Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam giải quyết được nhiều câu hỏi, trước hết là cho những người thực hiện chương trình. Bởi vì dù có nghe Khe Sanh bao nhiêu lần mà không trực tiếp gặp những người trong cuộc thì cũng không thể hiểu hết được. Năm 1968, tôi được 5 tuổi, thấy người ta khóc chồng và nghe bảo là “Chú ấy chết ở Khe Sanh đấy!” thì cũng chỉ biết thế thôi. Sau này lớn hơn, thấy người ta tranh luận: Việt Nam mình có để tốn xương máu vào Khe Sanh quá không? Mỹ thì nói đến Khe Sanh là “một sự ngỡ ngàng”. Mới đây thì Tổng thống Mỹ Obama cũng nhắc đến Khe Sanh như một nơi Mỹ phải trả giá đắt bằng máu. Và gần đây nhất, nhiều người lại đánh giá Khe Sanh là một trận đánh nghi binh cho Mậu Thân…
Mục đích của những người làm chương trình chúng tôi là tìm thông điệp cho bản thân và chia sẻ cho người chưa có điều kiện tìm hiểu Khe Sanh: Vì sao ta thắng? Những câu chuyện của những tướng lĩnh và chiến sĩ Khe Sanh có máu, mồ hôi và nước mắt. Họ là những người bình thường nhưng khi Tổ quốc cần thì trở thành phi thường, và đó là đặc tính của Gióng. Điều này, năm 2000 tôi đã nghe từ GS Trần Văn Giàu, nhưng chưa lĩnh hội được sâu sắc như bây giờ. Họ chính là những ông Gióng. Và không chỉ có họ, mỗi người dân Việt Nam, bất cứ lứa tuổi nào, thời đại nào, khi Tổ quốc gọi tên, đều trở nên phi thường. Và khi chiến tranh kết thúc lại trở về với đất đai ruộng vườn, bình thường như xưa.

|
Nhà báo Thu Uyên |
* Người xem đã từng chăm chú theo dõi Tại sao không?, rồi Như chưa hề có cuộc chia ly, Trở về từ ký ức mà chị là chủ nhiệm và người dẫn chương trình. Và bây giờ rất ấn tượng về chương trình kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh. Xin chị chia sẻ một vài câu chuyện về cuộc đời anh bộ đội Cụ Hồ mà chị có may mắn được gặp?
- Trong 4 tháng làm chương trình, chúng tôi đã tiếp xúc khoảng 600 cựu chiến binh. Cuộc đời nào cũng đáng trân trọng, cũng đáng đưa lên truyền hình, không chỉ 2 giờ phát sóng chứ 10 giờ phát sóng chúng tôi cũng sẽ có những câu chuyện hay như thế. Ở đây tôi chỉ xin đưa ra hai nhân vật mà đặc biệt quý trọng như là thầy của mình.
Thứ nhất là bác Đào Xuân Thái, 85 tuổi, ở Yên Bái, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phai Khắt, gần như là một tiểu đoàn độc lập. Thứ hai là bác Hồ Bắc, 85 tuổi, người Vân Kiều, đã từng chiến đấu và hiện giờ sống tại Khe Sanh; 85 tuổi vẫn làm rẫy, vẫn trồng cà phê. Họ là những người đã hiên ngang đi qua hai cuộc chiến tranh: chống Pháp rồi chống Mỹ, và giải phóng trở về làm nông dân cho đến bây giờ.
+ Bác Đào Xuân Thái trong trận Điện Biên Phủ bị bắn ở chân. Trước Cách mạng tháng Tám, có lần bác Thái mặc giả quần áo của một đồng chí Trung ương để cho đồng chí đó trốn thoát, còn mình thì nhận lấy hiểm nguy… Tới thời chống Mỹ, bác là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phai Khắt - tiểu đoàn làm công tác nghi binh, nghĩa là tự làm trận địa giả để thu hút bom B-52. Người Tiểu đoàn trưởng, cũng như ít ỏi các chiến sĩ Phai Khắt còn sống hầu như đã quên những kỳ tích họ đã làm nên trong chiến dịch Khe Sanh 1968, và người ta cũng đã không còn nhớ về chiến công này nữa.
Sau chiến thắng Đường 9 Nam Lào năm 1971, bác Thái đưa 2.000 tù binh ra Yên Bái để cải huấn. Tất nhiên đây là những tù binh ngoan cố nhất, nhưng chính sách của mình là phải cho những người ngoan cố nhất cũng thấy được chân lý. Tôi đã có hàng loạt thắc mắc: “Làm sao bác có thể chuyển đổi tư tưởng họ được?”, “Lúc ấy bác nghĩ họ là ai?”… Nếu là “đối phương”, không đúng. “Tù binh”, cũng không phải. “Nhân dân” thì chưa được. Bác Thái cũng trăn trở, và xác định, họ là những “đối tượng quần chúng” cần được giúp đỡ. Đối tượng quần chúng thì đủ mọi thành phần. Có một người ngoan cố nhất, là biệt động quân “tinh hoa” của Việt Nam Cộng hòa. Và bây giờ, họ muốn tự sát. Lần đầu là họ treo cổ, nhưng bác Đào Xuân Thái đã phát hiện và cứu kịp thời. Lần 2 họ bỏ trốn, nhưng bác cũng đã tìm lại được. Người ấy nói với bác Thái: “Ông đã hai lần cứu mạng tôi (lần 1 ở chiến trường Khe Sanh, và lần 2 là lúc treo cổ), còn tôi đã hai lần làm khổ ông. Xin ông cho tôi một viên đạn?”. Bác Thái điềm tĩnh nói: “Nếu chúng tôi muốn anh chết thì anh đã chết ngay ở Khe Sanh chứ cần gì phải đưa anh 2.000 cây số lên tận đây. Điều chúng tôi muốn là mong anh được sống để được nhìn thấy hòa bình, để anh trở về với vợ con anh…”. Sau này, anh ấy trở thành đội trưởng đội chăn bò. Đến năm 1973 ta trao trả tù binh, trại Yên Bái đóng cửa. Năm 1976, bác Thái vào Nam họp, tình cờ gặp lại người đàn ông tên Lộc, ông ấy đã có cơ nghiệp và rất mừng rỡ khi gặp lại ân nhân. Đây là một câu chuyện dài, và hấp dẫn hơn cả chuyện chiến đấu bằng súng đạn của bác Thái.

|
Một lát cắt trận Khe Sanh - Tà Cơn |
+ Câu chuyện về bác Hồ Bắc thì càng thú vị. Thú thật là suốt 25 năm làm báo của mình, tôi chưa từng gặp được một con người nào cuốn hút như vậy. Tôi đã gặp rất nhiều anh hùng, bác Hồ Bắc chưa là anh hùng, nhưng kiểu suy nghĩ của bác rất anh minh. Bác chưa từng bị báo chí làm phiền. Bác nói chuyện tuyệt đối tự nhiên. Bác sống đúng như một con người cần phải sống. Bị Pháp dồn dân vào rừng, đánh Pháp. Mỹ tới cướp đất xây căn cứ quân sự, đánh Mỹ. Năm 1967-1968, bác được phong Chiến sĩ thi đua trong bộ đội địa phương. Bác kể, hồi đó có một đồng chí mới từ ngoài Bắc vô, bảo bác đi đốt kho xăng ở sân bay Tà Cơn thì được phong anh hùng. Bác nhất định không đi vì cho rằng: “Tôi đi là tôi chết. Tôi chết thì không được nhìn thấy hòa bình”. Tôi hỏi: “Thế nhân dân yêu cầu bác có đi không?”. Bác nói: “Nếu nhân dân yêu cầu thì thế nào cũng đi. Nhưng nhân dân không yêu cầu, chỉ có một đồng chí đó thôi. Nhân dân biết nếu làm là chết mà không đốt được kho xăng”. Trong 2 giờ nói chuyện bên bếp lửa nhà bác, tôi muốn đưa hết lên truyền hình. Tiếc là chương trình chỉ trích được câu bác nói: “Khi hòa bình về rồi sướng hết biết! Mình chiến đấu để giải phóng đất nước. Mà đất nước là gì, là đất đai! Hòa bình mình lại lao về mà sản xuất. Ai muốn nuôi heo thì nuôi heo, ai muốn nuôi cá thì nuôi cá, ai muốn trồng cà phê thì trồng cà phê. Tự do! Người Việt Nam ai cũng được tự do, như trong Tuyên ngôn của Bác”. Câu nói của bác làm tôi khâm phục. Quả thật không phải ai cũng hiểu được hết ý nghĩa của cuộc chiến đấu, và của chiến thắng. Thực tế có rất nhiều người bị hẫng sau chiến tranh, vì họ không biết là buông cây súng ra thì mình sẽ làm gì. Bác Hồ Bắc may mắn hơn vì bác là nông dân. Bác lại hiểu rất cụ thể: bác cần hòa bình là để được trồng trỉa ngay trên đất đai của mình.
Tôi hỏi:
- “Thế bác có sợ Mỹ không?”
- “Tại sao phải sợ? Nó mới sợ mình!” - bác trả lời.
- “Vì sao?”
- “Vì mình nằm trên cao, mình nhìn thấy nó. Nó không có tình cảm như mình. Bộ đội mình đi đâu cũng là gia đình, đi đâu cũng có anh em, đến đâu cũng có các mẹ. Nó thì không có. Nó chỉ biết đánh thôi. Nó khù khờ lắm. Nó đứng bắn như vầy này (bác diễn tả thế lính đứng bắn vươn cái ngực ra, giơ súng thẳng về phía trước). Nó bắn bài bản, 8 giờ sáng bắn đến 5 giờ chiều nghỉ. Mình biết chiến tranh 10 năm thì đã mệt lắm rồi nên nó không đánh lâu được. Nó sợ mình nhiều lắm, nhưng sợ nhất là tư tưởng. Tư tưởng người Việt Nam rất vĩ đại. Vì người Việt Nam biết hết. Từ biết nuôi trồng đến bắn ná, bắn nỏ, bắn súng, cái gì cũng biết”.
- “Nghe đâu mấy công ty của Mỹ định đầu tư vào Khe Sanh, bác thấy sao ạ?” - tôi hỏi tiếp.
Bác sửa ngay:
- “Bây giờ không gọi là Mỹ nữa mà phải gọi là bạn. Tốt thôi. Kinh tế mà!”.
- “Thế bác không cảnh giác à?”
- “Việc gì phải cảnh giác!”.
- “Tức là vì mình rất tự tin, thì mình mới làm bạn với tất cả, đúng không ạ?”
Bác khảng khái:
- “Đúng rồi. Tự tin chứ! Dân của mình rất anh hùng. Mình không tin dân mình anh hùng à?”.
Bác Hồ Bắc bảo: “Ưng hòa bình thôi, không muốn chiến tranh nữa. Mà ai muốn chiến tranh thì đánh, bác đi đầu cho”. Đúng là chỉ những người sống trên đất mới có cái minh triết như thế. Đất đai Việt Nam đã sinh ra những con người như thế. Tôi rất tự hào về bác. Tôi muốn người trẻ cần biết, cần tự tin như vậy.

|
Hoạt cảnh về chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn |
Rõ ràng, cuộc đời càng bình dị nhưng nếu biết khai thác thì có rất nhiều điều hay. Những người tôi gặp, họ không cố gắng gì hết, họ không cố gắng nương theo cái gì cả. Tôi nghĩ rằng các vị đó phải là ông Tiên mới được như thế.
* Bởi vì các bác ấy là người Việt Nam. Bản chất người Việt Nam mình chính là những ông Tiên như vậy!
- Đúng vậy! Tôi đã từng gặp chú Nguyễn Văn Kỳ tham gia trận đánh trên cao điểm 689 - điểm cao cuối cùng của Mỹ ở Khe Sanh. Tôi hỏi: “Chú có tin là nếu rơi vào cuộc binh đao như thế, chúng cháu cũng có được nghị lực như của các chú không?” - “Tin chứ! Tin quá đi chứ! Người Việt Nam mà. Từ cội nguồn đến nay và mãi mãi về sau!”.
* Khi quân ta chiến đấu ở Khe Sanh năm 1968 chị chỉ mới 5 tuổi, sau đó xa nước đi học ở Liên Xô, về nước làm truyền hình thì chiến tranh đã kết thúc rồi, nhưng chị rất có cảm tình và trách nhiệm với người lính, với các cựu chiến binh, với cuộc chiến đấu của đất nước ta chống ngoại xâm. Chị có thể cho biết chị đã tiếp xúc thế nào để có được những tình cảm tốt đẹp đó?
- Gia đình tôi không ai đi bộ đội. Ngay trong chiến tranh bố tôi đã bắt đầu dạy đại học rồi. Bản thân tôi trước hết là kính trọng những hành động vì người khác, mà hành động cao nhất là bảo vệ người khác. Nói bảo vệ người khác là phải nói ngay đến bộ đội. Bộ đội Việt Nam quá vĩ đại. Năm 1969, bộ đội đi qua làng tôi rất nhiều. Quân đội mình rất hiền. Hiền như người lao động chân đất, mặc áo quần quân đội lên là thành bộ đội.
Cảm giác nữa là mang ơn. Tôi coi họ là thần hộ mệnh cho mình được sống trong hòa bình. Đến khi vào nghề thì càng trân trọng cái kỷ luật. Bởi những người được rèn luyện trong Quân đội Nhân dân Việt Nam thì biết kỷ luật, biết quên mình. Đến nay giải phóng đã 38 năm vẫn có 27 đội quy tập để đi tìm hài cốt đồng đội. Ngay ở thời bình, bộ đội vẫn làm những việc mà mọi người cần. Xã hội ta nay phát triển, bền vững như thế này chính là nhờ quân đội.
* Trong câu chuyện về Khe Sanh, chị và tập thể những người làm chương trình đã tìm ra được chị Trần Thị Tách - văn công xung kích và lời hẹn ước của anh Nguyễn Duy Khải - Đại đội phó Đội đặc công. Đó là lời hẹn ước không thành vì sau đó không lâu anh Nguyễn Duy Khải hy sinh. Bây giờ tìm lại được mộ anh ấy, tìm lại được người anh của anh ấy, tất cả hội ngộ trong những giọt nước mắt của chị Tách. Những cái ấy làm cho người xem bây giờ, nhất là lớp trẻ, hiểu thêm sâu cuộc chiến đấu của bộ đội ta. Xin chị cho biết làm thế nào, cơ duyên nào đã làm chị và tập thể truyền hình tìm ra được đầu dây câu chuyện để dựng nó lên truyền hình?
- Chị Tách là một trong 600 người chúng tôi gặp. Chị Tách trước nay đã biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật nhưng chưa có người khai thác. Hoặc có người biết chuyện đó nhưng họ chưa đưa lên được. Báo chí mình có cái dở là có những người khai thác mòn ra, người ta làm rồi mình lại làm lại. Tôi nghĩ xã hội này có nhiều chuyện hay quá nên không muốn làm lại. Biết đâu những người rất bình dị, những người ngày ngày bán hàng rong qua ngõ nhà ta lại chẳng có chuyện hay, nói ra được chân lý. Tất nhiên phải quý mình lắm người ta mới chia sẻ với mình và mình phải làm sao họ mới chia sẻ. Để làm được điều đó mình phải thực lòng trân trọng mọi người.
* Xin chúc mừng chị và xin cảm ơn tập thể những người làm truyền hình.
______
(*) Chương trình Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam được tổ chức tại sân bay Tà Cơn - huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 lúc 20g05 ngày 7-7-2013.