Ký ức người ở lại

LTS. Cuốn hồi ký Ký ức người ở lại (NXB Văn Học, 2012) của bà VŨ THỊ THANH (phu nhân nhà thơ Tố Hữu) kể lại cuộc đời bà từ năm còn là một nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), cho đến cuối đời, bên cạnh nhà thơ Tố Hữu. Cuốn sách giúp ta hiểu biết thêm nhiều điều liên quan đến nhà thơ - những năm ở Việt Bắc chống Pháp và những năm chống Mỹ, những năm sau 1975 thống nhất đất nước. Những ý kiến về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, về vụ giá – lương – tiền… của bà rất đáng quan tâm.

Hồn Việt xin trích giới thiệu một đoạn, tạm đặt tên là “Mối tình đầu”

… Cho đến một hôm, chị Nguyễn Thị Hào (buôn bán tạp hóa lặt vặt ở phố Cầu Sâng), người chị đỡ đầu của tôi, lúc ấy đã là Tỉnh ủy viên, gọi tôi lên tỉnh. Đến đêm đi ngủ, trong bóng tối, chị thủ thỉ:

“Anh Tố Hữu gặp chị ở cuộc họp Tỉnh ủy tại huyện Thọ Xuân, có nhờ chị thăm dò xem em đã có ai chưa, và anh muốn tìm hiểu em, em nghĩ sao?”.

pic

Tôi không ngỡ ngàng lắm, nhưng không khỏi hồi hộp khi nghĩ rằng sẽ có một hạnh phúc rất đẹp với người thanh niên trong mộng ước của tôi lâu nay. Là một học sinh mới lớn lên, chưa hề yêu ai, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn, lại mới được giác ngộ cách mạng, tôi rất cảm kích về lời cầu hôn của người vừa là nhà thơ giàu cảm xúc, vừa là một cán bộ cách mạng chân chính. Chắc là tai tôi phải đỏ vì sự xao xuyến mãnh liệt trong lòng, nhưng may thay, trời tối đen nên chị Hào không đọc được những ý nghĩ của tôi. Ngủ lại với chị Hào đêm hôm ấy, chị cứ căn vặn tôi:

“Em đã có ai chưa, mà không nhận lời?”.

Tôi chỉ ậm ừ, nhất định không nói thật lòng mình, vì e ngại anh đã có một người con gái khác như những lời đồn đại trong tỉnh. Sáng hôm sau ra về huyện, tôi như người mất hồn, cả công tác, ăn uống nghỉ ngơi đều không ra gì.

Anh Tố Hữu lại nhắc chị Hào hỏi tôi một lần nữa. Hơn một tuần sau, chị Hào gọi tôi lên tỉnh, và bố trí cho tôi gặp thẳng anh tại một căn nhà đã bị phá hoại lúc tiêu thổ kháng chiến, cạnh nhà chị. Tôi còn nhớ anh Tố Hữu mặc bộ kaki vàng bạc màu, hai tai đỏ ửng, lúng túng rụt rè đến gần tôi.

Anh nhìn tôi một lúc rồi mới thốt ra được mấy câu rất “chững chạc”: “Tôi đã nghe chị Thái(*) nói về Thanh từ hồi tôi còn ở Việt Minh Trung Bộ tại Huế. Nay về tỉnh nhà, tôi biết Thanh qua những lần gặp gỡ công tác, lại được nhiều đồng chí trong tỉnh, trong huyện giới thiệu. Tôi rất mến Thanh, không biết ý Thanh thế nào?”.

Chỉ mấy lời ngỏ ý ngắn ngủi, vụng về thế thôi, rồi anh im lặng đứng nhìn tôi chờ đợi. Tôi rất xúc động thoáng nghĩ: thì ra anh ấy đã có ý tìm hiểu mình từ lâu, qua nhiều người, qua nhiều thời kỳ. Tôi đứng yên, mặt đỏ bừng vì bối rối. Anh nắm tay tôi. Tình yêu thương bồng bột dâng trào. Rồi tôi tập trung nghị lực, mạnh dạn hỏi anh:

“Anh có thể cho biết anh đã có ai chưa?”.

Không do dự, anh thanh minh:

“Có một người yêu tôi, nhưng đó là tình yêu một phía”.

Tôi tin ngay vì nghĩ anh là một người cộng sản chân chính. Tình yêu thầm kín được ấp ủ đã lâu, nay được bộc lộ với sự tin tưởng sâu sắc. Cả hai chúng tôi mắt nhìn mắt, tay trong tay, không muốn rời nhau. Nhưng rồi đến lúc cũng phải ra về. Anh vui sướng nắm chặt tay tôi một lúc lâu nữa, và hẹn gặp lại.

“Cuốn hồi ký không dài, chỉ dừng lại ở những sự kiện quan trọng nhất, nhưng cũng đủ cho người đọc cảm nhận một cách xúc động và thấm thía về tình yêu cao đẹp, giàu lý tưởng và thủy chung của chị Vũ Thị Thanh và nhà thơ Tố Hữu. Sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa tình yêu và sự nghiệp, chung và riêng, làm nên không gian trữ tình đằm thắm tô đậm cuộc sống, nghị lực, phẩm giá của một gia đình cách mạng mẫu mực, và qua đó, người ta được sống lại những sự kiện lịch sử và cuộc sống của đất nước trong những năm tháng không thể nào quên…”

Hữu Thỉnh
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Từ hôm đó chúng tôi chính thức và thường xuyên gặp nhau, lúc thì ở huyện Hoằng Hóa, khi ở Việt Minh tỉnh. Anh thú nhận: nhiều lần về huyện công tác, kết hợp thăm tôi, xe đạp suýt rơi xuống giao thông hào chữ chi xẻ dọc đường cầu Hàm Rồng.

Anh có thói quen vừa đạp xe, vừa huýt sáo làm thơ, lơ mơ nên mới ra nông nỗi đó. Đối với tôi, những ngày chờ đợi gặp anh sao mà dài thế! Cứ mỗi cuối tuần, chiều đến tôi lại chăm chú lắng nghe tiếng chuông xe đạp quen thuộc của anh.

Bất ngờ một hôm vào tháng tám năm 1947, anh về huyện cho tôi biết: Trung ương điều anh lên Việt Bắc làm công tác văn hóa. Anh hỏi ý tôi, muốn chúng tôi cưới nhau để đưa tôi đi cùng. Anh nói:

“Toàn quốc kháng chiến. Quân Pháp đang mở rộng trận địa. Đất nước sẽ chia cắt nay mai. Nếu không được đi cùng nhau thì rất khó gặp lại. Mà anh thì không thể chia tay Thanh ở đây”.

Thật sự tôi chưa muốn kết hôn vì mới mười chín tuổi, thích kéo dài thời gian yêu đương, mộng mơ. Nhưng anh là một cán bộ cao cấp, công việc bề bộn, buộc anh phải khẩn trương. Sợ tôi trì hoãn hay từ chối, anh khẩn khoản: “Thanh thông cảm cho anh, hãy lên Việt Bắc với anh”. Đứng trước hoàn cảnh ấy, tôi không có sự lựa chọn nào khác là đi theo anh, sau khi làm lễ cưới.

Lúc này mẹ tôi không thuận tình “gả” tôi cho anh, một người xa lạ, quê quán “tận đâu đâu”, gia đình dòng họ không rõ, vóc dáng lại gầy gò ốm yếu. Mẹ tôi là hội viên hội Mẹ chiến sĩ ở làng, bộ đội qua lại bà vẫn ủng hộ cơm bưng nước rót rất nhiệt tình. Nhưng cách mạng là gì, bà không hiểu lắm. Hơn nữa đối với việc gả chồng cho con gái đầu lòng, chỗ dựa và niềm hy vọng của gia đình, thì bà quan niệm:

Có phúc gả con chồng gần,

Có bát canh cần nó cũng đem cho

Vô phúc gả con chồng xa

Trước là mất giỗ, sau là mất con.

Bà còn đắn đo: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Chúng tôi không hề trách mẹ, nhưng hoàn cảnh bức xúc, không thể lùi được. Tôi biết thâm tâm bà muốn gả tôi cho một anh cán bộ trong huyện, gia đình vừa có nhiều ruộng, lai lịch dòng họ lại rõ ràng. Vì vậy, mấy hôm trước đám cưới, bà bỏ ăn, nằm đắp chiếu buồn xo. Anh Tố Hữu phải nhờ chị Nguyễn Thị Nghiên, người rất có uy tín đối với gia đình tôi, về làng thuyết phục mẹ tôi: “Bà gả Thanh cho anh ấy đi. Anh ấy là một cán bộ Việt Minh tốt. Nếu sau này có chuyện gì, tôi chịu trách nhiệm”.

Thế là mẹ tôi “chịu” một cách bất đắc dĩ. Để chiều lòng bà, mặc dầu rất bận công tác, nhất là phải bàn giao công việc trước lúc đi xa, anh vẫn cố gắng đảm bảo đúng nghi lễ cưới.

Đám cưới được tổ chức tại làng Đạt Tài, huyện Hoằng Hóa, nơi mẹ và các em tôi mới sơ tán về. Nhà cửa không trang hoàng  gì nhưng cũng có vài mâm cơm (do Tỉnh bộ Việt Minh cho một ít tiền) mời họ hàng thân nhất và một số cán bộ trên tỉnh về (anh Đặng Thai Mai đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh; anh Đặng Việt Châu đại diện Ủy ban Kháng chiến tỉnh; anh Bùi Đạt, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh; hai chị Nguyễn Thị Nghiên và Nguyễn Thị Hào là Tỉnh ủy viên và cũng là hai người chị đỡ đầu của tôi).

pic
Tác giả và nhà thơ Tố Hữu ở xóm Chòi, Việt Bắc năm 1949

Chị Nguyễn Thị Nghiên cho tôi một cái áo dài lụa xanh lá mạ làm áo cưới; mẹ cho tôi hai cái áo cánh nâu bằng nái (lụa thô bà dệt lấy) gọi là của mẹ cho con gái đầu đi lấy chồng.

Họ nhà trai không có ai. Tháng bảy âm lịch (25/8/1947). Trời mưa tầm tã. Đường đất thịt lầy lội. Mỗi bước đi phải bấm mười đầu ngón chân mới không trượt ngã. Anh đã đạp xe hơn mười sáu cây số từ thị xã xuống thẳng chợ Vực, tổng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, đèo cụ Lê Quang Trường, mời cụ làm đại diện họ nhà trai. (Cụ Trường làm nghề bốc thuốc bắc, là một cơ sở cũ của anh lúc anh hoạt động bí mật. Sau khởi nghĩa, cụ làm Chủ tịch Hội Liên Việt huyện).

Thời tiết xấu, đi xe đạp nhiều lúc không được, anh phải vác xe lên vai, tách khỏi lớp đất quánh bám dưới bánh xe. Trời vẫn mưa to. Đến trưa, đại diện nhà trai và chú rể vẫn không thấy đâu, mà khách khứa thì đã đông đủ. Đợi chờ mãi, bỗng một cậu bé trong xóm chạy vào báo tin: có hai người lạ mặt đang rửa xe đạp và gột quần áo ở cầu ao đầu ngõ. Đợi một lúc nữa mới thấy anh Tố Hữu, vẫn bộ kaki vàng cũ, và cụ Trường đến, quần áo còn dính bùn đất và ẩm ướt. Tôi ở trong nhà ngó ra, thở phào nhẹ nhõm!

Nghi thức lễ cưới khá tươm tất. Có lẽ có nhiều cán bộ trên tỉnh về, nên đồng chí Du – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đã đi đâu đó, học hỏi được vài thủ tục tổ chức đám cưới “đời sống mới” cho đúng luật lệ của chính quyền mới. Anh Du mời chúng tôi ra trước một cái bàn và hỏi:

“Tôi đại diện cho chính quyền xã Hoằng Hà xin hỏi: Anh Tố Hữu có đồng ý lấy chị Vũ Thị Thanh không?”.

Sau anh Tố Hữu, anh Du cũng hỏi tôi một câu như vậy. Tôi rất ngượng ngùng làm theo những điều bắt buộc đó.

Cẩn thận thế, nhưng có một việc quan trọng lại không làm: đó là giấy đăng ký kết hôn! Sau này anh Tố Hữu đùa tôi: “Hai anh em mình chỉ là nhân ngãi, không phải vợ chồng, vì không có giấy”.

Nghỉ lễ, ăn uống xong, khách khứa ra về, còn lại hai chúng tôi mới thật khó xử. Mẹ tôi không có nhà. Lễ cưới phải mượn tạm nhà cậu ruột tôi. Cậu tôi lại mới mất được vài tháng, mợ tôi rất phong kiến nên đêm tân hôn, chú rể phải nằm queo một mình trên một phản gỗ trong gian nhà thờ. Để chúng tôi chuyện trò đến tối, mẹ sai em gái tôi ra gọi tôi vào ngủ với bà. Tôi nắm tay anh một lúc, rồi hồn nhiên  xuống nhà dưới với mẹ và các em.

“Những hồi ức tươi xanh về một tình yêu của một nữ sinh Đồng Khánh bước vào cách mạng và một người thơ – người chiến sĩ của lao tù, của hoạt động giải phóng dân tộc. Những trang văn gợi nhớ cả một thời kháng chiến gian lao ở Việt Bắc. Và những ngày sau đó với biết bao sự kiện đáng nhớ.

Thời gian trôi nhanh, cuộc đời biến động, vẫn không tắt một tình yêu nồng nàn, tha thiết của người bạn đời của một nhà thơ…”

Mai Quốc Liên

Cưới hỏi thế là xong. Ngày hôm sau (26/8/1947), trên thanh ngang phía trước chiếc xe đạp nam, anh đèo tôi về trụ sở Tỉnh bộ Việt Minh. Tôi mang theo chiếc ba lô “tư trang”, trong đó còn có vài con búp bê nhỏ và một ít cuộn chỉ xanh đỏ làm đồ chơi của tôi hồi bé mà tôi rất quý.

Phòng hạnh phúc của chúng tôi là một gian kho nhỏ của cơ quan, đóng trong một căn nhà giữa phố ga đang bị phá hoại dở dang. Trong kho có chứa gạo, mắm, muối, cá khô. Không biết bằng cách nào mà chị phục vụ của cơ quan đã khéo kiếm cho hai chúng tôi một cái giường sắt Hồng Kông kiểu cổ. Tuy vậy chúng tôi thật hạnh phúc.

Vài hôm sau, anh đưa tôi ra Việt Bắc. Đường bộ qua Khu Ba, Khu Tả Ngạn quân Pháp đang hoành hành. Chúng tôi quyết định đi đường thủy. Tuần trăng mật kéo dài khoảng trên 10 ngày, lênh đênh trên một chiếc thuyền nan nhỏ.

Thuyền đi ven sông Mã về Nga Sơn, Phát Diệm; qua sông Đáy đến Hà Đông, lên Việt Trì; ngược sông Lô lên Tuyên Quang. Một cuộc du ngoạn thật thơ mộng. Ban ngày hai anh em ngồi tựa mạn thuyền hiu hiu gió mát ngắm những ruộng lúa, bãi mía, nương ngô bạt ngàn hai bên bờ sông.

Qua những làng quê tre mọc kín xung quanh, phía sau là những đồi chè xanh mướt, đồi sim mua có tán cọ che phủ. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé vào gần thuyền đánh cá của ngư dân, mua một ít cá tươi, luộc chấm với muối, thật ngon lành. Ban đêm nằm ngắm bầu trời đầy sao và trăng muộn cuối tháng. Thi thoảng một làn gió thu quạt vào lòng thuyền se se lạnh. Sức anh chẳng được bao nhiêu nhưng anh cũng gắng ấp cho tôi đỡ lạnh, và luôn giục tôi:

“Em dựa vào anh cho ấm mà ngủ đi cho đỡ mệt”.

Tôi vờ nhắm mắt cho anh vui lòng, nhưng đầu óc thì suy nghĩ mông lung. Đối với anh, sau quãng thời gian hơn mười năm, từ lúc mười lăm tuổi tham gia cách mạng, bị giam cầm trong tù ngục bốn năm, vượt ngục ra phải sống trốn tránh trong nông dân vừa thoát nạn đói năm 1945, thời gian này là lúc anh được nghỉ ngơi đôi chút.

Còn đối với tôi, ngoại trừ những lần đi đò ngang qua lại sông Hương khi còn là học sinh trường Đồng Khánh thì đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc dài ngày, tha hồ ngắm cảnh vật thiên nhiên của đồng quê, của rừng núi hùng vĩ. Bên anh, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đã có một người chồng, một người đồng chí đầy tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho cả cuộc đời.

Con thuyền đang êm ả trôi thì đến Phát Diệm bỗng nghe trên bờ tiếng tù và thổi ầm ĩ, tiếng chân người chạy rầm rập. Đó là lúc bọn phản động nổi loạn giết ông Ái – Bí thư Huyện ủy Kim Sơn. Với thói quen của một cán bộ lãnh đạo chính trị, anh lên bờ xem xét tình hình và tìm cách giải quyết. Trong không khí náo loạn của quân phản động, giáo mác hung hăng, anh tìm đến ông Ngô Tử Hạ - một nhân sĩ, ông trùm Công giáo có uy tín trong vùng.

Anh trịnh trọng giới thiệu: Ông Nguyễn Xuân Dương là Chánh án Tòa thượng thẩm đi cùng với một ông luật sư, và anh là phái viên của Trung ương. Mặc dù anh chỉ là người qua đường thấy cảnh bất bình thì ra tay, còn hai ông cán bộ tư pháp mà ông tôn vinh kịp thời chỉ là hai người bạn cùng đi chung thuyền.

Cả ba anh cùng ông Ngô Tử Hạ vào thẳng nhà thờ Phát Diệm, gặp Giám mục Lê Hữu Từ, yêu cầu Đức cha phải chịu trách nhiệm về sự kiện này và phải cùng các anh dẹp loạn, giữ an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng. Kết quả là trong một ngày trật tự được lập lại. Sau đó ông Ngô Tử Hạ cử một đội tự vệ đưa tiễn chúng tôi ra khỏi tỉnh.

Lúc này xảy ra một chuyện: khi lên bờ anh dặn tôi ngồi yên dưới thuyền chờ anh. Tính còn trẻ con, dù đã là huyện ủy viên, tôi cũng lên bờ tham quan thị trấn Phát Diệm vẫn được ca ngợi là đẹp. Khi trở về anh hốt hoảng về sự mất cảnh giác của tôi nhưng cũng chỉ “dám” phê bình cấp dưới một cách nhẹ nhàng, âu yếm.

Chúng tôi lại xuống thuyền tiếp tục cuộc hành trình. Chuyến “trăng mật” của hai chúng tôi lại tiếp tục, nhưng không còn yên bình như trước. Tuy vẫn lững lờ trên sông nước, nhưng qua các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng moócchiê câu vu vơ đâu đó và cả tiếng súng đi càn của địch trên bờ.

Sự thanh thản trong lòng anh cũng chẳng được bao lâu. Tôi dần nhận thấy anh bồn chồn lo lắng. Anh trăn trở về việc chung của đất nước và công việc riêng sắp tới của anh và tôi.

_________
 (*) Một đồng chí cách mạng lão thành, người huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên đã từng hoạt động bí mật với anh trong 4 năm.

"Người ở lại" đã ra đi

Vũ Thị Thanh - bà Tố Hữu - đã ra đi nửa đêm ngày 18/4/2012 tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, thọ 86 tuổi. Bà Vũ Thị Thanh, Phó giáo sư Kinh tế học, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, là một cán bộ Việt Minh (Bí thư Huyện ủy) thời đầu Cách mạng ở Thanh Hóa, quê bà. Bà kết duyên cùng nhà thơ Tố Hữu vào năm 1947 và lên Việt Bắc với nhà thơ, công tác trong Hội Phụ nữ Trung ương. Trước khi bệnh nặng, bà đã kịp hoàn thành cuốn hồi ký Ký ức người ở lạiHồn Việt giới thiệu trong số này. Lễ tang của bà được tổ chức tại Hà Nội, do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, làm Trưởng ban lễ tang.

Tạp chí Hồn Việt, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xúc động chia buồn sâu sắc cùng các cháu Hoa, Hồng, Phương và toàn thể tang quyến.

Vũ Thị Thanh