Kỳ tích chú ngựa hồng

Mới tờ mờ sáng, đất trời biên cương đang đằm gió, đằm sương bỗng một chú ngựa hồng rẽ mây trời lao như tên đến. Chú ngựa dừng lại trước cửa Trạm y tế biên giới. Bờm chú ngựa ướt đẫm sương đêm, bay bay trong gió núi. Đôi mắt khuyên vàng của chú mở to như hai ngọn đèn chiếu thẳng vào cổng trạm. Hai chân sau chú ngựa đứng thẳng lên, hai chân trước thi nhau khỏa mây trời. Người trong Trạm y tế đã nhận ra chú ngựa hồng này của đồn biên phòng số 9. Và, họ cũng biết chuyện đồn về con ngựa này rất mê tiếng huýt sáo theo nhịp điệu bài hát “Vượt đèo xuân bước tới chân mây...”. Anh bác sĩ của trạm thì đoán rằng đêm qua có một chiến sĩ của đồn tên là Lục nhập trạm băng bó vết thương, chắc chú ngựa đến tìm người chiến sĩ đó. Anh bác sĩ cầm chiếc áo của Lục ra cho chú ngựa nhận hơi. Chú ngựa hồng hít, ngửi chiếc áo, cắn chiếc áo, nó lồng lên, hí từng tràng dài như để thỏa sự tìm nhớ. Chân chú ngựa cào mạnh xuống đá núi. Đá tóe lửa như đánh diêm. Chú ngựa hung hăng định xông vào trạm.
Chuyện kỳ tích chú ngựa hồng bắt đầu như thế.

...Từ ngày đội trưởng Lục được làm chủ chú ngựa hồng này, anh đã nhận ra tướng mạo kỳ dị khác thường của nó. Chú ngựa có bờm dựng cao như cái mào bay phất phơ trong gió, bốn chân có đủ bốn khoáy và một khoáy ở đỉnh đầu. Chú ngựa có bộ chân dài hơn hẳn những chú ngựa khác, móng dày, mũi khô, đôi mắt sáng trong có khuyên vàng. Đúng, chú là giống ngựa quý phái, kiêu hùng. Giống này thì khôn và quý chủ. Nhưng có thể đây là chú ngựa bất kham, khó dạy... “Phải chinh phục nó bằng lòng thương yêu nó”. “Nuôi người thì người trả ơn, nuôi vật thì vật trả nghĩa”, nghĩ thế, Lục đã xem chú ngựa như “người bạn thân, bạn chiến đấu”. Lục đặt tên cho nó là Phong. Phong có nghĩa là “phi nhanh như gió”. Ngoài Lục ra, không một chiến sĩ nào trong đội kỵ binh sờ được vào lưng nó. Nêu nó bị ép để cho người khác ngồi lên lưng thì chỉ trong nháy mắt, nó rùng mình, nhảy lồng, đá hai chân sau để người văng xa 2-3 mét. Hoặc nó lao vào bụi cây rậm đầy gai để người treo lại trên cây. Nhưng với Lục, nó chỉ là một chú bê non, thuần phục. Vắng Lục một ngày, chú đứng ngẩn ngơ, thẫn thờ nhìn về phía nhà Lục ở. Chú dỏng đôi tai mỏng lên lọc trong âm thanh sâu thẳm của núi rừng tìm nghe tiếng nói, tiếng huýt sáo theo nhịp điệu bài hát thân quen anh thường hát “Vượt đèo xuân bước tới chân mây, núi non này ta đã leo tháng ngày...”. Những chuyến tuần tra nghỉ lại trên lưng đèo, bên bờ suối vắng, Lục nằm trên võng, con Phong đứng sát bên. Chú vẫy đôi tai, quất mạnh đuôi xua ruồi vàng, đuổi muỗi cho anh. Chú hí nho nhỏ như tiếng ru nâng giấc ngủ cho anh.

Ngày học ở trường, Lục đã biết rằng từ xa xưa ngựa là gia súc thân cận với cuộc sống, gắn bó về lịch sử văn minh của loài người. Ngựa là một thành phần quan trọng trong xã hội loài người. Loài ngựa vốn tính thân thiện, thích sống hòa đồng với nhau và cũng rất quyến luyến nhau. Nhưng ngựa có tính “ích kỷ số một” về mặt tình cảm. Trong đàn, con ngựa đực đầu đàn được chiếm đặc quyền “kham” hết ngựa cái. Muốn được tôn lên chức đầu đàn thì chúng phải thi tuyển “nghiêm ngặt”, con nào kêu ré lên to nhất, vang nhất, dài hơi nhất thì chiếm ngôi “quán quân”. Nếu con ngựa đầu đàn phát hiện “chị em” nào trong đàn “ngoài luồng”, trót có thai với con khác thì nó hành hạ đến sảy thai mới thôi – với mục đích nó toàn quyền truyền nòi giống của nó. Người ta đã biết sở dĩ loài ngựa hăng hái “món ấy” là vì bộ phận “nhạy cảm” của nó tiết ra quá nhiều chất Testosterone. Một tuổi rưỡi, ngựa đã bước vào tuổi trưởng thành, “giao tình” dày đặc trong suốt mùa đông - xuân. Nên để tận dụng sức lực của ngựa vào công việc, người ta đã nghĩ ra trò “thiến” nó.