Không có chuyện Hoạn Thư cùng Thúc Sinh xem Kiều viết kinh

Hồn Việt số 45 (tháng 4/2011), trong phần dẫn đề bài Bậc thầy thư pháp Vương Hy Chi và bài Lan Đình tập tự, tác giả Phạm Thị Hảo có viết: “Đọc Truyện Kiều đến đoạn nàng Kiều bị Hoạn Thư hành hạ trước mặt Thúc Sinh để “xả ghen”, chắc ai cũng thấy xót xa.

Song đễn chỗ cùng Thúc Sinh xem Kiều chép kinh, Hoạn Thư phải thán phục thốt lên thành lời: “Khen rằng bút pháp đã tinh/ So vào với Thiếp Lan Đình nào thua” thì chắc mọi người cũng có phần hả dạ”. Và tác giả bình: “Chỗ này Hoạn Thư đánh giá cao tài năng của đối thủ, không chỉ khen ở mức độ viết chữ đẹp mà khen sự tu dưỡng văn hóa không phải tầm thường, khen ở chỗ bút pháp tinh diệu có thể so với nghệ thuật thư pháp nổi tiếng của Vương Hy Chi – một bậc “Thánh thư" đời Tấn””.

Sự thật có phải như tác giả Phạm Thị Hảo viết không? Hãy để chính văn bản Truyện Kiều phân định.

Hoạn Thư cho Kiều ra Quan Âm các “giữ chùa, chép kinh”, “Áo xanh đổi lấy cà sa/ Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền”. Thời gian trôi đi “Nâu sồng từ trở màu thiền/ Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu”. Nàng Kiều âm thầm đau khổ “Cửa thiền then nhặt lưới mau/ Nói lời trước mặt rơi châu vắng người” và “Gác kinh viện sách đôi nơi/ Trong gang tấc lại gấp mười quan san”. Qua đó, ta thấy từ khi Kiều ra Quan Âm các thì Kiều chưa hề gặp lại Thúc Sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế rồi, một tình huống xảy ra: “Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà” (câu 1940) thì Thúc Sinh đã làm gì? “Thừa cơ Sinh mới lẻn ra/ Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng/ Sụt sùi giở nỗi đoạn trường/ Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh” (câu 1941 đến 1944). Sau cơn xúc động, khóc lóc với nàng Kiều, Thúc Sinh đã thành thật: “Đã cam chịu bạc với tình/ Chúa xuân để tội một mình cho hoa”.

Và khi nghe nàng Kiều than thở “Chút thân quằn quại vũng lầy/ Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao”, “Liệu bài mở cửa cho ra/ Ấy là tình nặng ấy là ân sâu” thì Thúc Sinh xui Kiều “Liệu mà xa chạy cao bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi/ Bây giờ kẻ ngược người xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời nước non/ Dẫu rằng sông cạn đá mòn/ Con tằm đến thác cũng còn vương tơ/ Cùng nhau kể lể say sưa/ Nói rồi lại nói lời chưa hết lời/ Mặt trông tay chẳng nỡ rời”.

Như vậy, Thúc Sinh gặp Thúy Kiều chỉ là khóc lóc, than thở, mà chẳng thấy có chỗ nào nói đến việc Kiều chép kinh và cũng chẳng có chỗ nào nói Thúc Sinh xem Kiều chép kinh, cho đến khi “Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa” thì hai người mới “Nhịn ngừng nuốt tủi đứng ra” và “Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào/ Cười cười nói nói ngọt ngào/ Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi”.

Trước tình huống bị bắt quả tang này, Thúc Sinh đành nói dối: “Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh”, để hợp lý hóa việc có mặt ở Quan Âm các, có mặt bên nàng Kiều là do vô tình chứ không phải có chủ định. Đã nói dối “xem viết kinh” thì phải có nhận xét gì về chữ viết chứ! Thế là chàng Thúc phải bịa tiếp bằng lời khen “…bút pháp đã tinh/So vào với thiếp Lan Đình nào thua”.

Lời “dối quanh” đó Hoạn Thư có biết không? Chắc chắn là biết, biết tỏng tòng tong sự thật ra sao. Căn cứ vào đâu? Khi Hoạn Thư, Thúc Sinh “nối gót thư trai cùng về” thì Kiều “Rỉ tai hỏi lại hoa tì trước sau”. Hoa tì nói gì? “Bà đến đã lâu/ Dón chân đứng nép độ đâu nửa giờ/ Rành rành kẽ tóc chân tơ/ Mấy hồi nghe hết đã dư tỏ tường/… /Chán tai rồi mới bước lên trên lầu”.

Những trích dẫn trên đã khẳng định một điều: Hoạn Thư có biết, có “xem” nhưng xem hai người tự tình chứ không phải cùng Thúc Sinh “xem Kiều viết kinh” như tác giả Phạm Thị Hảo đã viết. Thế là đã rõ, không có chuyện Hoạn Thư cùng Thúc Sinh xem Kiều chép kinh như đầu bài này đã nêu.


Tin liên quan:

Nguyễn Duy Hiển