Điều mà ai cũng nhận ra sự sống giữa người đi - kẻ ở là tiếng chiều trôi trên làn tóc xanh và bạc trắng của hai thế hệ. Không phải để chiêm nghiệm mà hồi tưởng từ cõi âm dương. Tuy xa mà gần, ngỡ tiếng tơ rung nhè nhẹ khi thu về man mác.
Nghĩa Trang Quốc Gia Trường Sơn trên dải đất miền Trung đầy nắng, gió ôm ấp hơn mười nghìn mộ chí.
Tháng bảy về trong hơi thu lành lạnh. Từng nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ như tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa”. Mỗi khoảnh khắc trên hàng bia giản đơn như cuộc đời người lính. Dưới bóng sum suê đại ngàn nghe bình yên lạ!.

Khói sương tha thẩn diễu qua bia mộ, quyện màu nắng chiều, tạo thành một khoảng trời riêng lung linh. Bầy trẻ tung tăng quây quần đọc tên các anh với niềm xúc động hồn nhiên, rồi chia nhau những đóa hoa hương cắm trước mộ phần kính cẩn.
Thi thoảng, các em ngồi nhổ cỏ, những ngón tay thon, mềm mại cứ thế lướt trên sỏi đá, thu dọn lá vàng từ lâu còn sót lại. Đàn bướm nghiêng lượn rồi sà xuống khẽ khàng đậu trên tấm bia phai như thầm nhắc: “Đừng quên nhé người đi giữ nước không về…”.
Đoàn tham quan lục tục đứng quanh chỗ các anh yên nghỉ. Những ánh chớp lóe lên ghi hình trong làn khói hương bay quyện. Trường Sơn thật hạnh phúc, đầm ấm với tiếng cười nói ríu rít.
Từng cây sứ già đơm bông, thủng thẳng tỏa hương niềm nhớ nhung vời vợi. Đâu đó rừng xưa nổi gió làm cho khung cảnh thêm phần trang nghiêm.
Điều mà ai cũng nhận ra sự sống giữa người đi - kẻ ở là tiếng chiều trôi trên làn tóc xanh và bạc trắng của hai thế hệ. Không phải để chiêm nghiệm mà hồi tưởng từ cõi âm dương. Tuy xa mà gần, ngỡ tiếng tơ rung nhè nhẹ khi thu về man mác.
Tôi đi và chiều đi, phút giây cảm nhận tan dần khi ngước mắt nhìn từng chiếc lá rơi bên mình cùng với tiếng chim từ đâu vọng về lâng lâng giữa mùa thu ở Nghĩa Trang Trường Sơn vang danh muôn thuở.