Không bi quan, cũng không quá lạc quan, cần tỉnh táo

“Vì chúng ta đang nhanh chóng tiêu hao cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của trái đất và vì mã di truyền của loài người có chứa các bản năng ích kỷ và xâm lược, cho nên trong vòng hai thế kỷ tới nhân loại sẽ bị tiêu diệt; lối thoát duy nhất là đi khỏi trái đất, di cư tới một hành tinh khác” đó là lời cảnh báo mới nhất của Stephen Hawking (1), một trong các nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới còn sống, một trong những khối óc thông minh nhất của loài người đương đại (*).

Lời cảnh báo này gần giống lời cảnh báo của một số vị chức sắc tôn giáo, hoặc là lời của một số nhà tiên tri. Nhưng đây lại là lời của một nhà khoa học lớn (ở Nga trước đây cũng đã có nhà khoa học đưa ra tiên đoán về ngày tận thế vào cuối thế kỷ này).

Chúng ta hãy nhận xét qua về lời tiên đoán của Stephen Hawking.

Trước hết, mặc dù bao thách thức và đe dọa, xu hướng chính của nhân loại hiện nay vẫn là điều chỉnh, hòa giải để có một môi trường sống an lành, ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển. Dù nguy cơ hạt nhân, nguy cơ chiến tranh, nguy cơ các siêu cường, nguy cơ chiến tranh cục bộ…, xu hướng chung vẫn là phải tỉnh táo, kiềm chế, thương lượng. Người nào định đánh đòn chiến tranh phủ đầu bằng chiến tranh hạt nhân, người ấy sẽ bị tiêu diệt.


Stephen Hawking, dù là người lạc quan nhưng vẫn nghĩ rằng loài người cần phải tìm nơi cư ngụ mới trước khi gặp những tai họa tuyệt diệt.

“Bản năng ích kỷ và xâm lược” trong “mã di truyền của loài người là có thật nhưng nó nằm chủ yếu ở một số người trong giới cầm quyền, chứ nhân dân, nhân loại bình thường thì không có cái mã” ấy. Họ sống lương thiện và chỉ mong hòa bình. Xu thế giữ gìn hòa bình, chặn tay chiến tranh của nhân dân thế giới là khá mạnh. Kẻ có ý định đi xâm lược để kiếm lợi riêng, phải tính tới điều này.

Còn sự cạn kiệt tài nguyên, sự tàn phá môi trường sống, sự ô nhiễm môi trường và thiên tai ngày càng dày đặc hơn…, đang là mối đe dọa lớn, nan giải. Nhưng dù sao nhân loại vẫn đang ráng khắc phục, đấu tranh quyết liệt để khắc phục và bước đầu các nước đã có những cam kết.

Nói như thế không phải là xem thường nguy cơ, rủi ro. Sự sống loài người, mà cho tới nay chỉ có trái đất là nơi duy nhất có được, cần phải được bảo vệ hết mình, cẩn trọng. Lời cảnh báo của Stephen Hawking, về một phương diện nào đó - vẫn có ích. Cho đến hiện nay, theo tính toán của các nhà khoa học, loài người chưa thể tìm ra nơi trú ẩn, ngoài trái đất. Muốn tới một hành tinh gần ta nhất, phải mất tới 50.000 năm!

Vì vậy, cách duy nhất là đấu tranh cho hòa bình, không để nổ ra chiến tranh thế giới, và xem xét, hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những nguồn năng lượng mới...

Lạc quan hay bi quan, loài người cần tỉnh táo, và cần loại bỏ những cái đầu nóng, muốn dùng vũ lực để đe dọa người khác, hoặc muốn “thực dân hóa” trong việc khai thác nguồn tài nguyên về cho mình, để mình phát triển còn “thiên hạ” “sống chết mặc bay”.


(*)

"Trong vòng 200 năm tới loài người cần đi khỏi Trái đất?" Nguyễn Hải Hoành. Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), số 17 (05/9/2010).

(1)

GS suốt đời của Khoa Toán ứng dụng và Vật lý lý thuyết, Đại học Cambridge (Anh) - lời của tác giả bài báo NHH.

VŨ QUỲNH