1. Keith Weller Taylor (KWT) là một sử gia người Mỹ. Muốn trao giải thưởng cho ông ta, Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (VHPCT) phải đọc sách báo của ông ta để biết ông ta viết cái gì và hiểu ông ta viết đúng sai như thế nào. Điều đó đòi hỏi phải rành tiếng Anh và giỏi sử học. Có lẽ ông Nguyên Ngọc (NN), chủ tịch của Hội đồng đó, khó mà đáp ứng hai điều kiện ấy, nên nhờ ông Trần Trọng Dương (TTD), cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm. Thật là tréo ngoe! KWT đâu có viết sách, báo bằng chữ Hán hay chữ Nôm, tại sao lại mời một “ông” Hán Nôm viết bản nhận xét phản biện?
Một người bạn của chúng tôi ở Hà Nội, chắc quen biết với ai đó trong Quỹ VHPCT, gửi cho chúng tôi bản sao bài nhận xét phản biện của ông TTD. Không biết trình độ tiếng Anh của ông TTD đến cỡ nào, nhưng chúng tôi cảm thấy không an tâm khi ông dịch “refresh” là “tự thanh tẩy”, viết và dịch sai đầu đề cuốn sách của KWT: A History of the Vietnamese (Một lịch sử của người Việt Nam) thành The History of Vietnamese (Lịch sử của dân tộc Việt Nam). Không những ông TTD dịch không chính xác mà còn không hiểu KWT: KWT phủ nhận việc có một dân tộc Việt Nam duy nhất. KWT không thừa nhận “người Việt Nam là một cộng đồng thống nhất”(1), thay vào đó ông ta dùng khái niệm “the Việt peoples” (các dân tộc Việt Nam)(2).
Ông TTD không hiểu KWT cũng không có điều gì ngạc nhiên, vì ông không phải là nhà sử học chuyên nghiệp. Ông cho biết ông dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) để vẽ biểu đồ “nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, nhưng ông lại ghi sai.
ĐVSKTT viết: Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục (tức Kinh Dương Vương) làm vua phương Nam (tức nước Xích Quỷ). Lộc Tục trở thành “thủy tổ của Bách Việt”(3). Ông TTD hiểu sai “phương Bắc” là Âu Việt, “phương Nam” là Lạc Việt, nên ghi hai chữ thật lớn: “Âu Việt” trên Đế Nghi và “Lạc Việt” trên Lộc Tục! (xem hình đính kèm). Ông TTD không biết rằng Âu Việt và Lạc Việt chỉ là hai trong nhiều bộ phận của Bách Việt. ĐVSKTT viết bằng chữ Việt, ông TTD còn đọc sai; còn tác phẩm của KWT viết bằng chữ Anh, chắc gì ông hiểu đúng!
2. Ông Nguyên Ngọc tỏ ra tâm đắc với bản nhận xét phản biện của ông TTD. Trong diễn từ bế mạc buổi trao giải thưởng Phan Châu Trinh, ông Nguyên Ngọc sao chép cả ý lẫn lời của ông TTD. Chẳng hạn:
- “KWT có thể coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam cũng như trong giới học thuật quốc tế” (TTD).
- “KT là một trong những nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất, cả ở Việt Nam cả ở nước ngoài” (NN).
- “Taylor là cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam (…). Những người đánh bại ông là ai, họ đến từ đâu trong lịch sử thăm thẳm của nhân loại? Sự kết hợp của thân phận con người và thân phận lịch sử có lẽ đã thôi thúc Taylor, khiến ông trở thành người xông pha miệt mài trong lĩnh vực Việt Nam học trong suốt quãng đời của mình” (TTD).
- “Keith Taylor là cựu binh của chiến tranh Việt Nam. Sống sót sau chiến tranh, ông muốn nghiên cứu kẻ đã đánh bại mình. Họ là ai, họ đến từ đâu trong lịch sử thăm thẳm của nhân loại? Sự kết hợp của thân phận con người và thân phận lịch sử có lẽ đã thôi thúc Taylor, khiến ông trở thành người xông pha miệt mài trong lĩnh vực Việt Nam học trong suốt quãng đời của mình” (NN).
- “Ông là người ở bên kia chiến tuyến… ông đã thử nhập thân vào cách suy nghĩ của người bên này lằn đạn… ông đã “nhập vai” hơi đạt quá” (TTD).
- “Đến từ bên kia chiến tuyến, vậy mà ông giống những người ở bên này một cách lạ lùng” (NN).
- “Taylor có lẽ đã hoài nghi với những gì mình viết vào năm 1983… Trong cuốn sách mới này, ông chỉ dành vỏn vẹn 30 trang để xóa bỏ hết những gì đã viết trong gần 400 trang của cuốn The Birth of Vietnam” (TTD).
- “Ông đã hoài nghi những gì mình viết năm 1983… Trong cuốn sách mới của mình, ông đã dùng 30 trang để xóa hết những gì mình đã viết bằng tưởng tượng suốt 400 trang trước kia” (NN).
- “… Ông đang cố gắng viết lại lịch sử Việt Nam với tính đa diện, đa chiều của nó, lịch sử Việt Nam không phải chỉ là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm, lịch sử của chính trị với vua chúa và quan lại, mà còn là lịch sử của thơ ca, nghệ thuật, thương mại…” (TTD).
- “Đấy là một lịch sử Việt Nam với tính đa diện, đa chiều của nó, lịch sử Việt Nam không phải chỉ là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm, lịch sử của chính trị với vua chúa và quan lại, mà còn là lịch sử của thơ ca, nghệ thuật, của thương mại…” (NN).
v.v…
Không đọc bản nhận xét phản biện của ông TTD, nhiều người cứ ngỡ các ý kiến trên đây là những kết quả của tư duy Nguyên Ngọc, chứ không ai ngờ ông chủ tịch Hội đồng khoa học đi sao chép của người khác.
3. Trở lại với bản nhận xét phản biện của ông TTD.
Ông dành khoảng 5 trang rưỡi để viết về cuốn The Birth of Vietnam, mặc dù ông đã biết cuốn sách này đã bị chính cha đẻ của nó chối bỏ. Vậy thì nhận xét này dùng vào việc gì?
Trong hơn 6 trang còn lại, ông viết về cuốn A History of the Vietnam. Ông viết đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng ở mấy dòng cuối cùng, ông thừa nhận “chưa bàn đúng/sai một cách chi tiết” về cuốn sách này. Nhận xét phản biện mà “chưa bàn đúng/sai” thì nhận xét làm gì? Trong khi những sai lầm của KWT đầy dẫy, chỉ cần đọc các bài viết của các giáo sư sử học (như Norman G. Owen(4), Roberto Buzzanco(5)…) thì ai cũng thấy.
Ông TTD kết thúc bản nhận xét phản biện của mình bằng câu: “…Cuối cùng, ông [KWT] đi đến một vài nhận định cho người bản địa [tức người Việt Nam] rằng: quá khứ của Việt Nam là chuỗi dài của những thử nghiệm thất bại trong việc tổ chức và trị lý xã hội”. Đây là nhận định của một quân báo Mỹ từng bị thương trên chiến trường Việt Nam, hơn là nhận định của một sử gia nghiêm túc.
Ông TTD có vẻ tâm đắc với nhận định ngạo mạn đó của KWT nên đưa ra kết luận: “…Việc người Việt luôn để các học giả nước ngoài “nghiên cứu hộ/suy nghĩ hộ” về chính mệnh vận của mình âu cũng là một việc bất đắc dĩ, bởi ngoài những bất cập về cơ chế, hạn hẹp về kinh tế,… người Việt hiện vẫn đang hãm mình trong những quán tính của quá khứ, của những tư duy hậu phong kiến và hậu thực dân!”.
Ông chuyên viên Hán Nôm mới 35 tuổi cao giọng chê người Việt Nam là “hậu phong kiến, hậu thực dân”. Thế ông là “hậu…” cái gì?
Người Việt Nam chúng ta hoan nghênh các nhà Việt Nam học chân chính, trân trọng mời họ sang nước ta tham dự các hội nghị, hội thảo để trình bày các kết quả nghiên cứu của họ. Còn việc KWT nghiên cứu về Việt Nam, đó là chuyện riêng của KWT. Không biết hai ông NN và TTD có nhờ KWT “nghiên cứu hộ/suy nghĩ hộ” hai ông hay không, chứ người Việt Nam không nhờ, nhất là vì đã biết rõ các ý đồ xấu của viên cựu chiến binh trong đạo quân xâm lược này, như tạp chí Hồn Việt số 92 đã phân tích.
_____
(1) Một cái nhìn mới về lịch sử Việt Nam (www.bbc.uk/vietnamese).
(2) Regional Conflicts Among the Việt Peoples between the 13th and 19th Centuries (trong Guerre and paix en Asie du Sud-est, NXB L’Harmattan, Paris, 1998, tr.109).
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, tập I, tr.117.
(4) Norman G. Owen, Revising History, Revisioning Vietnam
(http://asiapacific.anu.edu.au/newmandala/2014/05/28/review-of-a-history-of-the-vietnamese-tlc-nmrev-lxxii).
(5) Roberto Buzzanco, How I Learned to Quit Worrying and Love Vietnam and Iraq
(http://www.counterpunch.org/2005/04/16/how-i-learned-to-quit-worrying-and-love-vietnam-and-iraq).