Kỷ niệm 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ

Năm 1962, kỷ niệm 1250 năm năm sinh Đỗ Phủ, một tập Thơ Đỗ Phủ gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng, những người yêu thơ Đỗ Phủ, yêu thơ Đường và cổ thi Trung Hoa đã ra mắt bạn đọc. Nhà thơ Hoàng Trung Thông, một người am hiểu cổ thi Trung Hoa, đã viết một Lời giới thiệu thơ Đỗ Phủ tâm huyết và tài hoa. Trong số dịch giả, người ta thấy những tên tuổi mến yêu của thi đàn Việt Nam: Tản Đà, Nhượng Tống, Hoàng Tạo, Ngô Tất Tố, Tôn Quang Phiệt, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hằng Phương, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Yến Lan, Nhượng Tống, Hoàng Trung Thông, Trần Huy Liệu…

Đây là những nhà thơ tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Họ đã đến với Đỗ Phủ trong sự thâm cảm với thơ, với cuộc đời Đỗ Phủ, cũng là biểu lộ sự yêu mến trân trọng với di sản vĩ đại của thơ ca, văn hóa Trung Hoa. Họ kế tục hàng nghìn năm giao lưu văn hóa Việt – Trung, từ Nguyễn Trãi “Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ”, từ Nguyễn Du “Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi”, từ Cao Bá Quát và tất cả những nhà thơ viết bằng chữ Hán ở Việt Nam thế kỷ 19, cả ở thế kỷ 20.

Năm nay, 2012, năm mươi năm nữa trôi qua, kỷ niệm 1300 năm năm sinh Đỗ Phủ. Thế giới đã có những chuyển biến lớn. Đất nước Trung Hoa đi vào con đường cải cách – mở cửa, đi vào kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đã có sự phát triển rất nhanh. Nhưng Trung Quốc cũng đang đứng trước những thách thức, nhất là tham nhũng – phân cực giàu - nghèo, thành thị - nông thôn… Tiếng khóc của Đỗ Phủ "Không tiếng già này khóc rỏ huyết" (Thử lão vô thanh lệ thùy huyết) vẫn còn chưa tắt trên đất Trung Hoa rộng lớn.

Qua Đỗ Phủ, người Việt Nam hiểu con người, đất nước, lịch sử Trung Hoa, và càng hiểu càng yêu mến nhân dân vĩ đại, văn hóa vĩ đại Trung Hoa, một nền văn hóa văn minh tiêu biểu của nhân loại. Việt Nam, cũng như Nhật Bản, Triều Tiên… xưa kia là vùng văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Trung Hoa, dùng chữ Hán, sáng tác bằng chữ Hán. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người thông thái vì hiểu biết sâu sắc văn hóa phương Tây, bao gồm văn hóa Anh, Pháp, Nga…; cũng là nhà Hán học, là nhà thơ chữ Hán. Dĩ nhiên, trong thế giới thơ đó, thơ Đường – Tống, thơ Đỗ Phủ chiếm một vị trí trung tâm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong các bài thơ Ngục trung nhật ký cũng như thơ chữ Hán sau đó, Người đã kế thừa và sáng tạo trên bút pháp, phong cách thơ Đường, thơ Đỗ… và trước khi mất, trong Di chúc, Người nhắc: “Ông Đỗ Phủ là một người làm thơ rất nổi tiếng, thời Đường, có câu rằng: Nhân sinh thất thập cổ lai hi (Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm…)”, thể hiện một tình cảm thân thương, quí mến với bậc đại thi hào.

Năm nay, các nhà nghiên cứu và các nhà thơ Việt Nam, thể hiện tấm lòng của mình đối với Đỗ Phủ qua Đỗ Phủ tinh tuyển (xuất bản 2012), qua Hội thảo khoa học về Đỗ Phủ được tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Hà Nội, và qua các hoạt động báo chí khác.

Đỗ Phủ, tên tự là Tử Mỹ, sinh năm 712 tại huyện Củng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hà Nam là một tỉnh xưa kia có kinh thành Lạc Dương, là một địa phương xuất phát của nền văn hóa cổ đại nổi tiếng của Trung Quốc, hiện còn nhiều di chỉ thời văn hóa Thương, Chu…

Từ năm 712 đến năm 745, đó là thời Khai Nguyên thịnh trị (niên hiệu của Đường Huyền Tông), chính trị ổn định, kinh tế phồn vinh. Đỗ Phủ lúc nhỏ chuyên cần đọc sách, mười bốn mười lăm tuổi đã biểu lộ tài năng văn học xuất chúng. Từ năm 20 tuổi, ông trước tiên du lịch phương Nam Ngô Việt, sau lại Bắc du đến Tề, Triệu; khoảng giữa hai thời gian đó chán nản vì thi trượt, nhưng dù sao ông đã sống qua tám chín năm sinh hoạt phóng khoáng kiểu con nhà quý tộc 裘馬清狂 cầu mã thanh cuồng (1). Thời kỳ này ông làm thơ rất ít, có thể xem đó là giai đoạn chuẩn bị cho sáng tác sau này.

Từ năm Thiên Bảo thứ năm (746) đến năm Thiên Bảo mười bốn (755), đó là thời kỳ Đỗ Phủ ở Trường An . “Cưỡi lừa mười ba năm – Đất Kinh tìm kiếm ăn – Nhà giàu sớm gõ cửa – Ngựa béo chiều theo chân – Rượu thừa miếng chả nguội – Nuốt tủi đã bao lần”. (Phụng tặng Vi Tả thừa trượng nhị thập nhị vận)

Đó là thời kỳ Đỗ và bạn bè ông phải lo sinh kế cho ông, mưu cầu cho ông một chức quan trong triều đình để mưu sinh. Nhưng đó là thời kỳ vua Huyền Tông hôn ám, triều thần lộng quyền, ngoại thích kiêu xa, kỷ cương thối nát, biên tướng kiêu ngạo phóng túng…, mối loạn An Lộc Sơn, Sử Tư Minh (An – Sử) xuất phát từ đấy. Đỗ Phủ muốn có một địa vị chính trị để thực hiện hoài bão “Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn – Lại cho phong tục thuần” (Phụng tặng Vi Tả thừa trượng nhị thập nhị vận). Nhưng tất cả đều thất bại, phải “bán thuốc ở chợ, sống nhờ bạn bè” (賣藥都市,寄食朋友 mại dược đô thị, ký thực bằng hữu). Năm 755, sau 10 năm ở Trường An, Huyền Tông mới cho ông làm Hà Tây úy. Chức úy  là một chức quan trực tiếp thu thuế, áp bức dân lành, Cao Thích bạn ông từng từ khước, lẽ đâu Đỗ nhận. Sau được cải nhiệm làm Hữu vệ suất phủ vị tào tham quân, một chức quan coi kho vũ khí.

Từ năm 756 (Chí Đức nguyên niên) đến 759 (Càn Nguyên năm thứ 2) là thời kỳ loạn An – Sử. Loạn An – Sử, hai kinh (Trường An và Lạc Dương) đều bị mất, Huyền Tông chạy vào đất Thục, Túc Tông lên ngôi, loạn quân đốt cháy kinh đô, ruộng vườn hoang phế, đời sống dân chúng vô cùng cơ cực. Đỗ Phủ chạy loạn, tránh nạn ở Bạch Thủy, Phụng Tiên, Phu Châu…; thân bị hãm vào vùng giặc, mắt nhìn sự tàn bạo của giặc, nếm trải tất cả cay đắng của loạn ly. Chạy trốn khỏi kinh thành, thập tử nhất sinh, đến được Phượng Tường là nơi Túc Tông đóng quân, Đỗ Phủ dòng dòng lệ nóng, mang “dép cỏ ra mắt vua”. Ông được bổ nhiệm làm Tả thập di, (một chức quan có trách nhiệm can gián vua). Nhưng vì  dâng sớ cứu Phòng Quán 房琯 nên bị biếm làm Hoa Châu tư công tham quân. Ở Thạch Hào thôn, ở Tân An đạo, ông mục kích quan phủ, bắt đinh bắt lính (Tân An lại), nghe tiếng khóc của thiếu phụ vừa mới cưới ly biệt chồng (Tân hôn biệt).

Thời kỳ cuối đời là thời kỳ phiêu bạc ở vùng Thục – Tương, từ năm 760 đến năm 770. Sau loạn An – Sử lại đến giặc Thổ Phồn, Hồi Hột… Trường An lại bị rơi vào tay giặc, đất nước nguy cấp. Thời gian này, Đỗ Phủ trừ một ít thời gian ở nơi “mạc phủ” thì đều là “vô quan”, không chức. Ông làm nhà cỏ (thảo đường) bên Cán Hoa khê 浣花溪  ở Thành Đô, ngụ cư.

Ông trải qua một thời kỳ ngắn nhàn nhã. Về sau, ông lưu lạc khắp các châu miền Tây Bắc, Tây Nam Trung Quốc đói rét, bi thương… Xuân 768, ông đi thuyền từ Quỳ Châu qua các hẻm núi, phiêu bạc ở Nhạc Châu, Hành Châu, Đàm Châu…, nổi trôi cùng tháng năm. Cuối cùng, bậc thi nhân vĩ đại nhất của lịch sử Trung Quốc, trong nghèo bệnh, đã chết trên một chiếc thuyền cũ nát.

***

Theo cách tính của Tư Mã Thiên, từ Chu Công đến Khổng Tử khoảng 500 năm, từ Khổng Tử đến Tư Mã Thiên khoảng 500 năm nữa. Cái vai trò nắm giữ văn hóa Trung Hoa, cứ khoảng 500 năm lại xuất hiện một vĩ nhân. “Kẻ hèn mọn này đâu dám từ chối việc ấy” (Tư Mã Thiên (145TCN-86TCN))… Một ý thức sâu sắc, vĩ đại, và cũng chẳng khiêm nhường giả dối. Sau Tư Mã Thiên thì đến lượt Đỗ Phủ đó chăng? Đỗ Phủ xuất thân trong một gia đình nhà nho “phụng nho thủ quan”. “Thơ, ấy việc nhà ta” ông viết. Kể lên đời ông nội, Đỗ Thẩm Ngôn là một danh gia đời Đường. Ngược lên nữa, ông tổ Đỗ Dự đời Tấn là một danh tướng…

Đỗ Phủ từ năm sáu bảy tuổi đã nổi tiếng văn chương. Ông nuôi cái chí sánh mình với các thánh hiền đời xưa (Tiết, Tắc) giúp vua vượt Nghiêu Thuấn. Ảo mộng đó đã tan tành khi ông thi trượt vì bọn Lý Lâm Phủ ghét nhân tài, cho là hiền tài đã được hắn thu dùng hết rồi. Cơm áo, vợ con, đúng là đã “không đùa với khách thơ”. Một tài năng lỗi lạc như ông mà phải dâng phú, dâng thơ, nhờ bạn bè nói hộ, mãi hàng chục năm mới được ban cho một chức quan nhỏ. Vì vào thời ấy, những trí thức như Đỗ Phủ, muốn sống, thì phải ra làm quan – cái nghề duy nhất!

Cuộc sống sau này trong ly loạn, tha phương, nghèo đói…, và bộ mặt của triều đình đã làm ông “vỡ mộng”. Nhưng không làm ông thay đổi cái chí nguyện yêu dân, yêu nước, yêu đời của mình.

Cái lạ lùng đầu tiên của Đỗ Phủ là làm sao ông xuất thân tầng lớp trên, mà ông lại kiên trì đi về phía nhân dân, phát ngôn cho họ, phát ngôn cho lý tưởng tốt đẹp, cao cả của mình. “Cùng niên ưu lê nguyên” (Cả năm lo cho dân đen”. (Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự). Chắc chắn phải có một truyền thống văn hóa sâu dày hàng nghìn năm từ thời cổ đại Thương Chu mà Đỗ Phủ đã thấm nhuần sâu sắc phần tinh hoa; đặc biệt là tinh thần “thân dân” của Nho giáo nguyên thủy. Ông đã viết: “Nho quan đa ngộ thân” (Mũ áo nhà nho làm lỡ làng thân mình). Đóng vai một trí thức nho giáo, vì dân, vì nước, Đỗ Phủ đã gặp phải biết bao khốn khó. Nhưng suốt đời ông, ông không từ bỏ chí nguyện đó.

Có biết bao bài thơ vì cuộc đời nhân dân mà viết nên, từ thời chạy loạn khỏi Trường An đến thời chiến loạn: “Tam lại”, “Tam biệt”, “Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự”... Đó là những tuyên ngôn thơ của Đỗ Phủ, những kiệt tác bình thường mà phi thường của một thi nhân thời cổ. Ta phải nhận rằng, cho đến thời chúng ta đang sống, với biết bao phức tạp, biến thiên, ta vẫn thấy Đỗ Phủ, ngoại trừ phần “trung quân” khó tránh khỏi vì những ràng buộc của thời đại, thì toàn bộ tư tưởng thơ Đỗ Phủ là một đỉnh cao của tư tưởng nhân văn của nhân loại. Đó có thể gọi là tư tưởng “xã hội chủ nghĩa sơ khai” của loài người!

Chính vì vậy mà khi đánh giá thơ Đường, Viện sĩ Nga N.I.Konrad đã cho rằng nền thơ ấy đã đạt đến thời Phục Hưng (Renaissance) của nhân loại. Phục Hưng là một tư trào tư tưởng văn hóa ở châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ XV, chống ách nô dịch của lãnh chúa phong kiến của giáo hội, đòi tự do cá nhân, khích lệ khám phá thế giới… Đó là một thời đại to lớn làm lịch sử loài người chuyển sang một kỷ nguyên mới. Nó làm lay chuyển tận gốc rễ những quan niệm, tín điều cũ kỹ về thế giới, về con người, và đó là một thời kỳ mới về văn hóa – văn nghệ. Gốc rễ của phong trào ấy là sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và từ đó một giai cấp mới ra đời, giai cấp tư sản mang sứ mệnh chôn vùi giai cấp lãnh chúa phong kiến, giải phóng con người (dĩ nhiên là vẫn trong phạm vi tư hữu tư sản mà thôi).

Ở phương Đông, mà ở đây là ở Trung Quốc, do nhiều điều kiện lịch sử đặc thù, đã không có một tư trào mang tên Phục Hưng như thế. Nhưng căn cứ vào sự nghiên cứu lịch sử cụ thể về tư tưởng – văn hóa – xã hội thời Đường của Trung Quốc với những đại diện tư tưởng như Hàn Dũ韓愈 (768-824) và với những tác gia văn học vĩ đại, mở thời đại mới. N.I Konrad đã nêu lên có một thời đại Phục Hưng sớm ở Trung Quốc.

Kinh tế thời đầu Đường, thời Khai Nguyên là một nền kinh tế nông nghiệp phát triển. Với dân số khoảng dưới 60 triệu, nông dân có đủ đất để sản xuất và kinh tế phồn vinh. Các đô thị: Lạc Dương, Thành Đô, Dương Châu và nhất là Trường An là những đô thị lớn lúc bấy giờ. Trường An với một triệu dân, là một trung tâm chính trị, kinh tế và thương mại, giao lưu văn hóa. Nơi đó có hàng triệu người Ba Tư, người Trung Á đến ở, qua lại buôn bán, mua hàng và họ đem đến cho Trường An những chất liệu, sắc màu văn hóa mới lạ. Chính cái không khí đa dạng đó của Trường An cũng góp vào một nét độc đáo nữa: đó là một nền văn hóa rộng mở. Đạo Nho vẫn là đạo chính thống, là cơ sở chủ yếu của văn hóa Trung Quốc. Nhưng người ta tiếp nhận cái tinh túy của đạo Nho nguyên thủy để làm “trượng phu”, làm con người nhân nghĩa lễ trí tín, đồng thời tiếp nhận ở Phật giáo tình thương, sự giác ngộ về cái hư tịch của cuộc đời và danh vọng, tiếp nhận ở Đạo giáo (xuất phát từ Lão - Trang) cái tinh thần biện chứng của việc nhìn đời (các vua Đường họ Lý, cùng họ với Lý Đam – Lão Tử - nên rất sùng bái Lão Tử)…

Cái “mã” của thơ Đường mà GS Phan Ngọc với một cái nhìn bậc thầy xướng lên và đang được quan tâm thảo luận, theo tôi nó nằm ở sự đối nghịch (contraste et opposition). Quy luật cơ bản của nghệ thuật là quy luật của sự đối nghịch như Vưgôtxki quan niệm. Và ở thơ Đường, nhất là ở thơ thất ngôn, một thể loại chính đòi hỏi sự “đối”, từ đó dẫn đến một cách tự nhiên những đối nghịch nghệ thuật vĩ đại: “Cửa quan rượu thịt ôi – Ngoài đường xương chết rét”. Chính cái đối nghịch này của thơ Đường là sự nghiền ngẫm và tiếp nhận sáng tạo những đối nghịch biện chứng thâm trầm trong triết học Lão Tử.

Vào thời Đường, hội họa, âm nhạc, vũ đạo… cùng phát triển đến đỉnh cao, tạo nên cái nền văn hóa, cái cơ sở văn hóa cho thi ca phát triển.

Riêng về mặt thi ca thôi, thì sự tích lũy vốn của truyền thống để mở đường cho Đỗ Phủ là rất to lớn. Sự vận động của thi ca từ Kinh Thi qua thời Hán, Ngụy, Lục Triều…, trong đó nổi bật lên tên tuổi của Đào Uyên Minh, Tạ Diểu, Bão Chiếu, Dữu Tín mà Đào Uyên Minh có một vai trò to lớn nhất đóng góp vào sự ra đời của thơ Đường. Nghệ thuật từ bỏ cái hoa mỹ trống rỗng, gắn với cuộc sống và từ cái cao cả, cái phổ quát hướng tới cái cụ thể, cái hàng ngày. Vừa tiếp nối truyền thống, vừa vượt truyền thống, đó là thành tựu nổi bật của các nhà thơ Đường. Và Trần Tử Ngang 陳子昂 (661-702) mở ra cả một thời kỳ rực rỡ của thơ Đường, được những người đời sau kính trọng. Mạnh Hạo Nhiên孟浩然 (689-740) được Lý Bạch tôn là “phu tử” – (Ngô ái Mạnh phu tử), một nhà thơ mà thơ chứa đựng số phận tác giả, giản dị và trong sáng lạ thường.

Rồi tứ Vương Duy王維 (701-761), Cao Thích高適 (702-765), Sầm Tham 岑參 (715-770), Vương Xương Linh 王昌齡 (694-756), những nhà thơ đồng thời với Đỗ Phủ và Lý Bạch. Họ, bằng những thành tựu khác nhau, đều góp phần cho sự xuất hiện cùng một lúc hai thi hào vĩ đại nhất của Trung Quốc là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Đó là hai thiên tài. Lý Bạch là tượng trưng cho khát vọng tự do của con người, là nhà thơ tiên tri, nhà thơ bậc thầy, nhà thơ sánh mình ngang với thiên nhiên vĩ đại, cũng chan chứa nỗi đau nhân thế…

Vì thế mà Konrad (2) đã đi đến kết luận rằng ở Trung Quốc từ thế kỷ VIII đã có tư trào Phục Hưng. Kết luận này có vẻ ngược đời, nghịch lý, khó được chấp nhận, vì làm sao phương Đông – Trung Quốc lại đi trước phương Tây.

Nhưng nếu nhìn vào thực tế văn học, nhất là nhìn vào Đỗ Phủ - Lý Bạch… thì thấy kết luận của Konrad là có sức thuyết phục. Vấn đề nữa là, có những thời đại văn học tuyệt nhiên không liên quan gì đến sự phát triển của kinh tế. Kế thừa thời văn hóa cổ đại huy hoàng, với điều kiện sự phát triển kinh tế - văn hóa - tôn giáo, sự giao lưu văn hóa thế giới; vào những thế kỷ đó, Trung Quốc đã đủ độ chín để bước vào một thời Phục Hưng sớm hơn phương Tây chừng 7 thế kỷ. Dĩ nhiên, đây là một thời đại Phục Hưng chủ yếu là trong tư tưởng văn học, có những mặt chưa toàn diện như Phục Hưng phương Tây sau đó.

Konrad viết: “Lý Bạch cùng với Vương Duy và Đỗ Phủ (…) là những người khởi xướng thực sự cho nền thơ ca vĩ đại của thời đại Phục Hưng Trung Quốc, mà thời Phục Hưng Trung Quốc lại mở đầu cho kỷ nguyên Phục Hưng ở tất cả các nước Đông Á”.

Vấn đề là đối với Đỗ Phủ, chúng ta thấy rõ mồn một chủ nghĩa nhân văn mới với trung tâm chú ý là con người – những khổ nạn của con người – những khát vọng của con người. Mặt khác, trong hình thái của nghệ thuật thể hiện, thì từ Đỗ Phủ bắt đầu một chủ nghĩa hiện thực đích thực, chín mùi, già dặn, một chủ nghĩa hiện thực lấy những chi tiết của bản thân đời sống làm chất liệu nghệ thuật. Mặt khác, nó tuân thủ triệt để đặc điểm: tác giả không hề can thiệp, rao giảng, thuyết minh mà để sự vật và tình thế tự nó nói lên. Ta hãy xem Thạch Hào lại với màn kịch nhỏ - bi kịch của một gia đình nông dân trong chiến tranh với 3 đứa con ra lính, đứa con dâu bế con nhỏ không mảnh quần lành, ông già vượt tường trốn bắt phu và bà già phải đi phu thay – nấu cơm cho lính – Kết thúc: sáng hôm sau, tác giả lên đường, chỉ cùng ông già từ biệt (Thiên minh đăng tiền đồ- Độc dữ lão ông biệt” 天明登前途, 獨與老翁別).

Có thể nói rằng, từ Kinh Thi, một chủ nghĩa hiện thực cổ đại, xuất phát từ chân lý cuộc sống, đã làm nên một truyền thống lớn trong văn học Trung Quốc. Nhưng đến đời Tề Lương cả Sơ Đường, cái “Thi phong phù hoa, diễm lệ Sơ Đường”, cái phong cách chuộng từ ngữ đẹp mà coi nhẹ tư tưởng – cuộc sống xã hội… đã làm cho thơ rơi vào “phù phiếm”. Đỗ Phủ đã dựng dậy truyền thống Kinh Thi và vượt Kinh Thi, tạo nền thơ ca mới, mạnh khỏe, lực lưỡng, tràn đầy suy tư mới về con người và xã hội.

Mặt khác, như Hàn Dũ đã biện thuyết, việc quay về truyền thống nhân văn cổ đại (“phục cổ”), việc chú ý đến con người (nhân), tức là đề cao chủ nghĩa nhân văn…, đã tạo nên một hệ tư tưởng mới rất gần với tư tưởng Phục Hưng. Và Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy, Bạch Cư Dị… là những ngọn cờ đầu của chủ nghĩa nhân văn mới đó.

Cho nên, vai trò quan trọng hàng đầu của Đỗ Phủ trong suốt lịch sử văn học – lịch sử văn hóa Trung Hoa chính là vai trò của một ngọn cờ - tư tưởng- nghệ thuật có tính chất mở thời đại. Những nhà lý luận – nhà thơ đồng thời với ông, đã nhận ra điều đó khi viết:

“Đỗ Tử Mỹ trên làm mờ cả Phong Tao (Kinh Thi, Sở Từ), dưới thì kiêm cả Thẩm-Tống (Thẩm Thuyên Kỳ 沈佺期, Tống Chi Vấn 宋之問); lời thơ vượt cả Tô-Lý (Tô Vũ 蘇武, Lý Lăng 李陵), khí thơ nuốt cả Tào-Lưu (Tào Thực 曹植, Lưu Côn 刘琨); che khuất đỉnh cao Nhan-Tạ (Nhan Diên Chi 顏延之, Tạ Linh Vận 謝靈運); nhuộm cả dòng thắm Từ-Dữu (Từ Lăng 徐陵, Dữu Tín 庾信); có được tất cả thể thế cổ kim và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay, chưa có ai như Đỗ Tử Mỹ” (Nguyên Chẩn).

杜子美上薄風騷下該沈宋,言奪蘇李氣吞曹劉,掩顏謝之孤高,雜徐庾之流麗,盡得古今體勢,兼人人之所獨專,則詩人以來,未有如子美者.

(Đỗ Tử Mỹ thượng bạc Phong Tao, hạ cai Thẩm, Tống, ngôn đoạt Tô, Lý; khí thôn Tào, Lưu, yểm Nhan Tạ chi cô cao, tạp Từ, Dữu chi lưu lệ; tận đắc cổ kim thể thế, kiêm nhân nhân chi sở độc chuyên, tắc thi nhân dĩ lai, vị hữu như Tử Mỹ giả”).

***

Thơ Đỗ Phủ, gần hơn 5000 bài, nay chỉ còn hơn 1400 bài, là một bách khoa thư về cuộc sống – con người; trong đó chứa đựng những chi tiết cụ thể của thời đại ông, nhưng tính toàn nhân loại, tính vĩnh cửu… cùng hiện lên rất rõ.

Người ta gọi thơ Đỗ là “thi sử”. Đó là một nhà chép sử bằng thơ – một Tư Mã Thiên bằng thơ. Người ta có thể gặp trong thơ Đỗ cái kiêu xa của cung đình, cái khổ nạn của dân quê, cái bạo ngược của loạn quân, cái thảm biệt của gái tiễn chồng ra trận, cái hoang vắng thê lương của biên tái; cũng có thể gặp cái hùng vĩ của núi sông, cái hiu hắt của mùa thu, cái sáng trong của đêm trăng, cái diễm lệ của hoa xuân, cùng cái trác tuyệt của điệu múa, cái sinh động của hội họa…

Yêu và giận, thương lo và phấn khích, tất cả những cung bậc tình cảm của con người đều được gởi gắm vào thơ. Một thời đại loạn ly, chiến trận, trôi giạt, đói rét, buồn đau và tuyệt vọng… Trải qua thời đại ấy, Đỗ Phủ bộc lộ tất cả phẩm chất cao quí của một con người.

Một con người trí thức, một con người văn hóa, một con người ý thức sâu sắc về sứ mệnh “làm người”. Ông lo toan cho Tổ quốc, cho triều đình, mừng vui khi thắng trận (“Sách vở ngừng xem sướng muốn cuồng” Mạn quyển thi thư hỉ dục cuồng); lo toan khi quân đội triều đình sơ hở, tiến gấp quá… Ông phản đối chiến tranh (Binh xa hành), phản đối “khai biên” xâm lược. Ông đau xót trước cảnh dân lành bị bắt lính, bị ra trận, bị chết trận… Con người vĩ đại về văn hóa đó hòa quyện làm một với số phận người dân đen. Ông cũng sẻ chia cùng những hàn sĩ trong thiên hạ. Gió thu thổi trốc ngôi nhà tranh của ông, ông chịu, nhưng ông mong có một ngôi nhà vạn gian để che cho hàn sĩ thiên hạ. Thật là tấm lòng của một vĩ nhân, thật là những tư tưởng của ước mơ nhân loại về hạnh phúc, về một chủ nghĩa xã hội đại đồng! Ước mơ ấy chỉ là ước mơ, chỉ là ảo tưởng tốt lành thôi, nhưng quí biết bao một tấm lòng thành thực.

Hình tượng trung tâm của thơ Đỗ chính là con người Đỗ Phủ. Một con người yêu nước, thương dân, lo đời; một con người toàn diện, phong phú trong quan hệ vợ con, bè bạn, trong quan hệ với thiên nhiên, một con người tiêu biểu cho văn hóa Trung Hoa bao nhiêu thế kỷ, “sách đọc vỡ muôn quyển – hạ bút như có thần”, “phú liệu Dương Hùng địch  - thơ xem Tử Kiến gần”, “bất bạc kim nhân, ái cổ nhân” (Phụng tặng Vi Tả thừa trượng nhị thập nhị vận). Con người ấy, nhìn từ thế kỷ 21 ngày nay, 1300 năm trôi qua rồi, vẫn thấy gần gũi, thân thương, vẫn thấy “hiện đại”, thấy mới ! Đó là vì chủ nghĩa nhân văn mà Đỗ Phủ suốt đời hiến mình, theo đuổi, vẫn còn là cái đích còn xa của toàn nhân loại.

Hạn chế có tính chất thời đại của Đỗ Phủ là “trung quân”. Nhưng ông không “trung quân” mù quáng. Ông phản đối chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh “khai biên” của triều đình, phản đối sưu cao thuế nặng, bắt phu bắt lính, và dĩ nhiên ông ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của triều đình chống xâm lược, chống phản loạn…

Những vấn đề mà thời đại đặt ra cho Đỗ Phủ, hơn 1300 năm rồi, vẫn còn đặt ra gay gắt cho thời đại chúng ta, vẫn còn ám ảnh chúng ta… Hi vọng của nhân loại vào một chủ nghĩa nhân văn mới, một chủ nghĩa nhân văn dựa trên sự phát triển phi thường của sức sản xuất và một quan hệ trong suốt giữa con người, “tự do của mỗi người là điều kiện cho tự do của toàn xã hội” (K.Marx) chưa được thực hiện, trong khi đói nghèo, chiến trận, căng thẳng giữa các nước không hề giảm…

Trong hoàn cảnh đó, Đỗ Phủ vẫn là một người bạn lớn, một người đồng chí, một ngọn cờ vẫy gọi chúng ta đi qua những khổ nạn trên “hành trình qua thống khổ” của nhân loại.

----------------

1.“Phóng đãng Tề Triệu gian – Cầu mã phả thanh cuồng 放蕩齊趙間, 裘馬頗清狂” (Chơi lung khắp cả miền Tề Triệu, Mặc áo cừu, cưỡi ngựa thật là khá ngông cuồng mà thanh cao). Tráng du – Đỗ Phủ.

2.Trở lên, phần tiểu sử, viết theo Lương Giám Giang, Đỗ Phủ thi tuyển, Hồng Kông, 1984.

3.Konrad. Phương Đông học. Trịnh Bá Đĩnh dịch. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học, H.,2007, tr.545.

Mai Quốc Liên