Khôn khéo và mưu lược

Nhắc đến chuyện “chiến lược và chiến thuật”, bố muốn nói với con là nên “coi thường chiến lược, coi trọng chiến thuật”. Coi thường chiến lược để nói lên ý chí quyết tâm, không biết lùi bước trước hiểm nguy, khó khăn trên con đường thực hiện một con đường đúng mà ta đã chọn, nhưng để thực hiện mục tiêu này thì rất coi trọng mưu lược khôn ngoan cho từng bước đi.

Ví dụ đơn giản như chuyện em Thảo, với mục tiêu là nó cần đi du học và có học bổng. Để thực hiện việc này, Thảo tự tin (tức là coi thường chiến lược) và vạch một kế hoạch tỉ mỉ và độc đáo (mưu lược khôn khéo). Trong việc tiếp xúc với bất kỳ ai thì cái tài là gây được ấn tượng tốt (mà không lố bịch).

Trong buổi phỏng vấn Thảo đã khôn khéo nói: -Thưa thầy, thầy là người Ấn Độ? Thầy hỏi lại: -Sao em lại nói vậy? Một lời nịnh khéo không lộ liễu: -Vì em thấy thầy có những nét đẹp đặc trưng của người Ấn Độ… Thầy có vẻ thích thú: -Không, thầy là người Singapore… Và việc phỏng vấn xoay sang: -Em có năng khiếu gì và thường tham gia công việc gì khi đang đi học? Thảo sẵn sàng hát một bài hát, và hứa khi sang đó học thì sẽ múa cho thầy xem… Thầy chả hỏi gì nữa và bảo ngay là em đã trúng tuyển. Thảo giữ lời hứa và hôm khai giảng đã lên múa…

Bố thấy em Thảo cũng là một người khôn khéo, không lừa dối, không hại đến ai mà vẫn thực hiện được mục tiêu của mình. Thay vì nói linh tinh, thậm chí gây bực mình cho người phỏng vấn, thì những câu nói thông minh, những ý tưởng mới mẻ sẽ chinh phục đối phương.

Con hay muốn bố cụ thể hóa vấn đề nên bố nói dài dòng như vậy, chứ thực ra, mọi viêc từ lớn đến nhỏ đều cần thiết phải có MƯU.

Trong Bộ Quốc phòng bao giờ cũng có Bộ Tổng tham mưu, cho đến một đơn vị nhỏ nhất cũng có người phụ trách tham mưu. Một trận đánh lớn hay nhỏ đều có bộ phận tham mưu, vạch ra cụ thể các phương án tác chiến. Một cơ sở kinh tế bao giờ cũng có cố vấn, có phòng kế hoạch để trên cơ sở hoàn cảnh cụ thể (thị trường, năng lực sản xuất, nhu cầu khách hàng…) để có mưu mẹo mà chinh phục thỉ trường. Mưu mẹo đó phải có bước tiến bước lùi, có thượng sách, trung sách và hạ sách. Cũng cần nhấn mạnh là không bao giờ dùng biện pháp lừa dối, lợi mình mà làm hại người khác (cũng có cái nói dối không hại ai thì một lời khen quá một chút… vẫn nên làm). Tất nhiên là trong cạnh tranh thì có người còn người mất, có người lợi và có người thiệt, nhưng luôn cần có văn hóa, vẫn cần lành mạnh và cao thượng, và thường khi đó mới có thắng lợi bền vững.

Bố nói việc này để nhắc con một điều, làm gì cũng cần cân nhắc, cũng cần có kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, và nhất là tập thói quen phản ứng linh hoạt để trước diễn biến mới gì thì cũng ứng phó kịp thời. Tất nhiên cũng tùy khả năng mỗi người, nhưng có ý thức về “mưu lược” và tìm sự “khôn khéo” trong thực hiện thì sẽ giảm bớt rất nhiều khó khăn không đáng gặp. Cũng cần nhớ kỹ: mưu lược khôn khéo hoặc khôn ngoan khác với âm mưu gian xảo và khôn xạo. Sự láu cá thì trước sau cũng bị phát hiện, khi đó có mưu trời cũng không thuyết phục được ai.

Bố thấy con là người trung thực, thật thà. Nhưng mọi thứ đều có cần có giới hạn. Nếu quá thì lại thành ngộc nghệch, dễ bị lợi dụng. Tuyệt đối không để ai lợi dụng mình, nhưng không tiếc sức để giúp người đáng giúp. Không để nước chảy bèo trôi, muốn tới đâu thì tới, mà mọi việc phải có mục tiêu và có cách tốt nhất để thực hiện. Đó là mưu lược và sự khôn khéo trong đời người.


Bài liên quan:
LÊ MẠNH ĐỨC