Ông Đỗ Văn Hồng - Trưởng ban Thư ký biên tập, Uỷ viên thường trực Hội đồng duyệt phim xã hội hóa - Đài THVN - nói tư duy của các em học sinh trong phim là đáng học tập và phim nêu được nhiều vấn đề tồn tại trong nhà trường hiện nay. Tuy nhiên, trái ngược ý kiến của người “nhà đài”, nhiều cô cậu học trò phủ nhận cả ý nghĩa giáo dục lẫn chức năng giải trí của phim này.
Trong một tập phim, việc những học sinh lớp 12 rủ nhau... cầu khấn với “bài khấn” dài lê thê để mong tìm lại chiếc vương miện bị mất đã bị chính những cô cậu học trò ngoài đời phản ứng. Rồi khi điện thoại của học sinh bị cô hiệu trưởng thu về lúc làm bài thi, phát hiện có phim “đen” và yêu cầu chủ nhân của nó tự nguyện khai báo thì nhiều người cho rằng, kể cả khi bị bắn phim “đen” vào điện thoại nhưng cô học trò ngây thơ đến mức chả mảy may xem lại điện thoại cho đến lúc bị phát giác là vô cùng phi lý...
Chưa hết, vì bị oan ức nên cô nàng... tự tử. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm triết lý tràng giang (kiểu Lê Hoàng) với học trò về sự sống và cái chết nghe muốn xỉu. Đây là một trong số ít tập phim tạo được cao trào nhưng vẫn bị chê đến vậy. Chưa kể nhiều tập phim có cảnh những cô học trò sợ ma và suốt 15-20 phút phim là sự nhăn nhó, âu lo, thập thò... của của nhân vật khiến khán giả chỉ thấy... sốt ruột.
Đáng tiếc khi phim làm về tuổi học trò, nhưng lại bị chính những cô cậu ở lứa tuổi này lên tiếng chê bai khá mạnh mẽ. Có đến trên 50 trang bình luận với hàng trăm ý kiến, chủ yếu lên tiếng phê phán phim này, trên diễn đàn dienanh.net. Họ còn lên mạng rủ nhau viết thư đến VTV yêu cầu ngừng phát sóng bộ phim này.

Các nhân vật trong phim Những thiên thần áo trắng. Nguồn: Internet.
Nhân vật trong phim như đến từ một thế giới khác, khác xa với học sinh Việt Nam ngoài đời từ lối ăn nói, hành xử đến suy nghĩ. Ngay cả chuyện tự tử thì học sinh thế hệ “9X” ở thành phố cũng không dễ dàng tìm đến cái chết như nhân vật trong phim... Vậy nên nhiều ý kiến chua chát rằng những nhân vật trong phim chỉ có thể là “thiên thần của Lê Hoàng” nên đừng bắt lỗi phim nữa.
Thực tế hiện nay phim cho tuổi học trò còn thiếu vắng trên truyền hình, đúng hơn là thiếu những bộ phim hay có sức ám ảnh người xem như Gọi giấc mơ về do Lasta sản xuất hay các phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) sản xuất: 12A và 4H, Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời...
Khi hỏi đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC rằng các anh có định bù đắp những thiếu hụt này, anh cho biết: “Dù biết đề tài dành cho tuổi “học trò” còn thiếu nhưng nếu không tìm được câu chuyện hay, cách khai thác mới thì phim làm ra cứ na ná như nhau.
Vì vậy, VFC rất thận trọng đưa vào sản xuất các phim về lứa tuổi học sinh. Không lẽ cứ quay đi quay lại chuyện học sinh nghịch ngợm, đối mặt khó khăn khi đi xin việc làm, bị cám dỗ... Gần đây, một số dự án phim về lứa tuổi này đề nghị VFC hợp tác sản xuất nhưng chúng tôi từ chối vì thấy có làm thêm những bộ phim ấy cũng không đem lại hiệu quả. Có lẽ cần thêm thời gian để lựa chọn những câu chuyện hấp dẫn rồi mới sản xuất”.
Làm phim cho khán giả trẻ rất khó. Người trẻ hôm nay sống, suy nghĩ và hành xử ngày càng khác nhiều với những người lớn tuổi. Mỗi thế hệ học sinh, mỗi đối tượng học sinh (tuy cùng tuổi nhưng điều kiện sống khác nhau) lại có những cách suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, phim hướng đến đối tượng nào thì trước hết đối tượng ấy phải được thể hiện phù hợp nhất. Chính vì không tìm thấy “tiếng nói chung” với các nhân vật trong phim nên khán giả ở lứa tuổi này đã không ủng hộ bộ phim.