Cao Lan là một trong số các dân tộc khá ít người nên không mấy khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc này không hề nghèo nàn. Trong đó, sình ca và trống sành có thể nói là những đỉnh cao văn hóa mà qua đó cho thấy dân tộc này một bề dầy văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy.
NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA SÌNH CA
Dân tộc Cao Lan tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang… Chẳng hạn tại làng Mãn Hoá, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là nơi có đến 100% dân số là dân tộc Cao Lan. Đời sống văn hoá của người Cao Lan rất phong phú, nhiều phong tục tập quán đặc sắc. Trong số đó, làn điệu sình ca là một trong các loại hình sinh hoạt văn hóa của người Cao Lan đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ trong các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Sinh hoạt ngày thường của phụ nữ dân tộc Cao Lan.
Sình ca của người Cao Lan thường được hát nhiều nhất khi mùa xuân về. Bởi đấy là lúc hoa cỏ khoe sắc, đất trời giao hòa, chim muông kết đôi xây tổ ấm... khiến tâm tư các nam thanh nữ tú ở tuổi trưởng thành cũng không khỏi xao động. Họ tìm đến với nhau thông qua làn điệu sình ca mượt mà và tha thiết. Những ca từ của sình ca được sáng tác từ các thế hệ cha ông, đồng thời cũng được bổ sung liên tục bởi các thế hệ trẻ. Cho nên, lời ca hết sức phong phú, đa dạng. Từ đó giúp các nam thanh nữ tú người Cao Lan có thể dùng lời ca, tiếng hát tỏ bày những cung bậc tình cảm trong tim mình, phù hợp với từng giai đoạn từ tìm hiểu cho đến lúc yêu đương.
Hầu hết những lời ca đều được người Cao Lan các thế hệ trước thuộc lòng. Và hiện nay, những người lớn tuổi luôn ý thức được nhiệm vụ gìn giữ, lưu truyền như một “báu vật” cho con cháu.
Trong các buổi hát giao duyên, trong các lần gặp gỡ đầu tiên nơi hội hè, tuy còn nhiều ngại ngùng bỡ ngỡ, song người con trai Cao Lan luôn biết chủ động làm quen các bạn gái vốn còn rụt rè hơn. Họ hát rằng:
Anh thì ở xa
Hôm nay đến đây
Gặp em, không biết em đã có người tình hay chưa
Nếu có người tình rồi thì chúc cho em đẹp duyên đôi lứa
Nếu chưa có người tình thì đừng có trách anh
Người con gái trong các buổi gặp gỡ, hội hè này dĩ nhiên là những cô gái chưa có gia đình. Họ khôn khéo dùng những ngôn từ, những hình ảnh chứa đựng những chân lý mộc mạc như chính tâm hồn và trái tim chân thành của mình để đưa vào câu hát đối da diết lòng kẻ muốn nghe:
Người yêu chưa có anh ơi
Quẳng dao xuống nước cho đời chứng minh
Dao nổi thì em bạc tình
Dao chìm dưới đáy tình này trắng trong
Dao ném xuống nước có bao giờ nổi đâu? Câu hát ấy dĩ nhiên thể hiện ý cô gái muốn nói rằng anh hãy tin chứ đừng nghi ngờ sự trắng trong của người con gái. Họ bắt đầu tin tưởng lẫn nhau từ sau đêm hát giao duyên ấy. Và sau nhiều đêm hội hát đối giao duyên, họ bắt đầu yêu nhau. Tất cả tình cảm đôi lứa đều được giãi bày thông qua những lời hát của làn điệu sình ca ngọt ngào. Thường, tình yêu đôi lứa của dân tộc Cao Lan giản dị mà sâu lắng như chính những lời ca chân chất mà đượm tình cảm. Họ sẽ sống chung thuỷ với nhau suốt cuộc đời.
Bên cạnh những lời hát ca ngợi tình yêu trai gái, thì những lời hát ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu con người cũng được người Cao Lan chú trọng lưu giữ. Chúng như những mạch nước ngầm chảy mãi, góp phần làm dịu mát tâm hồn bao nông dân lao động khổ cực một nắng hai sương qua nhiều thế hệ:
Trăng sáng núi ngàn mùi hương rừng
Toả khắp bản làng vùng sâu xa
Bản làng đổi mới vui ca hát
Điện thắp sáng trưng soi bóng đêm
Xoá tan nghèo đói thêm cái chữ
Nâng cao kiến thức lòng sáng ngời.
TRỐNG SÀNH – NHẠC CỤ ĐỈNH CAO
Ngoài sình ca, dân tộc Cao Lan còn có các loại hình nghệ thuật khác như múa cờ, múa kiếm, múa trống với các tiết mục tiêu biểu như: Múa chim gâu, Múa xúc tép, Múa tam nguyên, Múa khai đao phát lộ... Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa tín ngưỡng khác như lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát… Và trong tất cả các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng đó, trống sành là một thứ nhạc cụ tiêu biểu không thể thiếu. Nó sẽ được sử dụng để đánh đệm trong hầu hết các hoạt động văn hóa này.
Điểm đặc biệt, là thân trống sành của người Cao Lan không làm bằng gỗ mà làm từ đất nung. Chính vì lý do này mà các bước làm trống sành phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi bàn tay thợ đúc trống nhiều kỹ thuật khó. Chẳng hạn, đất sét sau khi lấy về được trộn thêm nước vừa đủ để nhào cho nhuyễn, mịn, rồi được đưa lên bàn quay thực hiện công đoạn tạo dáng thân trống. Trống sau khi tạo dáng sẽ được để khô rồi đưa vào lò nung.

Trống sành - nhạc cụ truyền thống của người Cao Lan.
Ngày xưa, người Cao Lan đào một hầm đất, có thể chứa được nhiều thân trống, dùng củi núi đá đốt liên tục trong một tuần thì trống được ra lò. Thân trống sành khi ra lò phải đạt mức không phải là gốm mà chuyển sang sành. Do đó mới có tên gọi là trống sành. Tiếp đó thân trống sẽ được tráng một lớp men để tạo độ bền, bóng, mịn. Công đoạn cuối cùng là làm mặt trống. Người con trai Cao Lan vốn khéo tay, lại cầu kỳ trong thẩm mỹ nên họ không làm mặt trống bằng da trâu như bình thường. Họ chọn da kỳ đà hoặc da trăn làm mặt trống, vừa đẹp lại bền.
Người Cao Lan phân biệt hai cách đánh trống khác nhau. Nếu là lễ cúng, người đánh trống sẽ ngồi để trống vào hai cổ chân rồi đánh. Với những lễ hội vui vẻ như mừng lúa mới, những lễ hội nhảy múa… người đánh trống lại dùng dây vải buộc hai đầu trống đeo lên cổ đến tầm ngang bụng. Một chú ý với người sử dụng trống là trước khi đi diễn, họ cần ngâm trống sành vào nước 1- 2 ngày để da mặt trống căng. Như thế âm hưởng phát ra khi đánh trống sẽ thêm phần âm vang, có hồn.
Điều đáng tiếc là hiện nay số người thuộc và hát được sình ca không còn phổ biến như trước kia. Trong khi trống sành còn lại cũng không phải nhiều. Do vậy, với người Cao Lan, trong quá trình phát triển và hội nhập, rất cần chú ý đến vấn đề bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.