Không ai có quyền miệt thị dân tộc mình!

Báo mạng Tuần Việt Nam đang mở diễn đàn bàn về trí thông minh của người Việt. Đã có bài của Minh Dũng Người Việt có thông minh không? và bài của Nguyễn Hoàng Đức Người Việt khôn hay dại?, có lẽ còn nhiều bài khác nữa sẽ được đưa lên mạng theo chủ trương của Ban biên tập Tuần Việt Nam.

1. Không biết từ đâu, các tác giả này lại nêu lên vấn đề “đánh giá trí thông minh của người Việt”. Phải chăng là từ sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu được giải Fields? Trước việc một người Việt đạt tầm cao trí tuệ trên quy mô toàn cầu, bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm thấy vui mừng, chuyện Nhà nước tổ chức chúc mừng Ngô Bảo Châu là một thông lệ của nhiều nước trên thế giới (như Tổng thống Pháp chúc mừng Ngô Bảo Châu và một nhà Toán học khác của Pháp cùng đạt giải Fields năm 2010).

Thế nhưng, căn cứ vào thành tích của Ngô Bảo Châu mà tự cao tự đại nói dân tộc Việt thông minh hơn người là không đúng. Ngược lại, một số người Việt, ở trong nước hay ở nước ngoài, viết bài đả kích một cách hằn học rằng, người Việt Nam “dốt”, chỉ chực “ăn theo” tiếng tăm của Ngô Bảo Châu thì quá sai. Có lẽ từ thái độ ngộ nhận quá đà của hai bên mà có diễn đàn: Đánh giá trí tuệ người Việt trên Tuần Việt Nam chăng?

Qua hai bài của Minh Dũng và Nguyễn Hoàng Đức, người đọc thấy các tác giả không làm gì khác hơn là đem cái tôi của bản thân ra để đánh giá các dân tộc trên thế giới, khen nhiều dân tộc đồng thời miệt thị người Việt một cách rất bất công. Minh Dũng viết: “Người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động trực tiếp tới người khác, đã làm nổi bật cái gọi là “thông minh” của người Việt”.

“Văn hóa tiểu nông khiến con người luôn ở thế thủ, chỉ lo cho lợi ích bản thân và trước mắt, ít dám nghĩ chuyện lâu dài, và cũng ít có khả năng nghĩ chuyện lâu dài”.

“Người Việt rất giỏi về các môn “chọc gậy bánh xe”, “qua cầu rút ván”, “gắp lửa bỏ tay người”, “ném đá giấu tay”... Tiểu xảo trong giao thiệp dễ để lại ấn tượng trong lòng người khác một cách vừa bất ngờ, vừa gây kích thích, vừa thú vị và có cả nể sợ. Chỉ thế thôi, tính chất thông minh đã được gắn với người Việt”.

Những đánh giá trên chỉ có thể áp dụng cho một số người cụ thể mà dân tộc nào cũng có chứ không riêng gì người Việt, nhưng lại đem những thuộc tính đó quy kết cho toàn bộ dân tộc Việt thì sai hoàn toàn. Vì sao? Vì khái niệm “người Việt” bao gồm không chỉ những người đang sống trên mảnh đất Việt Nam hôm nay mà cả những người đã sống và đã chết trên đất nước này trong mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Cho nên không một ai có đủ khả năng, có đủ tư cách để phán ra những lời ngạo mạn như Minh Dũng đã nói trên đây.

Chẳng hạn, khi Minh Dũng nói người Việt “chỉ lo cho lợi ích bản thân mình và trước mắt, ít dám nghĩ chuyện lâu dài, và cũng ít có khả năng nghĩ chuyện lâu dài”, thì Minh Dũng không biết gì về lịch sử của dân tộc Việt. Nếu người Việt quả như quy kết của Minh Dũng thì với một nghìn năm dưới ách thống trị của người Trung Hoa, ông bà của Minh Dũng đã trở thành dân Trung Hoa từ hai nghìn năm trước rồi, còn bản thân Minh Dũng bây giờ đã là một người Trung Hoa 100%, chứ làm gì còn nói và viết được tiếng Việt! Chưa kể là sau này, Pháp đô hộ người Việt gần 100 năm, và rồi hai cuộc chiến tranh khủng khiếp mà thực dân đế quốc tiến hành trên đất nước Việt Nam suốt 30 năm của thế kỷ 20 (1945-1975).

Nếu “chỉ lo cho lợi ích bản thân mình” như lời cáo buộc của Minh Dũng thì làm sao người Việt có thể đối phó với những cường quốc mạnh nhất thế giới một thời: Hán, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ, vượt qua mọi khổ nạn để giành được độc lập, thống nhất tổ quốc. Những lời miệt thị người Việt của Minh Dũng như trên quả là lộng ngôn!

2. Cũng theo cái đà “miệt thị người Việt” đó, Nguyễn Hoàng Đức phán ra các từ cực kỳ thô lỗ dành cho người Việt. Nguyễn Hoàng Đức viết: “Cái khôn ranh chỉ là bản năng sống rình mồi kiếm ăn của các loài thú. Chỉ có cái khôn của hiểu biết mới biến con người thành công trình sư cho số phận của mình”.

“Dân tộc Bồ Đào Nha, cách đây vài thế kỷ, cũng chỉ có khoảng vài chục vạn dân, vậy mà họ đã đóng những đoàn thuyền buồm lớn, chạy đua với Tây Ban Nha, sang tận châu Mỹ để tìm kiếm những thuộc địa mới”.

“Còn nước Anh, cách nay nhiều thế kỷ, vào lúc dân số cũng lèo tèo một vài triệu, nhưng đã giong buồm đi chinh phục khắp thế giới với một khẩu hiệu ngạo nghễ rằng: “Mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh”. Viết như thế, Nguyễn Hoàng Đức không còn chút ý thức dân tộc khi hàm ý nhục mạ người Việt không hơn gì loài thú!

Rõ ràng là Nguyễn Hoàng Đức cố ý làm ngơ, hay thật sự không biết một chút gì về lịch sử thế giới! Nguyễn Hoàng Đức có biết rằng người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và người Anh dùng thuyền của họ để đi xâm lược nhiều nước khác, cướp của, giết người, bắt dân châu Phi chở qua châu Mỹ bán làm nô lệ, tiêu diệt nền văn hóa của nhiều dân tộc bản địa ở Nam Mỹ…

Người Việt “tiểu nông” sống hiền hòa trên đất nước mình so với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và người Anh đã phạm những tội ác, gây bao đau khổ cho các dân tộc khác trên thế giới, thì ai “có bản chất thú” hơn ai? Phải chăng với lối viết ấy, tư tưởng của Nguyễn Hoàng Đức chỉ là sản phẩm của “đầu óc thực dân” mà ngày nay tầng lớp trí thức Âu Mỹ đã lên án? (Xem Roger Osborne, Civilization: A new History of The Western World, Pegasus Books xuất bản, New York, 2006).

Nguyễn Hoàng Đức viết: “Ở ngay cạnh nước Việt, có Campuchia, dân số bằng 1/10 nước ta, nhưng lại có công trình Angkor Wat, một quần thể kiến trúc kỳ vĩ và đồ sộ hàng đầu thế giới. Công trình này, có lẽ được xây dựng vào lúc dân số của họ chỉ đếm tới hàng vạn. Còn Việt Nam thì sao?”.

Đúng là Angkor Wat là một trong những quần thể kiến trúc kỳ vĩ và đồ sộ hàng đầu thế giới mà ở Việt Nam không có. Nhưng lấy điều đó để qui kết trí tuệ người Việt thua kém trí tuệ người Campuchia, hay người Campuchia có trí tuệ vượt trội những dân tộc khác trên thế giới, là sai lầm. Vì sao? Mỗi dân tộc có những nét văn hóa khác nhau, những nếp suy nghĩ khác nhau, không ai giống ai.

Vua chúa Việt Nam không lạm dụng uy quyền để bắt dân chúng xây dựng những công trình đồ sộ hao tổn sức người sức của nhưng vua chúa Campuchia thì suy nghĩ khác. Dân số Campuchia ít hơn dân số Việt Nam, nhưng bị huy động một cách quá đáng vào việc xây dựng Angkor Wat. Sức dân bị cạn kiệt. Sau đó, Campuchia rơi vào cảnh suy tàn, dân chúng phiêu tán khắp nước, Angkor Wat bị bỏ hoang phế trong rừng già qua nhiều thế kỷ, người dân Campuchia hoàn toàn không còn nhớ tới nó… mãi đến khi được người Pháp phát hiện ra.

Với những hiểu biết khập khiễng như vậy, tác giả Minh Dũng và Nguyễn Hoàng Đức dám lớn tiếng phê phán dân tộc này dân tộc nọ, đặc biệt đứng trên quan điểm thực dân lạc hậu để miệt thị người Việt mình như đã phân tích trên đây thì quả là lộng ngôn, không thể chấp nhận được.

Ban biên tập Tuần Việt Nam cần xem xét lại việc làm của mình.

QUẢNG THANH