Kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Lê Đức Thọ

HV: Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải. Ông sinh ngày 10 tháng 10 năm 1911 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ 20.

Ông đã được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Cách mạng tháng Mười (Liên Xô), Huân chương Angkor (Campuchia). Tại hội nghị Paris năm 1973, bằng tài năng, đạo đức, lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, ông đã thành công trong cuộc đối đầu không khoan nhượng trước Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger để chấm dứt chiến tranh trong ôn hòa.

Tên tuổi Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trên bàn đàm phán Paris, cả thế giới đều biết. Vì vậy, giải Nobel hòa bình thế giới năm 1973 đã dành cho Lê Đức Thọ và Henry Kissinger. Kissinger đón nhận giải thưởng nhưng Lê Đức Thọ thì không, ông đã từ chối giải thưởng, với lý do đơn giản: “Hòa bình thực sự vẫn chưa được lập lại và tôi làm là vì dân tộc của tôi”… Tính cách của Lê Đức Thọ là như thế! Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (10/10/1911-10/10/2011) và 21 năm ngày mất (13/10/1990-13/10/2011) của đồng chí Lê Đức Thọ, Hồn Việt xin trích đăng vài ý kiến của các đồng chí từng tiếp xúc với ông.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ họp báo giới thiệu nội dung Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 24/01/1973) tại "Trung tâm Hội nghị quốc tế" ở đại lộ Kléber

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: … Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và nhân dân ta.

Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng gian khổ, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta… Tấm gương về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần-kiệm-liêm-chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu và kính trọng…

* Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: … Ở các cương vị lãnh đạo khác nhau, anh đã cùng với đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác giúp Trung ương Đảng lãnh đạo phát triển tốt cuộc chiến đấu ở miền Nam thành đồng Tổ quốc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến hành cuộc đàm phán ở Paris thắng lợi, thực hiện mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”; tiếp đó cùng với một số đồng chí khác, thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

… Trong công tác tổ chức, anh đã tập trung sức vào việc xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt đã tích cực giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt việc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào các kỳ đại hội Đảng (từ Đại hội III đến Đại hội VI) mà anh là Trưởng Tiểu ban nhân sự.

Anh thường thẳng thắn góp ý kiến với cán bộ cao cấp phạm tiêu cực, để ngăn chặn từ gốc việc phát triển tiêu cực vào trong Đảng và nhắc nhở cán bộ tổ chức: phải thực sự công minh; nếu vì “yêu nên tốt, ghét nên xấu” hoặc vì sợ bị va chạm, sợ bị oán thù dẫn đến bố trí hoặc xử lý sai cán bộ thì không thể làm cán bộ tổ chức.

… Anh xứng đáng với những “công trạng to lớn vì Đảng, vì dân” mà Đại hội lần thứ VI đã tuyên dương anh.

* Đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:

Nói về anh Sáu Thọ, trước hết cần phải khẳng định công lao to lớn của anh là một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ - nơi đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu tặng cho bốn chữ vàng “Thành đồng Tổ quốc”.

Trong những năm chống Pháp lâu dài và gian khổ, trên chiến trường Nam Bộ đã rực sáng hình ảnh hai nhà lãnh đạo hàng đầu của cuộc kháng chiến, uy tín và tài năng, có sức thu hút sự ái mộ mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào – đó là các anh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Trải qua hai mươi năm (1955-1975), lần lượt gánh vác các cương vị quan trọng của Đảng, chúng ta có thể thấy rõ cũng như trong những năm kháng chiến chống Pháp, anh Sáu Thọ trước sau vẫn là người được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao phó những trọng trách đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam ở những thời điểm quyết định nhất, kể cả cuộc đàm phán ở Paris.

Khi vào chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cũng như trước đây, anh luôn thể hiện tư tưởng tiến công nhất quán trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vẫn tình cảm đối với anh em đồng chí, anh thân mật gọi chúng tôi là thằng cu Trà (Trần Văn Trà), thằng cu Kiệt v.v… Anh Sáu Thọ quả là một trong những nhà lãnh đạo có công đầu góp phần rất quan trọng vào việc lập nên những kỳ tích cả trên ba lĩnh vực: Chính trị - Quân sự - Ngoại giao.

… Trong lịch sử của ngành ngoại giao nước ta, Lê Đức Thọ mãi mãi xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc trên chính trường.

* Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: … Tôi đã gặp mặt và làm việc với anh Thọ trong những hoàn cảnh thật đặc biệt… Đặc biệt ở Đại hội (VI) này, việc lựa chọn Tổng Bí thư gặp khó khăn nhất. Qua nhiều lần trao đổi riêng với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều chưa nhất trí. Một lần, tôi nói riêng với anh Thọ, tình hình khó khăn quá, anh nên nhận chức Tổng Bí thư đi, sẽ dễ thống nhất ý kiến hơn. Anh Thọ gạt đi, anh nói: Mình đã nhiều tuổi, sức khỏe cũng kém, để đồng chí khác làm tốt hơn.

Anh Thọ vẫn kiên trì giữ ý kiến để anh Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, và Trung ương đã bổ sung anh Linh vào Bộ Chính trị theo dự kiến trước, lúc này anh Linh đã được điều từ trong Nam ra làm Thường trực Ban Bí thư.

* Đồng chí Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính Trung ương: … Vì tôi hoạt động bí mật ở miền Nam, nên chỉ có anh Thọ theo dõi và nắm vững hoạt động của tôi. Biết tôi đã về Hà Nội, anh xin phép được vắng cuộc họp của Bộ Chính trị hôm đó để tới K.5 thăm tôi ngay. Cuộc hội ngộ hết sức xúc động.

Anh Thọ nói với tôi: “Tao lại mắc sai lầm với mày là vừa giải quyết cho Trang (tên vợ tôi) đi học y ở Tiệp Khắc. Đáng ra đã chỉ thị cho mày ra, thì phải để vợ mày ở lại; nhưng cũng vì năm tháng nay không có tin tức gì của mày, tưởng mày bị bắt lại. Hơn nữa, vợ mày còn trẻ, cơ sở đề nghị cho đi đào tạo ở nước ngoài”.

Anh Thọ còn đưa cho tôi cuốn Hoa Sữa viết về vợ tôi ở bệnh viện Nhi Đồng để tôi biết về công tác của vợ tôi ở miền Bắc và nói: “Mày xem cuốn sách này sẽ thấy nó làm việc tốt lắm và viết về mày rất đúng tính cách của mày”. Anh bảo tôi về nhà anh để đón con tôi đến gặp. Anh còn nói: “Bác Hồ vẫn hỏi thăm Mười Hương” và sau đó đã bố trí cho tôi gặp Bác Hồ. Được gặp Bác Hồ là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với tôi, sau những năm tháng hoạt động bí mật xa Trung ương.

… Trung ương gọi tôi ra Hà Nội, anh Thọ gặp tôi vui mừng lắm, vì đã tìm ra được hồ sơ xác minh tôi kiên trung, bất khuất, nên mới có thể giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương được. Anh nói: “Tìm được hồ sơ của mày tao mừng húm!”. Tôi hỏi anh Thọ: “Nếu không tìm được hồ sơ, các anh có tin dùng tôi không? Đánh giá con người phải căn cứ vào cả quá trình chứ anh?”.

Anh Thọ cười và nói: “Vẫn tin dùng, song chưa thể giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương được. Nhưng phải tìm cho được hồ sơ, nếu không ra Đại hội hỏi, Trung ương làm sao giải thích được? Mày phải đứng vào vị trí tao mới hiểu được”. Tôi nghĩ anh xử sự như vậy là phải lẽ.

Đồng chí Lê Đức Thọ trên đường hành quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 4/1975

* GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học: … Là một nhà thơ chỉ làm thơ khi cảm hứng chợt đến vào những dịp đi công tác, những dịp ra khỏi công việc quân quốc trọng đại, bác Lê Đức Thọ ít có thời gian gọt giũa ngôn từ, trau chuốt nghệ thuật mà thường là “có sao nói vậy”, lấy chân tình, thật lòng làm cốt tử.

Ngày 9/2/1975, nhà thơ qua đèo Ngang và từ vần thơ hoài niệm buồn của bà Huyện Thanh Quan, Lê Đức Thọ đã đưa vào khuôn thơ Đường luật ngàn xưa ấy những tình cảm của thời chúng ta đang sống:

“Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà,
Chiến công nối tiếp nở như hoa.
Bom rơi chật đất, thù muôn thuở,
Máu đổ tràn sông, hận mỗi nhà.
Đã quyết hi sinh cho đất nước,
Quản gì nát thịt với tan da.
Ngày vui thống nhất không xa nữa,
Nam Bắc sum vầy, ta gặp ta”

(Đèo Ngang, 9/2/1975) 

Thật thú vị, nhưng dù sao vẫn là thơ “họa”. Tôi thích nhất bài thơ Mưa rơi làm ở Lộc Ninh, 9/4/1975. Đó là thời điểm người chỉ đạo chiến đạo chiến dịch Hồ Chí Minh áp sát quyết chiến điểm cuối cùng – Sài Gòn.

“Nghe chim tu hú gọi
Rừng Lộc Ninh sáng rồi
Suốt đêm qua không ngủ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Lo cho anh bộ đội
Lầy lội quãng đường dài
Hết tăng rồi lại pháo
Mong chẳng thấy tăm hơi
Chiến trường chờ từng phút
Đừng mưa nữa, mưa ơi!
Để đường mau khô ráo
Cho xe vào tới nơi
Trận cuối cùng lịch sử
Tiếng súng bắt đầu rồi” 

Một nhát cắt của đời sống, của chiến trường, của tâm tình. Thơ Đông Tây kim cổ, có biết bao bài thơ hay về mưa. Thơ Đường Ba Sơn dạ vũ (Mưa đêm ở Ba Sơn): “Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì” (Đêm mưa Ba Sơn đầy ao thu), hay là thơ Pháp: “Il pleure dans mon coeur/ Comme il pleut sur la ville” (Paul Verlaine) (Nước mắt rơi trong tim tôi/ Như trời mưa trên thành phố). Và cả đại anh hùng, đại hiền Nguyễn Trãi: Thính vũ: “Chung tiêu thính vũ thanh…/ Đoạn tục đáo thiên minh” ( Suốt đêm nghe mưa rơi…/ Mưa rả rích đứt nối đến sáng), nói nỗi lòng ưu ái suốt đêm không ngủ.

Lê Đức Thọ cũng suốt đêm không ngủ, “nằm đếm tiếng mưa rơi” như thế. Nhưng ở đây là những nỗi lo thiết cốt, cụ thể, lo “ tăng”, lo “pháo” cho trận đánh “cuối cùng lịch sử” sắp tới. Xưa và nay đã gặp nhau, nhưng mỗi người đang ở những hoàn cảnh, những tâm trạng khác, nhưng nối tiếp thật thú vị.

Có lần tôi say sưa vì “méo mó nghề nghiệp” chăng – tôi nói một hồi dài về thơ Đường – Tống, thơ Ức Trai Nguyễn Trãi, bất chợt bác Thọ ngắt lời tôi.

- Cháu có thể dạy bác học được?

- Ấy chết, sao bác lại nói thế ạ?

- Thì bác làm chính trị, bác đâu có nhiều thì giờ…

Khiêm tốn quá mức chăng? Để làm gì chứ, với tôi, một người trẻ tuổi chẳng hề có danh vọng gì so với hàng vạn người khác mà bác có thể có “dưới trướng”. Fidel Castro có lần nói với G.Marquez rằng, kiếp sau ông muốn làm nhà văn; và một nhà lãnh đạo nổi tiếng khác ở ta, có lần tâm sự rằng, ông rất yêu văn chương và tiếc rằng mình đã không có thì giờ học nó.

Có lẽ, văn chương cũng có một sức hút kỳ diệu nào đó. Tôi cho rằng, dù hơi lạ lùng, câu nói đó của bác chỉ làm tôi thêm quý bác mà thôi. Nghĩ cho kỹ cũng là điều đơn giản thôi, nếu cần “dạy” chữ Hán ở thơ Đường, thơ Tống thì đám Hán học chúng tôi có thể làm được lắm chứ! Tại sao mình lại ngạc nhiên?

Nhạc sĩ Xuân Oanh có kể rằng, năm 1947-1948, khi ở Việt Bắc, trong một lần sinh hoạt văn nghệ, bác Lê Đức Thọ chỉ định anh hát một bài, và anh đã hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Tưởng sẽ bị phê “Bài hát này lãng mạn, không có tính chiến đấu và không hợp với tai các đồng chí lắm đâu…”, chẳng ngờ hát xong, đồng chí Lê Đức Thọ lên tiếng: “Sao lại có bài hát hay và mang nhiều tính nhân đạo thế nhỉ? Giọng hát của cậu cũng ấm nữa. Nó làm cho bài hát bớt đi cái vẻ thê lương lạnh lẽo”.

Năm 1972, ở Paris, đồng chí Lê Đức Thọ lại mời anh đến giảng cho nghe về âm nhạc. “Mình làm cái công việc chính trị quân sự này lâu, thành ra con người có vẻ như khô khan héo hắt thế nào ấy. Cậu dành ít thời gian nói cho mình nghe về âm nhạc đi. Mình rất thích thi ca nhưng không hiểu nhiều về môn này, mặc dầu mình biết nó có sức mạnh ghê gớm, vì chính trị không có văn hóa sẽ thành vô dụng. Cậu hãy lần lượt nói cho mình nghe về lịch sử âm nhạc, cả của phương Đông lẫn phương Tây đi”.

Tôi cảm thấy rất kính phục – Xuân Oanh viết – Đồng chí nghe rất chăm chú với thái độ của một anh học trò nhỏ (…). Đồng chí nghe không biết mệt mỏi, mặc dầu còn đang mệt với phiên họp vừa qua ở bàn Hội nghị (Paris). Nghe xong đồng chí nói: “Thật kỳ lạ! Sao con người có thể nghĩ ra những giai điệu đẹp đến thế nhỉ? Nó đi thẳng vào tâm hồn con người và đọng lại ở đó mà không sao tiêu tan được. Đúng là nó có sức mạnh đến mức biến đổi được lòng người. Các cậu có cái may mắn là biết được những điều tuyệt diệu như thế. Còn mình thì thiệt thòi quá. Phải làm sao cho dân mình ai cũng có cái may mắn hiểu biết được tất cả những cái đó”. (Bài Vài dòng kỷ niệm về đồng chí Lê Đức Thọ của nhạc sĩ Xuân Oanh trong sách Nhớ về anh Lê Đức Thọ, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.656-657-658).

Thì ra, đó là phong thái của đồng chí Lê Đức Thọ, một phong thái nhất quán trong các lĩnh vực.

… Những người thân của mình, mình không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ ốm và có một ngày nào đó họ sẽ ra đi… Khi được tin bác Lê Đức Thọ ốm, tôi ngỡ ngàng khó tin. Tôi viết thư thăm và hai ba lần bác trả lời thư, có cái nhờ người khác viết rồi bác ký tên. Bác gửi tặng ảnh và sách. Bức thư cuối cùng bác viết trên giường bệnh, bác báo tin bệnh khó qua, chỉ cố gắng giảm đau, bác gửi lời thăm và chúc anh chị em văn nghệ mà bác quen biết ở lại cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Ít ngày sau, bác Lê Đức Thọ ra đi.