Sáng ngày 18-12-2013, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh, 12-1963 – 12-2013). Tất cả các vị lãnh đạo chủ chốt của TP.Hồ Chí Minh, đứng đầu là các đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy, Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư, Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư thường trực, Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư - Chủ tịch HĐND, Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo, Hứa Ngọc Thuận - Ủy viên thường vụ - Phó Chủ tịch UBND…, cùng nhiều đại diện quân đội, đoàn thể… đã đến dự, thể hiện tình cảm yêu mến quý trọng văn nghệ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương đã dự và phát biểu chào mừng. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội cùng đại diện các Hội từ Huế, Đà Nẵng, miền Tây, miền Đông Nam Bộ và đông đảo văn nghệ sĩ nhiều thế hệ đã đến dự lễ.
50 năm. Từ năm đáng nhớ 1963, năm đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm và sau đó cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ hết sức sôi động, tại một căn cứ ngoại vi Sài Gòn, Hội Văn nghệ Giải phóng thành lập (do ông Trương Bỉnh Tòng làm Chủ tịch và ông Viễn Phương, nhà thơ, làm Tổng thư ký). Sự kiện văn hóa đó, hôm nay nổi bật lên tầm cỡ của nó. Từ đó, phong trào đô thị Sài Gòn - miền Nam đã lật giở qua những trang ngời chói vinh quang, hy sinh, máu lửa… Những trang văn thơ, kịch bản sân khấu, những lời ca tiếng hát… đã bay lên từ những tâm hồn yêu nước bất khuất, dám chống lại kẻ thù lớn mạnh hiểm ác gấp trăm lần để bảo vệ phẩm giá dân tộc, bảo vệ Tự do và Độc lập cho Tổ quốc. Từ sau năm 1975, văn nghệ đã đạt những thành tựu mới quan trọng(1).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Thanh Hải nhiệt liệt biểu dương mặt trận văn nghệ Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh và đề ra những nhiệm vụ sáng tạo mới của thời kỳ mới, thời kỳ thành phố hoàn thành những nhiệm vụ trọng đại của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng văn hóa, xây dựng con người…
Nhà thơ Hữu Thỉnh, người đã có mặt trong đoàn xe tăng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4- 1975: “Độc lập theo tăng vào cổng chính. Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!... Tự do xanh quá, mênh mông quá. Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi…”(2) đã phát biểu một bài diễn văn xúc động và sáng rõ, trước các bạn đồng nghiệp phương Nam về thành tựu và triển vọng công việc nặng nề phía trước.
Quả vậy, nhìn lại 50 năm với biết bao tâm huyết, hy sinh, cố gắng, với những liệt sĩ như Dương Tử Giang, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân…, với lời dặn của nhà văn Dương Tử Giang trước khi bị địch sát hại: “Nếu ai còn sống, sẽ sống và chiến đấu bằng cả sức mạnh của người đã chết”(3); ngày nay văn nghệ đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Thách thức về tâm huyết, tầm nhìn, cách nhìn, lẽ sống, thách thức về trình độ nghề nghiệp trong hội nhập văn hóa toàn cầu, làm sao cho vừa là nhân loại vừa là dân tộc… Một thành phố với tỷ lệ 1/3 GDP và 1/3 ngân sách, một thành phố có gần 10 triệu dân… phải là một thành phố của văn hóa, văn nghệ hàng đầu…
_____
(1) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Hội Nhà văn TP.HCM đang làm một công trình tổng kết “Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh (1900-2000)” gồm vài vạn trang, trong đó có các thời kỳ văn học này.
(2) Thơ Hữu Thỉnh: Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập.
(3) Theo Viễn Phương.