Không gian còn giữ mặt người thương yêu

HỮU THỈNH

Điếu văn do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đọc trước linh cữu nhà thơ Tế Hanh.

Sau nhiều năm chống trả với bệnh tật hiểm nghèo, trái tim nhà thơ Tế Hanh đã ngừng đập vào hồi 12 giờ 20 phút ngày 16/7/2009, tại Hà Nội. Ra đi vào tuổi cận kề 90, để lại trên 20 tác phẩm nổi tiếng, Tế Hanh là cây đại thụ cuối cùng toả bóng trên thi đàn hơn nửa thế kỷ qua.

Không ai có thể chọn thời để sinh ra, nhưng người ta có thể chọn đường đi và cách sống. Tế Hanh đã chọn, duy nhất đúng, con đường riêng để đến với thơ, ngay từ lúc còn rất trẻ. Đó là sự thần diệu của tâm hồn. Một tâm hồn căng mọng cảm thương và thành thực, rộng mở và đắm say là kho chứa vô tận của trực giác. Tế Hanh đặc sắc nhất ở trực giác. Những cảnh bình dị bất ngờ được rọi sáng, những phút xuất thần không sao đoán trước được tạo nên cái lộng lẫy riêng của Anh ngay từ buổi đầu. Tập thơ Nghẹn ngào của Tế Hanh được sáng tác chỉ trong vòng hai tuần lễ nghỉ hè, bất ngờ nhận Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 là một danh giá ít ai có thể mơ tới khi chưa đầy 20 tuổi.


Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc điếu văn trong lễ tang nhà thơ Tế Hanh

Tài năng phát lộ là rất khó khăn, nhưng có thể thui chột bất cứ lúc nào. Tế Hanh giác ngộ rất sớm về tài năng và thiên chức. Anh nặng lòng với quê hương, cật ruột với mọi lớp người, coi đó là mảnh đất màu mỡ nhất để nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng. Với Tế Hanh, mọi bí quyết của thơ đều ở trong đời sống.

Sinh trưởng trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước, tốt nghiệp tú tài triết học và nổi tiếng khi còn rất trẻ, Tế Hanh mặc nhiên được xếp vào tầng lớp ưu tú với bao chờ đón trước mặt. Nhưng Tế Hanh đã chọn con đường gian khổ nhất mà cũng là ngắn nhất để đến với thơ ca chân chính.

Anh tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Huế, làm cán bộ giáo dục và văn hoá ở Đà Nẵng, rồi từ đó đi kháng chiến, là một trong những cán bộ lãnh đạo văn nghệ chủ chốt ở Nam Trung Bộ và Liên khu 5 suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Bom đạn, thiếu thốn, bệnh tật không hề làm xao xuyến sự lựa chọn đã được minh định dứt khoát. Vẫn một hồn thơ chân chất, tinh khôi, Tế Hanh bắt nhậy với cuộc sống mới, tình cảm quê hương rộng mở thành cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước, cái nghẹn ngào thuở trước được thay bằng khúc hát anh hùng và tự do. Bước phát triển mới này được ghi nhận bằng Giải thưởng Phạm Văn Đồng được trao cho Anh vào năm 1950.

Những năm đất nước tạm thời chia cắt, không ai hiểu được tâm tưởng, nỗi niềm của người đi tập kết sâu nặng, thấm thía, xót đau như Tế Hanh. Không ai nói được sự phân thân ngày Bắc đêm Nam khắc khoải, vật vã như Tế Hanh. Thương nhớ và khổ đau là có thật, ám ảnh và hi vọng cũng là có thực. Các tập thơ Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng đánh dấu một giai đoạn sáng tác bừng khởi nhất của Tế Hanh. Qua các tập thơ ấy, có thể thấy đất nước trong một người, và qua một người mà hình dung ra đất nước.

Nhiều bài thơ của Tế Hanh trong giai đoạn này đã vượt qua tính nhất thời của một đề tài, một giai đoạn để trở thành cổ điển. Đất nước đã thống nhất, giang sơn đã tụ về một mối sau hơn 30 năm chia cắt. Nhưng nhiều bài thơ của Tế Hanh về một thời chia cắt vẫn còn nguyên giá trị. Một sự hoàn thiện tưởng không còn có thể hoàn thiện hơn được nữa.

Tế Hanh là hiện thân của sự sâu sắc và giản dị, sống ở đâu cũng mở lòng ra với mọi ngời. Ở đâu và làm gì Anh cũng được yêu mến và tin cậy. Với tài năng và phẩm chất đáng kính, Anh được cử tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội Nhà Văn Việt Nam nhiều khoá, nhiều năm tham gia lãnh đạo báo Văn nghệ, lần lượt đảm nhận các cương vị Trưởng ban Đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Thơ với sự gửi gắm và đồng thuận lớn của những người đồng nghiệp. Tận tụy và trung thực, ngoài mong muốn góp phần quy tụ tài năng cho đất nước, Tế Hanh không có tham vọng nào khác. Hồn Anh ấm áp và thoáng rộng, cuộc sống của Anh thanh bần và cao quý, nên không luyện mà được thiền, không gắng mà được dưỡng. Anh nuôi thơ bằng cách đó, bình dị mà cũng khổ công lắm thay.

Tâm sự về nghề, Tế Hanh viết: “Tôi không tin vào những trường phái cho thơ là huyền bí, viết được là do những kinh mộng ảo bên ngoài. Thơ phải gắn với dân tộc và đất nước. Trái tim của nhà thơ rung động theo những chuyển biến quan trọng của lịch sử. Nhưng nhà thơ không nên chạy theo thời sự hàng ngày và biến sáng tác của mình thành những bài báo thông thường”.

Hoà bình có niềm vui của hoà bình mà cũng có khắc nghiệt của hoà bình; xây dựng có nở hoa và có cả những cơn sốt vỡ da. Tế Hanh không phải là người đi thuyết giảng về những điều ai cũng thường thấy. Anh sống tận gốc mọi chuyển động, mọi lẽ đời. Bề ngoài Tế Hanh có vẻ ngơ ngác mà trong lòng thì thăm thẳm âu lo. Chín mươi năm phấn đấu cho những giá trị cao cả, cuộc đời Anh đã trải qua nước mắt và nụ cười, gan góc và thuỷ chung, lúc nào cũng là chính mình, trong bão táp vẫn là mình, trước vinh dự to lớn cũng vẫn là mình. Đạt đến cõi an nhiên như Anh tưởng cũng hiếm lắm thay. Với một tài năng lớn, Anh phát hiện ra những cái phi thường trong những cái bình thường, những vẻ đẹp khuất lấp chờ đợi ở nhà thơ. Càng về sau với độ sung mãn kết tinh, thơ Tế Hanh đạt đến mức cảm thì được mà giải thích thì không được:

Giơ tay tưởng với được tình
Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa

Cuộc đời vốn vô tận, thưa Anh Tế Hanh kính mến, với hôm qua nó là nỗi khao khát vươn tới của thi nhân, với hôm nay nó là chính Anh đấy. Anh đã trở thành vô tận, là mãi mãi. Và Anh chính là lời đáp cho một câu hỏi lớn: Một nhà thơ có thể kéo dài cuộc sống của mình như thế nào?

Với lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn, gia đình và bạn bè đồng nghiệp quây quần tiễn đưa Anh hôm nay. Cả con sông Trà Bồng, con sông quê hương đã vang danh trong thơ Anh cũng gửi hồn sóng về đây tiễn đưa một trong những người con đẹp nhất của Quảng Ngãi.

Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ lớn của dân tộc, người Đảng viên kiên trung và mẫu mực của Đảng, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Anh còn mãi.
Trong giờ phút thiêng liêng này, tưởng không có gì nói về Anh chính xác hơn và thấm thía hơn hai câu thơ của Anh:

Thời gian như nước cuộn trôi
Không gian còn giữ mặt người thương yêu

Hai câu thơ ấy là kinh cầu nguyện của Anh cho một kiếp người. Và hôm nay là kinh cầu nguyện của hậu thế dành cho Anh.

Anh Tế Hanh kính mến, xin Anh hãy yên nghỉ!

Thay mặt Đảng Đoàn, Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam, xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến chị Yến, các cháu và gia tộc họ Trần.

Vô cùng thương tiếc nhà thơ Tế Hanh, phút mặc niệm bắt đầu.

Hà Nội, 19/7/2009

Bài liên quan: