Bố chứng kiến một số gia đình chắt chiu tiền của, cố cho con đi du học ở nước ngoài, những mong con mình có một tiền đồ tươi sáng, rồi lại mừng rỡ đón con học xong trở về… Nhưng sau đó thì hết sức đau khổ vì thấy con mình trở thành một con người xa lạ, khác hẳn trước đây.
Ăn mặc, nói năng, sinh hoạt lai căng, sẵn sàng hỗn láo cãi lại cha mẹ. Nếp sống theo kiểu mà văn hóa Việt Nam ta không thể chấp nhận được. Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta. Mà không phải chỉ những người du học nước ngoài mới vậy. Một số người do thay đổi môi trường sống, nhất là từ nông thôn ra thành thị, ăn chơi đua đòi, trưởng giả học làm sang, từ một người chân chất, nền nếp, biến thành kẻ hợm hĩnh, lố lăng. Bố tạm gọi những người đó là MẤT GỐC.
Vậy GỐC CỦA CON là gì? Gốc của con, của chúng ta là người Việt Nam, là quê hương đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn, cụ thể như con là dân Hà Nội, gốc của con là bố mẹ, là ông bà mình. Truyền thống và nếp sống tốt đẹp của gia đình mà con đã từng sống, nếp sống của người Việt Nam và người Hà Nội mà con đã biết thì phải lưu giữ. Ta sẽ học điều hay lẽ phải, nếp văn hóa của nước ngoài nhưng chỉ để bổ sung cho cái gốc Việt Nam của mình. Hay - dở thì phải cân nhắc thận trọng.
Các nền văn hóa trên thế giới cũng có mẫu số chung. Sự lố bịch của nếp sống thì ở phương Đông hay phương Tây cũng đều gây khó chịu và đều không được chấp nhận… Cũng dễ dàng nhận ra điều hay - dở, ví như, biết xin lỗi, biết cảm ơn, biết chào hỏi, biết nhường nhịn… thì nên học; biết kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ, biết thờ cúng ông bà tổ tiên thì ta nên giữ; gia đình phải tôn trọng nhau, có trên có dưới thì chớ đổi thay.
Tóm lại, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam kết hợp với văn hóa phương Tây sẽ làm cái gốc của mình luôn mới, vững chắc và tốt đẹp. Một điều hết sức quan trọng là: gốc của mình là người Việt Nam. Hãy hết lòng yêu đất nước mình, hết lòng yêu dân mình để tận tụy cống hiến.
Không mất gốc là một điều khó, phải cố tâm rèn luyện, gìn giữ nhân cách cho bản thân, không bị ảnh hưởng dù môi trường sống thay đổi. Giữ cái gốc Việt Nam, gốc của quê hương và gia đình mình ngày một bám sâu trong mỗi người thì dù ta có trình độ, địa vị xã hội cao đến đâu, môi trường sống khác biệt như thế nào thì nhìn lại Ta vẫn là Ta.
Bài liên quan: