Cuối năm 1962, nhà văn Liên Xô Juri Barabash, Phó tổng biên tập tờ Báo Văn (Literaturnaja Gazeta), một tờ báo lớn có uy tín ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, sang thăm Việt Nam. Sau khi tham dự một số hoạt động văn hóa ở Hà Nội như Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, một vài cuộc tọa đàm, ông bày tỏ một nguyện vọng tha thiết là được đến vùng giới tuyến ở Vĩnh Linh trước khi đi thăm các danh lam thắng cảnh khác như Vịnh Hạ Long, Hòa Bình để tận mắt chứng kiến cảnh đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Tôi được nhà thơ Hoàng Trung Thông trong Ban Thường vụ Hội Nhà văn nhờ làm phiên dịch kiêm hướng dẫn viên cho bạn trong chuyến đi này. Đoàn đi chỉ gồm ba người: nhà văn Barabash, tôi và bác tài đã đứng tuổi lái chiếc xe Chevrolet do đồng chí Thuật, Chánh văn phòng Hội Nhà văn, đi thuê. Thoạt tiên tôi không dám nhận lời vì lúc ấy tôi là sinh viên mới tốt nghiệp ở Liên Xô về công tác tại Viện Văn học nên chưa thông thạo đường sá, và chưa có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc hành trình dài ngày đến một nơi nước sôi lửa bỏng rất phức tạp này. Anh Hoàng Trung Thông liền mỉm cười vỗ vai tôi: “Chúng mình tin cậu sẽ làm được. Đừng lo. Không biết thì hỏi. Anh Ninh bên Ủy ban liên lạc Văn hóa đối ngoại sẽ hướng dẫn cho cậu cách đi và cách liên hệ công tác ở các địa phương”. Được sự tin tưởng và động viên của anh Hoàng Trung Thông, tôi đã thấy tạm yên tâm và đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn này. Và đây cũng chính là chuyến đi dài ngày đầu tiên của tôi ở trong nước với nhiều kỷ niệm không bao giờ quên.
Sau khi trở về nước, nhà văn Juri Barabash đã viết bài hồi ký Con sông vắng bến phà đăng trên tờ Báo Văn (số 24 ngày 23-2-1963) mà chúng tôi xin phép giới thiệu sau đây.