Kỹ sư Lê Huy Cận - Chủ tịch Hội Người yêu Huế tại Pháp đã ra đi

Do cái nghiệp nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa, tôi đã gặp kỹ sư Lê Huy Cận từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước để rồi từ đó tôi được làm một đầu mối của Hội Người yêu Huế tại Huế. Gần 30 năm cùng chia sẻ những thông tin và công việc “Yêu Huế”, kỹ sư Lê Huy Cận trở thành một người có quan hệ sâu sắc trong cuộc đời nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa của tôi. Nhân 49 ngày mất (1/5/2012–18/6/2012) của ông tôi ghi lại đôi nét về ông mà những người Huế từng làm việc với ông còn nhớ.

Lê Huy Cận là người gốc Nghệ An, sinh ngày 28/12/1930 tại Đồng Hới- tỉnh Quảng Bình. Cha mẹ mất sớm, ông được người chị là bà Lê Thị Huy Viện tảo tần nuôi ăn học tại Huế và sau đó ông được học bổng du học Pháp. Ông đậu kỹ sư điện và làm việc cho ngành điện lực Pháp cho đến tuổi hưu trí.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, trong lúc thành phố Huế cũng như các tỉnh thành khác của nước Việt Nam còn đang khó khăn trong việc tìm đường quan hệ với nước ngoài và Việt kiều để phát triển thì kỹ sư Lê Huy Cận cùng bạn bè người Huế tại Pháp lập nên Hội Người yêu Huế  (Association des Amis de Hue) để giúp Huế. Hội đã giúp đặt mối quan hệ Paris với Huế.

Qua ông, thành phố Huế được những người Huế và người yêu Huế (Việt kiều và cả người Pháp) giúp đỡ Huế về kinh tế, y tế, làm từ thiện và đặc biệt giúp giới thiệu Huế với Pháp. Ông cùng với bạn bè người Việt và người Pháp trong Sở Điện lực Pháp (EDF) thành lập Câu lạc bộ Pháp-Việt (gọi tắt là CODEV) nhằm giúp đỡ công nghệ, kỹ thuật cho ngành điện lực tại Huế. CODEV đã giúp hệ thống đèn cao áp đầu tiên tại Huế chạy dài từ Đập Đá đến Ga Huế. CODEV cũng đã hợp tác với Công ty Du lịch Huế thành lập Công ty liên doanh Việt-Pháp (có tên Việt Pháp Service, gọi tắt là VP Service) hỗ trợ cho ngành du lịch Huế tổ chức các tour du lịch Việt Nam cho người Pháp và Việt kiều.

Một phần lợi nhuận thu được, VP Service tái đầu tư vào những chương trình phúc lợi xã hội cho bà con nghèo ở Thừa Thiên Huế. Vào những năm 90 trở về sau Hội Người yêu Huế thực hiện chương trình dưỡng dục trẻ em đường phố (Foyer de Chi Lăng), cấp học bổng cho học sinh nghèo, xây nhà mẫu giáo, trạm y tế cho dân nghèo ở Huế (Vỹ Dạ, Xuân Phú), và ở các huyện (Phong Điền, Nam Đông, A Lưới). Hội đã cung cấp sách ảnh, đồ chơi và tài trợ xây dựng các thư viện đồ chơi ở các trường mẫu giáo, khoa nhi Bệnh viện Trung ương Huế…

Kỹ sư Lê Huy Cận là người tạo điều kiện cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế tiếp xúc, vận động trí thức yêu nước ở Pháp tiến hành các hoạt động văn hóa, khoa học nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam ở Huế. Công cuộc vận động của ông được nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, họa sĩ Lê Bá Đảng, Tiến sĩ Trương Nguyên Trân, ông bà Tiến sĩ Trần Thanh Vân - Kim Ngọc... hoan nghênh và nhận lời về định cư ở Huế hoặc đem một phần sự nghiệp nghệ thuật của mình về Huế, hoặc cấp học bổng cho học sinh nghèo…

Ông cũng thiết kế các chương trình hợp tác phi tập trung giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Huế với các đối tác Pháp như vùng Poitou-Charentes, vùng Nord-Pas-de-Calais, Bretagne, thành phố Rennes, Lille, Blois… Mỗi năm trung bình có từ 50 đến 80 sinh viên, có năm hơn 100 sinh viên Pháp đến Huế không chỉ đem lại những đóng góp tiền của cho người dân mà quan trọng hơn là tạo ra sự thân thiện, đồng cảm về văn hóa, về tình người với nhau.

Ông cũng mời các họa sĩ Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang ở Huế qua Paris triển lãm tranh. Các bác sĩ của Đại học Y khoa Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, cán bộ du lịch Huế đi tu nghiệp ở Pháp đều được ông đón tiếp và hướng dẫn làm quen với sinh hoạt ở Pháp trước khi họ nhập học và nghiên cứu.

pic
Từ trái sang: GS Mai Quốc Liên, GS Lê Thành Khôi, TS Thu Trang, Kỹ sư Lê Huy Cận và một người yêu Huế tại Pháp, năm 2005. Ảnh: N.Đ.X


Năm 2005, Hội Người yêu Huế đã mời đoàn Trung tâm Nghiên cứu Quốc học do GS-TS Mai Quốc Liên dẫn đầu sang Pháp và đích thân kỹ sư Lê Huy Cận cùng với Tiến sĩ Thu Trang hướng dẫn cho đoàn đi nói chuyện về văn học Lý Trần với Phật tử thuộc chùa Trúc Lâm, làm việc với Giáo sư Lê Thành Khôi tìm hiểu về các công trình nghiên cúu về lịch sử văn học Vệt Nam, lịch sử nghệ thuật Việt Nam; đi thăm Bảo tàng Lịch sử sống có dựng tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Montreuil.

Đóng góp quan trọng và có giá trị lâu dài trong trao đổi văn hóa Việt Pháp là ông đã vận động được đối tác tài trợ cho việc trùng tu Văn Thánh, tổ chức sự kiện Festival Việt Pháp do CODEV và UBND thành phố Huế thực hiện vào năm 1992 làm nền tảng cho những Festival Huế sau này.

Cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, việc quan hệ quốc tế của Thừa Thiên Huế đã thông thoáng, đạt được nhiều kết quả, vai trò giúp Huế của Hội Người yêu Huế không còn quan trọng nữa nhưng cái tên Hội Người yêu Huế gắn liền với kỹ sư Lê Huy Cận vẫn gần gũi thân thương trong lòng người Huế ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Vì thế, khi được tin kỹ sư Lê Huy Cận qua đời vào ngày 1/5/2012 tại nhà riêng của ông ở Paris (Pháp), lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế, văn nghệ sĩ và người dân Huế hết sức xúc động.

pic
Kỹ sư Lê Huy Cận (giữa) cùng GS Mai Quốc Liên (bìa trái) và ông Nguyễn Đắc Xuân ở chùa Trúc Lâm - Paris năm 2005

Với tấm lòng yêu Huế sâu sắc, Hội Phật tử chùa Trúc Lâm, gia đình và bạn bè yêu Huế đã tổ chức tang lễ cho ông rất  trang trọng. Thi hài của ông được hỏa táng vào ngày 12/5/2012, tro cốt của ông được thờ tại chùa Trúc Lâm (Paris, Pháp). Đến dự lễ tiễn đưa ông có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế, các thành viên Hội Người yêu Huế tại Pháp, tổ chức CODEV, các thành viên Hội Phật tử chùa Trúc Lâm, nhiều người Pháp bạn bè của ông, đặc biệt có người con trai của bà Huy Viện – chị của ông từ Hà Nội sang dự.

Kỹ sư Lê Huy Cận đã được giải nghiệp, thương tiếc ông, tôi xin cầu nguyện cho hương hồn ông sống mãi với quê hương đất nước.

Nguyễn Đắc Xuân