Gần đây tôi có được đọc cuốn Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa của PGS-TS Nguyễn Trọng Báu, do NXB Văn Hóa - Thông Tin ấn hành năm 2009. Cuốn sách đã được nhiều độc giả đón nhận, nhất là giới thanh niên, học sinh. Tuy nhiên, trong những mẩu giai thoại về các danh nhân cũng có những điều cần được làm sáng tỏ. Cụ thể trong bài Thằng bán tơ và hai ông Nghè (tr.202) có đề cập đến cuộc thi thơ Vịnh Kiều ở Hưng Yên do Tổng đốc Lê Hoan tổ chức vào năm 1905 và Nguyễn Khuyến làm chủ khảo, trong cuộc thi này Chu Mạnh Trinh chiếm giải nhất về thơ Nôm. Xin trích một số câu trong bài viết này: “...Ông Nghè Chu Mạnh Trinh là người giỏi thơ phú, nhưng đã từ bỏ tiết tháo của nhà Nho chính trực, ra cộng tác cùng giặc Pháp đàn áp lại nhân dân mình. Chu Mạnh Trinh rất kiêu ngạo, vẫn xem mình là danh sĩ uyên bác của Bắc Hà, lịch lãm ít ai bì kịp... Khi biết cụ Tam Nguyên Yên Đổ làm chánh chủ khảo thì Chu rất khó chịu, bởi tính cách của cụ Trạng Yên Đổ với Chu khác nhau quá... Lợi dụng các bài Vịnh Kiều, ông Nghè Chu vẫn tìm cách gài cho được những câu thâm độc mà với trình độ của Trạng Yên Đổ đọc sẽ hiểu ngay là Chu chơi xỏ cụ... Thái độ qua từ ngữ rất xách mé và “hỗn” là khác”.
Thú thật khi đọc những dòng trên đây, tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm. Như ta đã biết, giai thoại là những mẩu chuyện kể ngắn gọn, lý thú xoay quanh một nhân vật có thực, thường là một danh nhân, một chính khách, có khi là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng... và thậm chí là cả một doanh nhân thành đạt. Câu chuyện giai thoại thường đề cao tài năng, có khi còn phác họa cả những nét độc đáo trong đời tư của họ nữa, nhưng tuyệt đối không được bịa ra những tình tiết có liên quan đến thái độ chính trị xấu hoặc tư cách đạo đức rồi gán ghép cho họ. Trở lại câu chuyện của Chu Mạnh Trinh trên đây tôi chưa thấy có tài liệu nào nói ông đã cộng tác với thực dân Pháp đàn áp nhân dân như tác giả bài viết khẳng định, mà trái lại “ở Hưng Yên ông đã lập mưu giải thoát được một số tù nhân trong phong trào Bãi Sậy bị Pháp bắt. Biết thế nào cũng liên quan đến mình ông liền xin từ chức và được duyệt y. Đây là vào năm 1903. Hai năm sau ông bị bệnh mất” (Từ điển Văn học, bộ mới. NXB Văn Học, 2004).
Chúng ta không nên vì muốn đề cao người này mà lại cố tình hạ thấp người kia. Nguyễn Khuyến vẫn được người đời tôn xưng là Tam Nguyên Yên Đổ sao lại gọi ông là Trạng Yên Đổ (!?), ông đâu có đỗ Trạng, còn Chu Mạnh Trinh chỉ làm quan đến Án sát sao lại đề bạt ông lên chức Tổng đốc (!?) (tr.209). Không hiểu tác giả đã căn cứ vào đâu mà đưa ra kết luận: “...Chu là quan lại lớn nhất trong các ứng thí, đương nhiệm chức Án sát tỉnh Hưng Yên, đành cho chấm thứ nhất. Song đọc kỹ bài của Chu rõ ràng ý đồ của tác giả bài viết không chỉ nhằm Vịnh Kiều mà nhằm vào người chấm thi, vào Chánh chủ khảo hẳn hoi” (tr.207). Như vậy, theo tác giả, Chu Mạnh Trinh được giải nhất chẳng qua cũng là nhờ ưu tiên, chiếu cố chứ chẳng có tài cán gì, mà bài thi lại lạc đề (nhằm vào người chấm thi). Sự thật thì khi Chu Mạnh Trinh tham gia cuộc thi Vịnh Kiều (1905) ông đâu có còn là vị quan đương chức của tỉnh, mà ông đã về nghỉ trước đó hai năm (1903).
Ta hãy xem các tư liệu chính thống đánh giá Chu Mạnh Trinh ra sao:
• Nổi tiếng về thơ Nôm nhờ tập thơ 20 bài Vịnh Truyện Kiều. Lời Chu Mạnh Trinh khóc nàng Kiều là lời đồng tình chân thật. Bài tựa chữ Hán được Đoàn Quỳ(*) dịch ra chữ Quốc ngữ làm cho Chu Mạnh Trinh nổi tiếng.
(Từ điển Bách Khoa Việt Nam 1, tr.616)
• Thúy Kiều là nhân vật tâm đầu ý hợp của Chu Mạnh Trinh. Trong bài Đề từ ông hết lòng ca ngợi, bênh vực cho nhân vật của mình. Ông cảm nhận Thúy Kiều như một người bằng xương bằng thịt và dồn hết yêu thương, trân trọng đến mức say đắm vào các bài thơ Vịnh.
(Từ điển Văn học, bộ mới. NXB Thế Giới, 2004)
• Ở Việt Nam cái khái niệm “tài tử” có lẽ là kết lại ở Chu Mạnh Trinh.
(Xuân Diệu. Thi hào dân tộc Nguyễn Du. NXB Văn Học, 4-1966)
• Còn Chu Mạnh Trinh thì có thể nói là không những say Truyện Kiều, say văn chương Truyện Kiều mà chính là say nàng Kiều y như say một giai nhân có thật: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão, người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt cái phấn hương thừa” (Đoàn Tư Thuật dịch). Chuyện làm thơ, viết văn với Chu Mạnh Trinh đã thành một hành động si tình và Chu Mạnh Trinh mơ tưởng sẽ dựng một ngôi nhà vàng cho Kiều, mơ tưởng mượn cỏ thơm gọi hồn nàng về, rồi Chu Mạnh Trinh như thấy bóng Kiều hiện về đâu đó: “Hỡi ơi! Hồn còn biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc Phố” (Đoàn Tư Thuật dịch).
(Hoài Thanh. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển IV. Văn sử địa, 1959)
• Chúng ta đã thấy say Kiều thì không ai bằng Chu Mạnh Trinh. Cho nên bênh vực Kiều, Chu Mạnh Trinh cũng đã bênh vực một cách tài tình hơn ai hết. Để bênh vực cái việc Kiều tự tiện thề thốt với Kim, Chu Mạnh Trinh đã mượn ý hai câu thơ cổ tả một cái vườn đóng kín với một cành hạnh đỏ vươn ra ngoài tường nở hoa. Hoa hạnh đã nở ngoài tường chỉ vì sắc xuân trong vườn đầy rẫy, dẫu cửa đóng then cài cũng không giữ lại được.
Xuân sắc mãn viên quan bất trú
Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai
(Sắc xuân đầy vườn đóng cửa cũng không giữ được, một cành hồng hạnh vươn ra ngoài tường).
Ai lại khe khắt với một cành hoa vươn ra nở ngoài tường chỉ vì sắc xuân trong vườn đầy rẫy, nhất là khi nó vẫn giữ được tiết sạch, giá trong. “Cũng có kẻ bảo tại nước chảy mây trôi lỡ bước nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường chưa để con ong qua tới” (Lời dịch của Đoàn Tư Thuật). Nói chung thái độ Chu Mạnh Trinh và những nhà Nho bất mãn cũng là thái độ Nguyễn Du.
(Vấn đề Truyện Kiều qua các thời đại. Tạp chí Văn Học, 11-1965)
• Chẳng biết ba trăm năm về sau
Thiên hạ có ai khóc Tố Như
đã được thi sĩ Chu Mạnh Trinh giải đáp một cách chân thành. Tâm sự của Tố Như đã được họ Chu làm sống lại qua thơ văn với một cảm tình đặc biệt. Nếu Tố Như ngại ba trăm năm về sau không biết có ai khóc mình chăng thì có hơi quá muộn, vì chỉ trong vòng không quá một thế kỷ đã có Cán Thần, một người đã khóc rất nhiều và đã nối nghiệp văn chương của nhà thơ làng Tiên Điền.
(Trần Văn Thanh. Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển. NXB Văn Học, 2008)
• Bằng tấm lòng của một khách tài tử đa tình, Chu Mạnh Trinh cảm thông sâu sắc với cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều, với số phận oan nghiệt của một sắc tài bị chà đạp, và hết sức phẫn nộ đối với những kẻ đang tay vùi liễu dập hoa. Sự rung cảm mãnh liệt đã tạo nên những vần thơ thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Cùng với thời gian, những bài thơ Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh được xem là mẫu mực của sự cảm thụ văn chương.
(Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam. NXB Giáo Dục Việt Nam, 2012)
• Tập thơ Vịnh Kiều bằng Quốc âm của Chu Mạnh Trinh thật không ai chối được cái giá trị về nghệ thuật của nó, ta có thể nói đó là một tập thơ Vịnh Kiều hay nhất từ trước đến giờ.
(Trúc Khê và Tiên Đàm. Chu Mạnh Trinh. Nhà in Cộng Lực, 1942)
• Thương Kiều như thể thương thân, đó chính là tình cảm của Chu Mạnh Trinh. Bởi thế bênh Kiều, nhận ra vẻ đẹp của nàng Kiều sau 15 năm luân lạc, biện bác lại những sự lên án Kiều của những nhà Nho câu nệ, nghiêm khắc, không ai bằng Chu Mạnh Trinh…
Họ Chu viết về Kiều thật hết lòng. Có lẽ ông cũng có tâm sự riêng, muốn gửi gắm vào Thanh Tâm Tài Nhân thi tập… Nhưng điều mà họ Chu dồn hết tâm sức trong tập thơ này, chính là ông tôn vinh một vẻ đẹp tự nhiên, trời phú, ông thông cảm với kiếp tài hoa bạc mệnh, và ông cũng lên tiếng bảo vệ những nét đẹp tinh thần ẩn sau cuộc đời chìm nổi “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Thúy Kiều.
(Ngô Văn Phú. Tài hoa Chu Mạnh Trinh. Văn Nghệ Trẻ số 28,10-7-2005)
***
Không hiểu một số trích dẫn trên đây đã đủ để thanh minh cho những điều bôi bác trong mẩu giai thoại về Chu Mạnh Trinh chưa. Chúng tôi tin chắc nếu các bạn yêu thích văn chương được đọc Thanh Tâm Tài Nhân thi tập bằng chữ Nôm, bài tựa Truyện Kiều của họ Chu qua bản dịch của Đoàn Tư Thuật cũng như một số bài thơ cảm tác về phong cảnh Hương Sơn thì càng cảm phục, biết ơn và yêu mến nhà thơ hơn, khác hẳn khi đọc mẩu giai thoại phản cảm, bôi bác và xuyên tạc trên đây.
----------
(*) Từ điển Bách khoa ghi là Đoàn Quỳ theo Tạp chí Nam Phong. Thực ra Đoàn Quỳ là cháu Đoàn Tư Thuật, ông chỉ là người đưa đăng báo. Trúc Khê trước đây đã đính chính.