Đúng ba mươi năm trước, ngày 11-3-1985, khi trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đưa ra tuyên bố rằng đồng chí Mikhail Sergeevich Gorbachev được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đã vang lên những tràng pháo tay truyền thống. Không ai nghe thấy trong đó âm thanh của những hồi chuông tiễn đưa Liên bang Xô viết trên chặng đường cuối cùng của nó.
Mặc dù sự nghiệp chính trị của Mikhail Gorbachev kết thúc từ 25-12-1991 (ngày hôm đó, ông từ bỏ quyền hạn Tổng thống Liên bang Xô viết, còn Đảng Cộng sản do ông lãnh đạo bốn tháng trước đó đã tan rã), nhưng người ta vẫn nhớ đến ông cả ở Nga lẫn ở các nước lân cận. Ông làm nguyên thủ siêu cường Xô viết cả thảy chỉ sáu năm rưỡi, nhưng thời gian đó đã diễn ra những sự kiện đủ cho cả thế kỷ.
Những huyền thoại về Mikhail
Dĩ nhiên xung quanh nhân thân của ông đã hình thành một hệ huyền thoại. Chính xác hơn, có ba huyền thoại theo các xu hướng khác nhau. Hai ở Nga và các nước hậu Xô viết khác, một ở phương Tây.
Huyền thoại phương Tây đơn giản nhất. Gorbachev là người đã phá vỡ “bức màn sắt” và kết thúc Chiến tranh lạnh. Vì thế mà ông được kính trọng và vinh danh, được giải Nobel và sự biết ơn to lớn. Chuyện gì xảy đến với Liên Xô và những công dân của nó thì người châu Âu và người Mỹ không quan tâm lắm. Rốt cục thì đó cũng không phải là các vấn đề của họ.
Huyền thoại “trắng” của Nga gần với của phương Tây, nhưng nhấn mạnh vào tình hình nội bộ. Gorbachev, “kiến trúc sư của công cuộc cải tổ”, đã đem lại tự do cho chúng ta. Nhờ có ông mà có tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do kinh doanh. Ông phá vỡ hệ thống cộng sản chủ nghĩa - điều này biện minh cho mọi phí tổn. Không nhiều người ủng hộ huyền thoại này, thậm chí không phải tất cả trí thức đều chia sẻ nó. Nhưng vẫn có, và những người ủng hộ huyền thoại đó hết sức tích cực.
Những người ủng hộ huyền thoại “đen” đông hơn rất nhiều. Nó thống lĩnh trong ý thức đại chúng. Theo huyền thoại này, Gorbachev là kẻ phản bội và kẻ phá hủy. Ông đã một cách tự giác chôn Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô viết, hoàn thành ý nguyện của phương Tây. Toàn bộ hoạt động của ông là tội ác chống lại chính dân tộc mình. Ông phải bị phán xét khi còn sống và sau khi chết phải bị thiêu trong hỏa ngục.
Tất cả ba huyền thoại đó đều liên quan đến hiện thực, nhưng chỉ gián tiếp thôi. Tất cả những gì được xem là công lao hay tội lỗi của Gorbachev đều không nằm trong ý định của ông. Ông không có ý định phá vỡ tấm màn sắt, đem lại tự do, hay xóa bỏ hệ thống Xô viết. Vị cựu Tổng bí thư không phải là thiên thần lẫn ác quỷ. Vậy ông là ai?
Kẻ thất bại vĩ đại
Đường công danh của Gorbachev trước tháng 3 năm 1985 là con đường tiêu biểu của một cán bộ cao cấp thành đạt. Có chăng ông chỉ khác những nhà lãnh đạo Xô viết khác ở tốc độ thăng tiến. Điều này chắc chắn nói lên trình độ quan liêu bậc cao của ông, sự khôn ranh và khả năng biết cách có mặt ở chỗ cần thiết vào thời điểm cần thiết.
Chính tốc độ thăng tiến nhanh đã đưa ông đến vị trí cao nhất trong đất nước: sau khi chôn cất ba vị Tổng bí thư trong ba năm, các lãnh tụ già nua của đảng đưa ra một người trẻ nhất. Không ai nghi ngờ nhà cải cách 54 tuổi người vùng Stavropol. Mà ngược lại, sau người được đề bạt Yuri Andropov, người ta mong chờ một sự tái lập trật tự.
Tuy nhiên Gorbachev quyết định theo cách khác. Ông là một nhà sách lược xuất sắc, nhưng là nhà chiến lược tồi. Để củng cố những vị trí của mình và thúc đẩy các ông già, cần phải có những bước đi không theo chuẩn mực. Và vị Tổng bí thư mới khởi động canh tân, tuyên bố “đổi mới tư duy”, cải tổ và “đa nguyên ý kiến”. Về phương diện sách lược thì rất tuyệt - Mikhail Sergeevich đã giữ được vị trí thủ lĩnh của mình. Tuy nhiên, ông chỉ không nhận ra rằng mình đã làm động núi tuyết lở.
Những mâu thuẫn chín muồi sau nhiều năm đã bùng ra, và bắt đầu cuộc suy thoái. Gorbachev ứng biến, luồn lách, làm những bước đi khôn khéo, nhưng điều có thể rất hiệu quả trong tình hình yên ổn thì trong những điều kiện cách mạng lại đem đến thất bại. Thất bại cả đối ngoại lẫn đối nội. Vào năm 1991, Tổng bí thư Đảng kiêm Tổng thống đã hoàn toàn thua cuộc, để mất đảng và đất nước của mình.
Liệu ông có khả năng hành động khác đi và không gây ra thảm họa hay không? Có lẽ có. Mặc dù không một khả năng nào được đề xuất lúc đó có vẻ có triển vọng - cả sự tự do hóa tiếp sau đó lẫn “bàn tay sắt”. Tuy nhiên, nếu như người đứng đầu nhà nước từng gần như có quyền tuyệt đối đó giữ được một chủ trương nhất định (không quan trọng là chủ trương cụ thể nào), thảm họa có thể không xảy ra.
Không xảy ra điều đã xảy ra. Người vô tình khởi xướng những biến đổi lớn không thể giữ được cương, và cả hệ thống sụp đổ cùng với ông. Người ta thường nói rằng Liên Xô sụp đổ là kết quả kế hoạch khôn ngoan của Hoa Kỳ mà Gorbachev dù vô tình hay hữu ý đã đi theo. Dễ hiểu rằng phương Tây trong suốt thời gian Chiến tranh lạnh mong đánh bại được kẻ thù chính của mình. Tuy nhiên bản thân người Mỹ (cũng như người châu Âu) cũng bị thất vọng với các sự kiện năm 1991. Phải mất không ít thời gian để họ có thể thích nghi với hình hình và bắt đầu có được lợi ích từ nó.
Người ta nói rằng có thể bước vào lịch sử, mà cũng có thể bu vào lịch sử. Nơi Gorbachev cùng lúc có cả hai thứ đó.
Những bài học Xô viết
Sau khi từ chức, Gorbachev vài lần xuất hiện ở trung tâm chú ý. Chẳng hạn vào năm 1996, ông tranh cử tổng thống Nga. Các nhà công nghệ chính trị sau đó đùa ác, rằng Mikhail Sergeevich đã thành công không ngờ - tỷ lệ ủng hộ ông trong thời gian chiến dịch tăng gấp đôi: từ 1% thành 2%.
Lần cuối cùng người ta nhắc đến ông là vào năm ngoái, khi 5 đại biểu của Viện Duma quốc gia gồm ba đảng (“Nước Nga thống nhất”, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Dân chủ Tự do Nga) đề xuất đưa vị tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô ra tòa. Một trong những tác giả của yêu cầu này là đại biểu của “Nước Nga thống nhất” Evgeny Fedorov đã giải thích đề xuất này như sau: “Để đánh giá những quy chế của chính quyền hiện nay cần phải có một phân tích pháp lý đầy đủ và tin cậy các sự kiện năm 1991. Cần tính đến cả những sự kiện thủ tiêu một cách có ý thức các tổ chức chính quyền và việc làm giả các tư liệu trưng cầu dân ý. Việc này giúp chúng ta hiểu được vị thế hiện nay của những thế lực thù địch và công nghệ của họ, mà nói chung vốn ít có sự thay đổi. Ngoài mọi thứ khác ra, việc này sẽ đưa ra bức tranh lịch sử chính trị đúng đắn, cho phép rút ra những kết luận xác thực. Và cuối cùng, việc này sẽ tạo lực đẩy cho phong trào giải phóng dân tộc trên lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô cũ”.
Lý do của các đại biểu đưa ra có vẻ không thuyết phục lắm, mặc dù hạt nhân có lý trong những biện luận của họ là có. Họ cảm thấy rằng cội nguồn của sự khủng hoảng hiện nay nằm ở các sự kiện ở một phần tư thế kỷ trước, bởi vậy cần phải phân tích chúng. Liên quan đến những công nghệ của thế lực đối lập, thì đúng là chúng ít có sự thay đổi. Và chính vì vậy từ lâu đã rõ rằng chống lại chúng có thể không cần đến những viện dẫn mang tính lịch sử pháp lý với quá khứ.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, để hiểu chúng ta đã đi đến cuộc sống như hôm nay như thế nào cần phải nghiên cứu điều đã diễn ra 23 năm trước. Những phương pháp tố tụng hình sự khó có thể giúp ích được điều đó, mà cần phải có sự phân tích lịch sử và chính trị. Rõ ràng rằng hệ thống “những kiến thiết tạm thời” hậu Xô viết, như giáo sư A.M.Salmin gọi như vậy, đang bị sụp đổ. Cần phải hiểu bản chất của nó để hệ thống mới không bị tổn thương như thế.
Còn Gorbachev trong trường hợp này là biểu tượng và nguyên cớ. Khó ai ở Nga (cũng như ở bất kỳ nước cộng hòa Xô viết cũ khác nào) lại trở nên dễ chịu hơn nếu ông già 84 tuổi từ lâu đã rời khỏi đời sống chính trị bị những trừng phạt nào đó. Và có sự trừng phạt nào sánh bằng việc nhận thức rằng sự nghiệp của cả cuộc đời đã kết thúc bằng một sự phá sản hoàn toàn.
-------------------------------
(*) Báo Quan Điểm (Nga) ngày 11-3-2015 (http://www.vz.ru/politics/2015/3/10/733577.html)