Khi lời chính khí được lắng nghe

Ngòi bút mạnh hơn lưỡi gươm (Bulwer Lytton)

Thế kỷ VI, Lý Thế Dân, vua nhà Đường, hiệu Đường Thái Tông (Trung Quốc) khi có người khuyên dùng cực hình để trừ trộm cướp đã nói: “Vì thuế má, binh dịch nặng nề, quan lại tham nhũng, đói kém, rách rưới nên nhân dân phải đi trộm cướp, họ không nghĩ đến chuyện liêm sỉ nữa. Nay trẫm không xa hoa hoang phí, giảm nhẹ thuế má binh dịch, tuyển dụng những vị quan thanh liêm khiến nhân dân thừa cơm ăn áo mặc, thì sẽ không trộm cướp, cần gì phải dùng hình phạt nặng nề”.

Lý Thế Dân còn khuyên nhủ quần thần, con cái: “Vua dựa vào nước, nước dựa vào dân, lấy của dân để nuôi vua, khác gì ăn thịt của mình, dạ dày no nhưng thân sẽ chết. Vua giàu mà nước mất. Tai họa không phải từ ngoài đến, mà từ thân mình ra. Vua ví như thuyền, dân chúng ví như nước. Nước đẩy thuyền đi, nhưng nước có thể lật đổ thuyền”.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 - 649)

Trong lịch sử dân tộc ta, thế kỷ XIII, khi vua Trần Nhân Tông hỏi quần thần về việc nhà vua định xây dựng lại thành quách, đặc biệt là thành Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai bị giặc Thát tàn phá nặng nề, danh tướng Trần Hưng Đạo đã trả lời: “Tôi thấy việc xây dựng thành trì chưa phải cần thiết lắm. Việc nhà vua phải làm ngay là úy lạo nhân dân.

Đã bốn năm (1282-1285) giặc Thát sang đây, từ nơi thôn nội đến đồng ngoài bị tàn phá hầu hết, thế mà nhân dân ta đã xuất tài, xuất lực, đi lính, đóng thuế để triều đình làm nên sự nghiệp. Ngày nay, nhà vua trở về yên ổn, trước hết phải úy lạo nhân dân. Những nơi bị tàn phá phải xóa thuế cho dân trong một số năm. Những nơi bị thiếu đói, phải xuất thóc kho ra để cứu tế cho dân. Có như vậy, nhân dân mới quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa nói: “Chúng chí thành thành” (ý nói: ý chí của dân chúng là thành trì giữ nước vững vàng nhất). “Thành” đó là cái thành phải xây dựng ngay. Mong nhà vua xét kỹ”.

Nghe lời Trần Hưng Đạo, vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh xóa thuế cho dân trong ba năm.

Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là người đầu tiên coi tiếng dân, lòng dân, sức mạnh của dân là điều thiêng liêng.

Thế kỷ XV, nhà chiến lược thiên tài, thi hào Nguyễn Trãi vượt vòng vây của kẻ thù ở Đông Quan (Hà Nội) vào Lỗi Giang (Thanh Hóa) tìm gặp anh hùng Lê Lợi dâng Bình Ngô sách: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân để thay cường bạo”. Lê Lợi làm theo và cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh đã toàn thắng.

Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung - lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn - đại phá xong hai mươi vạn quân Thanh, nghĩ cách thống nhất nước nhà, củng cố chính quyền, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, viết chiếu cầu hiền gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, phủ dụ nhân dân, thân hào, nho sĩ.

Nay mai dựng lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian

(Thơ Nôm vua Quang Trung tự phê vào thư của dân làng Văn Chương-Hà Nội xin dựng lại bia Văn Miếu)

Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn ân cần nhắc nhở mọi người điều tâm niệm của cả nước:

Gốc có vững, cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân

Bác quan tâm, coi trọng kẻ hiền sĩ, thường dành áo lụa, bút máy, sổ tay, huy hiệu của Người tặng thưởng các nhân sĩ trí thức yêu nước, cách mạng, các văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ, nhà báo có cống hiến tích cực phục vụ đại nghĩa vì một nước Việt Nam hùng cường, độc lập, thống nhất.

*

Từ những sự việc, sự kiện lịch sử trên đây, có thể rút ra bài học chiêm nghiệm thời thế sâu sắc! Bất kỳ ở đâu, quốc gia, dân tộc nào, thời đại nào, dưới chính thể nào, nếu tâm đức, nhân nghĩa được đề cao, tài đức, lương tri được trọng dụng, lời chính khí được lắng nghe, lãnh tụ, nhân dân, kẻ sĩ đoàn kết, muôn người như một, đồng tâm nhất trí vì dân, lấy dân làm gốc để dựng nước và giữ nước… thì ở đấy đại nghĩa nhất định thắng lợi, nghiệp lớn nhất định thành công!

Đoàn Văn Cừ