Với tư cách một khán giả bình thường, yêu thích ca nhạc, mong ước hoạt động âm nhạc nói riêng và sinh hoạt văn hóa nói chung, không tiếp tục xuống cấp nữa, tôi thấy cần lên tiếng phản đối không chỉ việc hát nhép mà cả với việc mang đĩa ghi âm sẵn phần nhạc đệm lên sân khấu, đặc biệt là trong những chương trình lớn, những lễ hội quy mô quốc gia hoặc có bạn bè quốc tế tham dự.
Tôi nhớ, cách nay khá lâu, khi tổ chức một chương trình ca nhạc công phu, quy tụ nhiều ca sĩ hạng sao, ban tổ chức đã tự đánh giá là “dũng cảm” do đã mạnh dạn huy động một lực lượng nhạc công hùng hậu của dàn nhạc giao hưởng cùng một ban nhạc trẻ nổi tiếng. Bản thân tôi đã rất hào hứng được dự khán chương trình này.

Nhiều chương trình sân khấu tạp kĩ hiện nay là hát nhép
và ban nhạc chỉ đứng múa. Ảnh minh họa.
Sau lần đó (chương trình cùng tên tiếp tục diễn ra về sau và mang các số thứ tự), có lẽ bởi nhiều lý do, đơn vị chủ quản đã tự hạ thấp tầm nghệ thuật của chương trình bằng cách đem nhạc máy (ghi âm sẵn) thay thế cho nhạc sống.
Nếu tôi không lầm, lãnh đạo văn hóa - nghệ thuật và các vị chức sắc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng tự hào về nền âm nhạc “bác học”, một đội ngũ đông đảo nhạc công tài năng trong các dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Có người còn cao hứng cho rằng lãnh vực này, ta đứng đầu khu vực (!?).
Chỉ tiếc là lực lượng đó (cùng các ban quân nhạc, và có thể cả những dàn nhạc kèn được chọn lọc từ các nhà văn hóa, các giáo xứ…) không được tổ chức, tập hợp để xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện văn hóa lớn, tầm cỡ khu vực, thậm chí còn lớn hơn cả khu vực, từng diễn ra ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vào đó, hiện nay chỉ là một dàn máy có bộ loa công suất lớn và đĩa ghi âm sẵn.
Lẽ đương nhiên, thực trạng này, yêu cầu bỏ ngay việc sử dụng nhạc máy trên sàn diễn là không thực tế. Ở nhiều hoạt động văn hóa hoặc quảng bá thương mại, mấy tiết mục ca nhạc chỉ cốt tạo không khí, không phải là một chương trình đúng nghĩa, có lẽ cũng chỉ nên đặt yêu cầu chống hát nhép.
Tôi đã dự một trận cầu chung kết giải trẻ toàn quốc tại một tỉnh trên cao nguyên. Trước giờ khai mạc có vài ca sĩ (có cả ngôi sao ca nhạc) trình diễn vài bài giữa sân bóng với phần nhạc đệm ghi sẵn. Yêu cầu ở đấy phải có dàn nhạc sống thì quả là máy móc và còn buồn cười nữa.
Đứng ở hàng đầu trong các đơn vị trình diễn âm nhạc hiện nay là Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch của một thành phố lớn. Nhưng khán giả với rất đông là người nước ngoài, chỉ được nghe “sống” phần giao hưởng hoặc dàn nhạc dây, còn đến phần vũ kịch thì xin mời “quý khán giả” thưởng thức những bước nhảy cổ điển điêu luyện của những vũ công tài ba trong tiếng nhạc máy!
Nên chăng, các tổ chức, đơn vị lớn nên đi đầu trong việc dẹp bỏ việc sử dụng nhạc ghi âm (và nhạc trên CD của nước ngoài) trên sàn diễn, nhất là ở những sân khấu lớn, phần nào mang bộ mặt quốc gia hoặc một vùng, miền?