn đó. Còn ai nữa đối với ông là quan trọng?

- Bunin. Ông bao giờ cũng là nhà văn của tôi. Nhưng “cái chủ yếu” ở Bunin là một yếu tố khác. Đó là đời sống của ngôn từ. Miêu tả nỗi đau khổ, niềm vui, tình yêu, sự đam mê, khu vườn mùa thu trụi lá, buổi đi săn, ánh vàng lấp lánh của giọt nước trên ban công. Biệt tài miêu tả tương tự như vậy không thể có ở các nhà văn khác.

* Bunin hiện nay bị quy tội là đã rời bỏ Tổ quốc, là kẻ chống chế độ Xô viết?

- Chỉ có ông ấy mới có thể giải thích những điều này.

* Ông đã từng theo học ở Paustovski?

- Đúng thế! Tôi theo lớp semina của ông. Konstantin Georgievich Paustovski đã làm tôi kinh ngạc bởi sự trong sáng phi thường của ngôn từ và sự trong sáng như thế của nhân cách. Ông là một bậc thầy rất tế nhị - không lên giọng dạy đời, không đưa ra những đánh giá. Ông bảo ông không ưa sự dàn dựng, cốt truyện. Ông chỉ nói về ngôn từ, xem nó có mới mẻ, có chính xác hay không… Ông theo dõi tôi khi tôi còn đang đi học, nhưng rất tế nhị, không có kiểu giám sát thô thiển. Nói chung Paustovski không quở trách ai và không tâng bốc ai. Chỉ mãi sau này, khi đã tốt nghiệp, qua một bài báo của ông, tôi mới được biết ông đã đánh giá cao truyện ngắn Một buổi tối của tôi, nói về cậu con trai của một nữ bác sĩ ngóng đợi mẹ trở về. Giá như Paustovski hiện nay vẫn đang giảng dạy tại học viện văn học thì đó là một dịp may lớn cho các bạn trẻ.

* Ông đã sáng tạo ra một thể loại mới - những tiểu phẩm mang tính chất triết lý trữ tình có tên là “Những khoảnh khắc”. Có phải các khuôn khổ của truyện vừa, truyện ngắn đã trở nên chật hẹp?

- Có lần trong giấc mơ, mà cũng có thể trong lúc ngủ gà ngủ gật, dưới ánh sáng xanh lét của ngọn đèn cầy, trong tiếng rít lạnh lẽo của bánh xe tàu hỏa, tôi chợt nhận thấy rằng, cũng y như thời thơ ấu, tôi lại hối thúc thời gian một cách điên cuồng. Toa tàu lắc la lắc lư, tôi thấy buồn chán: mau trở về nhà đi thôi! Và bỗng nhiên tôi hết sức kinh ngạc - chính chúng ta không ý thức được thời gian đang trôi nhanh. Một ngày đã vèo qua, một ngày khác đã tới, còn tất cả những gì mà ta có được, đã mất đi, đã xa rời, đã bị xóa sạch. Mà có bao nhiêu những ngày như vậy, trong những ngày ấy có bao nhiêu phát hiện, có bao nhiêu con người, có bao nhiêu tình cảm, có bao nhiêu khoảnh khắc vui buồn… còn đọng lại. Tôi cảm thấy rằng, dưới hình thức phác họa ngắn sẽ dễ dàng hơn kể về những điều đó một cách sâu sắc, độc đáo, chân thành, không ngần ngại. Tôi bắt đầu viết - thể loại này đòi hỏi nhiều công sức, sự cần cù, sự căng thẳng của trí nhớ.

* Ông có phục dựng được trong ký ức các chi tiết của những chuỗi ngày xa xưa? “Những khoảnh khắc” được xuất bản vào những năm 70…

- Không hẳn như vậy. Quá khứ, hiện tại và tương lai - tất cả những cái đó đã xảy ra cũng với con người. Nó sống trong trí tưởng tượng của anh ta. Chekhov ngồi trong ngôi nhà ở Yalta và sáng tác những truyện ngắn tuyệt vời. Nhưng ông có bịa ra không? Tất cả những gì mà Anton Pavlovich Chekhov viết ra, ông không hồi tưởng và không bịa đặt trong lúc đi đi lại lại trong phòng khách, khi ngồi ăn trưa hoặc tạm ngừng để uống trà. Chuyện đó bao giờ cũng thuộc về ông. Cũng như thuộc về bất cứ một người nào.

Còn việc chuyện đó không phải bao giờ cũng dễ dàng tìm thấy khi nó cư trú trong ý thức tự nhiên thường nhật của mình thì lại là một lẽ khác. Nó diễn ra như một dòng chảy song hành với cuộc sống thường ngày.

* Xin ông cho ví dụ.

- Bạn nằm mơ thấy một câu chuyện mà không hề có trong cuộc sống. Tôi, chẳng hạn, thường thấy những giấc mơ như vậy. Cảnh tượng, hình ảnh chưa bao giờ được thấy trong cuộc sống, lần nào cũng được lặp đi lặp lại và được tái hiện một cách chính xác. Những cái đó chưa ai phát hiện ra, chưa có ai giải thích - vì quá phức tạp. Bởi thế chúng ta phải đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, đặt ra những nhiệm vụ, rao giảng đạo đức. Kết quả là mỗi người tự đi tìm lấy ý nghĩa. Và anh ta không dừng lại ở sự minh triết muôn đời, ở một tấm gương “đúng đắn” của ai đó: mỗi người có kinh nghiệm riêng của mình. Mỗi người có những sự tỉnh ngộ và những khám phá riêng. Không phải một đêm sáng trăng, không phải những vì sao, không phải sự lập lòe của đốm lửa trong cảnh hoàng hôn của khu rừng cấm gợi ra điều đó. Có thể cố gắng không chú ý tới những cái như thế, có thể cứ sống bằng những công việc thường tình: bước ra khỏi nhà, ngồi vào xe hơi, đi làm. Nhưng trong sự tồn tại của chúng ta có một cái gì khác, cao cả hơn, không nắm bắt được. Chính bác Fedya đã dẫn tôi tới sự nhận thức đó. Bác bảo không được ngồi vào bàn của người lớn. Và tôi bước ra ngoài sân, nơi có con chó đang sủa, con lợn nái kêu ủn ỉn và cảm nhận được hơi mát của cái lạnh mùa thu, còn trên mấy bồn hoa thưa thớt, những bông thược dược và giáp trúc đào - dấu hiệu của những buổi bình minh lạnh giá muộn màng - đã nở rộ. Vào những buổi tối, tôi thích nhìn lên bầu trời, nơi có một vì sao dịu dàng đôn hậu từ vùng sâu thẳm xa xăm của dải thiên hà ở tít trên cao đang di chuyển theo tôi…

* Các nhân vật của ông vẫn đang sống cùng với ông đấy chứ? Họ cảm thấy thế nào trong cái thế giới hiện nay?

- Họ không sống cùng với tôi ở đây, tại làng Vatutinki, nhưng họ cảm thấy rất khoan khoái. Trẻ trung và vô tư, họ xua đuổi những con bồ câu trong ngôi nhà một tầng ở ngoại ô Moskva. Trong khi tôi tán tỉnh Valentina Nikitichna thì họ vẫn còn ở đó. Và họ cũng theo đuổi các cô gái: những tay ngổ ngáo thì trèo qua cửa sổ, còn những tay hiền lành hơn thì đi vào qua cửa chính, bước lên bậc tam cấp lát ván. Khi đó vùng ngoại ô Moskva hoàn toàn không như bây giờ: những ngôi nhà bằng gỗ, những con đường bụi mù, những mảnh vườn xinh xắn trước nhà, những bọng ong. Có nhiều người nuôi ong. Các nhân vật của tôi chỉ xuất hiện trong ý thức ở môi trường thân cận đó. Và họ còn đi dạo chơi trên phố Gorki. Bây giờ gọi là phố gì nhỉ?

* Phố Tverskaja.

- Tôi không sao có thể quen được.

* Trong những năm cải tổ ông đã ví tình trạng xã hội chúng ta với chiếc máy bay không điều khiển được. Hiện nay thì nó ra sao? Đã hạ cánh hay bị rơi?

- Nó vẫn đang bay.

* Thế lúc nào nó sẽ hạ cánh?

- Tôi không thể phán đoán được. Phỏng đoán số phận của tổ quốc - điều đó giống như việc cắt nghĩa tình yêu: ai mà biết được mối tình đó đã kết thúc hay chưa? Có những câu hỏi không cần sự trả lời trực tiếp. Mặc dầu ở vị trí của bạn tôi cũng đặt ra những câu hỏi ấy. Hồi còn là đại biểu Xô viết tối cao, khi rong ruổi qua các thành phố và làng quê trên cương vị đó, tôi cũng đặt ra những câu hỏi như vậy. Tôi cũng đoán rằng sẽ không nhận được lời giải đáp nhưng vẫn cứ hỏi do tính tò mò thôi thúc. Bởi thế tôi sẽ nói theo kiểu bô lão. Hôm qua tôi ngắm nhìn bầu trời đêm. Vợ tôi cũng đến ngắm với tôi. Màn trời quang đãng, những đám mây bồng bềnh trôi. Sau đó, bỗng những đám mây đen chứa đầy bão tố ở đâu ùn ùn kéo đến. Chúng tôi quyết định trở vào nhà. Và rồi lại trời quang mây tạnh, và xuất hiện những luồng khói giống như có những chiếc máy bay vừa bay qua đây. Những vệt khói đó từ đâu mà có vì không thấy một chiếc máy bay nào bay ngang qua. Cũng có thể những chiếc máy bay ở một nơi nào đó rất xa, còn những vệt khói là do gió đưa lại. Ai mà biết được, ai mà có thể trả lời. Chỉ có Thượng đế. Ngoài ra không ai khác.

LÊ SƠN giới thiệu và dịch (Theo Kul’tura, tháng 7-2015)