Hiện nay, theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở VH-TT-DL TP.HCM cùng một số tỉnh thành phía Nam đang chuẩn bị tiến hành việc lập hồ sơ Đờn ca tài tử đệ trình UNESCO công nhận văn hóa phi vật thể thế giới. Sự chuẩn bị này là niềm vui và có ý nghĩa văn hóa lớn của dân tộc, tuy còn nhiều ý kiến trái ngược: hoặc dè dặt; hoặc quá thận trọng vì “tuổi đời” Đờn ca tài tử còn quá trẻ, chưa đầy 200 năm!
1. Theo ý kiến nhiều nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu lý giải đều cho rằng, nhạc thính phòng gồm các bản đàn hoặc bài hát được trình diễn tại nhà riêng hay không gian phòng nhỏ của các nhạc sĩ, ca sĩ. Với đặc thù này, người ta có thể ngầm hiểu kiểu cách đàn ca, múa hát biểu diễn nơi cung đình, đền miếu, tư thất của quan tướng, tư gia của các bậc văn nhân, mặc khách trong các triều đại Việt Nam xa xưa, đã hình thành “nhạc thính phòng”.
Đờn (đàn) ca tài tử tuy ra đời muộn hơn nhưng nó cũng là một kiểu loại nhạc thính phòng ở Việt Nam như ca trù, ca Huế. Bài bản đờn ca tài tử khá phong phú, cho nên, đến với đờn ca tài tử, người đàn hay người hát đều phải học và am hiểu 20 bản tổ và các bản này được tương truyền do nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Cần Đước - Long An đúc kết. Đó là 6 bản Bắc (Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chẩn, Bình bán chẩn, Xuân tình), 7 bản Nhạc (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn dá, Tiểu khúc), 3 bản Nam (Nam ai, Nam xuân, Đảo ngũ cung), 4 bản Oán (Tứ đại oán, Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang Nam)…

Ban nhạc Đờn ca tài tử biểu diễn ở Bạc Liêu. Ảnh: K.Ư.
Phát triển mạnh mẽ ở mảnh đất phương Nam vào thế kỷ XX, đờn ca tài tử gắn liền với đặc thù vùng đất mới trên cơ sở truyền thống âm nhạc lâu đời của dân tộc. Nhạc sư Vĩnh Bảo (93 tuổi), người đã dành cả cuộc đời cho âm nhạc truyền thống dân tộc và sống “thấm đẫm” trong không gian văn hóa đờn ca tài tử ngay từ thời thơ ấu, đã nhận định đờn ca tài tử ở cả hai mặt lý thuyết và thực tiễn âm nhạc qua nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, học trò.
Trao đổi điều này, GS.TS - Nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong cho biết: với một trí nhớ khá minh mẫn, nhận xét thật sắc sảo, tinh tế, tinh tường, nhạc sư Vĩnh Bảo như một “nhân chứng sống” về một thế hệ nhạc sư, nhạc sĩ tài danh của đờn ca tài tử như: Chín Kỳ, Giáo Thinh, Năm An, Tư Nghi, Bảy Triều, Hai Phát, Sáu Tửng, Mười Tiễng, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Mười Còn, Tư Huyện, Chín Trích, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá…
Nhạc sư Vĩnh Bảo mô tả phong cách đàn và phong cách ca đờn ca tài tử cũng có đặc điểm riêng, “người đàn cũng như người ca đều có phong thái nghiêm chỉnh, không múa may quay cuồng hay ra bộ ra tịch nhái theo sân khấu cải lương”. Những người đờn và ca tài tử biểu diễn bên cạnh bộ ván ngựa hay sa-lon trong phòng khách. Nhạc cụ được chơi “đúng chuẩn” là đàn tranh, kìm, cò, tỳ bà, gáo, độc huyền, sáo, tiêu.
Thế nhưng, qua lịch sử, đờn ca tài tử đã bị phôi pha, biến đổi và có thể bị mai một!
2. Những năm 80, 90, gần hai thập niên cuối thế kỷ XX, đờn ca tài tử Nam Bộ gần như được phục hồi một cách tự phát từ những nhóm CLB Đờn ca tài tử, phong trào ca hát ở nông thôn hay phường, khóm, quận, huyện ở thành phố. Về một xã nhỏ ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) hay ghé thăm gian phòng nhỏ của CLB Đờn ca tài tử tại Trung tâm văn hóa huyện Hóc Môn năm 1998, chúng tôi luôn chứng kiến tinh thần say mê âm nhạc và lòng nhiệt thành của các nghệ sĩ, nghệ nhân.
Nhạc sĩ Lê Văn Tùng, nhạc sĩ Út Tỵ cùng một số nhạc sĩ khác lúc ấy từ Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… đến chơi đàn đều có tâm nguyện khôi phục thể loại âm nhạc truyền thống này. Những ngày đó, các nhóm đờn ca tài tử tự nguyện đóng góp gạo, tiền, đường, sữa, cà-phê, bánh trái… để “nuôi dưỡng” phong trào hơn là chú ý đến không gian văn hóa đúng nghĩa của đờn ca tài tử.
Trong số các nghệ sĩ, nghệ nhân này, có người đã nhắc đến các thế hệ nhạc sĩ cha, anh của những thập niên 50, 60, 70. Phần lớn nhạc sĩ đờn ca tài tử đều là “con nhà nòi” của các nhạc sĩ nhạc lễ, tìm đến với đờn ca tài tử. Không ít người sau thời gian gắn bó với đờn ca tài tử lại bị cuốn hút vào thế giới sân khấu cải lương. Để rồi, khi lớn tuổi, họ từ cải lương quay trở về, “hoài niệm” đờn ca tài tử…
Qua những câu chuyện kể của các nhạc sĩ, người nghe dễ băn khoăn tự hỏi vì sao đờn ca tài tử thường được biểu diễn trong không gian phòng khách sa-lon, trường kỷ sang trọng của nhiều tư gia trí thức Tây học vào những năm 40, 50…, có lúc đã chuyển sang “không gian thính phòng bình dân” khá thú vị ở một số tiệm hớt tóc vào những năm 60, 70 ở Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Cao Lãnh…

Nhạc sư Vĩnh Bảo (93 tuổi) với nhạc cụ dân tộc.
Xu hướng “bứt khỏi”, mở rộng không gian âm nhạc thính phòng này, có người lý giải, cho rằng xuất phát: 1) từ hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong chiến tranh làm biến đổi không gian văn hóa; 2) từ sự ra đời và phát triển của một số loại hình nghệ thuật cải lương, kịch nói, điện ảnh… ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo nên quá trình tương tác qua lại, làm chi phối thị hiếu nghệ thuật nhiều lớp công chúng trong xã hội… Ngày nay, việc khôi phục âm nhạc dân tộc truyền thống; tập hợp, mở rộng “sân chơi” cho đờn ca tài tử qua các liên hoan hội thi, hội diễn sân khấu hoành tráng; hoặc phát triển kết hợp đờn ca tài tử trong không gian lễ hội du lịch đều mang ý nghĩa mới, tốt đẹp nhưng phải thể hiện đúng phong cách, đúng chất lượng!
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy Dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicology) nhận định: điều này đang là một thách thức lớn trong việc khôi phục phong cách đờn, phong cách ca đúng như tính chất nhạc thính phòng nguyên thủy của đờn ca tài tử. Hiện tại, có thể người thưởng thức (và cả hiếu kỳ) nhạc tài tử có số lượng đông hơn xưa, nhưng cũng không nên đưa đờn ca tài tử biểu diễn trên sân khấu lớn. Vẫn phải khôi phục đúng tính chất không gian âm nhạc “thính phòng nguyên thủy”!
Từ kinh nghiệm và so sánh với nhiều thể loại âm nhạc truyền thống quốc tế như ở Ấn Độ, Hàn Quốc, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong cho rằng chất lượng và hệ thống âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ rất đặc biệt. Mặc dù ra đời chỉ hơn 100 năm qua nhưng nó là sự tích tụ, là trải nghiệm âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam của cả 1.000 năm. Nó có sức mạnh rất lạ lùng, lý thuyết truyền khẩu chặt chẽ, cô đọng nhiều truyền thống trong quá khứ.
Vấn đề đáng quan tâm của chúng ta sau khi lên tiếng khôi phục, giữ gìn di sản văn hóa quý giá, tránh được tình trạng bị mai một, là cố gắng cam kết tiếp tục bảo tồn đờn ca tài tử một cách xứng đáng.
Bài liên quan: