Chúng ta đã chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ và có phương pháp khoa học để hội nhập về kinh tế thì ngược lại chúng ta hờ hững, vô tâm, thiếu trách nhiệm, thiếu tổ chức, thiếu khoa học đối với cuộc hội nhập về văn hóa đang diễn ra. Chúng ta đã không nghĩ đến việc nắm lấy thế chủ động ngay từ đầu, trong đó ngôn ngữ đóng một vai trò rất quan trọng.
Cách đây vài tháng, khi xem trên truyền hình chương trình "Ngôi nhà mơ ước", chúng tôi đã chứng kiến một sự việc như sau:
Một cô dẫn chương trình của Đài truyền hình đến thăm căn nhà xiêu vẹo của một gia đình sắp được nhận một ngôi nhà mơ ước. Khi bước vào sân trước của căn nhà thì thấy một cây cảnh rất đẹp. Cô rất thích, kêu lên:
- Quau! đẹp quá!
Quau là tiếng chúng tôi phiên âm chữ wow của tiếng Anh. Lẽ ra nếu tôn trọng tiếng nước mình cô dẫn chương trình ấy phải thay "Quau! đẹp quá!" bằng "Chà! đẹp quá!" hay "Ôi chao! đẹp quá!" hay "Trời ơi! đẹp quá!" hay "Chu choa! đẹp quá!".
Tiếng Việt có biết bao nhiêu chữ để diễn tả sự kinh ngạc, sự vui mừng, sự thán phục, chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại không dùng.
Nhưng không phải chỉ có mỗi trường hợp của cô dẫn chương trình ấy. Hiện nay chữ wow đang rất phổ biến trong giới trẻ chúng ta.
Cùng với chữ wow còn có chữ teen cũng đang được dùng rộng rãi, không những trong giới trẻ mà còn trong các giới khác thuộc mọi giai tầng trong xã hội. Có học qua loa tiếng Anh chúng ta biết teen là cái đuôi của những con số từ 13 đến 19.
Để chỉ nhóm tuổi của mình, tại sao các cô cậu trẻ tuổi của chúng ta không dùng một từ thuần Việt! Tiếng Việt của chúng ta không đến nỗi nghèo. Muốn chỉ nhóm tuổi của các cô cậu thì có tuổi hoa niên, tuổi thiếu niên, tuổi học trò…
Về nhóm tuổi của các cô thì nào là tuổi hoa, tuổi hồng, tuổi ngọc, tuổi cài trâm, tuổi trăng non, tuổi trăng tròn, tuổi tóc thề, tuổi áo trắng, tuổi ô mai…
Qua hai ví dụ nhỏ vừa nêu, chúng ta có thể thấy trên địa hạt văn hóa sự hội nhập thoạt nhìn thì đơn giản nhưng thật ra rất phức tạp. Phức tạp gấp nhiều lần so với sự hội nhập về kinh tế.
Nó đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề. Những vấn đề mà nếu không kịp thời giải quyết sẽ làm cho nền văn hóa của chúng ta dần dần mất đi bản sắc và có nguy cơ bị đồng hóa, bị nuốt chửng bởi một nền văn hóa khác.
Về chuyện wow và tuổi teen, có thể có nhiều người trong chúng ta cho đó là một sự đùa nghịch, một sự bắt chước hồn nhiên và đáng yêu của giới trẻ nhưng nếu chịu nhìn kỹ và chịu nghĩ xa thì chúng ta sẽ thấy tiềm ẩn trong hai chữ có cái bề ngoài hiền lành và vô hại ấy lắm sự rắc rối về sau. Vì nó sẽ lần lần ăn sâu vào nếp sống, cách suy nghĩ của giới trẻ, sẽ lan ra đến các giới khác rồi tiếp theo là sẽ được cả cộng đồng chấp nhận và cuối cùng thì xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta.
Hiện tượng wow - teen (chúng ta tạm gọi như thế cho tiện) là một hiện tượng đáng cho chúng ta phải giật mình. Nó là phần nổi của một tảng băng lớn đang lừ lừ trôi đến gần chúng ta và đang ít nhiều có những ảnh hưởng vừa gián tiếp vừa trực tiếp đến đời sống xã hội và đời sống văn hóa của chúng ta.
Ngày nay cả thế giới đang bước vào thời đại công nghệ thông tin, thời đại kỹ thuật số, trong đó môn tin học đóng vai trò quan trọng nhất vì cần thiết cho tất cả các hoạt động trong đời sống. Nhưng cũng là một môn mà tiếng Anh, tiếng Mỹ đang chiếm ngôi bá chủ. Bá chủ đến độ ở nước ta có một tạp chí chuyên về tin học và có tên là Chip. Rồi password, file, chat, download, floppy disk, entry, keyboard, software…
Do đó muốn biết và giỏi tin học thì phải lệ thuộc ít hoặc nhiều vào tiếng Anh. Ở nước Pháp cách đây vài năm, chính phủ đã thấy sự lệ thuộc này nên có lập một Ủy ban đặc biệt để soạn ra một quyển những thuật ngữ tin học, trong đó software được thay bằng logiciel, computer bằng ordinateur, keyboard bằng clavier, chip bằng puce…
Còn chúng ta đã nghĩ đến việc soạn một bảng thuật ngữ tin học chính thức được Nhà nước phê chuẩn chưa? Vì Việt Nam hóa môn tin học cũng là một cách chứng tỏ sự phong phú và khả năng khoa học của tiếng Việt, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam, không để tiếng Việt bị lai căng, bị biến thành một thứ tiếng nửa Việt - nửa Anh.
Gần bốn mươi năm trước ở Pháp, có quyển "Parlez - vous franglais?" (Bạn có nói được tiếng Pháp lai Anh không?). Tác giả quyển sách là ông Etiemble đã lên tiếng báo động vì sợ tiếng Pháp bị tiếng Anh lấn át.
Ngày nay không biết có ai trong chúng ta nghĩ đến việc viết một quyển sách để đánh lên một tiếng chuông báo động như ông người Pháp Etiemble kia không?
Hiện nay do bị cơn lốc vật chất lôi cuốn, người người nhà nhà học tiếng Anh, trau dồi tiếng Anh, cố làm sao nói được tiếng Anh đúng theo giọng chuẩn, đỏ mặt khi lỡ dùng một câu tiếng Anh sai ngữ pháp, sai cú pháp nhưng đa số lại tỉnh bơ khi dùng sai tiếng Việt, khi thấy mọi người ở xung quanh nói sai viết sai tiếng Việt, khi đọc những bài báo có những từ viết theo kiểu franglais, khi thấy con em chúng ta càng ngày càng thờ ơ với tiếng Việt và dốt tiếng Việt.
Không biết có phải là những dấu hiệu báo trước một sự phá sản các giá trị văn hóa của chúng ta hay không?
Chúng ta không bài ngoại. Chúng ta rất muốn và rất thích học tiếng Anh, nhưng học để mở cánh cửa nhìn ra thế giới, để có thêm bạn bè khắp năm châu, để tiếp thu thêm tinh hoa của những nền văn minh, văn hóa khác. Nhưng nếu học tiếng Anh để bỏ rơi tiếng Việt, làm cho tiếng Việt bị xem như một ngôn ngữ hạng hai trên chính đất nước mình thì như thế có nghĩa là bản sắc văn hóa Việt Nam mà những thế hệ trước chúng ta gìn giữ bao đời nay đang dần dần bị chúng ta đánh mất.
Bài liên quan: