Những giọt máu linh thiêng…

|
Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ (Ảnh: Đoàn Công Tính) |
Bây giờ, cũng con đường xưa, tôi lại trở về giữa rừng núi Trường Sơn(1), những địa danh như gõ vào trái tim người với những vùng đất vẫn còn nghe rền tiếng bom gầm rú: Thành cổ Quảng Trị, đường 9 Cam Lộ, làng Vây, cầu treo Dakrong, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn… Bây giờ, con đường tráng nhựa êm ái băng băng về phía trước giữa vườn cây xanh và những mái nhà gạch đỏ nhô lên yên bình dưới nắng trưa. Yên bình và thanh thản đến bồi hồi. Bây giờ, Thành cổ Quảng Trị, cái tên ấy đã sống trong tôi suốt nhiều năm nay, từ khi được ngắm bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ của anh Đoàn Công Tính. Tôi đã cố gắng để tìm lại bức tường thành xưa, để hình dung được hình ảnh đổ nát mà các anh đã ngồi và cười thật tươi ngày ấy! Thành cổ đã được xây lại rất đẹp, cảnh quan gần giống như một công viên với cây xanh và những luống hoa đủ màu vươn trong gió. Nhưng đứng giữa màu sắc tươi xanh dường ấy, lòng người sao tránh khỏi cảm giác rưng rưng khi nghĩ đến từng ngọn cây bụi cỏ nơi đây đã vươn lên bằng chính xương thịt của hàng ngàn tuổi 20 phơi phới dường kia. Tôi đã không dám bước mạnh và thở mạnh… Cảm giác ấy cũng giống như lần đầu tiên đến đây, bởi hiểu rằng trong từng nắm đất mà mình vừa dẫm lên chính là xương thịt của những anh hùng đã quyết tử cùng Thành cổ 40 năm xưa… Bởi hiểu rằng con đường gạch mình đang đi chính là nấm mồ chung của hàng ngàn liệt sĩ. Nơi đây, 328.000 tấn bom đã đổ xuống và 81 đại đội đã vĩnh viễn nằm lại, máu xương người lính đã tan vào đất và quyện cùng cây cỏ.
Đến đây, được nghe lại những câu chuyện ngày xưa, ai không thấy lòng rưng rưng cảm xúc, rất nhiều đôi mắt đỏ hoe, nhiều giọt lệ giấu đi khi đọc những lá thư đã ngả màu vàng úa được lấy lên từ lòng đất. “Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”. Đó là những dòng đầu trích trong bức thư chưa kịp gửi của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một - xã Lê Lợi - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh đã viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt, bức thư có đoạn viết cho người vợ mới cưới được 7 ngày: “Em thương yêu!... khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ “đi bước nữa” vì em còn trẻ lắm… Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”. Và kỳ diệu thay, những dự cảm cuối cùng của người lính đã đúng như thế. Bởi vì nơi đó chính là nơi anh làm nhiệm vụ, và anh biết chắc mình sẽ hy sinh. Lá thư trên được một đồng đội của anh chuyển về tận quê trao cho gia đình. Năm 2002, gia đình theo sự chỉ dẫn trong thư và sự xác định của đồng đội chôn cất anh, đã tìm được hài cốt anh đưa về quê mai táng. Nhưng chị Đặng Thị Xơ, người vợ trẻ 7-ngày-chồng-vợ, vẫn không “đi bước nữa” như lời anh dặn trong thư…

|
Trắng xóa những tấm mộ bia im lặng |
Ai đến đây cũng được nghe câu chuyện tình của anh Lê Binh Chủng và chị Lê Thị Biển Khơi. Năm 2000, trong khi tu sửa Di tích Thành cổ Quảng Trị, bỗng tốp thợ thi công chạm phải một vật cứng... Đào sâu xuống, nhóm thợ phát hiện một căn hầm có 5 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có một bộ nằm riêng, sát vách hầm, kèm bên cạnh là chiếc xắc cốt. Mở ra, những người quy tập thấy một số lá thư và những tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn vì được đựng trong túi ni lông. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị. Lần theo bức thư và tấm ảnh, Ban quản lý Di tích Thành cổ đã tìm về quê anh và chắp nối lại một câu chuyện đoàn viên đến rơi nước mắt.
Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị anh dừng lại ở một làng quê thuộc huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình và yêu cô dân quân Lê Thị Biển Khơi. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì anh được điều vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Lá thư cuối cùng Lê Thị Biển Khơi gửi cho anh đề ngày 15-5-1972, báo tin cô sắp có con. 30 năm sau, bức thư, tấm ảnh của chị Biển Khơi mới được Ban quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị chuyển đến gia đình anh. Lúc ấy, đứa con được anh đặt tên Quảng An mới tìm về nguồn cội.
Khi về thăm Quảng Trị, được nghe dịch những lá thư trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ, những cựu chiến binh Mỹ đã thốt lên: “Đến bây giờ thì chúng tôi hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Vì các bạn đã biết trước tất cả và sẵn sàng hy sinh tất cả!”. Đến bây giờ người Mỹ mới hiểu - là chuyện của mấy mươi năm sau chiến tranh, bởi lúc ấy Mỹ sẽ không thể nào hiểu nổi vì sao nhân dân Việt Nam lại có thể sống được dưới sự tàn phá dữ dội đến không còn một ngọn cây cọng cỏ như vậy? Đơn giản vì họ chưa từng bị xâm lược, họ chưa biết thế nào là sự căm hờn đốt cháy tim gan khi tất cả người thân đều chết dưới bom cày… Câu trả lời ấy chính là: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng phải chảy dưới bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người thật sự – những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước thời đại” (Lê Duẩn). Đó chính là một lời đáp cho cả một thế hệ…

|
Hương trầm và ngàn ngọn nến lung linh giữa ngàn tấm bia |
Nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn trắng xóa mộ bia. Hơn 10.000 nấm mộ thẳng tắp im lặng giữa vòm cây xanh. Một vạn linh hồn non tơ của 43 tỉnh thành đã nằm lại tại đây, đã biến vùng đất Gio Linh thành vùng đất linh thiêng. Ở đây, đã có biết bao câu chuyện hiển linh về những chàng trai trẻ tinh nghịch cùng hành quân và đàn hát cho nhau nghe giữa đêm khuya thanh vắng. 10 năm trước, chúng tôi đã gặp ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản trang Trường Sơn, ông đã từng kể cho chúng tôi nghe biết bao chuyện hiển linh về những chàng trai, cô gái nơi đây bằng giọng ngập tràn cảm xúc. Ở tuổi 19, 20 thuở ấy, ai nào biết đến nụ hôn và mái tóc con gái mềm mượt ra sao, ông hiểu lắm những đồng đội thân thương của mình vì chính ông cũng đã từng khoác áo lính... Điều rõ nhất chính là câu chuyện về cây bồ đề tự mọc giữa Đài tưởng niệm ôm tròn tượng đài như một vòng tay xanh ngát... Bồ đề là cây của Phật, và những người đã chết vì Tổ quốc sao không được về cõi Phật? Đó là niềm tin của tất cả chúng ta, những thế hệ sống sau chiến tranh, được hưởng cuộc sống hòa bình bằng cái giá máu xương mà các anh chị đã trả cho cả dân tộc được sống. Trong sổ lưu niệm ở nghĩa trang chúng tôi đọc được những dòng lưu lại của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi nói về cây bồ đề: “Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này. Mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây”.
Đêm nay, cả đoàn Văn nghệ sĩ đã chia nhau thắp nhang cho từng nấm mộ ở hai bên Đài tưởng niệm. Hương trầm bay trong gió và những ngọn nến được thắp lên bập bùng lung linh giữa màn đêm. Ai cũng muốn đi thật xa, tìm đến với tất cả các anh, các chị, nhưng rồi cũng đành ngậm ngùi hướng về những tấm bia trắng bạt ngàn dưới kia mà lòng rưng rưng. Trước Đài tưởng niệm, dưới ánh đèn sáng rực của đêm Giao lưu văn nghệ giữa đoàn Văn nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Quảng Trị, chúng tôi đang hát cho các anh các chị nghe đây, những bài hát năm nào các anh chị đã hát. Và trong đêm, giữa những ngọn nến lập lòe kia, giữa những hàng cây lặng im trong bóng tối, có cảm giác như các anh các chị đã tụ họp hết về đây và đang lặng lẽ lắng nghe… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga ngồi cạnh tôi nói nhẹ như hơi thở: “Chị có tin không chứ em thì tin chắc chắn rằng còn có hơn 1 vạn khán giả đang ngồi đây, xung quanh mình”. Ừ, tôi cũng tin và mong lắm đêm nay chúng tôi đã làm được điều gì đó để các anh chị vui hơn. Thơ và nhạc réo rắt suốt hơn 2 tiếng mà lòng người vẫn chưa muốn chia tay, ai cũng muốn nán lại, nán lại một chút từ tình cảm ấm nóng của trái tim mình. Nhất là khi tiếng hát của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cất cao bài nhạc do chính anh sáng tác Tổ quốc gọi tên mình(2): “…Tổ quốc linh thiêng. Tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Có cảm giác như anh đang nhập đồng cùng anh linh của những người trẻ đang nằm đây. Trong không khí im lặng đến nghe được cả từng chiếc lá rung xào xạc trên kia, giọng hát của anh xuất thần như là anh đang hát không phải cho chúng tôi, những người còn đang sống, mà chính là anh đang trải lòng mình cùng các anh, các chị nơi đây… bằng tất cả tấm lòng biết ơn của người được sống.

|
Vòng hoa đỏ dập dềnh giữa dòng sông trong xanh |
Từ nghĩa trang Trường Sơn chúng tôi xuôi trên đường Trường Sơn đến Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Ngày 17-8 dương lịch, ngày cả nước chào mừng Cách mạng tháng Tám cũng trùng vào tháng 7 âm lịch, tháng mà theo phong tục truyền thống, mỗi người Việt Nam đều muốn làm điều gì đó để an ủi vong linh những người đã khuất. Cuộc về nguồn của 60 văn nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh đã gõ đúng vào tâm nguyện mỗi người. Trên ngọn đồi cao, 10.000 anh hùng liệt sĩ cũng đã quy tụ về đây, nhưng không phải ai cũng có riêng một phần mộ. Những nén nhang đốt trải dài trên những nấm mồ trắng chập chờn trong gió. Trời hôm nay mát lạnh đến ghê người trong đợt áp thấp, gió thổi rít qua các hàng cây buồn đứng lặng. Những nén nhang đốt lên pha chung dòng nước mắt, bởi ai không thấy rưng rưng khi đứng trước nấm mồ chôn tập thể hơn 106 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320, và nấm mồ tập trung 80 liệt sĩ chưa biết tên thuộc bộ đội đặc công 31, 33. Hai nấm mồ lớn nằm song song nhau hòa trong lòng đất gần 200 con người… Còn nỗi đau nào lớn hơn cho những người vợ, người mẹ chờ mong mòn mỏi ngày chồng, con trở về, nhưng vĩnh viễn không thể tìm thấy hài cốt người thân!!
Dòng sông hoa đỏ…
Buổi lễ thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn được tổ chức vừa trang nghiêm vừa vô cùng xúc động. Mỗi người một nén nhang cháy đỏ cắm trên những bông hoa màu máu. Cả 60 người đứng dưới bến thuyền bờ Nam sông Thạch Hãn cúi đầu trước vong linh người đã khuất nghẹn ngào ngước nhìn vòng hoa đỏ chói quyện trong vòm khói đục trôi dập dềnh giữa dòng sông… Có ai đó đã đọc 4 câu thơ của anh Lê Bá Dương, giọng ướt sũng nghẹn ngào:
Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Bây giờ, hàng năm cứ vào ngày 27-7, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đều tổ chức thả đèn, hoa trên sông Thạch Hãn. Nhưng ít ai biết rằng người mở ra cái truyền thống đẹp này chính là anh Lê Bá Dương. Anh nhập ngũ lúc 15 tuổi, trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ và suýt được phong Anh hùng. Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9 - Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Năm nào cũng thế, ngày này, từ Nha Trang anh lại nhảy tàu ra Quảng Trị, bỏ tiền túi mua hết hoa ở các chợ gần đấy, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội… Việc làm này đầu tiên mọi người thấy lạ, nhưng sau đó lại thấy được ý nghĩa thiêng liêng của nó và cùng làm theo anh. 4 câu thơ khắc ở Thành cổ Quảng Trị ai cũng biết là của Lê Bá Dương, nhưng không hiểu sao không hề thấy tên tác giả?!
10 năm trước tôi đã đến Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn trong ngập tràn cảm xúc, và bây giờ vẫn vậy. Nhưng cái cảm xúc bây giờ dường như có gì chua xót và đau lòng hơn. Ngày ấy chỉ biết kính phục và tri ân các anh chị, nhưng bây giờ lại có thêm nỗi đau của người hưởng thụ cuộc sống hòa bình, cuộc sống mà các anh chị đã phải đổi bằng máu của mình. Nhưng thế hệ chúng tôi, và còn nhiều thế hệ sau nữa liệu có sống xứng đáng với sự hy sinh quá lớn của các anh chị? Dòng sông Thạch Hãn ngày xưa ngầu đỏ máu của hàng ngàn anh linh, bây giờ chảy êm đềm trong xanh… Đã có nhiều người lính từ Thành cổ trở về từ cõi chết và tiếp tục sống đẹp như Lê Bá Dương, nhưng cũng không ít người trở về biến thành tên tham nhũng, dâm ô như Lương Tiến Dũng. Hơn bao giờ hết, tiếng gọi tha thiết trong bức thư vĩnh biệt gia đình của anh Lê Văn Huỳnh còn vang vọng mãi trong lương tâm của mỗi người chúng ta: “Khi được sống hòa bình, hãy nhớ tới anh…”.
______
(1) Chuyến Về nguồn của Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy và văn nghệ sĩ TP.HCM do bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, làm Trưởng đoàn từ ngày 16 đến 19-8-2013.
(2) Lời của Nguyễn Phan Quế Mai.